Trồng rừng trong thành phố

CHIÊU VĂN 31/08/2017 21:08 GMT+7

TTCT - Shubhendu Sharma nghĩ rằng thị dân không cần phải lái xe hàng mấy chục cây số tới vùng núi hay nông thôn thì mới được kết nối với thiên nhiên. Anh nghĩ họ thậm chí còn không phải ra khỏi nhà.

Shubhendu Sharma trong một khu rừng của anh.-Ảnh: wordpress.com
Shubhendu Sharma trong một khu rừng của anh.-Ảnh: wordpress.com

 

“Các thành phố nên tràn ngập cây cối như trong rừng và không nên lãng phí một chút không gian nào - chàng trai 31 tuổi người Ấn Độ quê ở Bangalore, nói với Đài truyền hình Đức DW - Thay vì vào siêu thị mua trái cây, người dân trong thành phố lẽ ra phải có thể hái trái từ trên cây”.

Tầm nhìn nhiều chất thơ đó có vẻ lạ lùng với một kỹ sư công nghiệp như Sharma, nhưng anh tin rằng thành phố và các hệ sinh thái tự nhiên có thể tồn tại song song.

Thật ra, anh tin rằng trong một thế giới mà mỗi phút trôi qua, một diện tích rừng tương đương 36 sân bóng đá bị phá hủy, thì đó là điều bắt buộc.

Làm kỹ sư cơ khí cho Hãng Toyota - công việc trong mơ với nhiều người Ấn Độ, nhưng anh Sharma đã bỏ ngang năm 2011 để cho ra mắt Afforestt, công ty đặt ở Bangalore khám phá các phương pháp lâm nghiệp hiện đại nhằm phủ xanh các thành phố.

Phương pháp của Afforestt giúp rút ngắn thời gian tăng trưởng của cây, giúp chúng thích nghi ở các thành phố đông đúc, đồng thời giải quyết rất nhiều vấn đề của chính đô thị đó.

Một dự án thử nghiệm của Sharma cho thấy họ trồng được 300 cây ở một diện tích chỉ bằng sáu chỗ đậu xe. Lá cây lọc không khí, rễ cây hút nước thải từ các hộ gia đình, và tán cây mang lại bóng mát.

Tính tới cuối năm 2016, Afforestt đã trồng được 75 khu rừng mini ở 25 thành phố trên toàn thế giới. Các dự án của họ bao gồm từ những khu đất chỉ 100m2 tới các hòn đảo kích cỡ bằng sân quần vợt và những mảng xanh rậm rạp cho cả một khuôn viên lớn, dù là khu dân cư, trường học, tòa nhà văn phòng, bệnh viện...

Họ thu tiền tính theo mét vuông rừng trồng. Ý tưởng của Sharma đột phá và mang tính phúc lợi xã hội tới mức anh đã được kênh công nghệ và ý tưởng nổi tiếng TED mời phát biểu năm 2014.

Vẫn còn một số chuyên gia nghi ngờ và chỉ ra những khiếm khuyết trong các phương pháp của Afforestt, như mật độ cây quá dày làm giảm khả năng tăng trưởng, và cần thêm các tính toán kinh tế để khẳng định hiệu quả.

Nhưng về cơ bản, Sharma xuất phát từ một triết lý vững chắc: quan điểm của đạo Hindu vasudhaiva kutumbakam, hay “Trái đất là một đại gia đình”. Afforestt cũng cần sự kết nối chặt chẽ của cộng đồng mà họ giúp trồng rừng để thành công.

“Chỉ riêng việc bất kỳ ai từ 2-92 tuổi đều có thể góp sức đã đủ mang tới sự hài lòng rất lớn rồi - Sharma nói - Chúng tôi cũng chẳng cần chỉ vẽ nhiều cho họ. Chăm sóc cây cối gần như là bản năng của con người”.

Lúc nào cũng háo hức như một cậu bé, Sharma từng giành giải thưởng trong cuộc thi sáng tạo khoa học toàn quốc do Bộ Giáo dục bậc cao của Ấn Độ tổ chức, rồi làm việc ở Nhà máy Toyota tại Bangalore, trước khi anh xem được đoạn video thay đổi đời mình.

Năm 2008, nhà thảo mộc học người Nhật Akira Miyawaki phát biểu ở Toyota Bangalore về phương pháp trồng rừng của ông, nhấn mạnh vào việc tăng tối đa mật độ của các loài cây bản địa vốn luôn thích nghi rất tốt để tạo ra những cánh rừng tăng trưởng nhanh.

Kỹ thuật của Miyawaki tới nay đã được áp dụng để trồng lại rừng từ Thái Lan tới Amazon, và Sharma nhanh chóng trở thành một trong những môn đệ nhiệt thành nhất.

“Tôi nhận ra cần làm điều như thế cho Ấn Độ - Sharma nói - Đất nước này đang chứng kiến nạn phá rừng tràn lan, không thể tiếp tục mãi thế này”.

Anh đã bắt đầu với thử nghiệm ngay trong sân đằng sau nhà mình. Sau khi chứng minh rằng “một người tầm thường” như anh cũng có thể làm được như Miyawaki, anh bỏ việc ở Toyota mà không báo với cha mẹ, ra mắt Afforestt năm 2011, với tất cả sáu nhân lực.

Khi trồng rừng, Sharma vẫn tư duy như một kỹ sư chế tạo máy: anh thiết kế một thuật toán xác định tỉ lệ và độ che phủ tối ưu cho mỗi loại cây. Kết quả: 92% những cây anh trồng sống sót và cao thêm gần 2m mỗi năm.

Phương pháp của Afforestt “có thể chưa phải là tốt nhất”, theo lời Pedro Beja - chuyên gia thảo mộc và lâm nghiệp ở Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học và nguồn gien Bồ Đào Nha. Beja cảnh báo mật độ dày có thể làm giảm đa dạng sinh học và ảnh hưởng tới nhiều loài khác.

“Đó không phải liều thuốc tiên” - ông nói. Nhưng Sharma không phí thời gian lo lắng. Anh tập trung vào những gì mình làm và cố gắng cải thiện nó từng chút một.■

Phương pháp Miyawaki

Nhóm của Afforestt trước hết sẽ thăm dò chất lượng đất để biết còn thiếu các dinh dưỡng gì, rồi tìm hiểu các loài cây bản địa, sau đó họ dùng máy tính đưa ra các con số tối ưu về chất lượng đất và mật độ rừng, dựa trên một thuật toán được xây dựng và cải thiện liên tục. Sẽ mất hai năm để tưới nước và gieo hạt, và sau đó là sự góp sức của cộng đồng địa phương để giữ cho cánh rừng xanh tốt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận