Vỡ mộng app truy vết

HOA KIM 27/03/2022 18:25 GMT+7

TTCT - Truy vết từng là một cột trụ đối phó với COVID-19 của nhiều nước, nhưng sau 2 năm, các ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh để theo dõi và cảnh báo tiếp xúc gần đã bị cất vào một góc trong hành trang chống dịch của các quốc gia. Chúng chỉ còn hiện diện trên điện thoại một bộ phận người dân như tàn tích của một thời kỳ chạy đua công nghệ tốn kém.

 Ảnh: Getty Images

Hai năm trước, giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) cho biết cần 100.000 người tham gia công tác truy vết để giúp ngăn chặn các đợt bùng phát của virus SARS-CoV-2. Ngày 2-3 năm nay, cơ quan này thông báo không còn khuyến khích việc truy vết đại trà như vậy nữa, thay vào đó tập trung vào những nơi có nguy cơ cao như cơ sở chăm sóc dài hạn, trại tạm giam và nhà tù.

Đây là một chuyển biến lớn trong triết lý chống dịch ở cấp độ cao nhất của một chính phủ, nhưng nó chỉ phản ánh một xu hướng đã manh nha từ lâu trên khắp thế giới.

Truy vết đã lỗi thời

Nhiều bang của Đức đã dừng truy vết từ Giáng sinh năm ngoái, Anh cũng kết thúc truy vết từ cuối tháng 2, trong khi Đan Mạch và Phần Lan nằm trong số nhiều quốc gia châu Âu đang thu hẹp quy mô của hoạt động tốn kém.

Nam Phi từ bỏ hoàn toàn truy vết từ tháng 12 năm ngoái; thay vào đó là tái tập trung các nỗ lực y tế vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe và những khu vực dễ bị tổn thương. Các trung tâm y tế công cộng ở Nhật Bản cũng đang thu hẹp dần năng lực truy vết sau thời gian dài dàn mỏng lực lượng cho biện pháp không còn hiệu quả.

Với nhiều người, “truy vết chỉ còn là chuyện của năm 2020” - Đài ABC News của Úc nhận xét. Trên khắp châu Âu, các ứng dụng truy vết chỉ giúp theo dõi 5% tổng số ca bệnh tính đến tháng 11-2021, theo một nghiên cứu đăng trên ấn phẩm El Orden Mundial của Tây Ban Nha.

Tại Úc, ứng dụng COVIDSafe của chính phủ liên bang đang đứng trước áp lực phải dừng hoạt động sau khi chỉ có… 13 người cấp phép ứng dụng này sử dụng dữ liệu trên điện thoại của họ cho công tác truy vết tại 2 bang New South Wales và Victoria từ tháng 5 đến tháng 11 năm ngoái.

“Khi có một đợt bùng phát dịch dữ dội như chúng ta đang gặp phải (với Omicron)… [ứng dụng truy vết] không còn nhiều ý nghĩa” - bác sĩ Georges Benjamin, giám đốc Hiệp hội y tế công cộng Hoa Kỳ, nói với tạp chí Newsweek. 

Theo ông, chiến lược truy vết nên được điều chỉnh để phản ánh thực tế mới của virus. Cụ thể, người dân tự xác định mình thuộc đối tượng nghi nhiễm và thực hiện test nhanh tại nhà để khẳng định, sau đó thông báo với y tế cơ sở và những người mình từng tiếp xúc gần.

 
 Ảnh: NATURE

“Thất bại giá 100 triệu euro”

“Thất bại giá 100 triệu euro” là cách trang web chuyên về châu Âu Voxeurop gọi các app truy vết ở Liên minh châu Âu, trong bài viết ngày 19-1. “Kể từ khi đại dịch bùng phát, chúng đã được coi là một công cụ thiết yếu trong việc ngăn chặn lây nhiễm và các quốc gia thành viên (EU) đã không ngần ngại đầu tư hàng triệu euro để phát triển chúng. Các ứng dụng này có màn ra mắt phô trương đi kèm chiến dịch truyền thông đầy tham vọng nhằm quảng bá việc sử dụng chúng. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, phân tích thống kê cho thấy nhiều ứng dụng trong số này đã được ký gửi vào thùng rác” - tác giả viết gay gắt.

Tháng 4-2020, Ủy ban châu Âu bổ sung một khuyến nghị để đối phó với đại dịch là phát triển các ứng dụng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giãn cách xã hội và truy vết ca nhiễm. Từ một bộ công cụ chung, các chính phủ châu Âu bắt đầu tung ra các ứng dụng của riêng họ, thường là thông qua hợp đồng với khu vực tư nhân với chi phí không rẻ.

Đức với app Corona-Warn-App trị giá 67,45 triệu euro là nước đầu tư nhiều tiền nhất cho ứng dụng truy vết cho đến nay. Nhiều quốc gia chọn giải pháp đánh cược bằng cách hiệu chỉnh trực tiếp trên ứng dụng của Đức để sử dụng tại nước mình, như trường hợp của Bỉ, Lithuania và Slovenia. Một ứng dụng đáng chú ý khác là CoronaMelder của Hà Lan, trong đó chính phủ nước này đã đầu tư 18,7 triệu euro để phát triển và chi thêm 4,3 triệu euro cho một chiến dịch nâng cao nhận thức người dân.

Ở Pháp và Estonia, tiền đầu tư vào quảng cáo thậm chí vượt quá tổng số tiền chi cho phát triển và bảo trì ứng dụng - lần lượt 4,78 triệu euro so với 2,27 triệu euro và 200.000 euro so với 102.000 euro. Con số này ở Tây Ban Nha và Phần Lan cũng lên tới hàng triệu euro.

“Tính tổng cộng, không bao gồm chi phí quảng bá, các quốc gia thành viên EU đã chi gần 106 triệu euro cho việc thiết kế các ứng dụng truy vết” - Voxeurop kết luận dựa trên số liệu tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau. EU cũng đã phải để dành ra một quỹ trị giá 3 triệu euro để hỗ trợ các nước điều chỉnh ứng dụng của quốc gia họ theo tiêu chuẩn chung châu Âu.

Kết quả của tất cả những nỗ lực này là gì? Tính đến tháng 11-2021, chỉ có tổng cộng 1,82 triệu trường hợp dương tính trên toàn EU được thông báo với các ứng dụng truy vết. Điều này có nghĩa là các ứng dụng này chỉ giúp theo dõi được khoảng 5% các trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận tại lục địa già trong thời gian chúng còn hoạt động.

Nếu tính trên chi phí bỏ ra để đổi lấy 1 ca nhiễm được thông báo qua ứng dụng, Croatia dẫn đầu với hơn 1.682 euro/ca, theo sau là Ba Lan và Phần Lan với lần lượt 189 euro/ca và 166 euro/ca. Các nước như Áo, Đức, Hà Lan, Ireland, Đan Mạch cũng phải chi từ 50-100 euro cho 1 ca nhiễm được thông báo qua ứng dụng truy vết, theo phân tích của El Orden Mundial.

Sự thất bại của các ứng dụng chống dịch không thể đổ lỗi hoàn toàn cho việc người dân không mặn mà sử dụng. Tại Đức, ứng dụng Corona-Warn-App được tải xuống 15,8 triệu lần trong tháng đầu tiên - tương đương 20% dân số, trong khi 2,5 triệu người Phần Lan đã tải ứng dụng Koronavikku sau hai tháng kể từ khi ứng dụng ra đời, chiếm 45% dân số. Tại 2 quốc gia này, ứng dụng truy vết đã giúp cảnh báo chính xác 14% và 16% trường hợp. Cao nhất trong khối là Đan Mạch (26%), dù số lượt tải app truy vết Smitte|stop của nước này trong tháng đầu tiên (7-2020) chỉ chiếm 14% dân số trên 15 tuổi.

“Những con số phần trăm này có vẻ nhỏ nhưng thực tế đã giúp phòng tránh hàng ngàn ca nhiễm. Vấn đề là vẫn còn thiếu các nghiên cứu cho chúng ta chỉ dấu rõ ràng về tác động của công nghệ này đối với đường đi của đại dịch” - trang Voxeurop nhận xét.

Không giúp mà còn hại

Một nghiên cứu do chính phủ hậu thuẫn thậm chí còn phát hiện app truy vết COVIDSafe của Úc không những không hữu ích và kém hiệu quả trong việc giúp bộ máy y tế nước này ứng phó với đại dịch COVID-19, mà còn làm tăng thêm khối lượng công việc của các tình nguyện viên.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet vào tháng 2-2022 dựa trên dữ liệu của 619 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận ở bang New South Wales cùng hơn 25.300 trường hợp tiếp xúc gần được truy vết bằng phương pháp thủ công từ ngày 4-5 đến 4-11-2020. Các nhân viên y tế công cộng trong bang cũng được phỏng vấn để đánh giá độ hữu ích của ứng dụng truy vết theo quan điểm của họ.

 
 undefined

Nghiên cứu chỉ ra 3 nhóm vấn đề chính khiến ứng dụng COVIDSafe không thật sự hữu ích trong việc giúp truy vết ca nhiễm ở bang New South Wales: tỉ lệ cài đặt thấp hơn dự kiến trong nhóm dân số có nguy cơ, hiệu suất phát hiện tiếp xúc kém và không được nhân viên y tế tin tưởng.

Cụ thể, chỉ khoảng 1/5 trong số các trường hợp dương tính được nghiên cứu có cài đặt và sử dụng ứng dụng COVIDSafe và chỉ 79 người được ứng dụng đánh giá là có tiếp xúc gần với họ, tương đương trị số dự báo dương tính (PPV) là 39%. Trong khi đó, độ nhạy ước tính của ứng dụng là 15% vì chỉ phát hiện được 35 trong số 236 trường hợp tiếp xúc gần được nhân viên y tế xác nhận. Ngoài ra, ứng dụng còn “khuyến mãi” thêm 17 trường hợp tiếp xúc gần mà thực tế không hề tiếp cận bệnh nhân.

Trong khi đó, chiếm số đông trong các phản hồi phỏng vấn là COVIDSafe không giúp gì trong việc giúp truy vết ca nhiễm. Ngoài giao diện cồng kềnh khiến thao tác trên ứng dụng gặp khó khăn, một số nhân viên y tế còn than phiền rằng họ cần rất nhiều hỗ trợ để truy cập và diễn giải dữ liệu của ứng dụng, gây ra sự chậm trễ trong việc triển khai và thông báo cho những ca tiếp xúc gần. Những người được phỏng vấn cho biết ứng dụng đã không giúp rút ngắn thời gian phát hiện các ca tiếp xúc gần. Hơn nữa, họ ghi nhận sự khác biệt giữa khả năng phát hiện tiếp xúc gần của iPhone và thiết bị Android, cũng như hiệu suất phát hiện tiếp xúc dường như kém hơn khi điện thoại ở trong chế độ khóa màn hình.

Nghiên cứu kết luận rằng ứng dụng COVIDSafe “không đủ hiệu quả để đóng góp có ý nghĩa vào việc truy vết COVID-19” ở New South Wales, dù thống kê của chính phủ ước tính tổng số tiền để phát triển và vận hành ứng dụng này vào khoảng 6,75 triệu AUD, cộng thêm chi phí bảo dưỡng lên đến 100.000 AUD mỗi tháng!

Dù khả năng lây lan nhanh chóng của Omicron khiến các biện pháp truy vết trở nên kém hữu ích hơn, bác sĩ Benjamin của Hiệp hội y tế công cộng Hoa Kỳ cho rằng những khoản đầu tư đó không hẳn là vô ích. Khi biến thể hiện tại lắng xuống, cơ sở hạ tầng truy vết hiện hữu có thể được tái khởi động để giải quyết các đợt bùng phát trong tương lai nhằm khoanh vùng và ngăn chặn sự lây lan lớn hơn. Hạ tầng này còn có thể giúp tăng khả năng ứng phó với những dịch bệnh chưa xuất hiện. Như thế vẫn tốt hơn là không có gì sẵn trong tay và mất bò mới lo làm chuồng như trước đây.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận