Tin giả và tin đùa

HẢI MINH 18/09/2019 02:09 GMT+7

TTCT - Hôm 8-9, Hội đồng Nhận thức truyền thông Singapore (Media Literacy Council, tức MLC) đã phải xin lỗi vì một bài đăng trên Facebook của họ có bức ảnh đồ họa gọi việc mỉa mai châm biếm trên mạng là “tin tức giả mạo”.

Ảnh: npr.org
Ảnh: npr.org

Hội đồng này, với các lãnh đạo do Bộ Thông tin và truyền thông Singapore chỉ định, tự giới thiệu trên trang chủ rằng họ là một “nhóm người, các pháp nhân tư nhân và công... đi đầu trong giáo dục đại chúng về nhận thức truyền thông và phúc lợi trên mạng, cũng như khuyến cáo chính phủ về chính sách thích hợp để phản ứng trước một thế giới truyền thông, công nghệ, và sự tham gia của người tiêu dùng thay đổi liên tục”.

MLC phải xin lỗi bởi bức ảnh đồ họa 6 loại “tin giả” được họ liệt kê: bối cảnh ngụy tạo, nội dung mạo danh, nội dung bị sửa đổi, nội dung gây lầm lạc, nội dung câu view, và nội dung mỉa mai châm biếm.

Giống như hầu hết các độc giả của Tuổi Trẻ Cười, phần lớn 250 bình luận để lại trên trang Facebook của MLC cho tới 6h chiều 8-9, theo Channel News Asia, không đồng ý rằng châm biếm hài hước là tin giả. Một số người còn nêu câu hỏi phải chăng chính MLC đang tung tin gây lầm lạc cho dư luận và yêu cầu một lời xin lỗi cũng như cải chính.

Trong thông báo sau đó trong ngày, MLC thừa nhận rằng bài đăng và hình ảnh của họ đã gây ấn tượng sai rằng các nội dung châm biếm trên mạng là tin giả. Vấn đề này ở Singapore nhạy cảm và phức tạp hơn thoạt trông.

Luật ngăn ngừa sai lạc và thao túng tin tức trên mạng (Pofma) ở nước này, vừa thông qua vào tháng 5, không bao gồm ý kiến cá nhân, sự chỉ trích với chính quyền, châm biếm hài hước, hay các nội dung giễu nhại.

Đạo luật này, vốn gây nhiều tranh cãi, nay lại cần được “làm rõ” thêm bởi giới học giả, nhà báo, nhà hoạt động... ở Singapore, sau khi MLC, một cơ quan bán công quyền, đưa châm biếm hài hước vào phân loại “tin giả”. “Châm biếm hài hước không phải là tin giả, đó là sự thật, nó không chịu sự tài phán của Pofma” - giáo sư Leong Ching ở Đại học Quốc gia Singapore viết.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, bài đăng trên Facebook của MLC, lên mạng ngày 5-9 và bị gỡ xuống tối 8-9, cho thấy một vấn đề nhạy cảm hiện nay: rất nhiều người dùng không phân biệt được đâu là đùa cợt, mỉa mai, châm biếm, và đâu là tin tức, ý kiến thực sự trên mạng.

Giữa tháng 8 vừa rồi, trang theconversation.com công bố một nghiên cứu tiến hành trong 6 tháng của họ về thông tin sai lạc và mạng xã hội. Theo đó, cứ mỗi 2 tuần, các nhà nghiên cứu lại xác định 10 tin tức chính trị giả mạo được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội, bao gồm nhiều chuyện châm biếm hài hước.

Các nhà nghiên cứu sau đó hỏi một nhóm 800 người Mỹ xem họ có tin những câu chuyện đang hợp “trend” đó không. Kết quả là 10 tin tức hài hước hàng đầu trên hai trang chuyên châm biếm tin tức ở Mỹ, The Babylon Bee  The Onion, được trên 10% số người tham gia cuộc thăm dò tin là “chắc chắn đúng”.

Một dòng tít điển hình của những tin tức mỉa mai đó: “Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói với các phóng viên rằng công bố báo cáo Mueller sẽ là mối đe dọa với an ninh quốc gia vì quá nhiều người Mỹ sẽ không chịu nổi bằng chứng về sự vô tội của tổng thống”.

Công bằng mà nói, các tin tức hài hước trên The Onion chẳng hạn, thường được trình bày rất chuyên nghiệp, nghiêm túc và thậm chí đánh lừa được cả báo chí chính thống. Một ví dụ là năm 2012, khi bài đăng “Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được bình chọn người đàn ông gợi cảm nhất còn sống” của họ được phiên bản trực tuyến của Nhân Dân nhật báo Trung Quốc dẫn lại. Sau đó The Onion bồi thêm một bài nói trang báo chính thức của Trung Quốc là “văn phòng Viễn Đông của The Onion đã được một thời gian”.

Cũng năm đó, hãng tin bán chính thức của Iran Fars dẫn lại một bài trên The Onion nói một cuộc thăm dò của Viện Gallup cho thấy “người Mỹ da trắng thích tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hơn tổng thống Mỹ Barack Obama”.

Có thể thấy phân biệt châm biếm và tin tức thật đã trở thành một nhu cầu thực tế trên mạng, từ Âu sang Á. Một cách hiệu quả, theo The Conversation, là ghi rõ những gì là châm biếm, như tờ The New Yorker lâu nay vẫn làm với mục châm biếm của họ, lấy ví dụ: “Gấu trắng Bắc Cực đòi đối chất trực tiếp với Tổng thống Trump (châm biếm)”. Người dùng sẽ ít có khả năng hơn tin những dòng tít được chú rõ là “châm biếm”. Facebook từng thử nghiệm tính năng này vài năm trước, và Google News cũng bắt đầu dán nhãn một số nội dung châm biếm.

Xem ra, hài hước trong thời mạng xã hội không dễ!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận