Vì sao dân đảo dễ béo phì?

HẢI MINH 28/02/2011 18:02 GMT+7

TTCT - Một nghiên cứu công bố vào đầu tháng 2 trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet (Anh) cho thấy tỉ lệ béo phì trên toàn thế giới đã tăng đáng kể trong vòng ba thập niên qua, đặc biệt tăng cao ở khu vực các đảo Thái Bình Dương bởi những lý do khá... kỳ cục.

Phóng to
Người dân Nauru hiện béo nhất thế giới - Ảnh: Foreign Policy

Tại quốc gia có nhiều người béo phì nhất thế giới - Nauru, chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể dùng để đo mức độ béo phì) hiện ở mức trung bình là 35,03 cho phụ nữ và 33,85 cho nam giới (BMI trên 30 thường được xem là béo phì). Một nghiên cứu khác của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy có tới 94,5% dân số trên 15 tuổi của Nauru bị xếp loại béo phì. Những đảo quốc khác như Cook, Tonga, Samoa, Polynesia thuộc Pháp và Palau xếp ngay sau đó. Một số đảo ở vùng Caribê gồm Bermuda, Puerto Rico, St. Kitts & Nevis cũng thuộc nhóm béo phì nặng với BMI trung bình trên 30.

Toàn cầu hóa là thủ phạm

Trong số 13 nước có BMI trung bình hơn 30, chỉ Kuwait và Ai Cập không phải là đảo quốc. Vậy tại sao người dân ở đảo lại có tỉ lệ béo phì cao như thế? Đó là do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm chế độ dinh dưỡng, lối sống và cả văn hóa. Nhìn chung, thủ phạm chính được các nhà khoa học thừa nhận là quá trình toàn cầu hóa. Hầu hết các đảo quốc ở Thái Bình Dương là những xã hội truyền thống, tự cung tự cấp về lương thực mãi tới giữa thế kỷ 20. Quá trình công nghiệp hóa quy mô lớn bắt đầu từ những năm 1970 và hệ quả là các nước này chỉ có khoảng 40 năm để thích nghi với đời sống hiện đại.

Thực phẩm nhập khẩu cùng với việc biến các nông trại thành khu công nghiệp, du lịch và khai khoáng đã khiến tỉ lệ béo phì tăng nhanh. Đất đai ở đảo Nauru giờ gần như đã chuyển hết thành các mỏ phosphate, trong lúc thực đơn truyền thống - chủ yếu gồm cá, hoa quả và rau - chuyển sang gạo nhập khẩu, đường, bột mì, xôđa và bia. Các cửa hàng thức ăn nhanh cũng mọc lên như nấm sau mưa.

“Khi tôi còn nhỏ, thực phẩm nhập khẩu rất ít. Chúng tôi ăn đồ ăn ở đảo, carbohydrate cao, lượng đường thấp và nhiều chất xơ. Chúng tôi chỉ ăn thịt heo hay gà vào chủ nhật, ăn cá và hải sản vào ngày thường. Đi bộ hay cưỡi ngựa đến thăm các nông trại, dành thời gian câu cá, bơi lội và lặn cũng giúp cơ thể khỏe mạnh. Còn giờ đây thức ăn quá nhiều calori” - bác sĩ Malokai Ake, giám đốc Trung tâm Y tế cộng đồng Tonga, nói với AFP.

Một lý do khác là các nhà sinh học tin rằng về mặt di truyền, cơ thể của người dân ở đảo có khả năng tích tụ mỡ hiệu quả hơn so với người dân trên đất liền do họ phải sẵn sàng với điều kiện thời tiết rất khó lường, kèm theo những giai đoạn đói kém có thể kéo dài. Cuối cùng là yếu tố văn hóa khi cơ thể mập mạp được coi là hấp dẫn ở cả hai giới trong hầu hết các xã hội đảo tại Thái Bình Dương và Caribê.

Thanh niên 20-30 tuổi cũng đột quỵ

Hậu quả của béo phì với sức khỏe là nhãn tiền. Ở Nauru, ước tính khoảng 45% người trưởng thành bị tiểu đường. Tuổi thọ trung bình tăng liên tục suốt nhiều thập niên qua đã bắt đầu giảm nhẹ trong những năm gần đây vì các vấn đề sức khỏe liên quan đến cân nặng. “Những gì diễn ra ở đất nước này là một bệnh dịch đang lan tràn. Chúng tôi có 6.000-8.000 ca tiểu đường trong dân số chỉ 53.000 người, một thảm họa thật sự cả về y tế lẫn tài chính” - Carl Hacker, giám đốc Cơ quan Chính sách, kế hoạch và thống kê kinh tế của quần đảo Marshall, nói. Việc chữa trị một bệnh nhân bị tiểu đường trong khoảng thời gian 15-30 năm có thể khiến ngân sách y tế tiêu tốn hàng trăm nghìn USD.

Một căn bệnh đáng sợ khác là chứng đột quỵ do tăng huyết áp cũng đang phổ biến hơn rất nhiều. “Trong quá khứ sẽ là bất thường nếu có người dưới 50 tuổi bị đột quỵ. Giờ đây thanh niên mới 20-30 tuổi cũng đột quỵ” - AFP dẫn lời bác sĩ Jan Pryor, giám đốc trung tâm nghiên cứu ở Đại học Y Fiji. Vấn đề béo phì đã trầm trọng hơn trong 30 năm qua đến mức không còn là chuyện của các vùng đô thị. “Thậm chí nếu bạn đến một ngôi làng xa xôi hẻo lánh vẫn có thể tìm thấy thực phẩm đóng hộp” - Pryor khẳng định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận