Tìm một con đường, tìm một lối đi...

KHÁNH ĐOAN 06/12/2017 21:12 GMT+7

TTCT- Ba cô gái gặp nhau ở Đại học Kiến trúc TP.HCM, một vượt qua bao sóng gió để từ bỏ nó, một giấu gia đình để chỉ học chọn lọc những môn yêu thích, một đã đánh đổi tất cả để vào cho bằng được. Họ có một điểm chung: vượt ra khỏi khuôn mẫu, tìm một lối đi riêng phù hợp với cá nhân mình.

Phương Uyên (áo xanh) tiếp sức mùa thi giữa một mùa thi đại học. -Ảnh: NVCC
Phương Uyên (áo xanh) tiếp sức mùa thi giữa một mùa thi đại học. -Ảnh: NVCC

 

Trần Phương Uyên, 24 tuổi, sở hữu thành tích học tập đáng nể. Thời cấp III, Uyên là học sinh chuyên văn. Cô thi đại học khối B, ngành y theo định hướng của gia đình nhưng không đủ điểm, đành theo sư phạm, khối A, khoa lý, nơi Uyên học tốt nhưng không hề đam mê.

Hết năm 3, Uyên giấu gia đình thi vào Đại học Kiến trúc TP.HCM và đậu khoa thiết kế nội thất. Hiện Uyên đang theo học song song khoa thiết kế nội thất và khoa kiến trúc, là một trong những sinh viên tiêu biểu của trường.

Phạm Thị Nhật Nghi, 24 tuổi, từng học khoa thiết kế nội thất của Đại học Kiến trúc TP.HCM. Cô hăm hở rời Đà Nẵng với ý nghĩ sẽ tha hồ vẽ nên những không gian thỏa mãn trí tưởng tượng của mình.

Vỡ mộng vì môn học thực tế thiên về kỹ thuật, vì thấy mình không đủ đam mê, vì một chương trình học mà cô nhận thấy xa rời thực tế, vì đội ngũ giáo viên mà cô cho rằng không đủ sức truyền lửa, Nghi bỏ học khi hết năm 3, thử theo nghề bếp rồi hạnh phúc với “Tay của Nghi” - cửa hàng thủ công, nội thất do cô thiết kế theo một “gu” rất riêng mà cô gửi gắm những triết lý sống trong đó.

T.T.V., 20 tuổi, là cô gái hiền lành, thích lắng nghe, quan sát và suy ngẫm hơn là thích nói. Từ nhỏ đã thích vẽ, T.T.V. vào khoa thiết kế nội thất của Đại học Kiến trúc TP.HCM.

Hiện T.T.V. đang học rất hăng say một số ít môn mà cô yêu thích trong chương trình năm 3, bỏ học hầu hết các môn còn lại với ý định sẽ sớm rời... trường. T.T.V. dành thời gian thiết kế một chương trình tự học bận rộn qua mạng Internet, từ bạn bè, từ sách, từ trải nghiệm thực tế. Việc tự học này, theo cô, là để trở thành một con người có giá trị hơn và tự do hơn.

“Tối tối em trèo lên cây mía học bài”

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ chủ đề học văn ở trường, môn mà cả ba đều yêu thích nhưng có người học say mê, người “học cho có”, người chọn không học.

Phương Uyên: Thời cấp III, tôi may mắn được học chuyên văn ở Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Giáo viên phần lớn rất trẻ, có tâm và có tầm. Những giờ văn thường bắt đầu bằng “cà phê đầu giờ”: một bạn kể về quyển sách mình vừa đọc và cả lớp sôi nổi bình luận.

Đó là kiểu học tự do, thú vị, không hề rập khuôn và nhàm chán như trước đây. Quan trọng hơn cả là chúng tôi học được cách cảm nhận văn học và học cách làm người.

Nhiều bạn cộng tác viết báo thường xuyên ngay khi còn đi học, nhưng trớ trêu là tới hồi thi đại học thì điểm văn của cả lớp nhìn chung là thấp. Chúng tôi đã không ngày ngày luyện làm văn theo dàn bài, học thuộc văn mẫu như ở nhiều trường khác.

Nói về văn mẫu, tôi nhớ hồi cấp II, với bài văn tả cây mía, có bạn đã ứng dụng văn mẫu hồn nhiên đến độ chép luôn “tối tối em trèo lên cây mía học bài”.

Tôi không hoàn toàn chống lại văn mẫu, tôi cho rằng văn cũng giống vẽ, vẫn phải vịn tới mẫu khi mình chưa đủ nội lực, chưa phân biệt được đúng sai, nhưng sự sáng tạo và dùng chính sức mạnh của bản thân vẫn là quan trọng nhất.

Nhật Nghi: Tôi rất yêu văn học. Nếu giờ đây có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ chọn ngôn ngữ học, một ngành mà có thể năm 18 tuổi tôi thấy không đủ hấp dẫn để theo đuổi, không mang lại giá trị tài chính cao. Mặt khác, tôi chán ghét cách dạy văn ở trường học.

Từ nhỏ, tôi đã nhận thấy mình không có lý do gì để phải bỏ tâm huyết ra viết văn vì giáo viên không mong chờ đọc những dòng do học sinh tự viết ra.

Cũng có thầy cô bảo không được chép văn mẫu, nhưng trên thực tế thầy cô biết rõ với trình độ giáo viên, với cách dạy học, với giáo trình như hiện nay thì không có văn mẫu là bó tay. Đề văn là của hàng chục năm trước, của những người sống bên cạnh con chó, con gà, con mèo, con vịt, những đứa trẻ sống trong chợ quê, trường làng..., làm sao học sinh thành phố làm được?

Tôi trở thành một người “xào” văn mẫu chuyên nghiệp. Nền giáo dục của chúng ta đào tạo ra hết thế hệ học sinh này đến thế hệ học sinh khác mắt sáng rỡ niềm tự hào lớn lao với điểm 10 đỏ chót vì những câu văn mẫu sáo mòn, nhàm chán. Còn tôi chỉ cười khẩy trong bụng dẫu cũng như những học sinh khác, tôi làm văn theo kiểu gà bài rập khuôn, không cần tư duy, không cần sáng tạo.

T.T.V.: Tôi chưa hề thích môn văn cho đến lúc luyện thi đại học, có cơ duyên gặp một người thầy có tầm, dạy “văn thực chất” thoát ra ngoài giáo trình. Trước đó, tôi học vì nghĩa vụ và điểm số. Còn sau khi gặp thầy, tôi học vì ý nghĩa và giá trị thực sự nó mang lại: học tư duy phản biện và cách suy nghĩ. Theo quan điểm của tôi, văn là một môn rất quan trọng và rất khó để trở thành một giáo viên dạy văn.

Nhật Nghi hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. -Ảnh nhân vật cung cấp
Nhật Nghi hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. -Ảnh: NVCC 



Vượt rào

Những ngày ngồi trên ghế đại học của cả ba cô gái đều đầy bão tố. Cả ba đều không chấp nhận cái khuôn đã đúc sẵn chung cho tất cả.

Phương Uyên: Rớt ngành y, tôi đành học Đại học Sư phạm khoa lý, nhưng càng học càng thấy đây không phải là cuộc đời mình mong đợi. Tôi sợ những quyển sách giấy vàng cũ kỹ chi chít con số. Mỗi sáng thức dậy, tôi chán chường cầm cái máy tính vật lộn với vật lý hạt nhân, không còn một tí niềm vui học tập nào nữa.

Điểm của tôi vẫn thuộc nhóm đầu trong lớp, nhưng tôi biết rõ mình không đủ trình độ, không đủ đam mê để theo đuổi, điểm chỉ là sự lấp liếm mà thôi. Những ngày buồn tẻ tưởng chừng đã chạm đáy càng làm tôi nhận ra cái mình muốn. Vẽ là bản năng của tôi. Chỉ cần một cây bút chì trong tay, tôi không sợ bất kỳ điều gì.

Và tôi manh nha ý định đổi ngành, giấu biệt gia đình. Tôi đi làm thêm rất nhiều từ năm 2 để kiếm tiền luyện thi kiến trúc, một quá trình mang đơn giá hơn 30 triệu đồng - con số rất lớn với sinh viên. Đến năm 3, tôi bắt đầu quá trình bảo lưu, chỉ học vừa đủ để lỡ có rớt kiến trúc vẫn có cửa để quay lại. Mỗi tối, tôi chui vô mùng, giấu gia đình, bật đèn ngủ để luyện vẽ. Gia đình bên nội của tôi toàn dân kiến trúc, ba làm xây dựng, nếu thấy các bản vẽ của tôi là hiểu ngay.

Tôi biết có hôm ba chạy xe theo để xem tôi có vào trường sư phạm hay không. Vừa duy trì học sư phạm lý vừa luyện thi kiến trúc, vừa phải căng sức đối phó với gia đình vừa phải kiếm tiền tự trang trải mọi chi phí..., tôi quá căng thẳng.

Nhưng tôi đã trưởng thành lên rất nhiều, hiểu được giá trị của đồng tiền, hiểu được giá trị của niềm đam mê. Tôi cũng hiểu thế nào là áp lực tài chính, nên sau này năm nào tôi cũng tham gia chương trình tiếp sức mùa thi và những hoạt động thiện nguyện khác giúp sinh viên.

Nhiều người bảo tôi rằng đã xong năm 3 rồi, sao không cố một năm nữa ở sư phạm lý để lấy cái bằng cho an toàn? Tôi sợ nếu học xong, cuộc đời tôi sẽ đóng khung với vật lý nguyên tử. Môn vật lý đã không cho tôi một chút niềm vui nào từ khi chỉ mới ngồi trên ghế nhà trường, làm sao tôi có thể theo nó suốt cuộc đời? Tôi thà mất 3 năm còn hơn đánh đổi cả cuộc đời.

Nhật Nghi: Năm của tôi, khoa thiết kế nội thất vừa được tách ra từ mỹ thuật công nghiệp, ngay cả thầy cô cũng rất mông lung. Đó là một chương trình học chưa hoàn thiện: Tôi đã mong đợi được học A, thực tế ngành học yêu cầu B, còn thầy cô dạy A'. Tới năm 2, tôi nhận thấy cái mình đang học sau này không thể áp dụng được.

Ngành thiết kế nội thất đòi hỏi rất cao, tôi nhận thấy mình không đủ trình độ, không đủ đam mê, nếu có học hết 5 năm, nếu có tốt nghiệp loại giỏi đi chăng nữa cũng không thể tự tin hành nghề được.

Từ năm 3, tôi bắt đầu bảo lưu, chỉ học cầm chừng và bắt đầu mở cửa hiệu “Tay của Nghi” - xem đây là một cách “vỗ béo” tâm hồn, là quãng lặng để tiếp lại sức sống mà quay lại trường.

Hết năm 3, tôi lôi hết những gì mình đã được học để hệ thống lại, lên kế hoạch về những kiến thức tôi mong đợi sẽ tiếp tục học được ở trường và tạm nghỉ. Sau đó, tôi đã quay lại một năm để thử học lại, nhưng chỉ toàn thấy những đồ án bế tắc. Và tôi chấm dứt.

T.V.V.: Tôi quyết định sẽ rời bỏ trường học khi thấy cách dạy học và ngành học không phù hợp với mình. Tôi đã nhận ra có rất nhiều cơ hội học tập khác đáp ứng nhu cầu, sở thích của bản thân, không nhất thiết phải học đại học - nơi tôi buộc phải vào một cái khuôn người khác đã đúc sẵn, học những môn người ta quy định sẵn dù có phù hợp với nhu cầu cá nhân hay không.

Tôi không tin rằng chỉ có một con đường đại học mới dẫn đến thành công, trái lại mỗi người có thể chọn những lối đi thích hợp để việc học giúp họ trở thành con người tự do, được học thứ mình yêu thích, chứ không biến mình trở thành một cái máy học. Tôi quyết định tự thiết kế con đường học phù hợp, hiệu quả hơn thay vì ngồi than vãn.

Hiện tôi đang chọn học một số môn cuối cùng ở trường mà tự tôi thấy có ích cho bản thân. Thời gian còn lại, tôi học từ các chuyên gia, giáo sư tài giỏi khắp thế giới tại những nguồn như Khan Academy, Coursera..., học từ cộng đồng mạng, học từ các chuyến đi trải nghiệm thực tế, từ bạn bè xung quanh...

Tôi đang học về lịch sử mỹ thuật thế giới, một môn tôi từng học ở đại học nhưng hời hợt và nhàm chán, trong khi học trên Khan Academy thì rất sâu sắc, rất thú vị. Tiếng Anh cũng là do tôi tự học được rất nhiều từ trên mạng.

Tôi vừa kết thúc khóa học ngắn ngày ở Hà Nội về giá trị phổ quát do Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) tổ chức, học về việc tôn trọng sự đa dạng, nhân quyền, giá trị con người, học về Hiến pháp, toàn vẹn nhân phẩm... - những điều quá quan trọng cho cả đời người, giúp cuộc sống hạnh phúc hơn, nhẹ nhàng hơn mà lẽ ra học sinh phải được học một cách thực sự ở môn giáo dục công dân.

Tôi cũng học về thực dưỡng, về thiền tập, học cách sống tối giản, học bảo vệ môi trường... - những điều giúp tôi phát triển bản thân, sống hạnh phúc hơn, giúp mình thành con người có giá trị hơn, có ích cho xã hội hơn.

Cuộc sống đâu chỉ cần mỗi kiến thức chuyên môn, phải sống nữa chứ! Tôi tham gia cộng đồng những người tự học: Vietnamese Community of Independent Learners, nơi tổ chức một môi trường như đại học thay thế. Mọi người học lẫn nhau, học qua việc làm, học qua trải nghiệm, học qua các chuyến đi khám phá về lịch sử, văn hóa, môi trường, con người...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận