Tôi đã phí hoài 7 năm tuổi trẻ

P.N.D.H. 19/07/2014 23:07 GMT+7

TTCT - LTS: Tham gia loạt “Cuộc chiến của con” kỳ này là bài viết của tác giả P.N.D.H., người cho biết từng là “nhân vật chính” trong một cuộc chiến như thế này.

Kế thừa và tự lập
Tôi sợ hãi và lạc lối...
Nỗi ăn năn của tôi...

Minh họa: Bích Khoa

Bạn chia sẻ câu chuyện của mình để, như bạn viết trong email, “các bạn trẻ dũng cảm hơn... và các vị phụ huynh có cách nhìn đúng đắn hơn trong việc ủng hộ con em mình...”.

Từ nhỏ tôi đã bộc lộ thế mạnh về mỹ thuật. 5 tuổi, tôi bắt đầu tự vẽ búp bê giấy. Học lớp 4, tôi bắt chước các họa sĩ, nhờ em gái mình làm người mẫu để vẽ chân dung. Lên lớp 7, bức vẽ Hoàn Châu cách cách của tôi bị cô hàng xóm “cướp” về treo trong nhà vì bức vẽ “có hồn ghê”.

Suốt những năm cấp III, tôi thường dành thời gian để vẽ, thiết kế trang phục và tập tành tham gia các cuộc thi thiết kế trên báo. Đó là khoảng thời gian tôi rất hạnh phúc và lúc nào cũng hừng hực sức sống.

“Vật lộn tinh thần” ở đại học

Ba chú ý đến những bức vẽ của tôi, tự hào và mang khoe với đồng nghiệp nhưng khi tôi nói sau này muốn làm nhà thiết kế thì cả ba và mẹ đều cho rằng đó là mơ ước viển vông. Ba mẹ muốn tôi thi vào Trường kinh tế, ngành kế toán - một ngành dễ xin việc và an phận đối với một đứa con gái. Ba mẹ thuyết phục tôi, mang nhiều “dẫn chứng sống” ra làm ví dụ.

18 tuổi, tôi không suy nghĩ gì nhiều. Hơn nữa, từ nhỏ ba mẹ đã dạy tôi phải luôn biết nghe lời, không được ý kiến, phát biểu quan điểm vì “con nít biết gì mà nói”. Cách dạy đó khiến tôi thụ động, không có chính kiến, cũng chưa bao giờ thật sự suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề gì. Tôi và chính ba mẹ tôi đã phải trả giá đắt vì điều này.

Bốn năm đại học đối với tôi thật sự là một cuộc vật lộn tinh thần. Hằng ngày lên giảng đường, tôi thấy mình lạc lõng. Những cụm từ “tài chính”, “hạch toán”, “dư nợ dư có”... khiến đầu tôi như muốn nổ tung. Tôi thật sự hiểu cái cảm giác “nuốt không trôi” là như thế nào. Bạn bè trong lớp sôi nổi tranh luận về lạm phát, tỉ giá..., còn tôi tự hỏi tại sao giờ này mình lại phải ngồi đây.

Ba mẹ gây áp lực rất nặng nề. Học kinh tế thôi chưa đủ, họ cần tôi phải giành được học bổng nữa. Cuối mỗi học kỳ, ba đều cất công lên mạng xem điểm thi của cả lớp và so sánh điểm của tôi với điểm của các bạn. Hễ tôi thua điểm là bị la “ngu, dốt”. Sự so bì, chê bai nhiều lúc khiến tôi uất ức muốn phát điên. Dẫu vậy, tôi vẫn ráng gồng mình đạt điểm cao cho ba mẹ vui lòng.

Ban ngày, tôi vẫn lên lớp học hành tử tế, nhưng nhiều đêm tôi nằm khóc. Có lúc sự chịu đựng lên tới đỉnh điểm, tôi tâm sự với một vài người bạn rồi khóc hu hu như con nít. Tuy nhiên, tôi không dám bỏ ngang chương trình học để làm lại từ đầu. Tôi sợ tốn kém tiền bạc của ba mẹ suốt mấy năm ăn học xa nhà.

Tôi càng sợ hơn sự giận dữ và thất vọng của ba, nước mắt của mẹ, trong khi ba mẹ tôi lại là người cực kỳ trọng danh dự và sĩ diện. Rất nhiều chữ sợ vây lấy tôi lúc đó. Càng sợ, tôi càng đẩy mình vào đường cùng.

“Tù chung thân” ở công sở

Ra trường, ba mẹ xin cho tôi vào làm một cơ quan nhà nước. Ở trường tôi lạc lõng một thì ở công sở tôi lạc lõng mười. Một con người vốn lãng mạn, bay bổng mà bị đóng khuôn vào công việc kế toán gò bó, khô khan thì khác nào tù chung thân. Mỗi sáng, tôi thức dậy với cái thở dài, đếm từng bậc thang khi bước chân vào công sở. Mười lăm phút tôi lại nhìn đồng hồ một lần. Và tôi chỉ mong hai ngày cuối tuần kéo dài mãi mãi.

Tôi “tồn tại” như vậy suốt một năm rưỡi, không hoài bão, không tham vọng, cảm xúc tiêu cực gặm nhấm mỗi ngày. Tôi thấy mình giống như một cây khô, bên trong đã mục ruỗng hoàn toàn. Bế tắc, trì trệ, trong đầu chỉ chăm chăm một câu hỏi “Làm sao để thoát khỏi nơi này?”.

Tôi nộp đơn xin nghỉ việc trong sự bàng hoàng tột độ của mọi người, kèm theo đó tôi phải hứng chịu rất nhiều gièm pha. Bạn bè nói tôi ngu, thời buổi này dễ gì kiếm được công việc ngồi mát ăn bát vàng như vậy. Đồng nghiệp xôn xao cho rằng tôi có gì đó mờ ám... nên mới phải nghỉ việc giữa chừng. Không ai tin tôi nghỉ việc vì lý do hết sức đơn giản: không yêu nghề. (Không lẽ cụm từ “yêu nghề” xa xỉ đến vậy?!).

Ngày biết tin, ba nổi trận lôi đình, còn mẹ khóc như có đám tang. Lòng tôi đau như dao cắt, đầu tôi muốn phát điên. Tôi gào lên rằng tôi rất thương ba mẹ, nhưng tôi không thể ráng thêm được nữa. Bốn năm đại học và một năm rưỡi đi làm, gần sáu năm trời đằng đẵng tôi đã gồng mình vì danh dự, ý nguyện của ba mẹ. Giờ tôi quá mệt mỏi, tôi uất ức, tôi bức xúc, phải chi tôi có thể móc cả ruột gan ra để ba mẹ hiểu được nỗi lòng của tôi.

Nhưng ba mẹ không bao giờ hiểu (cho tới tận bây giờ vẫn không chịu hiểu). Ba mẹ mắng tôi là “thứ bất hiếu”, “vô lương tâm”, “cá không ăn muối cá ươn”, “sỉ nhục danh dự gia đình”. Cuối cùng ba mẹ ra quyết định tôi hãy đi lấy chồng đi, đừng sống trong nhà này nữa vì xóm giềng sẽ lời ra tiếng vào.

Tôi đi học vẽ

Tôi vào TP.HCM lập gia đình. May mắn, chồng tôi cũng là một người yêu nghệ thuật và luôn ủng hộ tôi hết mình. Tôi bắt đầu đi học vẽ một năm sau đó. Cô giáo dạy vẽ khen tôi có năng khiếu, hỏi tôi sao không thi vào Đại học Mỹ thuật. Tôi cười: “Trước kia em có thời gian thì lại không có tự do. Giờ có tự do thì lại không còn thời gian nữa rồi. Lập gia đình rồi em cũng phải tính đến chuyện sinh con. Để việc học không bị gián đoạn và kéo dài, em đành phải chọn một con đường khác”.

Tôi đăng ký học khóa thiết kế dài hạn một năm rưỡi. Được đào tạo bài bản ở trường đại học lúc nào cũng tốt hơn, nhưng tôi tin “mình không phụ nghề thì nghề không phụ mình”, nỗ lực và tin vào bản thân thì sẽ có ngày được đền đáp.

Ba mẹ vẫn gây áp lực về chuyện công việc với tôi. Ba mẹ muốn tôi rút ngắn tối đa thời gian học và phải mau chóng đi làm để có bảo hiểm và sau này có lương hưu. Ba mẹ vẫn trách cứ tôi mỗi khi có dịp. Nhưng bây giờ tôi không còn buồn nhiều vì thái độ của ba mẹ nữa. Điều tôi cần làm là sống tốt với con đường mình đã chọn. Rồi một lúc nào đó ba mẹ sẽ hiểu.

Tôi chỉ mong các bạn trẻ đang ở ngưỡng cửa cuộc đời hãy can đảm đi theo niềm đam mê của mình càng sớm càng tốt. Càng chần chừ, bạn càng đánh mất nhiều cơ hội. Có những điều quý giá khi đã mất đi thì không thể lấy lại được: thời gian, nhiệt huyết tuổi trẻ, đam mê, cá tính.

_________________

Nghể hay nghiệp?

“Câu chuyện cuộc sống” của báo TTCT đăng các bài rất chân thật và xúc động. Ở tuổi 87, trải qua không ít sóng gió của thời cuộc, tôi xin góp thêm một vài ý trong việc chọn ngành nghề.

Tôi mồ côi cha từ rất bé. Mẹ tôi phải chạy vạy cho năm anh em ăn học nhưng mẹ tôi chỉ biết làm sao cho con được học hành đến nơi đến chốn, còn học gì, làm gì, mẹ tôi không nghĩ đến vì nó quá xa với toan tính hằng ngày.

Thế là tôi không có gì ràng buộc nhưng làm sao biết chọn trường đại học nào. Mà cũng phải thi ít nhất ba trường rồi đậu đâu học đấy chứ làm sao bản thân mình quyết định được.

Tôi đậu vào trường hàng không học về thông tin hàng không. Nhưng ra trường không có chỗ trong ngành hàng không tôi phải vào đường sắt làm thông tin tín hiệu, rồi sau đó lại chuyển ngành về bưu điện.

Nhưng dù làm ở đâu tôi đều rất chú tâm viết sách báo nên viết được nhiều sách, từ điển kỹ thuật Pháp, Anh, Nga - Việt về điện tử, tin học và làm chủ bút báo Bưu Điện Truyền Thanh từ năm 1960 được bạn đọc ủng hộ. Đến năm 1975, bưu điện tiếp quản dàn máy tính điện tử đầu tiên IBM 360/20 giao cho tôi phụ trách.

Tôi chưa hề học về máy tính và thời tôi học chưa ai dạy. Thế nhưng với kinh nghiệm quản lý tôi vẫn thành công, triển khai ứng dụng máy tính cho toàn ngành bưu điện được kết quả tốt. Từ đó nhận thấy ngành tin học rất cần trong phát triển đất nước, tôi cùng một số anh em năm 1988 thành lập Hội Tin học TP.HCM và tôi làm chủ tịch.

Hội tồn tại đến ngày hôm nay và phát huy tốt sự đóng góp của tin học cho sự phát triển của đất nước. Ở tuổi 87 tôi vẫn còn đóng góp ít nhiều cho hội.

Khi về hưu tôi lại kinh doanh, nghĩ rằng mẹ tôi rất giỏi về kinh doanh chắc tôi cũng kế thừa phần nào. Thế nhưng tất cả đều thất bại. Ngẫm lại thì tôi đâu phải là một người “hướng ngoại”, tôi chỉ thành công trong “hướng nội” mà thôi.

Từ cuộc đời mình, tôi thấy việc chọn nghề do tính chất của con người quyết định: người hướng ngoại hay hướng nội, người lý luận hay thực tế, người theo tình cảm hay theo trực giác... Cho nên các lời khuyên như theo nghề cha mẹ, theo ngành “hot” hay theo ngành có số chọi thấp... đều không hẳn là thích hợp.

Thật ra nếu theo đúng nghĩa của từ nghề nghiệp thì nghề nghiệp do hai từ nghề và nghiệp ghép lại. Nghề là nghề mộc, nghề y..., còn nghiệp là tính chất của con người, kể cả nghiệp chướng của mấy đời trước để lại. Hướng nghề mới chỉ là nên học ngành nào, môn nào. Còn hướng nghiệp là phân tích tính cách của cá nhân: mình là người đối nội hay đối ngoại, lý trí hay tình cảm...

Vì vậy cũng không nên quá lo lắng trong việc chọn ngành mà chủ yếu phải biết tính cách của bản thân. Những đức tính của bản thân dẫn đến thành công là tính nhẫn nại, sự kiên trì, không ngại khó khăn, khiêm tốn, sống có đạo đức. Sự thành công phụ thuộc rất nhiều vào bản thân mỗi người.

Trong chọn lựa con đường tương lai, bạn trẻ cần “hướng nghiệp”, tức họ phải tự suy nghĩ, hiểu cá tính của mình và những điều kiện thành công chứ không chỉ hiểu về nghề. Đó mới là hướng đúng.

PHẠM VĂN BẢY

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận