Trên đất nước của Dracula

TRƯƠNG ANH NGỌC 17/06/2016 02:06 GMT+7

TTCT - Adrian chỉ tay tới một cây cột giữa quảng trường đẹp, lớn nhất của Bucharest và nói với tôi: “Cây cột có tên “Kim tự tháp chiến thắng”. Nó được dựng lên sau cuộc cách mạng tháng 12-1989”. Người từng học ngành quan hệ quốc tế trong một trường đại học ở thủ đô của Romania khẳng định rằng bây giờ, đấy là một trong những nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất ở đây.

Parliament Palace
Parliament Palace

 

Chúng tôi đứng lặng người giữa quảng trường mà sau biến cố năm 1989 đã được đổi tên thành quảng trường Cách mạng. Hôm ấy là một ngày tháng 12 lạnh lẽo nhưng không có tuyết. Gió thổi hun hút trên những tòa nhà lớn vuông vức bao quanh.

Cột tưởng niệm lớn được dựng lên ngay phía trước tòa nhà to lớn, nhìn như một thanh kiếm đang chĩa lên trời. Những bức tường thấp chỉ đến ngực chi chít tên.

Rất nhiều cái tên, đại diện cho hàng bao nhiêu con người được Romania hiện đại gọi là những người anh hùng mà thế giới không biết mặt, không nhớ tên đã ngã xuống trong chính biến năm 1989, khi những bức tường sụp đổ và thế giới rùng mình trong một cuộc thay đổi lớn lao vào lúc chiến tranh lạnh ở châu Âu khép lại.

Tất cả những con người ấy giờ chỉ còn là những dòng chữ được in bằng kim loại gắn lên các bức tường. Rất nhiều hoa và nến dưới chân tường.

Hướng dẫn viên du lịch cho một đoàn khách Bắc Âu đang nói về sự hi sinh của hơn một nghìn người trong cuộc Cách mạng tháng chạp, đồng thời mô tả lại những ngày cuối cùng của chế độ Nicolae Ceausescu.

Cách đài tưởng niệm này chừng 2km, dinh chủ tịch, và nay là nhà Quốc hội Romania, đứng đó sừng sững, như một chứng nhân câm lặng của thời kỳ lịch sử ấy. Có hơn 1.000 phòng và cao tới 240m, tòa nhà khổng lồ thuộc loại lớn nhất thế giới do Ceausescu cho xây ấy là biểu tượng của sự sùng bái cá nhân mà thời đó khiến người ta căm giận, còn bây giờ trở thành một trong những nơi được chụp ảnh nhiều nhất ở thủ đô Romania.

Tất cả tour du lịch ở Bucharest đều tập trung tại đây. Xe đỗ san sát trên một quảng trường rộng mênh mông nhìn ra phía trước tòa nhà khổng lồ.

Đối với Adrian, người mới 3 tuổi khi biến cố lớn đó xảy ra, những di tích như thế bây giờ đơn giản chỉ là những điểm du lịch quan trọng đối với một thành phố mà các dấu vết từ thời trước năm 1989 vẫn còn in đậm trong nhiều mặt của đời sống.

Và chính những di tích ấy trở thành những nét chính, quan trọng trong các tour du lịch đến Bucharest, nơi mà lịch sử vẫn được gìn giữ với sự trân trọng. Đất nước của những truyền thuyết về ma cà rồng Dracula không chỉ sống bằng những ký ức về nhân vật lịch sử đã sống và chiến đấu ở thế kỷ 15 ấy, mà du lịch đến những điểm từng gắn bó với năm 1989 đem đến một nguồn thu rất lớn.

Ở Timisoara, nơi nổ ra những cuộc chống đối đầu tiên, những lễ tưởng niệm diễn ra giản dị. Căng thẳng đã tăng lên sau khi cộng đồng nói tiếng Hungary, vốn chiếm khá đông ở vùng đất này, phản đối việc chính quyền đưa Tokes, linh mục đấu tranh cho nhân quyền, ra xét xử.

Đài tưởng niệm chính tại Timisoara không lớn, dựng ở ngay đầu trung tâm cổ của thành phố, phủ đầy nến và vòng hoa, với các dòng chữ gọi những người đã chết trong Cách mạng tháng chạp là “anh hùng”.

Người ta sẽ không ngần ngại kể cho những ai đến đây nghe các câu chuyện liên quan đến thời ấy, khi biểu tình sau đó đã lan rộng ra các thành phố lớn trong cả nước, bùng nổ thành bạo động ở thủ đô Bucharest. Khi quân đội đứng về phía quần chúng, vợ chồng Ceausescu đã bỏ chạy bằng trực thăng đi lẩn trốn, trước khi bị bắt và bị xử bắn ở Targoviste, nơi vẫn còn một lâu đài khác mang dấu ấn của Dracula, sau một phiên tòa xét xử chóng vánh vào ngày Giáng sinh 1989 đáng nhớ ấy.

Tại một góc phố nhỏ của Timisoara, rất gần một cây đèn lớn, tượng trưng việc nơi đây là thành phố đầu tiên của châu Âu thắp sáng công cộng bằng điện vào giữa thế kỷ 19, là bia tưởng niệm Eroul Belici Radian, một trong những người ngã xuống khi cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra vào ngày 17-12-1989, mở đầu một tuần lễ bão táp của Romania.

Khi qua đời, Radian mới 23 tuổi, ở đây người ta gọi là “tử đạo”. Timisoara có rất nhiều góc tưởng niệm như thế trên các con phố, thường có tên người, có nơi để hoa và nến. Những ngày cuối năm nào cũng thế, nến luôn sáng đỏ và các vòng hoa được đặt ở đó, cho thấy những người còn sống không bao giờ quên. Những đài tưởng niệm ấy trở thành một cây cầu nối giữa hiện tại và quá khứ của Romania.

Darcula
Darcula

 

Quá khứ ấy cũng gắn liền với cái tên Dracula, vị lãnh chúa tàn bạo đã được sinh ra ở Sighisoara, cách Timisoara hơn 350km. Lâu đài Bran ở gần Brasov, được nhà văn Bram Stoker nhắc đến trong tiểu thuyết Dracula, mỗi năm đón không dưới nửa triệu du khách, dù trên thực tế lâu đài này không còn một dấu vết nào của bá tước Vlad Dracula trứ danh.

Điều đáng chú ý là tiểu thuyết Dracula của Stoker chỉ được xuất bản ở Romania vào năm 1992, ba năm sau khi chế độ Ceausescu sụp đổ. Nó không gây ra một cú sốc nào cho độc giả ở đây, một phần bởi vì đó không phải là Dracula mà họ từng biết trong lịch sử, nhưng chính hình tượng nhân vật này lại là một nam châm đưa không ít người nước ngoài tới Romania, nơi mà không ít người đang sống bằng nguồn thu nhập chính từ du lịch, như Adrian. ■

“Căn hộ ở trung tâm Bucharest của tôi luôn có người đến thuê và họ luôn hỏi về những di tích một thời đã qua. Chúng tôi kiếm sống cùng với nó. Tôi sống cho hiện tại bằng những ký ức của ông cha” - Adrian nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận