Trí khôn nhân tạo sẽ "khôn" hơn người

M.T. (THEO KP.RU) 02/03/2012 02:03 GMT+7

TTCT - Đại hội quốc tế “Tương lai toàn cầu 2045” kết thúc ngày 20-2 tại Matxcơva, với sự tham gia của các nhà tương lai học, hóa học, vật lý, sinh học Nga, Mỹ, Anh, Canada, Hà Lan, Úc...

Cuộc gặp gỡ những bộ não hàng đầu thế giới này nhằm xác định những thay đổi công nghệ chủ chốt nào sẽ diễn ra trong tương lai gần, các khía cạnh triết học và đạo đức của nó.

Phóng to
Nhà tương lai học Raymond Kurzweil tiên đoán con người sẽ tiến tới sự bất tử vào năm 2045 - Ảnh: yandex.ru

Tham gia đại hội có nhà tương lai học Mỹ Raymond Kurzweil, với dự báo mới nhất về sự thay đổi của thế giới. Theo ông, nhân loại đang ở bên rìa những thay đổi mà tầm vóc có thể sánh với sự xuất hiện của con người trên Trái đất.

Bản chất của những thay đổi này ở chỗ: sự phát triển của kỹ thuật tất yếu dẫn tới việc tạo ra những thực thể với tri thức vượt qua hiểu biết của con người. Những thay đổi trước đây cần cả ngàn thế kỷ mới có thể xuất hiện, nay sẽ diễn ra trong vòng trăm năm nữa. Nhân loại đang tiến đến thời điểm mà Kurzweil gọi là Singularity, tức là điểm mà những mô hình cũ sẽ bị vứt bỏ để hiện thực mới bắt đầu thống trị.

Vậy thì khi nào con người sẽ đạt tới điểm chuyển đổi này? Raymond Kurzweil cho rằng thời điểm này sẽ đến vào năm 2045 khi xuất hiện những công nghệ mới, thay đổi bản chất ngay cả hình dung của chúng ta về thế giới và vũ trụ. Các phép tính 3D sẽ bảo đảm xuất hiện trí khôn nhân tạo bằng với năng lực con người hiện tại trước năm 2030. Và khi trí khôn nhân tạo tiến bằng với trí tuệ con người hiện đại, nó tất yếu sẽ vượt qua ngưỡng này, sẽ “khôn” hơn con người.

Tri thức của các bộ máy sẽ phát triển hàng triệu lần so với tổng tri thức của toàn nhân loại. Kurzweil cũng dự báo trong vòng một, hai thập niên nữa con người có thể ngăn chặn bất cứ bệnh tật nào, thậm chí cả quá trình lão hóa, dẫn tới những kết quả chưa từng thấy trong lĩnh vực y tế và kéo dài đời sống con người.

Nhà tương lai học Kurzweil nổi tiếng với những dự báo trở thành hiện thực, như khá lâu trước khi Internet được biết đến, ông đã dự báo “việc xuất hiện vào thập niên 1980 một mạng lưới www toàn cầu, liên kết 100 triệu máy tính toàn thế giới”, hay chiến thắng của máy tính trước vô địch cờ vua thế giới Kasparov năm 1996, và việc giải mã bộ gen người năm 2000.

__________

TTCT trích dịch bài trả lời phỏng vấn của viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Nga David Dubrovsky về những vấn đề của “Tương lai toàn cầu 2045”.

Phóng to
Ông David Dubrovsky - Ảnh: srduma.ru

* Tham gia đại hội “Tương lai toàn cầu 2045”, ông có cho rằng thật sự thế giới này đang bị đe dọa hay nỗi lo của các nhà khoa học là không có cơ sở?

- Quỹ đạo tiêu vong của nền văn minh chúng ta đã được nói đến từ lâu, gây nên bởi cuộc khủng hoảng sinh thái và những vấn đề toàn cầu khác. Các chuyên gia dự báo một cuộc sụp đổ sinh thái năm 2045, một cuộc khủng hoảng hành tinh.

Những dự báo này không phải là thiếu cơ sở. Nhưng để thay đổi con đường tử thần này, cần phải thay đổi nhận thức của con người đại chúng. Có nghĩa là phải thay đổi bản chất con người do sinh học tạo nên, tức một tổ hợp xác định những đặc tính tâm lý của họ, được sinh ra vào tất cả mọi thời đại, ở tất cả các dân tộc và cộng đồng.

Nói ngắn gọn thì đó chẳng khác nào tấn công vào chính con người chúng ta, vào cường độ tiêu dùng không có điểm dừng và quá ích kỷ. Nhưng làm sao để đạt được điều này? Đến nay vẫn chưa có đơn thuốc. Thế nhưng tôi tin trí tuệ của con người có thể khắc phục cuộc khủng hoảng sâu sắc này. Nói đơn giản là chúng ta phải giữ gìn phẩm giá của con người và cái chính là liên kết những người cùng chí hướng lại.

Hiện nay đã chín muồi điều kiện cho những loại liên kết này để lập nên một chủ thể xã hội mạnh mẽ, có khả năng giải quyết những vấn đề tầm cỡ. Ở nước Nga, dự án “Nước Nga 2045” là nhằm “thu thập” một chủ thể xã hội như thế.

Đại hội Tương lai toàn cầu đã giới thiệu nghị quyết mang tên: “Tương lai, chiều kích mọi hình thái sống đang hướng tới”, đề nghị Liên Hiệp Quốc nhìn nhận sự bất tử sẽ là vấn đề nghiên cứu then chốt của khoa học hiện đại.

* Theo ông, liệu con người có thể đạt tới sự bất tử vào năm 2045 như nhiều nhà tương lai học dự báo?

- Khó trả lời câu hỏi này. Theo tôi, những dự báo bi quan hay lạc quan này đều đáng ngờ. Đâu chỉ dưới một lần. Và người ta đang hứa hẹn chắc chắn về sự bất tử vào năm 2015 và năm 2020...

Tôi kính trọng những nhà khoa học đưa ra các dự báo này, nhưng tiến trình chuyển thông tin từ não vào con chip điện tử không đơn giản chút nào và không bảo đảm chuyển được vào nó (con chip) nhận thức của cá thể. Hơn nữa, những vấn đề này cần được tiếp tục thảo luận chi tiết. Vì thế tôi tránh (không đưa ra) những dự báo như thế...

* Ông cho rằng việc truyền đi nhận thức và tính cách mỗi con người là có thể?

- Nó gắn liền với khả năng giải được bộ mã não của những hiện tượng tâm lý. Nhận thức mang tính chất đặc thù và không tách rời hiện thực chủ quan. Đó là những cách thức cảm nhận của tôi, những suy nghĩ, ước muốn, ý nguyện của tôi, cái tôi của tôi, liên kết những biểu hiện của thế giới nội tâm tôi. Bạn không thể gán cho nó những tính chất thể lý, những đặc điểm không gian, vốn luôn là nền tảng của khoa học.

Làm sao gìn giữ những tính chất này, chép thông tin từ não sang con chip, như người ta đã lập ra và hiện thực hóa trong bộ não nhân tạo? Để làm được điều này (sao chép lại thông tin) cần phải biết nó được thực hiện như thế nào trong bộ não sống, có tính tới mối liên hệ với những tiến trình tâm lý vô thức. Nếu chúng ta giải mã được những thông tin di truyền này, tức chúng ta có được chìa khóa để hiểu những quá trình thông tin liên quan tới tính chất của hiện thực chủ quan.

Ta biết là một thông tin nào đó có thể được mã hóa và truyền đi bởi những con người rất khác nhau về thể lý. Có nghĩa là những mối liên hệ chức năng này về nguyên tắc có thể mô phỏng, sao chép lại trên những nền tảng khác. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra khi chúng ta có thể chọn lựa và lập ra được một cơ cấu năng động như bộ não.

* Nếu thế liệu có thể chuyển được tính cách của người này sang người khác?

- Về mặt lý thuyết thì khả thi. Tôi giả định chúng ta sẽ học làm được điều đó. Nhưng lúc đó lại nảy sinh ngay những câu hỏi đau khổ về tồn tại. Trong một báo cáo, nhà sáng lập “Nước Nga 2045”, đồng chủ tịch đại hội Dmitri Itskov đã nhấn mạnh rất chí lý rằng nền văn minh của chúng ta đang “ở ngưỡng của việc đánh mất hoàn toàn những định hướng có ý nghĩa của nó”.

Giờ đây, trong điều kiện gia tăng chưa từng có những điều vô lý trong đời sống xã hội và cá nhân, cái quan trọng nhất đối với triết học vẫn là câu hỏi tồn tại “Để làm gì?”, ý nghĩa thật sự của cuộc đời và hoạt động của con người, một chủ thể nào đó hoặc toàn nhân loại là gì? Nó liên quan tới việc kéo dài cuộc sống, rồi sau đó là sự bất tử, lập ra “siêu con người với siêu năng lực”.

Và đến đây là điểm khó nhất - thay đổi nhận thức của con người đại chúng. Việc cấy bộ não của con người homo sapien hiện nay sang những cơ thể bất tử nhằm để làm gì? Bởi ta đang nói về những con người cụ thể với các đặc tính tâm lý riêng của họ, chẳng hạn Boris Berezovsky hay một tỉ phú nào đó.

Không khó để đoán rằng những “siêu người” đó với nhận thức cũ của họ sẽ cũng làm chính việc mà trước đó họ vẫn làm, khi còn là con người chưa bất tử: đánh nhau, tranh giành chính quyền, đòi hỏi đặc quyền, lừa dối kẻ khác và khư khư ôm giữ nhu cầu tự lừa dối...

Tôi không loại trừ dưới tác động của những nhu cầu thay đổi gắn với cơ thể mới, nhận thức và mục tiêu hoạt động của những “siêu người” này sẽ thay đổi theo thời gian. Thế nhưng việc cải tổ đáng kể nhận thức ít khả năng xảy ra bởi vì ở họ, những chương trình gen cũ của hoạt động tâm lý vẫn được bảo toàn như thế. Vậy ta cần gì típ siêu con người mới “thừa thãi thời gian đến mức không có giới hạn” đó? Vậy đó, vẫn là những câu hỏi về tồn tại.

* Vậy xin ông cho biết ích lợi của đại hội “Tương lai toàn cầu” ở chỗ nào?

- Đại hội dĩ nhiên rất có ích xét từ việc tập trung một cộng đồng mới, đặt ra cho mình một nhiệm vụ cao cả như thế. Hơn thế nữa đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức sự kiện thế này. Đó là thảo luận chương trình hành động, đưa ra những câu hỏi thực tiễn, thảo luận, lôi kéo sự chú ý của báo chí và xã hội...

Tôi không muốn phóng đại ý nghĩa khoa học của những hoạt động thế này. Cái chính là những gì sẽ tiếp sau đó, các nghiên cứu sẽ được tổ chức ra sao và những kết quả nào sẽ thu nhận được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận