​“Tôi phát hiện ra... nó đang yêu!”  

LƯU PHAN 30/04/2015 03:04 GMT+7

LTS: Để con cái không trở thành “người lạ”, chính cha mẹ cũng cần thay đổi (xem TTCT từ số 8-3-2015).

Minh họa: BÍCH KHOA

1. Một bà mẹ có con gái 17 tuổi, khi biết cô bé có tình cảm với một cậu bạn học ở mức “bạn nó thấy hai đứa chụm đầu vào nhau ở góc hành lang nói chuyện riêng suốt giờ ra chơi”, đã lên một kế hoạch tỉ mẩn để điều tra xem “bố mẹ thằng bé kia là ai, nó xấu đẹp thế nào, học hành có ra gì không”.

Facebook của cậu bé bị tìm ra ngay lập tức, tất cả các status đều được đội quân thám thính đọc kỹ, các hình ảnh được nghiên cứu cẩn thận, thời gian biểu học hành, tập luyện, vui chơi giải trí của cậu được... so sánh với thời gian biểu của cô bé. Bộ vi xử lý trong đầu bà mẹ phân tích thông tin rào rào, giúp bà xây dựng một kịch bản tiên nghiệm: phải cảnh giác!

Rất nhiều bà mẹ mà tôi biết đều trải qua quá trình tương tự. Vài người quả quyết hơn, đi đến kết luận và hành động cụ thể: vào FB, viết lên tường một dòng đanh thép cảnh cáo cậu con trai, yêu cầu chấm dứt mối quan hệ với con gái bà, hoặc đến gặp thẳng phụ huynh “phía bên kia” bàn phương án phối hợp tác chiến, mục đích là để “chúng nó chuyên tâm học hành, chứ tí tuổi đầu xao nhãng yêu đương vớ vẩn là hỏng hết”.

Vài bà mẹ có cách xử lý khác khi phong thanh nghe nói hoặc biết rằng con gái mình đang dấn vào một mối quan hệ tình cảm nam nữ. Họ cũng lên kế hoạch điều tra cẩn thận, để mắt kỹ càng đến con một cách âm thầm kín đáo và lâu dài. Cơ bản là vì cũng chưa biết phải xử sự thế nào hơn là vì để tâm do thực sự quan tâm tới cảm xúc của con.

Một trong những ảo tưởng thường thấy của nhiều bậc cha mẹ là niềm tin rằng mình cũng đã từng trải qua tuổi 16, 17 nên “tôi lạ gì”. Đó không chỉ là một ảo tưởng mà còn là một định kiến nguy hiểm và vô căn cứ, vì chẳng những không có tuổi 16, 17 nào giống nhau mà còn không có bất cứ cá nhân 16, 17 tuổi nào giống nhau cả.

Mỗi đứa trẻ tuổi teen là một cá nhân duy nhất, riêng biệt, cho dù chúng đều có vẻ như vật lộn trong trạng thái tâm lý mà Haruki Murakami từng viết: “Cực kỳ rắc rối... Lo lắng về những thứ nhỏ nhặt, không xác định được mình ở đâu theo một cách thức khách quan nào cả, trở nên rất chi thành thạo những kỹ năng lạ lùng, vô nghĩa và nô lệ cho những mặc cảm không thể cắt nghĩa nổi”.

Thực sự thì có bao nhiêu bà mẹ nhớ được (và biết rõ) chính xác hồi 16, 17 tuổi thì mình như thế nào? Hay để cẩn thận hơn, ta có thể đi hỏi bà ngoại?

2. Các nhà tư vấn tâm lý đưa ra hằng hà sa số những lời khuyên cho các bậc cha mẹ về cách xử sự thích đáng trong “những thời điểm và tình huống ấy”, cơ bản chúng đều đúng cả và đều... khó thực hiện cả.

Chẳng hạn lời khuyên “hãy trở thành người bạn lớn của con”. Khoan bàn đến chữ “lớn” trong danh hiệu ấy, thử nghĩ xem, bắt đầu một tình bạn trong một bối cảnh khá... khủng hoảng (chẳng phải ta đều bắt đầu sự chú ý đến con sau một cú giật mình phát giác điều gì đó), trước đó là một mối quan hệ cha - con, mẹ - con bình thường (điểm xuyết áp đặt, kỷ luật, với những lo toan vật chất về chỗ học và sức khỏe), rồi thình lình ta tự nhủ “làm bạn nào”.

Ý chí “làm bạn” có thể rất chân thành, nhưng thử nghĩ thêm một lần nữa đi, con cái ta có chia sẻ ý chí ấy không và chúng có cần những người bạn thường là hay nhăm nhăm đưa ra một mớ những lời khuyên thông tuệ thay vì, đơn giản thôi, thực sự lắng nghe chúng, thực sự muốn hiểu chúng và thực sự muốn chia sẻ?

Một người bạn khác của tôi, một người đàn ông làm sếp một cơ quan lớn, chìm ngập trong công việc và giao phó hoàn toàn con cái cho vợ. Cho đến một ngày mọi sự bùng nổ: bà mẹ phát hiện cô con gái lớp 10 của mình có bồ, con gái sau nhiều ngày tháng bị kìm kẹp và ngăn trở đã tiến tới việc bất chấp tất cả. Trận cãi vã kịch liệt diễn ra công khai (sau nhiều trận diễn ra âm thầm giữa mẹ và con gái) trước mặt ông bố.

Bạn tôi sau vài ngày dành thời gian suy nghĩ tập trung về chuyện này đã quyết định gác lại nhiều công việc để trở thành người đưa đón con gái đi học đi chơi, xem xét việc học hành của cháu và trò chuyện với cháu, vô cùng khó khăn, từng chút từng chút một. Chỉ để, như anh kể lại, hiểu nó đang nghĩ gì và cố không đưa ra nhận xét nào.

Đó là một hành trình kéo dài hơn hai năm, cho đến ngày con gái anh tốt nghiệp cấp III. Trong thời gian ấy, cô bé duy trì mối quan hệ với cậu bạn trai thêm một năm, giữ được thành quả học tập và rồi vào đại học.

“Tôi không khuyên cháu bất cứ điều gì về những điều mà cháu kể cho tôi. Tôi lắng nghe và kể chuyện của mình. Như một sự trao đi đổi lại: vấn đề của bố thì hơi khác vấn đề của con một chút và bố đã làm thế này, vì bố nghĩ thế này, thế này...”.

Anh tổng kết cho tôi một điều: “Tôi cũng lo gần chết, tôi sợ nó sa lầy, sợ nó không giữ được mình, sợ nó không học hành nổi nữa. Nhưng tôi tự hỏi, cuộc đời cho ta bao nhiêu lần 16, 17 tuổi? Cái gì chờ đón con tôi trong suốt cuộc đời sau này của nó, khi nó đi làm, rồi có một gia đình riêng, vật lộn với cuộc sống và già đi như chúng ta? Ngộ nhỡ cái tình yêu thơ dại ấy của con tôi là điều đẹp đẽ nhất mà nó có được đầu đời và rồi nó sẽ mang theo suốt đời, ấy thế mà chúng tôi ra sức xóa bỏ và ngăn trở?”.

3 Đây không phải là một câu chuyện kiểu “điển hình tiên tiến” mà tôi kể với hàm ý hãy tham khảo và học hỏi ứng dụng. Đây là câu chuyện về một cách xử sự khác nữa trong cuộc sống đa dạng và phức tạp này. Mỗi người bố, người mẹ rồi sẽ chọn cho mình một cách xử sự mà họ cho là thích đáng và phù hợp hoàn cảnh riêng.

Tôi chỉ hi vọng rồi họ sẽ thấy được tường tận tác động của cách xử sự ấy lên con mình - cá nhân 16, 17 tuổi duy nhất và độc đáo ấy. Để giúp? Tốt lắm. Để bảo vệ? Cũng rất tuyệt. Thế còn để chia sẻ, thực sự chia sẻ, với tình yêu vô điều kiện?

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận