Thương chiến leo thang thành chiến tranh công nghệ?

TRƯỜNG SƠN 25/05/2019 18:05 GMT+7

TTCT - Những diễn biến mới trong cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Huawei, diễn ra trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung, được cho là có thể mở ra “chiến tranh lạnh 2.0”, khi thế giới ngày càng phân cực về công nghệ giữa hai gã khổng lồ, nhất là xoay quanh thế hệ mạng di động tương lai 5G.

Ảnh: The Economist
Ảnh: The Economist

Thứ hai đầu tuần này (20-5), Reuters đưa tin Google đã dừng các hoạt động kinh doanh liên quan đến chuyển giao phần cứng lẫn phần mềm và dịch vụ kỹ thuật với Huawei. Điều này có nghĩa trừ các điện thoại thông minh Huawei đang lưu hành, các điện thoại tương lai sẽ không thể nhận được bản cập nhật hệ điều hành Android từ Google, và không được truy cập các dịch vụ của Google như kho ứng dụng Google Play, Gmail và YouTube.

Quyết định của Google có thể sẽ ảnh hưởng mạnh đến điện thoại thông minh Huawei trên toàn cầu, chứ không chỉ riêng tại Trung Quốc. Đây là những hành động cụ thể, được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua sắc lệnh hành pháp chặn các giao dịch về công nghệ thông tin với Mỹ nếu chúng “nêu ra nguy cơ không thể chấp nhận với an ninh quốc gia Hoa Kỳ”.

Sắc lệnh không nêu đích danh Huawei, nhưng rõ ràng là nhằm vào công ty Trung Quốc, bởi chính quyền ông Trump trước đó đã cáo buộc hãng công nghệ viễn thông này có thể phục vụ mục đích gián điệp. Chính quyền ông Trump cũng đưa Huawei vào danh sách các công ty nước ngoài bị cấm nhập linh kiện từ nhà xuất khẩu Mỹ, trừ khi xin được giấy phép từ Cục Công nghiệp và an ninh Hoa Kỳ (BIS), thuộc Bộ Thương mại.

Đây là đòn giáng trực tiếp vào hoạt động của Huawei, bởi tập đoàn Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào một số nhà cung cấp linh kiện ở Mỹ. Theo CNN, Huawei nhập khoảng 70 tỉ USD linh kiện từ 13.000 nhà cung cấp toàn cầu trong năm 2018. Trong số này, khoảng 11 tỉ USD là mua từ các công ty Mỹ, trong đó có chip của Qualcomm, phần mềm của Microsoft và hệ điều hành di động Android của Google.

Chiến tranh lạnh 2.0

Viết trên Business Insider ngày 17-5, tác giả Linette Lopez nhận định sắc lệnh mới nhằm vào Huawei - một công ty cụ thể thay vì hàng hóa nói chung - của ông Trump sẽ đưa cuộc chiến thương mại với Trung Quốc leo thang thành “chiến tranh lạnh công nghệ”.

Ngoài sắc lệnh nói trên, một nhóm thượng nghị sĩ đang soạn thảo đề xuất cấm bán công nghệ Mỹ cho bất kỳ công ty Trung Quốc nào vi phạm trừng phạt của Mỹ khi làm ăn với các nước như Iran hay Triều Tiên.

Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ cũng đang cân nhắc thông qua đạo luật kiểm soát chuyển giao công nghệ với Trung Quốc (China Technology Transfer Control Act) nhằm đưa toàn bộ công nghệ chủ chốt được nêu trong “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc 2025), chương trình đầy tham vọng đưa Trung Quốc hòng dẫn đầu thị trường công nghệ toàn cầu, vào danh sách kiểm soát xuất khẩu như đã làm với Huawei. “Đây là những bước đi mang màu sắc chiến tranh lạnh hơn là chiến tranh thương mại” - Lopez viết.

Tương tự, Washington Post mô tả một thế giới tương lai phân cực về công nghệ - một bên dùng mạng 5G của Huawei để mua hàng trên Alibaba và kết nối trên mạng xã hội WeChat, bên còn lại sử dụng các nền tảng công nghệ của Mỹ như Amazon, Google và Facebook - và gọi đó chiến tranh lạnh 2.0, với khác biệt về công nghệ thay vì hạt nhân và hệ tư tưởng.

Với việc ông Trump kêu gọi các nước cùng e dè Huawei, biên tập viên tạp chí Wired, Nicholas Thompson, cũng hình dung một thế giới mà các nước sẽ buộc phải chọn giữa hai cực Mỹ - Trung khi lựa chọn công nghệ cho quốc gia của mình.

Nguồn cơn

Theo báo Anh The Guardian, những hoài nghi về mối liên hệ giữa Huawei và hoạt động gián điệp xuất phát từ luật tình báo ban hành năm 2017 của Trung Quốc, vốn yêu cầu các công ty phải hợp tác với chính phủ nếu được lệnh. Điều này đồng nghĩa Huawei có thể sẽ buộc phải tuân thủ yêu cầu thu thập thông tin của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, chủ tịch Huawei Lương Hoa (Liang Hua) cho rằng điều luật này sẽ không bao giờ được thực thi, do lẽ “(cũng) không có điều luật nào quy định chúng tôi sẽ phạm tội hình sự nếu từ chối làm theo yêu cầu của các đơn vị tình báo”. The Guardian dẫn lời Lương chủ tịch nhấn mạnh Huawei không có ý muốn do thám người dùng phương Tây, và rằng các quan ngại về điều luật mà Nhà nước Trung Quốc yêu cầu các công ty phải hợp tác với cơ quan tình báo đã bị “phóng đại”.

“Chúng tôi sẵn sàng ký thỏa thuận không gián điệp với Chính phủ Anh” - ông Lương nói với báo giới trong chuyến thăm London giữa tháng 5, và khẳng định linh kiện của Huawei không hề có ẩn phần mềm gián điệp.

The Guardian cho biết đây là lần đầu tiên đại diện Huawei công khai đưa ra cam kết về thỏa thuận không gián điệp, động thái được xem là để trấn an các chính trị gia Anh, sau khi Hội đồng An ninh quốc gia nước này đồng ý về mặt chủ trương cho phép Huawei tham gia cung cấp các thiết bị “không chủ chốt” cho hạ tầng 5G sắp tới.

Không phải mọi tiếng nói đều ủng hộ các động thái của Mỹ. Cũng có ý kiến cho rằng cuộc đối đầu giữa Mỹ và Huawei dai dẳng là vì Hoa Kỳ đưa ra nghi ngại nhưng không cho phép bên bị cáo buộc được tự chứng minh mình trong sạch.

Theo kênh CNBC, Huawei đang phát triển mạnh ở châu Âu vì các quốc gia ở châu lục này áp dụng quy trình giảm thiểu nguy cơ khi chọn sử dụng sản phẩm của Huawei. Song Mỹ từ chối cách làm này, vì cho rằng không ai đủ khả năng để kiểm tra các nguy cơ tiềm tàng của Huawei.

Andy Purdy, giám đốc phụ trách bảo mật riêng cho thị trường Mỹ của Huawei, cho biết quy trình giảm thiểu rủi ro sẽ cho phép các chính phủ kiểm tra thiết bị, phần mềm công nghệ xem có bị sử dụng cho mục đích xấu hay không.

Huawei nhiều lần yêu cầu Mỹ cứ đặt ra các quy trình như châu Âu đang áp dụng, hoặc như Mỹ đang làm với các công ty công nghệ khác là Nokia hay Ericsson, nhưng “Washington không sẵn sàng thảo luận vấn đề này với chúng tôi” - Purdy nói với CNBC.

Ở chiều ngược lại, Michael Chertoff, cựu bộ trưởng an ninh nội địa Hoa Kỳ, cho rằng không thể lấy chuyện Nokia hay Ericsson ra so sánh, vì vấn đề không chỉ là phần mềm và thiết bị, mà còn là quốc gia đằng sau các công nghệ đó. Trong câu chuyện Huawei, Chertoff cho rằng cần lưu ý vấn đề địa chính trị của Trung Quốc, thay vì chỉ xét đến các thiết bị, công nghệ 5G.

Tại triển lãm công nghệ di động Mobile World Congress hồi tháng 2, chủ tịch luân phiên Huawei Quách Bình (Guo Ping) khẳng định không cài phần mềm gián điệp lên thiết bị và cũng không cho phép bên thứ ba nào can thiệp vào sản phẩm của mình. Ông Quách chỉ trích Mỹ cáo buộc công ty do thám giúp Chính phủ Trung Quốc mà “không hề có bằng chứng”.

Câu trả lời của Mỹ về việc thiếu bằng chứng này là gì? Báo giới đã đặt câu hỏi cho Robert Strayer, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách an ninh mạng, tại một cuộc họp báo bên lề Mobile World Congress ngay sau đó.

Theo tường thuật của Business Insider, quan chức an ninh mạng cao cấp nhất Hoa Kỳ không trả lời thẳng câu hỏi mà chỉ nói: “Thật ra tôi cho rằng câu hỏi phải là: quý vị có muốn sử dụng một hệ thống có nguy cơ bị Chính phủ Trung Quốc can thiệp, hay là tìm một phương án khác, an toàn hơn?”.

Xem ra, đây sẽ là một cuộc chiến chính trị nhiều hơn là công nghệ và thương mại.■

Trang CNET gọi Huawei là một trong những “bí ẩn lớn nhất” trong ngành công nghiệp mạng không dây hiện tại. Bí ẩn là vì cùng là công nghệ và thiết bị của Huawei nhưng có quốc gia e dè, từ chối, có nơi lại sẵn sàng sử dụng, hay vì bất chấp các đòn tấn công của Mỹ, Huawei tuyên bố vẫn tăng trưởng tốt, với doanh thu quý 1-2019 đạt 26,8 tỉ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

CNBC cho biết đây là lần đầu tiên công ty Trung Quốc này công bố báo cáo tài chính theo quý, như một cách ngầm khẳng định không áp lực nào có thể tác động được lên tăng trưởng của Huawei.

Theo BBC ngày 18-5, liên minh tình báo “Ngũ nhãn” (Five Eye) gồm Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zealand, hiện đang không nhất trí về vấn đề Huawei. Úc từ năm ngoái đã ra luật an ninh quốc gia, cấm Huawei và một công ty Trung Quốc khác cung cấp thiết bị cho các công ty viễn thông trong nước, còn New Zealand cấm Huawei cung cấp thiết bị 5G cho một nhà mạng nội địa.

Trong khi đó, Canada và Anh vẫn đang cân nhắc các chính sách liên quan đến Huawei, song London có thể sẽ cho phép công ty Trung Quốc cung cấp các thiết bị “không chủ chốt” cho hạ tầng mạng 5G.

Liên minh châu Âu chưa ban hành quy định áp dụng chung cho toàn khối mà chỉ khuyến cáo từng quốc gia cân nhắc tình hình mà tự đưa ra quy định riêng. Tại châu Á, Hàn Quốc đã thử nghiệm 5G với sự tham gia của Huawei, trong khi Malaysia cũng tuyên bố sẽ cho Huawei tham gia xây dựng hạ tầng 5G.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận