Tương lai nào cho khối Schengen?

TƯỜNG ANH 11/05/2019 04:05 GMT+7

TTCT - Khu vực Schengen đã không còn phát huy hiệu quả, bắt buộc phải cải cách. Đó là ý kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, được nêu ra vào cuối tháng 4.

Những biên giới đã bị dỡ bỏ giờ sẽ mọc lên lại ở EU? Ảnh: europeanceo.com
Những biên giới đã bị dỡ bỏ giờ sẽ mọc lên lại ở EU? Ảnh: europeanceo.com

Theo ông Macron, “khu vực Schengen với những quy tắc của thỏa thuận Dublin... đã không còn hoạt động nữa” và “để một châu Âu có chủ quyền mạnh mẽ và gìn giữ các biên giới của nó... một châu Âu có quyền tị nạn thông thường và có cơ sở, nơi trách nhiệm đi cùng với sự đoàn kết”, thì “...Schengen phải được định hình lại, kể cả khi nó có ít quốc gia hơn. Tôi không muốn trong khu vực Schengen có những nước nói họ thuộc về (Schengen) khi nói về tự do đi lại, nhưng lại không muốn là thành viên khi chia sẻ gánh nặng”.

Kêu gọi củng cố các biên giới ngoại khối của khu vực Schengen, tổng thống Pháp khẳng định “chủ nghĩa yêu nước cởi mở”, mà “để cởi mở, cần có những ranh giới. Để tiếp nhận, cần có một ngôi nhà. Tức là cần có... những quy tắc”. Ông cho rằng một số nước Schengen có thể “ở ngoài phạm vi của khối nếu không sẵn lòng bảo vệ các tiêu chí châu Âu của nó”.

Luật chơi, không phải lời đe dọa

Đến nay, tổng cộng có 26 quốc gia tham gia khối Schengen (xem box). Đầu tiên, mục đích của việc thành lập một cộng đồng kinh tế châu Âu là tạo lập một thị trường chung để đảm bảo sự di chuyển tự do hàng hóa, con người và đồng vốn. Dần dần, khi việc hội nhập châu Âu phát triển, nhu cầu bãi bỏ kiểm soát hộ chiếu và thị thực cũng tăng.

Nhờ không còn kiểm soát hộ chiếu ở các biên giới nội khối EU, những người di cư có thể tự do đi lại giữa các nước thành viên của khối. Không khó hiểu khi đa số những người di cư tìm cách tới các nước giàu có hơn, có thể chu cấp cho họ hỗ trợ xã hội rộng rãi. Từ đó dẫn tới tình trạng phân bố di cư không đồng đều, gây bất bình ở những nước được người nhập cư cho là “thiên đường”.

Những nước mà người di cư dùng làm cửa ngõ đến cũng không hài lòng - chẳng hạn như Ý hay Hi Lạp, vốn phải chịu đựng dòng người tị nạn lớn đổ vào và phải trông đợi vào một hệ thống phân bổ người tị nạn sang các quốc gia khác theo hạn ngạch.

Trước đó, trong một bài viết trên báo Anh The Guardian, ông Macron đã đưa ra những đề nghị cải tổ: một cơ quan biên phòng thống nhất, những luật lệ tiếp nhận nhập cư thống nhất ở tất cả các nước EU, và một cơ quan duy nhất giải quyết vấn đề cấp quy chế tị nạn chính trị.

Ông Macron không phải là chính khách đầu tiên trong khối Schengen đưa ra ý tưởng này. Cuối tháng 3-2019, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau từng nhấn mạnh các nước không đáp ứng yêu cầu của khu vực Schengen trong lĩnh vực kiểm soát biên giới phải rời khỏi hiệp ước. “Đây không phải là lời đe dọa, đây là luật chơi. Chúng tôi muốn các quốc gia được hưởng đặc quyền của việc tự do dịch chuyển phải khiến hệ thống này hoạt động tốt hơn vì lợi ích của người châu Âu. Không thể đơn giản nhận lợi ích mà không có trách nhiệm nào”.

Ngay trước cuộc khủng hoảng nhập cư bắt đầu từ năm 2015, Hệ thống giám sát biên giới châu Âu (Eurosur) đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, nhằm mục đích cải thiện việc trao đổi thông tin giữa các quốc gia về những dòng người nhập cư đang tập trung ở những hướng nào, qua đó giảm việc di cư bất hợp pháp, tội phạm xuyên biên giới cũng như số nạn nhân trong những người nhập cư.

Brussels đã phải tính đến việc tăng cường an ninh ở các biên giới của EU trong cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015, khi dòng người nhập cư từ Trung Đông và châu Phi lên đỉnh điểm: từ 20.000 - 25.000 người nhập cư bất hợp pháp/năm đột ngột tăng lên 1,8 triệu người/năm. Sau năm 2015, con số này giảm dần, và đến năm 2018 còn 150.000 người nhập cư bất hợp pháp vào EU, thấp nhất trong 5 năm theo các con số do Nghị viện châu Âu cung cấp.

Tuy nhiên, các chuyên gia không cho rằng đó là kết quả của công tác biên phòng hoặc tuần duyên hiệu quả, bởi các nước không đủ nguồn lực tài chính để rải khắp biên giới của mình. Vì thế, các chuyên gia không khỏi lo ngại một đợt bùng phát mới của làn sóng di trú bất hợp pháp mà họ cho rằng nhiều khả năng sẽ đến từ ngã Thổ Nhĩ Kỳ (đã tạm “đóng băng” nhờ một thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016). Bộ Ngoại giao Áo đã kêu gọi chính quyền EU chuẩn bị kế hoạch đối phó làn sóng di trú mới.

Mùa hè năm 2018, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Đức và Pháp ủng hộ ý tưởng tăng cường bảo vệ các biên giới ngoài của EU, gia tăng hỗ trợ cơ quan kiểm soát biên giới EU và chống nhập cư lậu (Frontex), và tạo ra những luật lệ di trú thống nhất. Theo bà Merkel, nếu có luật lệ thống nhất, người di cư sẽ không lựa chọn nước nào trong EU để xin nhập cư.

Tháng 11-2018, Chủ tịch Ủy hội châu Âu Jean Claude Juncker đề xuất tăng số lính biên phòng của Frontex từ 1.500 lên 10.000 người, đồng thời mở rộng thêm quyền hạn của cơ quan này, cho Frontex có hải đội và phi đội riêng. Cho tới nay, đầu tàu EU là Đức vẫn tỏ ra thận trọng, cho rằng con số 10.000 người đến năm 2020 là “tham vọng”, vì để đạt được chỉ tiêu này, Đức phải cử tới Frontex 1.200 người - con số mà Berlin “chưa sẵn sàng” đáp ứng.

Phản đối các cải cách còn mạnh mẽ hơn là những thành viên nhóm “Visegrad” của EU (hay V4, gồm 4 nước Đông Âu là Ba Lan, Czech, Slovakia và Hungary). Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng chi phí mở rộng Frontex và tăng tài trợ cho biên phòng EU tốt hơn nên được sử dụng cho việc phát triển kinh tế. Tháng 9-2018, Thủ tướng Czech Andrej Babis nói nước ông “chẳng có nhu cầu gì với Frontex vì mỗi quốc gia đều tự bảo vệ biên giới của mình”.

Trả lời phỏng vấn báo Đức Die Welt, ông Juncker gọi thái độ trên của nhóm V4 là “đạo đức giả trắng trợn”, bởi theo ông, trong suốt 2 năm các nguyên thủ quốc gia và chính phủ các nước EU đã kêu gọi cải thiện an ninh biên giới, thế rồi “đột nhiên lại xuất hiện nghi ngờ (Frontex), cho rằng đó là sự can thiệp vào chủ quyền quốc gia, rằng mọi việc diễn ra quá nhanh và các con số là quá cao”. Đến tháng 3-2019, Nghị viện châu Âu đã đi đến một thỏa hiệp là đưa số lượng nhân viên Frontex lên 5.000 người vào năm 2021, và 10.000 vào năm 2027.

Những kẻ nổi loạn

Tuy nhiên, đề tài tranh cãi giữa các nước EU không chỉ là việc bảo vệ biên giới ngoại khối mà còn là thủ tục cấp quy chế tị nạn chính thức. Theo các tiêu chuẩn hiện hành, người tị nạn có thể xin nhập cư ở nước EU mà anh ta đặt chân đầu tiên. Trong làn sóng người tị nạn vừa qua, để giảm nhẹ áp lực lên những nước “cửa ngõ” này, EU đề xuất một hệ thống phân bổ người di cư theo hạn ngạch cho các nước ở xa đường biên giới ngoại khối.

Thế nhưng, một số nước châu Âu lại không chấp nhận hạn ngạch này, chủ yếu là “những kẻ nổi loạn” V4. Công bằng mà nói, không phải ông Macron là người đầu tiên đe dọa khai trừ nhóm 4 nước Visegrad (đặt tên theo thị trấn Visegrad của Hungary, nơi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh của 4 nước để đẩy mạnh sự hội nhập vào EU). Tháng 12-2018, Thủ tướng Bỉ Charles Michel cũng khẳng định “khối Schengen nên trục xuất nhóm Visegrad vì không thể hiện sự đoàn kết trong việc xử lý vấn đề di trú”.

Ông có lúc còn nặng lời gọi Thủ tướng Hungary Victor Orban với Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini là một liên minh “tâm thần phân liệt và đạo đức giả”, cáo buộc họ không tích cực giải quyết vấn đề nhập cư. Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven thì đề nghị... trừng phạt các nước “nổi loạn”: “Nếu họ không sẵn lòng nhận trách nhiệm, họ sẽ phải trả giá, không thể nhận tiền của EU theo cách như hiện nay”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan Eva Suvar đáp lại rằng bản thân Ba Lan không chỉ thụ hưởng các lợi ích của EU mà cũng phải chịu “những gánh nặng thường trực khác nhau”, rằng khái niệm “đoàn kết” không nên bị giới hạn bằng một “cách hiểu hạn hẹp”.

Một số nhà bình luận cho rằng Tổng thống Macron, trước làn sóng bất bình của phong trào “ghilê vàng” trong nước, đang cố tăng cường vị thế chính trị bằng cách giành lấy ngọn cờ lãnh đạo EU từ tay bà Merkel, tạo dựng hình ảnh một chính khách quan tâm đến tương lai và an ninh EU. Trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào 26-5 tới, đây sẽ là đề tài được các chính khách cánh hữu EU nêu ra thường xuyên.

Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị (Nga) Alexey Mukhin nhận định: “Các chính khách châu Âu sẽ chộp lấy nỗi bất bình của người dân trước những người tị nạn và sẽ nói về sự cần thiết giảm bớt mức nhập cư, sắp xếp trật tự tình trạng này và đơn giản hóa thủ tục trục xuất”. Đó là lý do vì sao gần đây ông Macron nói nhiều tới việc thành lập quân đội EU, tăng cường công tác tình báo của khối, và chủ đề di cư cũng không ngoại lệ.

Còn khả năng “khai trừ những kẻ nổi loạn” khỏi khối Schengen được cho là “không có cơ sở”, theo giáo sư Đại học MGIMO (Nga) Alexander Tevdoi-Burmuli, do “đây phải là một quyết định tập thể”. Giáo sư nghiên cứu về Pháp hiện đại thuộc Đại học Bristol (Anh) Gino Raymond cũng giới hạn vấn đề nhập cư ở chỗ “tiếp tục gây căng thẳng trong khối và thậm chí có thể còn nặng nề hơn nếu cuộc chiến giành quyền lực ở Libya hiện nay dẫn đến việc gia tăng làn sóng di trú dọc Địa Trung Hải”, hơn là khả năng thu hẹp khối Schengen.■

Hiệp ước Schengen thỏa thuận về tự do đi lại giữa các thành viên châu Âu được chính thức ký kết vào ngày 27-11-1990 giữa 6 nước Pháp, Đức, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan và Ý. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tham gia năm 1991. Đến 19-12-2011, có tổng số 26 quốc gia công nhận hoàn toàn hiệp ước này, được gọi là các quốc gia Schengen, gồm: Ba Lan, Czech, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Ý, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Hi Lạp, Thụy Sĩ, Lichtenstein (trong đó chỉ có 22 nước thuộc EU, còn Na Uy, Iceland, Thụy Sĩ và Lichtenstein không thuộc EU nhưng tham gia khối Schengen và tuân thủ các luật lệ của việc tự do đi lại).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận