Vladimir Putin nhiệm kỳ 3: nhìn lại hành trình

TỔNG THỐNG BORIS YELTSIN 22/05/2012 23:05 GMT+7

TTCT - Sau hai nhiệm kỳ tổng thống bốn năm từ 2000-2008 (gián đoạn bởi nhiệm kỳ vừa dứt của ông Dmitry Medvedev), ông Vladimir Putin vừa bước vào một nhiệm kỳ mới sáu năm kể từ ngày 7-5.

Nhìn lại sẽ thấy di sản từ ông Medvedev “khá giả” hơn nhiều so với di sản từ ông Boris Yeltsin vào năm 2000. Và đáng nể hơn cả là sự thắm thiết Putin - Medvedev.

Phóng to

Tổng thống Vladimir Putin (bìa trái) trong cuộc gặp cựu tổng thống Boris Yeltsin, người đã đưa ông lên vị trí quyền lực để dẫn dắt nước Nga bước vào thiên niên kỷ mới - Ảnh tư liệu

Trên thế giới chưa từng có một bộ đôi chính khách nào “trung thành” với nhau và “cống hiến” với nhau cho bằng Putin - Medvedev.

Tháng 5-2008, ông Medvedev vừa nhậm chức tổng thống sau một cuộc bầu cử được ông Putin giới thiệu tranh cử và hậu thuẫn, thì chỉ sáu tháng sau, ngày 11-11-2008, vị tân tổng thống mới được 200 ngày này đã trình Viện Duma cùng Hội đồng Liên bang Nga một dự thảo luật cho phép kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ bốn lên sáu năm, bắt đầu từ cuộc bầu cử năm 2012.

Đúng 15 ngày sau, cả hai viện Quốc hội Nga đã bỏ phiếu thông qua điều khoản tu chính này. Nếu biết rằng ông Medvedev trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 2-3-2008 từng đắc cử vẻ vang với 70,28% số phiếu, đè bẹp ứng viên về nhì là ông Ghenadi Ziuganov của Đảng Cộng sản Liên bang Nga vốn chỉ được 17,72% (1), thì việc ông sốt sắng sửa đổi hiến pháp để cho ông Putin, chứ không để cho bản thân ông, ra ứng cử sau này phản ánh sự “tận tụy” vô cùng của ông Medvedev đối với ông Putin.

Bởi thế báo chí Pháp đồng thanh gọi ông Medvedev là “thái tử” (le dauphin) của ông Putin (2). Và như có thể thấy trên màn ảnh nhỏ, tổng thống mãn nhiệm Medvedev đã thân ái bàn giao điện Kremlin cho tổng thống tân cử Putin. Di sản từ ông Medvedev rõ ràng là quá “êm ả” so với từ ông Yeltsin.

Di sản từ tổng thống Yeltsin

N“Nước Nga phải bước vào thiên niên kỷ mới với những khuôn mặt chính khách mới tinh khôi, những con người thông minh, mạnh mẽ và cương quyết. Còn chúng tôi, những người từng cầm quyền trong nhiều năm qua, phải ra đi thôi”.

Thật vậy, nước Nga tháng 5-2012 khác một trời một vực so với nước Nga tháng 3-2000.

Tất nhiên tăng GDP/đầu người thôi chưa hẳn đã là phát triển, song ghi nhận dưới đây của Anders Åslund, thuộc Viện Kinh tế học quốc tế PIIE, trước Ủy ban Đối ngoại nghị viện châu Âu tháng 4-2009 (3) cho thấy GDP của Nga đã tăng 27%/năm trong thời gian từ 1999 đến 2008, tức từ 196 tỉ USD lên đến 1.800 tỉ USD, lớn thứ sáu thế giới, sau Đức nhưng trước Anh và Pháp (IMF 2008), cho dù điểm xuất phát là cuộc khủng hoảng tài chính Nga ngặt nghèo năm 1998, hậu quả của các sai lầm dưới trào tổng thống Yeltsin.

Năm 1998, nước Nga hầu như vỡ nợ, hết nội các “cổ điển” Viktor Chernomyrdin đến nội các “thế hệ trẻ” Sergei Kiriyenko cũng không ngăn được sự suy sụp hoàn toàn của đồng rup, sau nỗ lực chống trả của Ngân hàng Trung ương Nga tháng 11-1997 tung 6 tỉ USD mua vào đồng rup để bảo vệ đồng nội tệ.

Cuộc khủng hoảng này có thể được giải thích theo cách của nhà kinh tế học Krugman (Nobel kinh tế) và Flood & Garber là “do nợ của chính phủ cùng cảm giác rằng chính phủ không có khả năng kiểm soát được ngân sách” khi dự trữ ngoại tệ không còn, đồng thời ngoại thương thâm thủng (4) cho dù IMF không ngớt hà hơi cho ông Yeltsin.

Ngày 9-8-1999, tân giám đốc lãnh đạo FSB (hậu thân của cơ quan an ninh KGB) Putin, vốn gần như vô danh trên chính trường và cũng không hề là một nhà kinh tế, bỗng dưng được tổng thống Yeltsin bổ nhiệm vào ghế thủ tướng thay ông Sergey Stepashin (vốn nguyên là cựu bộ trưởng an ninh từ năm 1994, rồi bộ trưởng tư pháp, nội vụ phụ trách nội chính). “Lùng bùng màng nhĩ” hơn nữa khi tổng thống Yeltsin lên truyền hình tuyên bố bàn giao chức vụ cho ông này ngay tối giao thừa dương lịch 2000 trong một bài diễn văn dài 771 từ (bản dịch tiếng Anh) (5).

Nếu nhớ lại rằng vào thời điểm giao thừa năm 2000 ấy, cả thế giới đang hồi hộp như thế nào trước cái gọi là “con bọ năm 2000” (tức sự cố treo máy tính toàn cầu, làm mọi hệ thống an ninh, quốc phòng, giao thông... trục trặc, có thể dẫn đến “cướp cò” gây chiến tranh) thì bài diễn văn của tổng thống Yeltsin quả là một “sự cố năm 2000” khi ông loan báo:

“Hôm nay tôi nói chuyện với các công dân Nga và chúc mừng năm mới một lần chót trong tư cách tổng thống Nga. Tôi đã quyết định rồi. Hôm nay, ngày cuối cùng của thế kỷ vừa chấm dứt, tôi về hưu. Nước Nga phải bước vào thiên niên kỷ mới với những khuôn mặt chính khách mới tinh khôi, những con người thông minh, mạnh mẽ và cương quyết. Còn chúng tôi, những người từng cầm quyền trong nhiều năm qua, phải ra đi thôi”!

Tuyên bố xong, ông Yeltsin ra đi mà không chỉ mình ông, tất cả phải nhường chỗ cho một “bộ sậu” mới mà ông giới thiệu thật vắn tắt: “Theo đúng hiến pháp, tôi đã ký một sắc lệnh đặt quyền tổng thống Nga nơi người đứng đầu chính phủ, Vladimir Vladimirovich Putin. Cũng đúng theo hiến pháp, ông ấy sẽ là quốc trưởng. Và trong ba tháng tới sẽ bầu tổng thống”.

Tổng thống tạm quyền chấp chính không tiếng súng

Tại sao một giám đốc FSB lên giữ chức thủ tướng, rồi thì tạm quyền thay thế một Yeltsin đâu đã mãn nhiệm? Tình hình nước Nga tối thứ sáu 31-12-1999 ấy hoàn toàn khác với tình hình nước Nga hôm thứ hai 19-8-1991, khi một cánh “bảo thủ” đứng đầu là lãnh đạo KGB tướng Vladimir Kryuchkov nổi lên làm chính biến, và sau đó Yeltsin bỗng trở thành “người hùng dân chủ”.

Đầu tháng 8-1991, tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đang nghỉ hè trên bán đảo Crimea. Theo dự tính, ông Gorbachev sẽ quay về lại Matxcơva kịp ngày 20-8 để ký kết “hiệp ước liên bang (Xô viết) mới” bao gồm tám trên chín nước cộng hòa còn sót lại từ Liên bang Xô viết cũ (Cộng hòa Ukraine không tham gia, còn các nước Estonia, Latvia, Lithuania và Georgia đã ly khai ra khỏi). Đánh hơi được nội dung bản hiệp ước này, cánh của tướng KGB Kryuchkov đã họp mật với nhau hôm 17-8 tại một nhà khách của KGB ở Matxcơva và quyết định ra tay hành động.

Ngày hôm sau 18-8, họ cử một số nhân vật đến Crimea gặp tổng thống Gorbachev yêu cầu ông này tuyên bố tình trạng khẩn cấp và bổ nhiệm phó tổng thống Ghenadi Yanayev làm tổng thống tạm quyền để “vãn hồi trật tự” trên toàn cõi Liên bang Xô viết. Ông Gorbachev từ chối tiếp, thế là chính biến nổ ra ở Matxcơva ngày 20-8.

Lần đó, ông Yeltsin, trong vai trò tổng thống Cộng hòa Nga được bầu lên hôm 21-6 trước đó, đã thống lĩnh lực lượng bảo vệ tòa Nhà trắng, trụ sở Quốc hội Nga. “Chính quyền thật sự về tay” ông Yeltsin ở Nga từ vụ chính biến này, còn ông Gorbachev đến ngày 25-12 sau đó chẳng còn cai trị được nước cộng hòa nào nữa nên đã tuyên bố từ chức tổng thống Liên Xô và kết thúc sự tồn tại của Liên Xô ngày hôm sau.

Sau vụ chính biến tháng 8, toàn thể bộ máy lãnh đạo KGB bị thay thế, giam giữ... Một bộ máy lãnh đạo dưới tên mới là FSB được ông Yeltsin lập nên, gồm một êkip sĩ quan hướng đến tương lai của nước Nga chứ không níu kéo dĩ vãng, trong đó có ông Putin.

Sau vụ chính biến đó, các cố gắng khôi phục đường lối cũ bằng lá phiếu đều không thành công qua các cuộc bỏ phiếu bầu quốc hội và tổng thống trong những năm sau đó, thủ lĩnh Đảng Cộng sản Liên bang Nga Ghenadi Ziuganov không bao giờ thắng cử cho đến tận năm 2012 này. Điều này cũng phù hợp với tuyên bố của ông Yeltsin tối 31-12-1999: “Những người từng cầm quyền trong nhiều năm qua phải ra đi!”.

Trong bối cảnh đó, việc ông Yeltsin ngày 25-7-1998 bổ nhiệm ông Putin làm giám đốc FSB rồi sau đó làm thủ tướng, rồi cuối cùng là tổng thống tạm quyền chẳng khác gì một diễn biến nhượng quyền êm thắm cho “những khuôn mặt mới thông minh hơn, mạnh mẽ hơn, cương quyết hơn”, đúng theo lời ông để xây dựng một nước Nga mới hùng cường.

Năm 1999 đó, nước Nga đang phải đối đầu với cuộc khủng hoảng Chechnya không chỉ ở lãnh thổ đòi ly khai này, mà còn ngay cả ở thủ đô Matxcơva vì hàng loạt vụ đánh bom khủng bố. Thủ tướng Sergey Stepashin, cũng là một lãnh đạo FSB, đã bị thay thế bởi ông Putin là do không hăng hái với chiến dịch Chechnya; ngược lại ông Putin vừa lên cầm quyền thế ông Stepashin là khởi sự ngay chiến dịch vãn hồi trật tự ở Chechnya (6).

Bối cảnh trên giải thích tại sao trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 26-3-2000, ông Putin đắc cử ngay vòng một với 52,94% số phiếu trước Ghenadi Ziuganov, lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên bang Nga và Grigori Iavlinski, một nhà kinh tế tên tuổi từng tham gia chương trình kinh tế “500 ngày” dưới trào tổng thống Yeltsin (7). Trong bàn tay sắt của một tổng thống giám đốc FSB, nước Nga từ sau năm 2000 đã tìm lại được sự ổn định cần thiết để giải quyết nợ nần cũ và tăng trưởng.

__________

(1) Election presidentielle en Russie de 2008, Wikipedia.
(2)
http://search.yahoo.com/search?p=medvedev+le+dauphin&ei=UTF-8&fr=moz35
(3) http://www.piie.com/publications/papers/aslund0409.pdf
(4) Abbigail J. Chiodo and Michael T. Owyang, A Case Study of a Currency Crisis: The Russian Default of 1998, p.9
(5)
http://www.pbs.org/newshour/updates/december99/yeltsin_resignation_12-31.html
(6) Sergueï Vadimovitch Stepashin, Wikipedia.
(7) Election presidentielle en Russie de 1996, Wikipedia

__________

Kỳ 2: Tiếp tục di sản của chính mình

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận