Volkswagen và cái giá của một vụ "dieselgate"

ĐỨC HOÀNG 13/07/2016 02:07 GMT+7

TTCT - Volkswagen đã chấp nhận bồi thường cho nước Mỹ 15,3 tỉ USD vì gian dối trong xả khí thải từ các xe hơi họ sản xuất. Nhưng cái giá thật sự của vụ bê bối này rất khó đo lường. Đặc biệt là khi người ta tin rằng nó có thể được ngăn chặn sớm hơn.

Tiêu chuẩn khí thải của Volkswagen chỉ là “những lời dối trá” - Ảnh: startribune.com
Tiêu chuẩn khí thải của Volkswagen chỉ là “những lời dối trá” - Ảnh: startribune.com


Con voi chui qua lỗ kim

Ngày 12-2-2013, Janez Potocnik - cao ủy của Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách vấn đề môi trường - viết thư cho Antonio Tajani - cao ủy phụ trách chính sách công nghiệp.

“Đang xuất hiện những quan ngại rằng có những chiếc xe hơi được thiết kế chỉ để phù hợp với quy trình kiểm định nhằm qua mặt quy trình và tăng xả khí thải” - Potocnik viết. Ông cũng gửi kèm theo bức thư một thư khác của Bộ trưởng Môi trường Đan Mạch Ida Auken, người cũng đã bày tỏ quan ngại tương tự.

Những dấu hiệu về sự gian dối trong kiểm định xe hơi đã được phát hiện từ tận năm 2011. Khi đó, Viện hợp tác nghiên cứu của Ủy ban châu Âu (JRC) đo lượng khí thải NOx từ 12 chiếc xe được lựa chọn ngẫu nhiên trên đường. Họ phát hiện ra rằng các xe này đều xả quá tiêu chuẩn Euro 3 và Euro 5 như đã đăng ký.

Báo cáo ngụ ý rằng lượng xả khí thải của các xe chạy trên đường khác với kết quả khi giám định tiêu chuẩn. Theo nguyên tắc, 12 chiếc xe này không được công bố nhãn hiệu.

Báo cáo của năm 2011 bị lãng quên. Tới năm 2013, JRC lặp lại lời cảnh báo, lần này mạnh mẽ hơn: họ cho rằng có một thiết bị đặc biệt được lắp đặt trong những chiếc xe giúp chúng có thể nhận ra khi nào bị kiểm tra, và khi đó “ăn gian” hàm lượng khí thải.

Ông Tajani đáp lại lá thư của cao ủy Potocnik một cách khá chừng mực. Ông ghi nhận những quan ngại của người đồng cấp, đồng thời hứa hẹn rằng một dự án đo lượng xả khí thải của xe chạy trên đường sẽ được đưa vào áp dụng trên thực tế trong năm 2014.

Cuộc trao đổi thư từ kết thúc. Và phải tới tận hơn 2 năm sau, người ta mới lật lại những lá thư để thấy một tội ác lớn lẽ ra đã có thể được ngăn chặn sớm hơn như thế nào.

Lúc ấy, năm 2012, EC đang bận bịu với những vấn đề kinh tế, về việc cứu vãn khu vực đồng tiền chung. “Thái độ chung của ủy ban là đang có quá nhiều vấn đề rồi, nên không ai muốn lòi ra thêm vấn đề mới” - Bộ trưởng Ida Auken chì chiết.

EC cũng ngụ ý rằng trách nhiệm của những vấn đề như thế này nên thuộc thẩm quyền của từng quốc gia, nhưng bà Auken bực bội tuyên bố EC phải đóng vai trò chủ đạo. Rốt cuộc vụ việc rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”, chẳng ai chịu nhận trách nhiệm.

Hơn một năm sau những lá thư của Potocnik với Tajani, người Mỹ mới vào cuộc. Một nhóm nghiên cứu của Đại học West Virginia tiến hành kiểm tra 3 chiếc xe, trong đó có 2 chiếc Volkswagen và 1 chiếc BMW. Chân tướng sự việc được hé lộ.

Volkswagen trong nhiều năm đã lắp vào những chiếc xe của họ một thiết bị cho phép qua mặt tài tình quy trình kiểm định. Nói một cách đơn giản, thiết bị này biết lúc nào xe bị kiểm tra và điều chỉnh được lượng khí NOx trong phòng giám định. Đến khi ra đường chạy thực tế, nó xả khí NOx gấp 40 lần tiêu chuẩn cho phép tại Mỹ! Và khi kẻ phá hoại môi trường lộ chân tướng, một hành trình đi kiếm tìm công lý bắt đầu, dù rất muộn.

Tổng giám đốc Volkswagen Martin Winterkorn đã bị khí thải thổi bay ghế -cartooningforpeace.org
Tổng giám đốc Volkswagen Martin Winterkorn đã bị khí thải thổi bay ghế -cartooningforpeace.org

 

Tội lỗi của Volkswagen

Khí NOx là tên gọi chung của khí NO và khí NO2, các chất thải độc hại trong động cơ chạy dầu của xe hơi. Xe Volkswagen được thiết kế để chạy ít tốn xăng hơn, nhưng xả thải NOx nhiều hơn. NOx có thể gây hại trực tiếp cho đường hô hấp.

Nhưng khi kết hợp với các chất gây ô nhiễm khác trong không khí, nó tạo ra ozone và các hạt mịn, thứ gây nguy hiểm hơn nhiều lần cho phổi.

Các hạt mịn có kích thước nhỏ hơn 2,5 micro-met, đủ nhỏ để có thể hít sâu vào trong phổi, có thể gây nhồi máu cơ tim, suy giảm chức năng phổi, viêm phế quản, hen suyễn... Ozone có thể gây ra các triệu chứng như ho, khó thở và viêm đường hô hấp, làm trầm trọng thêm các bệnh về phổi như hen suyễn và khí thũng. Cả hai khí này đều có thể ảnh hưởng lên tính mạng con người.

Volkswagen, sau những bằng chứng khoa học, quyết định tự thú: họ đã tung ra thị trường khoảng 11 triệu chiếc xe lắp thiết bị qua mặt kiểm định. Riêng tại Mỹ, con số này rơi vào khoảng 475.000 chiếc còn đang chạy trên đường. Tổng giám đốc hãng này từ chức. Các chuyên gia cao cấp bị cho nghỉ việc.

Mỹ là nước hành động quyết liệt nhất trước xìcăngđan được gọi là “Dieselgate” (một từ mới kết hợp giữa chữ “diesel”, tức động cơ diesel, với chữ “gate” trong vụ Watergate).

Chính phủ Mỹ bắt đầu tiến hành các thủ tục pháp lý để đòi Volkswagen phải bồi thường; khối dân sự Mỹ bắt đầu các thủ tục để kiện Volkswagen ra tòa; còn giới khoa học thì lao vào cuộc tính toán xem 475.000 chiếc xe kia đã gây thiệt hại bao nhiêu cho người dân Mỹ.

Tại Mỹ, việc một doanh nghiệp phạm tội “tày liếp” thỏa thuận với chính phủ, đền bù một khoản tiền lớn để không bị khởi tố là một thông lệ. Trước Volkswagen đã có hai hãng xe lớn đền bù theo thỏa thuận dàn xếp với chính quyền.

Năm ngoái, Toyota đạt được thỏa thuận đền bù 1,2 tỉ USD với Bộ Tư pháp Mỹ vì lỗi kẹt chân ga, dẫn đến việc phải thu hồi 10 triệu chiếc xe. General Motors, vì những lỗi liên quan đến an toàn gây chết người trong suốt 10 năm qua, cũng đã phải thỏa thuận đền bù 900 triệu USD với Chính phủ Mỹ.

Nhưng vụ của Volkswagen khó hơn vì ảnh hưởng tới một diện rộng lớn người dân và không dễ định lượng. Trong vụ của General Motors, thiệt hại có thể nhìn thấy được: các sai sót trong an toàn xe của hãng này đã gây ra 124 cái chết và khiến 275 người bị thương. Còn khí NOx thì sao?

Cơ quan Quản lý môi trường liên bang Mỹ (EPA) tính rằng cứ 1.176 tấn NOx thải ra môi trường thì có thể dẫn tới một trường hợp tử vong. Nếu giả định rằng mỗi chiếc xe tại Mỹ di chuyển khoảng 15.000 dặm (24.140km) mỗi năm và thải ra 2,8 gram khí NOx mỗi dặm thay vì 0,7 gram như tiêu chuẩn cho phép thì 475.000 chiếc xe này có thể đã thải ra thêm 10.000-40.000 tấn vào bầu khí quyển từ năm 2008 đến nay.

Tức là tương đương 8-34 người chết. Đó chỉ là những phép tính tối giản. Những tính toán thiệt hại chi tiết không đơn giản như thế, bởi lẽ toàn bộ 300 triệu người dân Mỹ đều phải được coi là nạn nhân của vụ xả khí thải bất hợp pháp này. Việc quy đổi sức khỏe con người ra tiền bạc lại càng không dễ dàng và không có công thức chung.

Một nghiên cứu khác của Học viện công nghệ Massachusetts khẳng định rằng khối lượng khí NOx mà các xe của Volkswagen đã thải ra có thể gây ra đến 59 cái chết. Nghiên cứu này đưa ra các con số khá chi tiết: khối lượng khí NOx dôi dư sẽ tạo ra 31 trường hợp viêm phế quản mãn tính, 34 trường hợp nhập viện, 120.000 ngày bị hạn chế vận động, 210.000 ngày gặp tình trạng suy hô hấp... và số tiền thiệt hại là 450 triệu USD.

Để biết rằng công tác tính toán khó khăn ra sao, cần hiểu rằng ngay cả ảnh hưởng của khí NOx tại các vùng của Mỹ cũng khác nhau.

Ví dụ, theo nghiên cứu của Đại học North Carolina, thành phố Minneapolis sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của xe Volkswagen, cho dù vùng này chỉ xếp thứ 14 nếu xét đến số lượng xe “ăn gian” đăng ký.

Ngược lại, Washington DC, dù xếp thứ 3 về số xe Volkswagen bị ảnh hưởng, chỉ xếp thứ 28 vì mức độ thiệt hại. Lý do là khí NOx còn phải kết hợp với nhiều loại chất khác trong không khí để tạo ra những ảnh hưởng mạnh đến sức khỏe con người. Minneapolis gần với những vùng nông nghiệp và có nhiều chất có thể kết hợp với NOx trong khí quyển hơn.

Sau khi có số tiền thiệt hại ước tính, một cuộc tranh luận nữa lại nổ ra về khoản tiền bồi thường. Theo lập luận của các nhà khoa học và chuyên gia pháp lý thì số tiền phạt cần phải lớn gấp nhiều lần thiệt hại thực tế mới có thể đủ sức răn đe những tập đoàn thuộc loại “cá mập” như Volkswagen. Nhưng gấp bao nhiêu lần lại là một câu hỏi không ai nhất trí được với ai.

Sự dối trá đã khiến Volkswagen phải trả cái giá rất đắt -cartooningforpeace.org
Sự dối trá đã khiến Volkswagen phải trả cái giá rất đắt -cartooningforpeace.org

 

Biểu tượng công nghiệp thành kẻ thủ ác

Ngày 26-6-2016, Volkswagen tuyên bố bồi thường một số tiền khổng lồ: 15,3 tỉ USD. 10 tỉ USD sẽ được dùng để trả cho 475.000 chủ xe Volkswagen và Audi (một thương hiệu khác của tập đoàn xe hơi Đức).

Chủ xe có thể lựa chọn được sửa lại xe miễn phí hoặc bán lại cho Volkswagen với giá trước khi xìcăngđan bắt đầu. Ngoài các lựa chọn này, mỗi chủ xe còn được nhận từ 5.000 đến 10.000 USD tiền bồi thường. 2,7 tỉ USD sẽ dùng để khắc phục hậu quả môi trường, 2 tỉ USD được đầu tư cho việc thúc đẩy công nghệ không xả thải, và 603 triệu USD đền bù cho các bang và vùng lãnh thổ Puerto Rico.

Điều quan trọng nhất: chủ xe nào không muốn nhận bồi thường có thể từ chối và tự tiến hành một vụ kiện riêng nhắm vào Volkswagen. Đến tháng 10-2015 đã có tới 230 lá đơn kiện cá nhân như vậy được nộp tại nước Mỹ. Số tiền bồi thường dành cho các vụ kiện đơn lẻ này có thể “khiến công ty mất thêm vài tỉ nữa trong các năm tới”, theo Forbes.

Tiền bồi thường cũng được phân biệt rạch ròi với tiền mà hãng phải bỏ ra để sửa chữa sai phạm của họ. Hãng xe Đức sẽ phải tự móc hầu bao rất sâu nữa để thật sự giải quyết được vụ xìcăngđan: 11 triệu chiếc xe đã được lắp đặt chương trình “gian dối” trên toàn cầu sẽ phải thu hồi, và Volkswagen sẽ phải sửa những chiếc xe này lại cho đúng chuẩn.

Theo hãng, số tiền dành cho việc này sẽ rơi vào khoảng 7,25 tỉ USD. Và tất nhiên, song song với tất cả những nỗ lực ấy là việc giá cổ phiếu của Volkswagen vẫn đang rơi liên tục, những chỉ trích từ các nước có liên quan và sự ta thán của chính nước Đức khi biểu tượng công nghiệp của họ trở thành kẻ thủ ác. Volkswagen đã chính thức trở thành nhà sản xuất xe hơi thứ 2 thế giới, nhường vị trí dẫn đầu cho Toyota.

Nhưng để có một cái nhìn rộng nhất về câu chuyện, cần quay trở lại với ông cao ủy Potocnik, người mà lời cảnh cáo đã bị bỏ qua từ 3 năm về trước. Ông Potocnik từ chối trả lời phỏng vấn các báo sau khi vụ xìcăngđan bùng nổ. Nhưng trên Twitter của mình, ông đặt một câu hỏi cay đắng: “Chẳng lẽ luôn cần một xìcăngđan để người ta làm điều đúng đắn?”.

Vấn đề không phải là ở Volkswagen, ở các cuộc điều tra kỳ công của nước Mỹ, ở mức tiền bồi thường và việc tập đoàn này phải trả giá đắt ra sao. Vấn đề là các thiết chế ngăn chặn sự kiện này đáng ra đã có thể ra đời sớm hơn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận