Vaccine giả: Mũi tiêm bất nhẫn

LÊ MY 26/05/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Nhiều người, sau bao tháng ngày chờ đợi và phải trả một số tiền không nhỏ, cuối cùng chẳng nhận được gì ngoài một mũi tiêm vô bổ. Họ đã bị lừa bởi những kẻ làm giả vaccine COVID-19.

 
 Một lọ vaccine Pfizer giả mạo từ Ba Lan được kiểm tra dưới kính phóng đại. Ảnh: Pfizer

Chính sự tuyệt vọng muốn mau chóng được chích ngừa đã tạo ra một “thị trường chợ đen” vaccine COVID-19 ở Mexico, theo phóng sự của tạp chí Slate ngày 12-5.

Gọi thế cũng không hẳn chính xác, vì thị trường chợ đen ít ra cũng bán đồ thật dù lấy giá cắt cổ. Đằng này, thứ được bán còn chẳng phải là vaccine.

Giọt nước cất ngàn đô

Vào đầu tháng 2-2021, cơn sốt vaccine tăng cao ở thành phố Monterrey (bang Nuevo León, Mexico). Ai có điều kiện thì bay sang các thành phố như Houston, Dallas và San Antonio của nước láng giềng Mỹ để được tiêm ngừa ngay, gọi sang chảnh là “du lịch vaccine”.

Những người khác, cũng tuyệt vọng không kém, đã mua “vaccine Pfizer” từ một phòng khám tư với giá từ 500 đến 1.200 USD/liều, theo trang web chính thức của Chính phủ bang Nuevo León.

Giữa tháng 2, cơ quan y tế của Monterrey đột kích phòng khám này và phát hiện vaccine giả bên trong một tủ mát - chỗ chỉ dành cho những chai bia. In trên các lọ vaccine là hạn sử dụng bị lỗi và số lô không trùng khớp với số lô mà Hãng Pfizer đã phân phối cho Chính phủ Mexico.

Khoảng 80 người đã bị lừa. Họ đã được chích, song chẳng hề được tăng khả năng miễn dịch trước virus corona. Tiền mất nhưng may mắn tránh được tật mang, vì họ chỉ rước một giọt nước cất siêu đắt đỏ vào người.

Theo Cơ quan Quản lý y tế quốc gia - COFEPRIS, vaccine giả chủ yếu được rao bán trên mạng, đặc biệt là qua mạng xã hội. Tổ chức này cũng khuyến cáo người dân không mua vaccine tại bất kỳ hiệu thuốc, bệnh viện, cửa hàng nào hoặc qua điện thoại. Theo Slate, từ đầu đại dịch đến nay, Chính phủ nước này đã gỡ bỏ ít nhất 2.300 trang web và trang mạng xã hội “chợ đen” liên quan đến các sản phẩm y tế thiết yếu, trong đó có vaccine.

Về nguyên tắc, không có chuyện mua bán vaccine COVID-19 ở Mexico, vì chỉ có chính phủ mới được phép tiêm chủng cho người dân. Nhưng quãng thời gian chờ đợi mòn mỏi của người dân và nguồn cung hạn chế từ phía chính phủ đã tạo điều kiện lý tưởng cho các nhóm lừa đảo, đặc biệt nhắm tới những người ít tiếp cận thông tin nhất hoặc những người tuyệt vọng nhất.

Và nỗi tuyệt vọng trong bối cảnh COVID-19 không phải là vấn đề riêng của Mexico. Đến nay, Liên minh châu Âu đã phát hiện ít nhất một trường hợp làm giả vaccine. Vụ việc xảy ra ở Ba Lan liên quan đến một thanh niên 26 tuổi ở thành phố Katowice hồi cuối tháng 1, theo Đài truyền hình Polsat của nước này.

Người này đã rao bán kết quả xét nghiệm âm tính giả và vaccine BioNTech-Pfizer giả trên darknet - mạng Internet “ẩn”, nơi người ta có thể truy cập các trang web đa số là phi pháp một cách ẩn danh. Thành phần chính của những lọ vaccine này hóa ra là một chất chống nếp nhăn. May mắn không có nạn nhân trong vụ lừa này.

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) từng báo cáo về tình trạng vaccine giả hoặc vaccine bị đánh cắp ở Argentina và Brazil. Cảnh sát Trung Quốc và Nam Phi hồi tháng 3 cũng đã thu giữ hàng ngàn liều vaccine COVID-19 giả và bắt giữ hàng chục người, theo Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol).

Theo Tony Pelli, chuyên gia tư vấn của Tổ chức Tiêu chuẩn Anh, phân phối vaccine giả dễ hơn chuyện ăn cắp rồi đem bán các lọ thuốc thật bởi các chính phủ và hãng dược đang triển khai các biện pháp an ninh nghiêm ngặt.

“Với hàng giả, bạn có thể chỉ cần xuất hiện và nói: đây là vaccine COVID, chúng tôi đang có một ít, đừng hỏi bằng cách nào - và rồi bắt đầu phân phối chúng” - Pelli nói với báo The Wall Street Journal.

 Chúng tôi kêu gọi việc tiêu hủy an toàn hoặc phá hủy các lọ vaccine đã qua sử dụng và rỗng để ngăn chặn việc các nhóm tội phạm tái sử dụng chúng, và kêu gọi tất cả mọi người không mua vaccine nằm ngoài chương trình tiêm chủng do các chính phủ điều hành.

-Tedros Ghebreyesus (tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới phát biểu tại cuộc họp báo về COVID-19, ngày 26-3)

Giữ niềm tin vào vaccine thật

“Những cách làm giả vaccine kể trên, như sử dụng nước cất hay nước muối, có thể không gây hại sức khỏe ngay lập tức nhưng có thể giết chết lòng tin của người dân vào hiệu quả của vaccine” - bác sĩ Judy Stone, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Pennsylvania (Mỹ), viết trên Forbes.

Vaccine giả khiến người ta ngỡ rằng họ đã được bảo vệ và tự tin quay trở lại các hoạt động dễ lây bệnh như tụ tập đông người, cởi bỏ khẩu trang. Vaccine giả cũng có thể làm sứt mẻ các mối quan hệ quốc tế, khi nước này cáo buộc nước nọ tội phá hoại chất lượng vaccine của họ. “Một trong những rắc rối của những vụ gian lận này là chúng không chỉ làm tổn thương các cá nhân, mà còn làm tổn thương tất cả chúng ta” - Stone viết.

Theo The Wall Street Journal, các chuyên gia nói rằng rất dễ để phân biệt vaccine thật với vaccine giả. Lý do đơn giản chính là hiện nay vaccine hợp pháp chỉ được bán cho các chính phủ. Vậy nên bất kỳ vaccine nào rao bán trên Internet cũng là hàng giả và có thể gây hại cho bạn.

Để giải quyết nạn thuốc giả nói chung còn cần sự tham gia của ngành công nghiệp dược phẩm. Các hãng dược cần giám sát đường đi của các sản phẩm của họ trên thị trường và nhờ đó phát hiện những điểm bất thường. 

“Bên cạnh đó, chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc giả” - Slate dẫn lời Josue Bautista, chủ tịch Hiệp hội Cảnh giác dược của Mexico. Ông tin rằng thông tin sẽ ngăn mọi người khỏi bị lừa đảo và khuyến khích họ tố cáo các hoạt động bất hợp pháp.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận