Vì chúng đã được tin!

THỤY ANH 09/07/2013 07:07 GMT+7

TTCT - LTS: Trở về từ trại hè Eco Camp 2013, chủ nhiệm câu lạc bộ Đọc sách cùng con (đơn vị tổ chức trại hè), tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh đã chia sẻ với chúng tôi những điều chị ghi nhận sau 10 ngày hội trại.

Phóng to
Cùng nặn đất ở Bát Tràng với các anh chị Trường đại học Michigan - Ảnh: T.A.

1. Hoạt động trại hè hầu hết là hoạt động tập thể, rất nhiều thứ phải làm cùng những người bạn mới, mỗi người mỗi tính. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều bạn nhỏ khó chịu, cảm thấy bị tù túng. Ở nhà muốn gì được nấy. Bây giờ đi cũng phải theo hàng, làm phải theo giờ, kiểu gì cũng phải bàn bạc cả đội tìm sự đồng thuận. Vì thế có cô bé ban đêm bỏ ra ngoài ngồi khóc đòi về. Hỏi ra thì biết xích mích với cả đội.

Một cậu bé khác thì bị đặt nick trêu chọc. Một bé khác cứ đến giờ ngủ là gây hấn với cả phòng. Có một chị lớn trùm chăn khóc suốt đêm. Một bạn khác oán thán những người lớn đã đưa mình vào trại.

Tất cả những tình huống ấy đều gặp trong trại hè mười ngày của chúng tôi. Và rồi dần cũng trôi qua. Còn lại là những bài học được chính các bạn nhỏ rút ra để ngày cuối, khi tổng kết trại, chúng đã biết lo lắng cho nhau, biết để phần cơm cho bạn, biết tăng nhiệt độ trong phòng khi bạn bị cảm lạnh, biết nhường nhịn nhau nhiều hơn.

Một bài học tôi từng đưa ra cho các bạn nhỏ: một bạn nắm chặt nắm đấm, trong đó để một món đồ, hãy bằng cách nào đó lấy được món đồ ấy. Bạn có thể dùng bạo lực tách những ngón tay. Nhưng cũng có cách khác. Đó là khi các bạn dùng lời để thuyết phục người kia. Bài học thuyết phục chỉ thành công khi các bạn biết được nhu cầu của mình, lại cũng đảm bảo quyền lợi cho người kia, nói có lý, có tình. Đó chính là bài học của sự đồng thuận.

2. Ở trại hè, trẻ kể về gia đình mình. Trong bài học về tiền, trẻ nhớ lại mẹ từng chi tiêu thế nào. Những đứa trẻ nghĩ về gia đình trong sự xa cách - sự hồi tưởng, tưởng tượng, với một chút liên tưởng bỗng đem lại cho trẻ một cảm xúc tích cực về những người thân. Tình yêu đôi khi cũng cần khoảng cách là vì thế.

Một trong những hoạt động của trại hè có sự tham gia của bố mẹ các em - là viết thư tay. Những lá thư tay được gửi đến trại và các bé hân hoan đón nhận, rồi viết thư trả lời. Quan sát quá trình này của các em, tôi nhận ra được sự gắn bó cảm xúc giữa bố mẹ và con cái. Có bé tương đối thờ ơ với những lá thư, thậm chí không đọc, để lại trên bàn; có bé phấn khởi đọc đi đọc lại, trả lời tỉ mẩn.

Tôi hiểu với thời đại tốc độ này, những lá thư tay quả là một trò lạ lẫm. Nhưng nếu biết tận dụng “trò” này một cách có điều tiết, vừa đủ, thư tay có thể là một kênh giao lưu rất tốt, cho nhiều cảm xúc giữa bố mẹ và con.

Cũng qua việc này, tôi phát hiện thấy sự thiếu cảm xúc ở trẻ chính là vì trẻ chưa bao giờ tự hỏi bố mẹ làm những việc này việc kia cho mình có vất vả gì mà chỉ tự nhiên hưởng thụ thôi. Lòng tri ân không tự nhiên mà có. Cần có sự thấu hiểu. Hãy tin vào khả năng thấu hiểu của trẻ để sẵn sàng chia sẻ.

Trong trại hè có trường hợp một cô bé 13 tuổi xin về vì không hợp với các hoạt động của trại. Tôi nghĩ điều này là rất tự nhiên. Mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt, và chúng ta chỉ có thể nương vào từng cá thể ấy để hướng dẫn chúng mà thôi. Tuy nhiên, điều cảm động là ngày tổng kết trại, bố của em đã đưa em đến nói những lời cảm ơn.

Trẻ không thể học được lòng tri ân nếu chính những người lớn thờ ơ và vô cảm trước những gì người khác cố gắng làm cho mình, vì mình.

3. Cậu bé Việt, 10 tuổi, tự hào nói với tôi khi tôi khen cậu đã biết dậy sớm nhanh nhẹn, đã không lèo nhèo đòi... đi bơi suốt từ sáng đến tối mà đã tìm được niềm vui trong các hoạt động chung khác cùng đội: “Con phải như thế mẹ mới tin tưởng mà cho con đi xa mẹ 10 ngày chứ!”.

Bé Quang Huy, 6 tuổi, kể với mẹ về tình bạn giữa bé và một anh 7 tuổi tên là Chính: “Ban đầu Chính không muốn chơi với con. Nhưng bây giờ Chính thích chơi với con rồi mẹ ạ. Mẹ có biết tại sao không? Vì con hoạt động với Chính. Và vì Chính... hoạt động với con. Bọn con cùng một đội mà, nên bây giờ Chính rất thích chơi với con”.

Cô bé Thu Giang, 9 tuổi, thể hiện mình trong các buổi học hát, tự tin đứng lên trò chuyện với các anh chị sinh viên người Mỹ đến từ Michigan, được khen vì biết chăm các em, tỏ ra người lớn, có kỷ luật.

Các cậu bé được coi là ít nói nhất và tưởng chừng khó hòa đồng nhất cũng đã hò hẹn nhau “Năm sau gặp lại nhé!”.

Tôi nhớ lại cảnh một số bố mẹ trong hôm đầu tập trung toàn trại vẫn chạy theo dặn dò, gương mặt lo lắng. Bây giờ thì tôi cho rằng những đứa trẻ từng một lần được đi trại hè sẽ không còn bỡ ngỡ với bất kỳ tình huống giao tiếp ngoài xã hội nào nữa. Chúng đã hiểu những cơ hội và thách thức đều không đáng sợ. Vì chúng đã được tin.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận