Trung Quốc: Chấm dứt chế độ cải tạo lao động

TTCT - Đó là thông tin từ cuộc họp của Ủy ban Pháp chính Trung Quốc (TQ) ngày 7-1.

Chế độ cải tạo lao động (CĐCTLĐ) đã được thực thi 56 năm qua ở nước này.

Phóng to

Các đối tượng cải tạo tham gia lao động - Ảnh: Zjlj.gov.cn

“Công cụ” của chính quyền địa phương

Theo tờ Tài Tân, CTLĐ là chế độ xử phạt hành chính riêng của TQ được chính thức áp dụng từ năm 1957. Trong đó cơ quan công an không cần thông qua tòa án xét xử mà có thể định tội, giải các nghi phạm vào trại cải tạo với hình phạt cao nhất là 4 năm để cưỡng chế lao động, giáo dục tư tưởng.

Tân Hoa xã (THX) không phủ nhận công lao của CĐCTLĐ vào thời gian đầu mới thành lập nước trong việc giữ vững địa vị đảng cầm quyền, giữ vững ổn định xã hội. Tuy nhiên những năm gần đây lại xuất hiện nhiều vấn đề, như cơ quan thực thi tùy ý quyết định cải tạo, áp dụng không đúng đối tượng, thậm chí trở thành công cụ duy trì sự ổn định mà một số quan chức chính quyền địa phương đang lạm dụng.

Như lời ông Vương Công Nghĩa - nguyên chủ nhiệm phòng nghiên cứu pháp trị Bộ Tư pháp, cải tạo mất tự do chẳng khác gì đi tù. Còn ông Mã Hoài Đức - hiệu phó Đại học Pháp chính TQ, cho rằng trình tự xử lý cải tạo không công bằng vì cơ quan công an “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tờ Văn Hối nói CĐCTLĐ là sản vật của thời kỳ quá độ giữa thời chiến và thời bình, thời kỳ kinh tế bao cấp, không còn phù hợp với một xã hội phát triển, tiến bộ như TQ hiện nay. Ngay từ những năm 1980 đã có nhiều đại biểu quốc hội, ủy viên chính hiệp, luật gia, nhà bảo vệ nhân quyền TQ kêu gọi chấm dứt CĐCTLĐ.

Những vụ án nổi tiếng TQ gần đây như vụ “bà mẹ đi kiện” (một bà mẹ tên Đường Tuệ đi kiện vì không phục mức án cho bọn cưỡng hiếp bắt con gái 11 tuổi của bà đi bán dâm, nhưng cuối cùng bà lại bị tống vào trại CTLĐ), Nhậm Kiến Vũ (cán bộ làng Trùng Khánh chia sẻ thông tin nhạy cảm trên mạng bị đưa vào trại CTLĐ)... như giọt nước tràn ly. CĐCTLĐ bị dư luận nước đông dân nhất thế giới lên án gay gắt.

An toàn hơn

Theo số liệu của Bộ Tư pháp TQ, đến năm 2008 TQ vẫn còn 350 trại cải tạo, khoảng 60.000 người đang bị cải tạo, cán bộ trại cải tạo 60.000-70.000 người.

Ông Mạnh Kiến Trụ - chủ nhiệm Ủy ban Pháp chính TQ - cho biết chính quyền trung ương TQ đã nghiên cứu, sau khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội TQ phê chuẩn, trong năm 2013 sẽ chính thức chấm dứt CĐCTLĐ.

Chủ nhiệm Mạnh cho biết thêm trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua sẽ kiểm soát nghiêm ngặt việc áp dụng biện pháp cải tạo. Các đối tượng khiếu nại tập thể, khiếu nại liên miên vô căn cứ, khiếu nại gây rối sẽ không bị bắt vào trại cải tạo. Từ nay về sau, cán bộ lãnh đạo đảng, nhà nước không được gọi điện thoại, viết thư can thiệp bất cứ vụ án nào, ai can thiệp sẽ bị công khai danh tánh trên phương tiện truyền thông.

Thông tin chấm dứt CĐCTLĐ được người TQ ủng hộ nhiệt liệt. Mạng China.com có bài viết cho rằng người dân đã mong đợi ngày này từ rất lâu. THX bình luận: “Đây là một sự phản hồi tốt nhất cho sự việc Đường Tuệ, Nhậm Kiến Vũ. Người dân kỳ vọng CĐCTLĐ sớm bị bãi bỏ, đồng thời tích cực ổn định tình hình mới, vấn đề mới sau khi không còn CĐCTLĐ. Đây là việc làm giúp người dân bớt lo sợ, có cảm giác an toàn hơn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, theo lời giáo sư Khương Minh An cho biết trên tờ Bắc Kinh Buổi Tối, hiện TQ vẫn còn mấy chục ngàn người đang bị cải tạo, nếu chấm dứt chế độ cải tạo cần tính toán đến việc giải quyết số đối tượng trên, nhất là các đối tượng tội phạm băng nhóm, gây án nhiều lần... Luật sư Lý Phương Bình (từng liên kết với 10 luật sư nổi tiếng gửi công văn kiến nghị Bộ Công an, Bộ Tư pháp sửa đổi CĐCTLĐ sau vụ việc Đường Tuệ bị tống vào trại cải tạo năm 2012) lo lắng việc cải cách chỉ là bình mới rượu cũ. Nếu như chính quyền địa phương không thay đổi biện pháp giữ gìn trật tự trị an thì có cải cách CĐCTLĐ cũng khó có sự thay đổi thật sự.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận