Về miệt vườn dạy trẻ chơi bóng

ĐOÀN BẢO CHÂU 25/07/2012 18:07 GMT+7

TTCT - Một ngày cuối tháng 6, sân Trường THCS Hòa An (xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) rộn vang tiếng cười của gần 20 em học sinh chơi bóng rổ.

Đây là một trong những nội dung của chương trình Coach for College (CFC - Sinh viên huấn luyện) do cô Julia Parker Goyer, nghiên cứu sinh Đại học Harvard, tổ chức riêng tại Việt Nam.

Phóng to

Tình nguyện viên CFC hướng dẫn các em chơi thể thao - Ảnh: Duy Minh

Mỗi buổi sáng, 18 bạn sinh viên Mỹ và Việt Nam lại khệ nệ ôm các thùng vật dụng thể thao, vượt qua cây cầu bắc ngang sông để đến trường. Trên sân đầy nắng, Nick Regan (sinh viên ĐH Washington) và Võ Ngọc Thảo Nguyên (sinh viên ĐH Cần Thơ) dạy các em học sinh chơi bóng rổ. Ở một góc khác, hai bạn sinh viên dạy các em cách tung hứng với cây vợt và quả bóng tennis.

“Bình thường con toàn lấy trái banh này chơi banh đũa, bữa nay mới được cầm cây vợt đánh qua đánh lại, ngộ ghê!” - Lệ Hằng, học sinh lớp 6, thích thú cho biết. Ở một góc xa, tiếng đập bóng chuyền, tiếng hò reo trên sân bóng đá làm náo động cả sân trường.

Kết thúc giờ học thể thao, các em vào lớp học kỹ năng sống và học thuật (toán, lý, sức khỏe, tiếng Anh). Nếu như kỹ năng sống là những bài học về lòng dũng cảm, định hướng tương lai... thì sức khỏe là những hướng dẫn ngắn gọn, trực quan về cách uống nước sao cho hiệu quả khi vận động, cách rèn luyện cơ thể để tăng chiều cao...

Đánh thức tiềm năng học vấn

Ra đời từ năm 2008, CFC đặt mục tiêu đánh thức tiềm năng và giấc mơ theo đuổi con đường học vấn của trẻ em nông thôn Việt Nam và xây dựng môi trường đa văn hóa cho sinh viên đại học, đặc biệt là sinh viên Mỹ và sinh viên tại vùng ĐBSCL. Chương trình chia thành bốn đợt tại các trường THCS Hòa An và THCS Thuận Hưng của tỉnh Hậu Giang vào dịp hè (từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm), gồm có ba nội dung chính: học chơi thể thao, kỹ năng sống, học thuật. Nội dung học do cô Julia Parker Goyer kết hợp với các bạn sinh viên Việt Nam biên soạn sao cho phù hợp với thể trạng, khả năng tiếp thu của học sinh Việt Nam.

Seth Napier, trợ lý điều phối chương trình, cho biết: “Ba tuần chắc chắn không đủ để các em biết kỹ một môn thể thao nào. Điều chúng tôi mong muốn nhất là có thể dạy cho các em tinh thần thượng võ, tính đồng đội trong thể thao”. Điều tưởng chừng đơn giản này lại khá phức tạp đối với các học sinh đang ở độ tuổi tâm lý có nhiều biến đổi. Nguyễn Kim Ngân, sinh viên ĐH Cần Thơ tham gia chương trình đã hai năm, giải thích: “Có lần một đội thua, thế là các em nam trách móc các bạn nữ trong đội, đá bàn, đá ghế rất hung hăng, làm cả đội khóc rất dữ. Chúng tôi phải nói chuyện, thuyết phục các em rằng chơi thể thao là để vui với nhau, không phải thắng thua quá gay gắt”.

Những đổi thay tích cực

Tham gia chương trình những ngày đầu (năm 2008) từ lúc học lớp 6, nay chuẩn bị vào lớp 10, Võ Hoàng Kha không còn là cậu bé nghịch phá, bướng bỉnh như trước. Có điều kiện chơi bóng đá ở đội của huyện và được thi đấu ở Hội khỏe Phù Đổng, Kha ước mơ “làm cầu thủ bóng đá, rồi sau đó về dạy cho các em nhỏ ở đây tham gia chương trình CFC giống các anh chị đã dạy em”.

Đối với các tình nguyện viên, sự thay đổi cũng không hề ít. Lê Phạm Ái Tâm kể lại năm đầu tham gia của mình: “Khi tham gia chương trình với cường độ vận động liên tục, các bạn lại nói tiếng Anh rất nhanh, tôi không hiểu gì cả và bị stress nặng... Nhưng đến ngày về, khi các em ôm mình khóc, các bạn Mỹ lặng lẽ dúi vào tay mình thư từ, hình ảnh chia tay, tôi nghĩ chắc chắn mình phải quay lại”. Và cô sinh viên năm 3 ĐH Cần Thơ này đã quay lại để làm trợ lý điều phối viên của CFC.

Riêng các sinh viên Mỹ càng háo hức quay lại Việt Nam nhiều hơn, như Thomas Fitzgerald Powers trước khi lên máy bay đã đưa lên Facebook câu tiếng Việt: “Anh sắp về đến Việt Nam!”. Hay như Hillary Trebels lưu luyến nói khi ngắm nhìn con đò, bến nước: “Ở đây có nhà của học trò tôi, nhất định tôi sẽ trở lại!”.

Đánh giá về CFC, ông Nguyễn Hùng Nhiên, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang, nói: “Thông qua các hoạt động giáo dục thể chất, văn hóa, tài trợ xây dựng sân thi đấu đa năng cho các trường THCS, chương trình CFC đã có những đóng góp rất tích cực, phù hợp với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Bộ GD-ĐT. Chính vì thế chúng tôi ủng hộ và tạo điều kiện cho việc triển khai, mở rộng chương trình tại tỉnh”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận