Thụy Điển: Khi mỗi hàng xóm là một người bạn...

QUẾ VIÊN (COPENHAGEN) 13/10/2012 10:10 GMT+7

TTCT - Mới đây một công ty địa ốc tại Malmo, thành phố lớn thứ ba của Vương quốc Thụy Điển, đã bỏ ra 1,3 triệu kronor (197.000 USD) cho một chiến dịch khuyến khích những người thuê nhà của họ chào hỏi hàng xóm láng giềng, như trong câu hát “khi mỗi hàng xóm là một người bạn” trong nhạc phẩm bất hủ Happy new year của tứ ca huyền thoại ABBA.

Phóng to

Trên trang chủ của MKB

Từ chào hỏi đến uống cà phê sáng

Công ty MKB Fastighets AB - trực thuộc Hội đồng thành phố Malmo, thành lập từ năm 1946 - là công ty địa ốc lớn nhất tại đây, sở hữu tới 22.539 đơn vị nhà ở và 1.000 mặt bằng kinh doanh, chiếm 33% thị phần nhà cho thuê. Chiến dịch “Sag hej till din granne” được MKB đưa vào thực hiện từ ngày 7-7-2012, dựa trên kết quả một cuộc khảo sát tiến hành vào đầu năm nay: 70% người được hỏi cho biết họ muốn nhờ vả hàng xóm khi cần thiết, 70% tin rằng mối quan hệ tốt với hàng xóm thì tốt cho mọi người và 80% cho biết họ muốn nói chuyện với hàng xóm. Kết quả khảo sát cũng cho thấy cứ trong 5 người được hỏi có 1 người không cảm thấy hoàn toàn an tâm tại nơi mình cư ngụ và cứ 10 người thì có 3 người cho rằng quan hệ của họ với lối xóm có thể được cải thiện.

Chiến dịch này được quảng bá với nhiều hình thức như qua trang chủ www.saghej.se., trang Facebook http://www.facebook.com/saghejtilldingranne (các nước thuộc khối Scandinavia có tỉ lệ người kết nối mạng xã hội cao nhất thế giới), clip hướng dẫn cách chào hỏi (http://www.tv4.se/nyhetsmorgon/klipp/bostadsbolaget-mkb-i-malmo-startar-hejkampanta j-2224893), brochure chỉ dẫn cách chào hỏi, bắt chuyện, hầu tránh đưa ra những câu hỏi chỉ cho phép người ta trả lời “có” hay “không”!

Malmo là khu vực phức tạp nhất Thụy Điển. Thành phố Malmo rộng hơn 280.000km2, có 280.415 người sinh sống, nếu kể cả vùng ngoại ô cũng chỉ có 293.900 người (số liệu năm 2010) nhưng có tới... 170 quốc tịch và 150 tiếng nói khác nhau!

Theo bà Margaretha Soederstroem - người phát ngôn của MKB, đôi khi chỉ cần cười, gật đầu chào hay thể hiện một cử chỉ nhỏ là đủ. “Điều quan trọng là để ý đến người khác và không nhìn đi hướng khác khi chạm mặt ai”.

Tới nay “Sag hej” đã nhận được những phản hồi khá tốt trên Facebook. Có những chia sẻ kinh nghiệm về cách bắt chuyện, và cả những lời than thở là có khi chào ai đó thì không được đáp lại. MKB cũng đã bắt đầu tổ chức những buổi họp mặt uống cà phê sáng thứ sáu cho những người thuê nhà để họ có cơ hội làm quen.

Trả lời phỏng vấn của thông tấn xã địa phương TT, bà Soederstroem cho biết theo kinh nghiệm của bà thì những hộ dùng chung cầu thang, thường chạm mặt nhau thì hay chào hỏi. Do vậy ít xảy ra chuyện quậy phá hay làm phiền nên “chiến dịch này cũng nhằm làm tăng cảm giác an toàn trong cộng đồng dân cư này”.

Điều này đã phản ánh một thực trạng hiện nay của xã hội vốn được coi là “thiên đường” của thế giới: sự bất ổn và tâm lý e ngại lẫn nhau trong các cộng đồng sắc tộc.

"Tiểu Liên Hiệp Quốc" Malmo

Ngày 12-12-2010, người Thụy Điển rúng động khi xảy ra vụ nổ bom (may là quá sớm) gần khu mua sắm Giáng sinh tại thủ đô Stockholm, làm thiệt mạng một người và bị thương hai người. Điều này khiến nhiều người nhận ra rằng nơi đây không bình yên như vẫn tưởng, nhất là giữa các cộng đồng nhập cư. Ví dụ như từ sau khi quân đội Israel tiến vào dải Gaza năm 2009 thì thường xảy ra những vụ người Hồi giáo quá khích quấy rối, phá phách, thậm chí tấn công những người gốc Do Thái. Ngày 27-9 vừa qua đã xảy ra một vụ nổ bom gần trung tâm sinh hoạt của những người gốc Do Thái tại trung tâm thành phố Malmo, rất may không có ai bị thương.

Ngay như giữa cộng đồng Hồi giáo cũng hay xảy ra xung đột khi những người sùng kính gốc Trung Đông cho rằng những tín đồ Hồi giáo Đông Âu không giữ luật Sharia.

Những cộng đồng nhập cư lớn nhất Malmo là Iraq, Đan Mạch, các nước thuộc Liên bang Nam Tư cũ, Ba Lan, Bosnia & Herzegovina, Libăng, Iran, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Somalia. Trong số những người mang quốc tịch Đan Mạch thì đa số là gốc nhập cư, sang Thụy Điển vì nơi đây có các chế độ về nhập cư, bảo lãnh thân nhân dễ dàng hơn.

Những người nhập cư đến Thụy Điển từ thập niên 1970. Từ 15 năm nay số người nhập cư tăng cao, chủ yếu đến từ các nước Hồi giáo. Trung bình mỗi năm có 100.000 người vào Thụy Điển. Nhiều người chọn Malmo vì nằm ở cực nam, khí hậu ấm áp hơn thủ đô Stockholm. Dần dần những cộng đồng được hình thành, thay đổi hoàn toàn bộ mặt thành phố. Một trong những hình ảnh quen thuộc tại đây là những cột ăngten hướng về phía Thổ Nhĩ Kỳ để bắt những đài truyền hình, truyền thanh phát bằng tiếng Ả Rập. Tới nay thì 1/3 dân cư Malmo là người nước ngoài hoặc sinh ra tại nước ngoài và Muhammed hay Mohammed, Mohammad là những cái tên phổ biến nhất cho các bé trai mới chào đời.

Điều đáng chú ý là cùng với sự lớn mạnh của các cộng đồng nhập cư thì tình trạng bạo lực, tội phạm có vũ trang, buôn lậu ma túy cũng gia tăng nhanh chóng (tương tự tại Norrebro, nơi tập trung nhiều người nhập cư ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch). Đó là chưa kể tình trạng bạo lực gia đình, phổ biến nhất là trong những gia đình gốc nhập cư Hồi giáo đến từ Trung Đông và Pakistan.

Theo lực lượng cảnh sát Thụy Điển, Malmo là thành phố có số trường hợp vi phạm pháp luật cao thứ nhì sau thủ đô Stockholm. Cụ thể như năm 2009 có 21.382 trường hợp vi phạm/100.000 dân, trong khi con số trung bình trên cả nước là 15.046/100.000 dân. Chỉ riêng năm 2010 đã có 50 vụ bắn nhau giữa các băng nhóm của người gốc nhập cư. Riêng tại quận Rosengaard, lính cứu hỏa chỉ dám vào đây khi có sự hộ tống của cảnh sát.

Những con số này tuy không phải là ghê gớm so với thủ đô nhiều nước Tây Âu khác nhưng với những người dân Thụy Điển hiền hòa, đã quen với cuộc sống ổn định, thanh bình thì lại là chuyện hết sức đáng lo ngại. Thế nên Malmo hiện nay có thêm một biệt danh là “Chicago của phương Bắc”.

Cũng vì tình trạng bất ổn gia tăng nên dư luận tại đây đã chia làm hai phe. Một phe cho rằng người Thụy Điển hiện nay có tâm lý sợ hãi các yếu tố nước ngoài (xenophobia) và có thái độ thù nghịch đối với những người nhập cư. Phe khác thì chỉ trích các cơ quan truyền thông đã không phản ánh đúng tình trạng phạm tội trong các cộng đồng người nhập cư (vì sợ mang tiếng kỳ thị).

Nhiều người còn cho rằng chính phủ nên siết luật nhập cư như ở Đan Mạch. Trong kỳ bầu cử quốc hội năm 2010, với chủ trương cắt giảm 90% chỉ tiêu người nhập cư, Đảng Dân chủ Thụy Điển đã giành được 5,7% số phiếu, tương ứng với 20 ghế trong quốc hội xứ này.

Phóng to

Banner trên trang chủ của MKB. “är det ni som har så vackra blommor på balkongen”: Có phải ông/bà là người có những bông hoa đẹp trên bancông không?

Xã hội phúc lợi - lý thuyết và thực tế

Điều đáng nói là nếu như tình trạng bạo lực trong những cộng đồng nhập cư tại một số nước, ví dụ như tại Pháp, thường xuất phát từ nguyên nhân kinh tế, thất nghiệp thì tại Thụy Điển kinh tế lại không phải là nguyên nhân chính. Cho dù cũng bị ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu nhưng tới nay nền kinh tế của vương quốc này vẫn vững mạnh, chế độ phúc lợi cho mọi người vẫn được bảo đảm.

Tuy nhiên, cũng chính vì chế độ xã hội phúc lợi cho mọi người mà không ít người bản xứ thấy bất công khi họ phải đi làm cực nhọc, chịu mức thuế cao để có tiền chu cấp cho những người nhập cư, từ nhà ở, chi phí y tế, giáo dục tới khí đốt, vé xe buýt, tiền ăn hằng tháng, tiền nuôi con... Đã vậy trong số này có không ít người tránh né lao động và còn kết bè đảng quậy phá, buôn ma túy, gây mất ổn định xã hội (theo số liệu của Cục Thống kê Thụy Điển năm 2008 thì tỉ lệ người sinh ra tại nước ngoài có đi làm việc tại Malmo là 48% - http://www.thelocal.se/27180/20100611/).

Tỉ lệ người thất nghiệp tại Thụy Điển ghi nhận vào tháng 8-2012 là 7,2%, cao hơn tỉ lệ trung bình từ 1980-2011 là 5,7%. Con số này tuy vậy không phản ánh đúng tình hình thực tế do chỉ căn cứ trên số người có đăng ký trên thị trường lao động, không tính đến những người không tham gia vì lý do sức khỏe, nghiện rượu, ma túy, không biết tiếng Thụy Điển, hoặc chỉ đơn giản là ngồi nhà lãnh tiền trợ cấp còn được nhiều hơn lương lao động phổ thông sau khi trừ thuế.

Tuy vậy vẫn có những người nhìn vấn đề nhập cư dưới góc độ tích cực, ví dụ như ông Ilmar Reepalu, thị trưởng Malmo. Khi được Fox News phỏng vấn về vấn đề người nhập cư, ông Reepalu cho rằng Thụy Điển thật sự cần họ để có thể duy trì chế độ xã hội phúc lợi. Theo ông thì vương quốc này, cũng như nhiều nước châu Âu khác, sẽ thiếu hụt lao động trong vòng 20 năm tới. Ông Reepalu tin rằng giải pháp tốt nhất để giải quyết những vấn đề người nhập cư là tăng cường công tác giáo dục cho thế hệ con em của họ hơn là cắt giảm chỉ tiêu thu nhận (**).

Chiến dịch chào hỏi của MKB như vậy có thể được xem như một sáng kiến mới của thành phố “nhiều màu sắc” này, ngõ hầu làm mọi người xích lại gần nhau hơn, nhất là trong bối cảnh Malmo sẽ là thành phố chủ nhà cho Eurovision 2013, cuộc thi hát uy tín nhất tại châu Âu. Người thắng giải Eurovision 2012 đem lại vinh quang cho Thụy Điển, cô Loreen (Lorine Zeineb Nora Talhaoui) với bài hát Euphoria là một người nhập cư gốc Morocco Berber!

____________

(*): http://denkorteavis.dk/2012/sadan-hetzes-joderne-i-malmo/
(**): http://www.foxnews.com/world/2011/10/28/swedens-immigration-debate/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận