Thủy đài ở Sài Gòn trước ngày "khai tử"

QUANG KHẢI 24/03/2016 01:03 GMT+7

TTCT - Với người dân Sài Gòn qua nhiều thế hệ, chiếc thủy đài (đài nước) khổng lồ đã quá đỗi quen thuộc và gắn bó với họ như một biểu tượng kiến trúc của TP. Sắp tới đây, những “nhân chứng lịch sử” này có thể sẽ biến mất để nhường chỗ cho những công trình khác...

Đài nước 130 năm tuổi được xây từ thời Pháp giữ lại và công nhận là di tích cấp TP - Ảnh: Quang Khải
Đài nước 130 năm tuổi được xây từ thời Pháp giữ lại và công nhận là di tích cấp TP - Ảnh: Quang Khải


Từng là những công trình cấp nước quy mô, đồ sộ bậc nhất Sài Gòn từ khi thực dân Pháp đến cai trị cho đến Mỹ xâm lược, nhiều đài nước hiện nay vẫn còn sừng sững với thời gian. Trong số ấy, có đài nước phát huy hiệu quả, được công nhận là di tích cấp TP.HCM, cũng có nhiều cái được đầu tư tốn kém mà chưa một lần được sử dụng.

Thủy đài 130 tuổi

Nằm lọt thỏm trong khuôn viên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco - số 1 Công Trường Quốc Tế, P.6, Q.3) nhưng nhiều người đi qua khu vực này vẫn nhận ra một thủy đài lớn đặc biệt. Đây là đài nước thứ hai trong hai đài nước được người Pháp xây dựng đầu tiên ở Sài Gòn trong giai đoạn 1878-1886 (đài nước thứ nhất được xây dựng tại vị trí Hồ Con Rùa hiện nay).

Đài nước được thiết kế theo hình oval, cao khoảng 25m, phía trên là hai bồn nước bằng thép không gỉ, hình tròn màu đen. Những bức tường bao quanh đài nước dày từ 1,6-2m làm nhiệm vụ chịu lực thay vì dùng cột bêtông cốt thép.

Điểm nhấn của đài nước là hàng loạt cửa chính, cửa sổ, lỗ thông gió rất to và được thiết kế cầu kỳ. Toàn bộ tầng trệt và tầng 1 để trống (có thời gian Sawaco dùng làm nơi làm việc, lưu trữ hồ sơ). Toàn bộ phần tường được sơn màu vàng (giống màu sơn Bưu điện TP trước đây). Chính nét kiến trúc cổ đặc trưng của đài nước đã thu hút sự tò mò của du khách nước ngoài khi qua khu vực này.

Theo tư liệu nhiều nguồn, sau khi chiếm thành Gia Định (1858), người Pháp bắt tay vào việc quy hoạch xây dựng TP. Ngoài các công trình hạ tầng về giao thông, cơ quan hành chính, người Pháp đã cho xây dựng hệ thống cấp nước phục vụ cư dân Pháp cũng như người dân bản địa.

Hệ thống cấp nước này thông qua các tháp nước (đài nước), lấy tên là Thesvenet - theo tên viên kỹ sư cầu đường giữ chức giám đốc Sở Công chính lúc bấy giờ.

Trong giai đoạn 1878-1880, người Pháp xây dựng tháp nước đầu tiên tại khu vực Hồ Con Rùa hiện nay. Tháp nước hình trụ, được xây kiên cố như một đài quan sát với thiết kế cầu thang hình xoắn ốc lên tới đỉnh, bên trên là bồn chứa nước khổng lồ có mái che.

Đến năm 1886, tháp nước thứ hai được xây dựng gần với tháp nước đầu tiên. Những năm tiếp theo, một loạt giếng cạn (captage) được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sạch cho người dân Sài Gòn tăng nhanh.

Mùa mưa, nước từ các giếng chảy về giếng trung tâm, mùa khô phải dùng bơm. Từ giếng trung tâm nước sẽ được xử lý rồi bơm lên hồ chứa tạo áp lực đẩy nước đến tận các hộ dân. Năm 1921, đài nước tại Hồ Con Rùa bị phá bỏ để xây dựng tượng đài và công trường.

Đài nước còn lại sau một thời gian thực hiện sứ mệnh của mình đã phải tạm ngưng hoạt động từ khoảng năm 1965 đến nay. Trước khi được công nhận là di tích cấp TP, ít ai biết rằng công trình kiến trúc 130 năm tuổi này đã được lên phương án phá bỏ để xây nhà cao tầng nhưng may mắn được giữ lại ở “phút 89”.

Đài nước 130 năm tuổi, được xây từ thời Pháp, được giữ lại và công nhận là di tích cấp TP-Hữu Khoa
Đài nước 130 năm tuổi, được xây từ thời Pháp, được giữ lại và công nhận là di tích cấp TP-Hữu Khoa

 

Số là ba năm trước, UBND TP.HCM có quyết định giao gần 8.300m2 đất cho Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Quảng trường quốc tế triển khai dự án trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, bao gồm cả đài nước trên.

Nghe tin đài nước sẽ bị đập bỏ để triển khai dự án, nhiều cán bộ lão thành Sawaco bị “sốc”. Anh Bảo - chánh văn phòng Sawaco - nhớ lại: “Các cô chú đề nghị bằng mọi giá phải giữ lại đài nước vì đây là biểu tượng gắn liền với sự ra đời và phát triển của ngành cấp nước TP”. Đại diện Sawaco “gõ cửa” khắp nơi nhờ can thiệp.

Tháng 4-2014, UBND TP có quyết định giữ lại đài nước và xếp hạng “di tích kiến trúc - nghệ thuật” cấp TP.

Ông Danh Quý - giám đốc Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Quảng trường quốc tế - cho biết sau khi có “lệnh” của UBND TP, công ty đang có hướng biến đài nước này thành một điểm nhấn để du khách tham quan, thưởng ngoạn khi dự án tổng thể hoàn thành.

Thay vì giữ lại 600m2 diện tích của đài nước, chúng tôi sẽ dành gấp đôi (1.200m2) để cải tạo, bảo tồn di tích, tạo thêm không gian rộng mở hơn” - ông Quý tiết lộ kế hoạch và cho biết sẽ bắt tay thực hiện dự án trên trong năm 2016 này.

Đài nước nằm gần góc đường Nguyễn Văn Đậu - Lê Quang Định (Bình Thạnh) - Ảnh: Quang Khải
Đài nước nằm gần góc đường Nguyễn Văn Đậu - Lê Quang Định (Bình Thạnh) - Ảnh: Quang Khải

 

Xây rồi bỏ hoang

Ngoài đài nước cổ trên, hiện trên địa bàn TP.HCM còn có bảy đài nước khổng lồ hình nấm có tuổi thọ trên 45 năm phân bố rải rác ở các quận, huyện. Ít ai biết rằng những đài nước này được xây dựng khá tốn kém nhưng chưa một lần được sử dụng.

Theo tư liệu lịch sử ngành nước, trong giai đoạn 1940-1950, địa giới hành chính Sài Gòn lúc bấy giờ được mở rộng ra đến vùng Chợ Lớn. Tương ứng với đó, dân số cũng tăng từ khoảng 650.000 người lên gần 1,8 triệu người.

Hệ thống các giếng cạn, giếng sâu đầu tư trước đó đã được khai thác hết công suất khoảng 160.000m3/ngày nhưng không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Lúc này chỉ có khoảng 1/4 dân số được lắp đặt ống nhánh, đồng hồ nước tới tận nhà, còn 3/4 dân số (khoảng 1,35 triệu người) phải dùng nước từ giếng tự đào, vòi nước công cộng.

Sài Gòn giai đoạn này thiếu nước sạch trầm trọng. Đến năm 1958, trong số 71 giếng sâu được khai thác chỉ còn 36 giếng hoạt động. Việc khai thác giếng ngầm quá mức dẫn đến nguy cơ nước mặn từ quận 7, Nhà Bè lấn sâu vào khu vực trung tâm TP và có khả năng làm “tê liệt” các giếng khoan.

Trước tình hình đó, một nghiên cứu dùng nước sông Đồng Nai xử lý rồi bơm về trung tâm TP thay cho các giếng ngầm đã được đề xuất nhưng mãi đến năm 1966 nghiên cứu trên mới được cụ thể hóa bằng việc ra đời của Nhà máy nước Thủ Đức với công suất 450.000m3/ngày (hiện được mở rộng công suất lên hơn 1 triệu m3/ngày).

Khi Nhà máy Thủ Đức hoạt động thì các cụm giếng khoan dần thu hẹp, các đài nước được xây dựng từ thời Pháp cũng ngưng hoạt động. Thay vào đó là những đài nước hình nấm và một số đài nước nhỏ hơn (dung tích từ 1.200-85.000m3) nằm rải rác tại nhiều khu vực.

Sau năm 1975, các thủy đài được ngành cấp nước TP tiếp quản. Lúc này, các hồ sơ kỹ thuật liên quan hầu như không còn, nhiều người gắn bó lâu năm với ngành nước không phải ai cũng biết được tường tận về lịch sử, cơ chế vận hành những đài nước này.

Ông Lý Chung Dân, nguyên phó giám đốc Sawaco, cho biết chỉ nhớ loáng thoáng khi Nhà máy nước Thủ Đức xây dựng ở khá xa khu vực trung tâm, lo ngại áp lực nước giảm dần theo đường ống, đặc biệt khi phạm vi cấp nước được mở rộng nên người Mỹ cho xây dựng hệ thống các đài nước này.

Cơ chế hoạt động cũng khá giống với các đài nước thời Pháp, vào ban đêm khi áp lực nước mạnh, nước sẽ tự chảy vào các đài nước trữ lại ở đó. Khi áp lực nước trên mạng lưới yếu thì nguồn nước từ các đài nước sẽ bổ sung tăng cường.

Mục đích là vậy nhưng khi các đài nước này xây dựng xong (năm 1969) trong quá trình vận hành thử nghiệm thì xảy ra hiện tượng rò rỉ nên phải dừng lại khắc phục. Thời điểm này chiến tranh ác liệt nên việc gia cố chống thấm cho các thủy đài này gặp nhiều khó khăn. Đến khi Sài Gòn được giải phóng thì việc khắc phục vẫn chưa xong.

Khi tiếp quản đài nước, toàn bộ hệ thống van, máy bơm cái bị hư, cái bị tháo dỡ nên không sử dụng lại được. Với kỹ thuật và nguồn lực hạn hẹp nên việc khôi phục các đài nước này không được xem xét rồi dần dà bị bỏ quên” - ông Lý Chung Dân nhớ lại.

Đài nước khổng lồ trên đường Hồ Văn Huê (Phú Nhuận) được xây dựng cách đây 45 năm và để hoang cho đến nay -Hữu Khoa
Đài nước khổng lồ trên đường Hồ Văn Huê (Phú Nhuận) được xây dựng cách đây 45 năm và để hoang cho đến nay -Hữu Khoa

 

Giữ lại hay đập bỏ?

Năm 2000, Sawaco có kế hoạch tái kiểm tra để xem xét việc sử dụng lại các đài nước bị bỏ hoang.

Một đơn vị nước ngoài được mời kiểm tra chất lượng, khi khoan vào bên trong thì thấy sắt thép vẫn còn tốt. Đến lúc bơm nước vào thì có hiện tượng rò rỉ. Hơn nữa, do suốt một thời gian dài không sử dụng nên một số đài nước có hiện tượng bong tróc, đóng rong rêu.

Cùng thời điểm đó, Bộ Xây dựng có ý kiến cho rằng việc sử dụng lại đài nước này giống công năng ban đầu không đảm bảo tính an toàn nên kế hoạch phục chế, sử dụng các đài nước một lần nữa bị phá sản” - ông Dân cho biết.

Dù được đầu tư khá tốn kém nhưng các thủy đài này không đưa vào sử dụng suốt 45 năm qua, dẫn đến lãng phí rất lớn cho xã hội (tổng diện tích mặt bằng các đài nước khoảng 13.000m2). Đó là chưa kể tại một số đài nước bỏ hoang xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm để xây dựng trái phép như đài nước trên đường Phạm Phú Thứ (Q.6).

Lãnh đạo Sawaco cho biết từng nghĩ đến việc tháo dỡ các đài nước này nhưng do chi phí quá cao, cộng thêm giải pháp an toàn chưa được đảm bảo nên chưa thể thực hiện được.

Mới đây, Sawaco nghĩ ra phương án huy động nguồn lực xã hội thực hiện tháo dỡ, sử dụng thông qua hình thức mời gọi các nhà đầu tư xây các hồ chứa nước ngầm, sử dụng lại mặt bằng phía trên hoặc sau khi tháo dỡ để xây dựng trạm châm clo diệt khuẩn. Riêng đài nước trên đường Phạm Phú Thứ (3.200m2) sẽ được bàn giao lại cho quận 6 thực hiện công trình xây dựng trường tiểu học như đã được quy hoạch.

Bàn về quyết định của TP phá bỏ các đài nước, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng xét giá trị văn hóa thì bảy đài nước xây dựng từ thời Mỹ không thể so sánh với đài nước xây từ thời Pháp, chưa kể bảy đài nước trên chưa từng được đưa vào sử dụng.

Vì vậy, đài nước tại số 1 Công Trường Quốc Tế không chỉ là di tích mà cần nâng cấp lên thành bảo tàng vì đây cũng là một công trình cổ gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn, nhất là khi những bảo tàng cổ ở TP hiện nay rất ít. Riêng đối với bảy đài nước xây từ thời Mỹ chưa được sử dụng, việc tháo dỡ là phù hợp.

Tuy nhiên, nên nghĩ thêm các phương án sử dụng thủy đài này, có thể chuyển đổi công năng thành những công trình khác phù hợp chứ không nhất thiết cái nào cũng phải tháo dỡ. Theo ông, Sawaco nên đấu thầu các đài nước này để các nhà đầu tư đề ra các giải pháp sử dụng lại đài nước này sao cho hiệu quả.■

8 thủy đài ở Sài Gòn

Công Trường Quốc Tế (Q.1), góc đường Nguyễn Văn Đậu - Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh), Phạm Phú Thứ (Q.6), đường 3 Tháng 2 (Q.10), góc đường Lê Đại Hành - 3 Tháng 2 (Q.11), đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp), góc đường Nguyễn Tất Thành - Hoàng Diệu (Q.4), đường Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận