Thuốc giả ở VN: Con voi lọt lỗ kim?

LAN ANH 22/09/2017 02:09 GMT+7

TTCT - Nhìn qua tỉ lệ thuốc giả mà cơ quan quản lý phát hiện được là 0,01% số mẫu, thuốc kém chất lượng là 2% số mẫu, có thể chúng ta sẽ đánh giá là có rất ít thuốc giả trên thị trường. Nhưng...

Người bệnh không bao giờ muốn mình trở thành nạn nhân của thuốc giả. -Ảnh: Thuận Thắng
Người bệnh không bao giờ muốn mình trở thành nạn nhân của thuốc giả. -Ảnh: Thuận Thắng

 

Tháng 8 vừa qua, người tiêu dùng xôn xao khi Cục Quản lý dược, Bộ Y tế ra thông báo phát hiện thuốc giun giả nhãn hiệu F. - một nhãn hiệu thuốc giun khá phổ biến. Điều nguy hại là thuốc giả đã ra thị trường, phát hiện tại một nhà thuốc ở Q.Tân Phú, TP.HCM.

Lỗ hổng quản lý ở đâu?

Theo Cục Quản lý dược, có ba cách nhận biết thuốc giun F. giả: mã số bao bì hộp thuốc giả là 991-013-064, số lô sản xuất, ngày sản xuất và hạn dùng in thường, khi sờ không cảm nhận được, hạn sử dụng cách nhau bởi gạch chéo...

Trong khi thuốc thật có mã số bao bì ghi 991013240, số lô sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng được in nổi và cách nhau bởi dấu chấm.

Hãy thử nhìn hướng dẫn phát hiện thuốc giả của Cục Quản lý dược, để thấy nếu không biết trước đó là thuốc giả, không ai trong chúng ta có thể nhận biết được thuốc giun đó giả hay thật.

Thử nhìn lại các vụ thuốc giả được phát hiện gần đây: tháng 4-2017 phát hiện thuốc V. 20mg giả, dấu hiệu nhận biết chỉ là chữ in trên nhãn vỉ thuốc giả mờ nhòe hơn thuốc thật và một chữ trong tên nhà sản xuất bị sai vị trí.

Cuối tháng 12-2016 phát hiện P. 5mg giả, hai điểm khác lạ so với thuốc thật là thuốc giả đóng chai 500 viên nén và viên màu hồng hoặc cam, trong khi thuốc thật đóng hộp 10 vỉ x 10 viên/vỉ thuốc màu trắng, xanh.

Cũng như nhiều loại thuốc giả khác, P. đã có mặt ở thị trường và mẫu được phát hiện là giả được bán ngay tại trung tâm bán buôn thuốc lớn nhất Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Đăng Lâm - phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư, trung bình mỗi năm toàn hệ thống kiểm nghiệm lấy khoảng 30.000 mẫu thuốc để kiểm tra.

Các mẫu này được lấy theo “định hướng”: theo dõi và tính điểm dựa các số liệu lịch sử để lựa chọn hoạt chất và nhà sản xuất có nguy cơ cao để lấy mẫu, điểm càng cao thì nguy cơ bị lấy mẫu kiểm tra càng cao.

Bên cạnh đó, sẽ có một số mẫu được lấy ngẫu nhiên trên thị trường. Tính chung cả hai nhóm mẫu này, năm 2016 tỉ lệ thuốc giả phát hiện được là 0,01% số mẫu, thuốc kém chất lượng là 2% số mẫu, thuộc hầu hết các nhóm thuốc từ đắt tiền đến thuốc thông thường không ai tưởng tượng ra là có hàng giả.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, với số lượng trên 30.000 mặt hàng thuốc đang có mặt trên thị trường thì số mẫu lấy như trên là chưa nhiều, chưa kể là với quy định hiện hành cơ quan kiểm nghiệm chỉ có thể lấy mẫu thuốc trên kệ để kiểm nghiệm, nếu có thuốc giả nhưng không bày trên kệ thì không phát hiện được.

Bên cạnh đó, thuốc giả hầu hết bị phát hiện khi đã ra thị trường và mức độ làm giả ngày càng tinh vi nên nguy cơ người bệnh mua dùng phải hàng giả ngày càng cao.

“Trước đây còn có thể phân biệt thuốc giả - thật dựa trên một số dấu hiệu trên vỏ hộp, vỉ hoặc viên, nhưng gần đây thuốc giả được làm tinh vi tới mức ngay cả nhà sản xuất cũng không biệt được” - một chuyên gia cho biết.

VN cũng như nhiều quốc gia khác đang phát hiện thuốc giả, thuốc không đạt chất lượng thông qua hậu kiểm (sau khi thuốc đã ra thị trường). Nhưng cách làm này chỉ hiệu quả khi đầu vào đạt mức độ kiểm soát chuẩn mực.

Tuy nhiên đầu vào thị trường thuốc VN quả là chưa ổn khi cơ quan quản lý chưa khảo sát và đánh giá thực tế hầu hết cơ sở sản xuất cung cấp thuốc vào thị trường (gần đây Cục Quản lý dược đã tổ chức chuyến khảo sát tại một số cơ sở sản xuất thuốc ở Ấn Độ).

“Để xuất khẩu được một loại trái cây đi nước ngoài, chúng ta phải mất bảy năm để nước bạn đánh giá thực tế khu vực sản xuất và khảo sát chất lượng, nhưng nhập khẩu thuốc chữa bệnh vào VN thì thời gian ngắn hơn nhiều” - một chuyên gia nhận định.

Cần thêm chuyên gia

Trong vụ phát hiện thuốc điều trị ung thư H-Capita giả mạo nguồn gốc xuất xứ vừa qua, phát biểu tại cuộc họp với lãnh đạo các cơ quan báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng Công ty VN Pharma đã làm giả một cách tinh vi các giấy tờ như chứng nhận thuốc lưu hành tự do, chứng nhận nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc, dẫn đến 10 chuyên gia trong hội đồng không phát hiện được thật - giả bằng mắt thường.

Thị trường VN hiện có 30.000 loại thuốc lưu hành, nếu tính theo các loại giấy phép lưu hành từ 1-5 năm, thì trung bình mỗi năm cơ quan quản lý dược phải xem xét cấp lại, cấp mới khoảng 6.000 hồ sơ.

Và dù kiểm tra rất kỹ, rất chặt - theo đánh giá của Bộ Y tế, nhưng trong hai năm qua đã có hàng loạt thuốc bị rút số đăng ký vì lý do “hồ sơ không đúng với thực tế của thuốc” - tương tự lý do Cục Quản lý dược rút giấy phép lưu hành bảy thuốc kháng sinh giả mạo nguồn gốc xuất xứ do VN Pharma nhập khẩu năm 2014, hiện đang gây xôn xao dư luận.

Tại cuộc họp báo sau phiên họp Chính phủ đầu tháng 9, ông Nguyễn Viết Tiến nhận định nếu ông là thành viên hội đồng xét cấp đăng ký lưu hành cho các thuốc được VN Pharma nhập khẩu, ông cũng không phát hiện ra đó là hồ sơ giả.

Ông Tiến đề nghị hội đồng có thêm chuyên gia giám định hồ sơ, giấy tờ, chữ ký..., bên cạnh các chuyên gia về pháp chế, dược lâm sàng... như hiện hành. Theo ông Nguyễn Đăng Lâm, thuốc giả hiện nay được làm giả rất tinh vi, làm giả cả tem chống hàng giả với mã số y như thật.

Thuốc giả đã có một quá trình “tiến hóa” vượt bậc trong khi cách chống thuốc giả của chúng ta vẫn không có gì thay đổi.

Thỉnh thoảng lại thấy đợt lấy mẫu theo kế hoạch, nếu có phát hiện thuốc giả, thuốc không đạt chất lượng thì thông báo, không phát hiện thì thị trường lại êm ắng.

Có phải vì vậy mà nhiều tổ chức quốc tế từng cảnh báo VN nằm trong vùng có nhiều thuốc điều trị sốt rét giả? Nếu căn cứ trên tỉ lệ 0,01% mẫu thuốc kiểm tra là hàng giả thì nhận xét kể trên là không có căn cứ.

Vậy, bao nhiêu người bệnh hi vọng uống thuốc sẽ khỏi bệnh, nhưng chẳng ai biết được bao nhiêu tiền của đổ vào đống thuốc giả?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận