Trung Quốc: Cũng chỉ là chuyện con ai

CẢNH CHÁNH 17/08/2016 19:08 GMT+7

TTCT - Lâu nay ở Trung Quốc, cơ quan nhà nước đồng nghĩa với việc “lương cao việc ít”, nên không có gì lạ khi các bậc phụ huynh có quyền lực trong tay thường tìm đủ mọi cách để đưa con cái mình vào đó.

Những thí sinh dự kỳ thi tuyển công chức quốc gia ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô năm 2013. Năm đó, 1,12 triệu thí sinh cạnh tranh cho 19.000 suất vào nhà nước! -China Post
Những thí sinh dự kỳ thi tuyển công chức quốc gia ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô năm 2013. Năm đó, 1,12 triệu thí sinh cạnh tranh cho 19.000 suất vào nhà nước! -China Post


Truyền thông Trung Quốc đã tìm cách lượng hóa điều đó. Mới đây, một báo cáo điều tra xã hội ở tỉnh Chiết Giang công bố trên tờ Đông Phương Buổi Sáng cho thấy nếu bố mẹ làm quan thì 40% con cháu cũng làm quan!

Bí mật ai cũng biết

Tháng 5-2016, Ngân hàng Công thương Trung Quốc vừa có kết luận thanh tra trong số 691 cán bộ ở trụ sở chính của ngân hàng này, có 220 người có vợ (hoặc chồng) hay con cái đang làm việc trong cùng hệ thống!

Trong số các đơn vị bị trung ương thanh tra, hầu như chỗ nào cũng có hiện tượng “con ông cháu cha”, từ Tập đoàn bảo hiểm Thái Bình tới Cục Khí tượng thủy văn, từ Hãng bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc tới Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn, từ Bưu điện Trung Quốc tới Tổng công ty dầu khí...

Mặc dù ở Trung Quốc hằng năm đều có các kỳ thi công chức công khai, thu hút hàng trăm nghìn thí sinh với tỉ lệ chọi khá cao, thật bất công cho họ, như tờ nhật báo Quang Minh nhận định, những thí sinh giỏi giang đến mấy cũng không bằng có một “ông bố làm quan”.

Nhiều trường hợp khó hiểu tới nực cười, như vụ của Tào Bác Văn, con ông Tào Trường Thanh - cục trưởng Cục Nhân sự thành phố Lãnh Thủy Giang, tỉnh Hồ Nam. Đến năm 2011, Tào Bác Văn mới tốt nghiệp đại học, nhưng năm 2010 đã có tên trong biên chế nhận lương của Cục Tài chính của thành phố!

Một cán bộ của cục xác nhận chính quyền thành phố quả có quyết định sắp xếp công việc cho con cục trưởng Tào, thậm chí còn cho rằng những trường hợp như vậy không phải là hiếm. Tờ Thanh Niên Bắc Kinh gọi đó là “con đường tắt” của con ông cháu cha.

Nhưng tất nhiên, ngay cả danh không chính, ngôn không thuận, con cái các bậc “phụ huynh làm lớn” vẫn phải trải qua các thủ tục cần thiết để được tuyển vào cơ quan nhà nước. Điều đó dẫn tới rất nhiều “chiêu trò” để hợp thức hóa việc tuyển dụng họ.

Đầu tiên có thể kể đến là kiểu tuyển dụng “Đo ni đóng giày”. Phòng quản lý chứng từ thu phí trực thuộc Cục Kinh tế huyện Bình Nam, thành phố Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến khi tuyển dụng yêu cầu: tốt nghiệp đại học chính quy, có bằng thạc sĩ nước ngoài chuyên ngành kế toán quốc tế, Anh văn trình độ cấp 4, quê quán Bình Nam, nữ, dưới 25 tuổi.

Điều kiện tuyển dụng quá chi tiết, và khéo sao, cuối cùng chỉ còn mỗi mình con gái cục trưởng là phù hợp! Sau khi yêu cầu tuyển dụng bị phanh phui trên mạng, chính quyền thành phố đã cho hủy kế hoạch tuyển dụng cũng như tư cách người được tuyển dụng.

Kế đến là kiểu tuyển dụng đường vòng. Như vụ vi phạm trong tuyển dụng có sự phối hợp của bảy cán bộ lãnh đạo huyện Giang Vĩnh, tỉnh Hồ Nam mới được phanh phui gần đây.

Họ đã làm giả hồ sơ công tác ở tỉnh khác cho con cái, những người thật ra không hề làm việc tại các tỉnh đó, để rồi điều chuyển công tác những cậu ấm cô chiêu này về các đơn vị hành chính sự nghiệp trong huyện nhằm lách qua kỳ thi công chức khắt khe.

Tiếp nữa là kiểu chiếu cố trong nội bộ, có qua có lại. Như năm 2014, trung tâm tháo ráp xe phế liệu Công ty thu mua kim loại thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông bị phanh phui có hiện tượng ưu tiên con ông cháu cha lẫn nhau trong tuyển dụng. Việc bố trí công việc cho con cái của nhau với trình tự tuyển dụng hoàn chỉnh, người thường khó phát hiện đó là sự trao đổi lợi ích.

Người nhà đánh bật người tài

Tân Hoa xã cho biết những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc cũng đã ban hành quy định về tuyển dụng ở các đơn vị nhà nước, trong đó có nói rõ mục tiêu chống lại hiện tượng thân tộc, con ông cháu cha.

Ví dụ, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước khi tuyển dụng, điều động công tác có liên quan đến bản thân hoặc bà con thân thuộc sẽ không được tham gia trực tiếp công tác điều tra, hiệp thương, quyết định và cũng không được phép can thiệp.

Tuy nhiên, giáo sư Trần Bộ Lôi, Đại học Pháp chế Tây Nam, bình luận rằng ở nhiều địa phương, quy định chống ưu tiên thân tộc này không hề được thực hiện triệt để, những đối tượng vi phạm cũng chưa bị xử lý nghiêm, khiến quy định không có tính răn đe.

Tờ Nhân Dân Nhật Báo lên án những kiểu tuyển dụng này không chỉ khiến con em xuất thân trong gia đình phó thường dân nản lòng, công tác tuyển dụng của nhà nước không đạt mong đợi, điều quan trọng là gây bất công trong xã hội, khiến người dân mất lòng tin vào việc tuyển dụng công chức của các cơ quan, hoài nghi tính công bằng trong việc tuyển dụng người tài.

Tờ Yên Đài Buổi Tối thì cho rằng hình thức tuyển dụng đo ni đóng giày là “khối u ác tính” làm mất sự công bằng trong tuyển dụng.

“Lãnh đạo cán bộ vi phạm trong tuyển dụng dễ dẫn đến việc đơn vị phát sinh tệ nạn tham nhũng... dần dần hình thành tình trạng người nhà đánh bật người tài” - ông Chu Lương Vân, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu phòng chống tham nhũng xây dựng liêm chính tỉnh Vân Nam, phân tích trên Tân Hoa xã.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận