Tồn tại phải gai góc

LAN HƯƠNG 23/12/2015 20:12 GMT+7

TTCT - LTS: Tham gia câu chuyện “Ứng xử cộng đồng” là bài viết của tác giả Lan Hương thử tìm hiểu vì sao ngày càng gia tăng các hành vi trái với nền tảng văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Độc giả Tôn Nữ Tường Vy góp một cái nhìn từ... những tấm biển báo ở Nhật.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

1 Bạn tôi tham gia chuyến ngắm cảnh trên suối Yến khá thơ mộng với mức phí 150.000 đồng. Chiếc thuyền nhỏ còn chở thêm hai vị khách nước ngoài. Dọc đường đi, xen giữa cảnh sắc tươi đẹp là lời ta thán không ngừng của người phụ nữ chèo đò về cuộc sống vất vả và nghề nghiệp bạc bẽo.

Thuyền cập bến, anh đưa chị một chút tiền boa. Nhưng không hài lòng với món tiền boa này, người phụ nữ đáp lại: “Ối giời ơi, chỉ có dân Việt Nam mới khốn nạn với nhau như thế. Người Việt mà bóc lột người Việt”. Anh liền quay sang nhỏ nhẹ: “Xin chị đưa lại cho tôi tờ tiền” trong sự khấp khởi của người phụ nữ chèo thuyền. Anh cầm lại số tiền và... quay đi trong chuỗi lời rủa xả của người phụ nữ này.

Anh nói với chị: “Chị đã làm mất đi tấm lòng của tôi nên xin phép lấy lại đồng tiền này”. Câu chuyện được kể lại trong tiếng vỗ tay của những người bạn. Có thể cách cư xử thiếu tế nhị của anh bạn tôi trong trường hợp này sẽ không được tán đồng, nhưng trong phản ứng của nhóm bạn là sự tán thưởng vì cuối cùng anh đã dạy cho “kẻ xấu” một bài học.

Tôi không nghĩ những người khác dám làm như anh khi đặt chân đến một vùng đất lạ (dù là trong lãnh thổ quốc gia mình), nhưng có lẽ người bạn tôi có nhiều lý do hơn để làm điều đó.

Tôi nhớ cách đây không lâu trên mạng lan truyền câu chuyện một chàng trai nước ngoài đứng giữa phố đi bộ ngoài Hà Nội để chặn không cho cô gái chạy xe máy vào đoạn đường đó. Nhiều bình luận tán thưởng dành cho anh chàng đến từ một đất nước xa lạ vì sự gan dạ, vì dám sống thật, dám bảo vệ một điều hiển nhiên trong khi bao nhiêu người dân bản xứ chứng kiến hằng ngày mà không có phản ứng.

2 Trong cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại của Daron Acemoglu và James A. Robinson, các tác giả chứng minh rằng chính thể chế cai trị tạo nên các hành vi kinh tế khác nhau. Thể chế chiếm hữu hay dung hòa sẽ định hướng hoạt động của giới sản xuất trong quốc gia ấy.

Đó là sự thích nghi của giới sản xuất với các quy định cai trị. Nếu nhìn ở góc độ mọi hoạt động trong xã hội đều chịu ảnh hưởng của thể chế cai trị, bên cạnh hành vi kinh tế thì hành vi văn hóa của cá nhân, cộng đồng cũng không ngoại lệ. Các cá nhân trong vùng lãnh thổ nhìn vào động thái trừng phạt của nhà nước để quyết định hành vi của mình.

Logic là nếu sự trừng phạt cho một hành vi phạm luật nhẹ hơn rất nhiều so với lợi ích thu được, hoặc chủ thể quản lý không dễ dàng phát hiện được hành vi lách luật thì cá nhân chắc chắn chọn việc vi phạm.

Ngoài ra, không thể quên áp lực của cộng đồng xã hội. Xã hội truyền thống phương Đông trọng danh tiếng “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” là thể chế điều hướng hành vi của các cá nhân trong cộng đồng ấy.

Sống khác với lệ làng, với quy định của hương ước, cá nhân có thể gặp tình cảnh bị cô lập, tước bỏ mọi quyền lợi trong làng xã. Xã hội phong kiến khuôn thước trong tam cương ngũ thường, cả cộng đồng nhìn vào hành vi của bậc thánh hiền để điều chỉnh hành vi của mình. Vì vậy tiếng nói của người có uy tín, của đám đông có tác dụng điều tiết hành vi sai biệt của cá nhân ngay lập tức.

Ngược lại trong xã hội hiện đại, yếu tố cộng đồng tan rã bởi quan điểm phi biên giới giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Mối tương quan giữa tinh thần thượng tôn pháp luật và hệ thống tư pháp công bằng cho mọi vùng miền vô tình làm giảm đi giá trị thiết chế của cộng đồng.

Với chị chèo thuyền nọ, mặc dù bạn tôi đã phải trả một khoản phí theo quy định để sử dụng dịch vụ, nhưng chị vẫn cho rằng chưa đủ và cố gắng vòi vĩnh thêm. Hành vi của chị thực hiện được vì cộng đồng xung quanh chị có thể nhiều người cũng đang hành xử như vậy, hoặc lợi ích của việc có thêm thu nhập từ việc than thở với khách lớn hơn rất nhiều so với chế tài của ban quản lý bến hoặc quy định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có).

Mặt khác, khả năng hạn chế của pháp luật khi bảo vệ người dân thực thi các giá trị chung là một rào cản phát triển cho thiết chế cộng đồng. Can ngăn một cuộc đánh nhau mà khả năng cao là mình sẽ bị đánh, bị bảo là “rảnh chuyện” thì không ai muốn làm người can ngăn. Tố cáo tham nhũng để rồi bản thân và gia đình bị trù dập trước khi người bị tố cáo bị đem ra xét xử là một bài toán đánh đổi khó khăn.

3 Sự gia tăng các hành vi trái với nền tảng văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong sự bất lực của các thể chế quản lý đẩy mỗi cá nhân vào hai trạng thái lựa chọn: một là chọn giải pháp dung hòa, né tránh để đảm bảo sự an toàn của bản thân; hai là phải trở nên gai góc hơn để át chế các hành vi sai trái.

Ở trường hợp một, người ta chấp nhận sống cùng sự lệch lạc, bịt tai, bịt mắt nhằm giữ chút niềm tin vào cuộc sống. Ở trường hợp hai, nhiều người bảo rằng “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Đối mặt với sự hung hãn phải hung hãn hơn, đối mặt với gian trá phải gian trá hơn. Vòng xoáy phát triển tiêu cực sẽ dẫn con người đến chỗ tàn nhẫn với đồng loại và với chính bản thân mình.

Đối diện với sự xuống cấp của đạo đức xã hội cùng sự bất ổn định của chất lượng và những chương trình giáo dục, nhiều người bạn của tôi lại chọn giải pháp thay đổi môi trường sống và học tập cho con em mình bằng việc đầu tư hoặc cố gắng tìm các suất du học cho con.

Làn sóng này được gọi bằng thuật ngữ “tị nạn giáo dục” những mong cách ly bản thân, con cái khỏi môi trường hiện hữu. Đáng sợ hơn khi xu hướng này ngày càng phổ biến, đặc biệt là đối với nhóm lao động trẻ, gia đình thuộc thành phần trung lưu.

Theo đánh giá của Monitor.icef.com, 90% du học sinh Việt Nam trên thế giới du học tự túc. Vào năm 2013, ước tính chi phí du học của Việt Nam chiếm khoảng 1% GDP cả nước. 1,8 tỉ USD cho việc tìm một môi trường sống tốt hơn liệu có đáng cho xã hội suy nghĩ và chuyển mình? ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận