Trung Quốc kết án tử hình một công dân Canada: Từ ngòi nổ Huawei…

PHẠM VŨ LỬA HẠ 24/01/2019 03:01 GMT+7

TTCT - Quan hệ Trung Quốc - Canada đã băng giá hai tháng nay. Đầu tháng 12-2018, Canada bắt giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Chỉ vài tuần sau khi bà Mạnh bị bắt, Trung Quốc bắt hai công dân Canada, cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, vì nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Nhiều người Canada khác cũng đã bị bắt và trục xuất.

Robert Lloyd Schellenberg trong phiên xử phúc thẩm. Ảnh: Toronto Star
Robert Lloyd Schellenberg trong phiên xử phúc thẩm. Ảnh: Toronto Star

 

Hôm 14-1, Trung Quốc có vẻ đã giáng thêm một đòn rất mạnh tay trong cuộc trả đũa: Tòa án nhân dân trung cấp Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) tuyên án tử hình Robert Lloyd Schellenberg, công dân Canada 36 tuổi, vì tội buôn lậu ma túy. Canada là nước không có án tử hình và thường xuyên kịch liệt lên án những nước vẫn còn áp dụng án tử hình.

Nay viễn cảnh một công dân chính nước họ có thể bị xử tử ở nước ngoài, dù là với tội danh buôn ma túy, là điều không thể chấp nhận được với Canada.

Ngay sau khi có tin Schellenberg bị tuyên án tử hình, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên án Chính phủ Trung Quốc hành động tùy tiện.

“Chúng tôi, với tư cách là một chính phủ, và có lẽ tất cả bạn bè cùng đồng minh quốc tế của chúng tôi, vô cùng quan ngại về việc Trung Quốc đã chọn bắt đầu áp dụng một cách tùy tiện án tử hình, như trong trường hợp này đối với một người Canada” - ông nói với báo giới sáng 14-1. Thủ tướng Trudeau cho biết thêm Canada sẽ luôn can thiệp khi một công dân nước này bị kết án tử hình ở một quốc gia khác.

Chiều cùng ngày, Bộ Ngoại giao Canada cập nhật khuyến cáo đi lại với công dân nước mình có nhu cầu sang Trung Quốc về “nguy cơ thực thi luật pháp sở tại một cách tùy tiện”. Khuyến cáo này viết: “Chúng tôi tiếp tục đề nghị tất cả những người Canada đi Trung Quốc nên thận trọng cao độ”.

Lá bài chính trị?

Xưa nay từng có nhiều người nước ngoài bị xét xử về tội liên quan tới ma túy ở Trung Quốc, nhưng vụ Schellenberg nổi bật do thời điểm và mức độ công khai về phiên tòa mà chính quyền cho phép.

Sophie Richardson, nhà hoạt động nhân quyền chuyên về Trung Quốc, nói: “Bắc Kinh sẽ phải trả lời thế giới tại sao vụ án cụ thể xét xử công dân của một nước cụ thể lại được xử lại vào thời điểm cụ thể này”. Các chuyên gia pháp lý đặt nhiều câu hỏi về vụ này.

Schellenberg bị giam 15 tháng trước phiên tòa đầu tiên (vào tháng 3-2016), và đợi thêm 32 tháng trước khi một tòa án phán quyết anh có tội và kết án 15 năm tù (vì là đồng phạm). Thế nhưng phiên xử lại được lệnh thực hiện trong vòng chỉ 16 ngày sau khi tòa án quyết định cho phúc thẩm.

Và tòa chỉ mất chưa tới một ngày để xét xử, kết tội và tuyên án mới: tử hình. Cũng khó mà không để ý các mốc thời gian: Schellenberg bị tuyên án lần đầu (15 năm tù) vào ngày 20-11-2018 tại Đại Liên, bà Mạnh bị bắt ở Vancouver ngày 1-12-2018.

Donald C. Clarke, giáo sư luật tại Trường Luật của Đại học George Washington và chuyên gia về luật Trung Quốc, nhận định: “Chúng ta có thể cho rằng chính quyền Trung Quốc rõ ràng muốn chúng ta đi tới kết luận: đây là một vụ án chính trị. Số phận của Schellenberg sẽ chẳng liên quan gì tới việc cá nhân anh ta có tội hay vô tội.

Do bên công tố dường như dự định đưa ra những cáo buộc mới để biện minh cho việc áp dụng án tử hình, thời gian quá ngắn như vậy không đủ để chuẩn bị lập luận biện hộ có ý nghĩa. Vụ này dường như càng khẳng định thông điệp trước đây đã thể hiện qua các vụ bắt công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor, rằng Trung Quốc xem việc bắt giữ con tin là một cách thực hành ngoại giao có thể chấp nhận được”.

Hiện số phận của Schellenberg sẽ do chủ tịch nước Trung Quốc quyết định, bởi ông sẽ là người có quyền ân xá cho tử tội. Giáo sư Clarke nói: “Rõ ràng là nếu ông Tập Cận Bình muốn vụ này ra sao thì sẽ như thế đó”.

Tại phiên phúc thẩm, cơ quan công tố nói các bằng chứng mới cho thấy Schellenberg đóng vai trò lớn hơn trong một mạng lưới buôn lậu ma túy quốc tế, nên bản án ban đầu quá nhẹ. Về bản án tử hình cho Schellenberg, một tuyên bố chính thức của tòa viết: “Bằng chứng đầy đủ, đủ sức thuyết phục và các cáo buộc hình sự có căn cứ vững chắc. Schellenberg là một thủ phạm chính yếu”.

Ở tòa hôm 14-1, các công tố viên và thẩm phán trình bày về một vụ buôn lậu ma túy bất thành hoàn toàn khác với lời khai của bị cáo Schellenberg. Anh ta khai trước tòa rằng anh ta là một “du khách tới thăm Trung Quốc và bị bọn tội phạm gài bẫy”, theo tường thuật của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc.

Nhưng tòa cho rằng Schellenberg là một người dày dạn kinh nghiệm, tham gia âm mưu buôn lậu 225 ký ma túy đá giấu trong lốp xe từ Úc sang Trung Quốc. Tòa nói Schellenberg đã đánh giá các thiết bị dùng cho âm mưu buôn lậu như lốp, ruột xe, thùng chứa và đề xuất hoãn chuyển ma túy để chuẩn bị thêm.

Schellenberg được kháng cáo lên Tòa án cao cấp Liêu Ninh trong vòng 10 ngày. Bản án tử hình Schellenberg còn phải được Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc xem xét và phê chuẩn.

“Con tốt thí”?

Trước phiên tòa xử lại, gia đình Schellenberg đã sợ rằng anh sẽ trở thành một “lá bài” mặc cả của Bắc Kinh. Bà Lauri Nelson-Jones, dì của Schellenberg, nói: “Nó đã trở thành con tốt thí”. Một số chuyên gia đối ngoại cho rằng việc Trung Quốc ra tay nhanh chóng trong cả ba vụ Kovrig, Spavor và Schellenberg dường như để gây áp lực buộc Canada trả tự do cho bà Mạnh (bà Mạnh hiện tại ngoại ở Canada, chờ tòa xem xét có cho dẫn độ sang Mỹ hay không).

Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada ở Trung Quốc, nói phiên tòa thứ nhì xử Schellenberg có vẻ được dàn dựng và có tính chính trị nếu lưu ý tới thời điểm: cơ quan công tố kháng cáo bản án ban đầu và quyết định cho phép phóng viên nước ngoài vào phòng xử án.

“Nếu họ muốn chứng tỏ minh bạch thì họ đã bắt đầu làm chuyện đó nhiều năm trước” - ông Saint-Jacques nói. Tuy nhiên, cũng phải công nhận rằng vụ tử hình lần này không hề là biệt lệ với các công dân Canada.

Chính ông Saint-Jacques, đại sứ Canada tại Trung Quốc giai đoạn 2012-2016, cho biết trong thời gian đó, hai người Canada đã bị kết án tử hình vì tội ma túy và án đã được thực hiện, dù chính thủ tướng Canada lúc bấy giờ nhiều lần xin tha mạng cho họ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phủ nhận rằng phiên tòa xử Schellenberg và hai vụ bắt Kovrig và Spavor có liên quan tới vụ bà Mạnh. Tại một buổi họp báo hôm 11-1, người phát ngôn Lục Khảng nói những người chỉ trích không nên phá hoại luật pháp Trung Quốc vì mục đích chính trị.

Cũng phải nói thêm rằng các lý cớ để bà Mạnh bị bắt giữ và có nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ không được rõ ràng, mà chính phía Trung Quốc cho là rất đậm mùi chính trị. Canada bác bỏ điều đó, một mực nói rằng vụ bắt bà Mạnh là theo phán quyết của một tòa án độc lập.

Tuy nhiên, chính Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói ông sẽ can thiệp với Bộ Tư pháp Mỹ trong vụ bà Mạnh nếu “tôi nghĩ điều đó tốt cho thương mại và cho an ninh quốc gia”.

Những phát biểu như thế dẫn tới phản ứng mạnh từ các quan chức Trung Quốc với vụ việc. Trong một bài ý kiến đăng trên tờ The Hill Times ở thủ đô Ottawa, Canada, Lô Sa Dã, đại sứ Trung Quốc tại Canada, chỉ trích Canada đã áp dụng “tiêu chuẩn kép” và cho rằng những lời kêu gọi thả hai ông Kovrig và Spavor khẳng định “sự ngạo mạn và tinh thần thượng đẳng da trắng của phương Tây”.

Trong những năm gần đây, các tòa án Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện lập trường là người nước ngoài sẽ không được đối xử khác với người Trung Quốc trong các bản án kết tội ma túy. Từ năm 2009 tới 2015, Trung Quốc đã xử tử ít nhất 19 người nước ngoài vì tội buôn lậu ma túy, theo John Kamm - chủ tịch Sáng hội Dui Hua, một tổ chức ở San Francisco chuyên theo dõi nhân quyền ở Trung Quốc.

Ông Kamm ngạc nhiên về tốc độ xét xử nhanh và mức độ nghiêm trọng của bản án dành cho Schellenberg. Ông Kamm lưu ý rằng Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo, từng cảnh báo trước đó nếu Canada quyết định dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ, “sự trả thù của Trung Quốc sẽ nghiêm trọng hơn nhiều việc bắt giữ một người Canada”.

Xem ra, những leo thang sẽ chưa thể sớm dừng lại.■

Thật trớ trêu, đầu năm ngoái, Thủ tướng Canada Trudeau đã tuyên bố 2018 sẽ là “Năm du lịch Canada - Trung Quốc”. Năm 2017, du khách Trung Quốc đã chi tiêu hơn 1,6 tỉ USD ở Canada. Cụ thể, lượng du khách Trung Quốc tới Canada là 682.000 người, mỗi người chi tiêu trung bình 2.400 USD.

Nhưng vào cuối năm, các nỗ lực đưa khách Trung Quốc tới Canada của nhiều công ty lữ hành đã phải ngừng lại vì những rắc rối ngoại giao. Hôm 14-12-2018, Bộ trưởng Di sản Canada Mélanie Joy đã hủy chuyến thăm Trung Quốc sau tin tức hai người Canada là Kovrig và Spavor bị bắt giữ được loan báo.

Triển vọng một hiệp định thương mại Canada - Trung Quốc, mà tới tháng 11-2018 còn khá sáng sủa, giờ coi như cũng đã tắt. Việc thương mại song phương không chiếm tỉ phần quá quan trọng trong nền kinh tế cũng có thể đã làm vụ việc xấu hơn.

Trung Quốc, tuy mang tiếng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Canada, chỉ mua khoảng 21 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Canada trong năm 2016, kém rất xa so với thị trường lớn nhất là Mỹ - khoảng 400 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, giá trị xuất khẩu sang Canada của Trung Quốc là 35 tỉ USD, chỉ chiếm 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận