Xung đột thương mại Nhật - Hàn: Không phải một ngày một bữa

SÁNG ÁNH 09/08/2019 18:08 GMT+7

TTCT - Mâu thuẫn mậu dịch giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang căng thẳng và không hiểu sẽ được giải quyết theo chiều hướng nào. Nhật Bản đã tuyên bố sẽ loại Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng” vào ngày 2-8, tức danh sách các nước được buôn bán với Nhật mà nguyên vật liệu có thể dùng cho vũ khí.

Người Hàn Quốc biểu tình với một lá cờ đế quốc Nhật Bản rách. Ảnh: SCMP
Người Hàn Quốc biểu tình với một lá cờ đế quốc Nhật Bản rách. Ảnh: SCMP

Chuyện “nguyên vật liệu có thể dùng cho vũ khí” này bắt đầu vào đầu tháng 7, khi Nhật cấm xuất sang Hàn Quốc 3 chất hóa học cần thiết cho việc sản xuất linh kiện bán dẫn của chip điện tử dùng trong máy tính và điện thoại di động. 

Việc này ảnh hưởng đến 2 công ty sản xuất chip lớn của Hàn Quốc là Samsung và SK Hynix. Nội 2 công ty này chiếm 63% thị trường chip trên toàn cầu, và sản phẩm của họ được dùng bởi cả Huawei lẫn Apple.

Chuyện nay chuyện xưa

Samsung, doanh thu năm 2018 là 220 tỉ USD với 320.000 nhân viên, lại đang gặp khó khăn, bị đòn “nhu đạo” này chắc ngã chổng vó. Vốn hóa thị trường của Samsung và SK Hynix (doanh thu năm 2018 là 35 tỉ USD, 22.000 nhân viên) là 25% cả thị trường chứng khoán Hán Thành (Seoul), nên chuyện không phải nhỏ.

Hàn Quốc lệ thuộc vào 2/3 hóa chất cấm xuất của Nhật Bản là 97-99%, và hóa chất thứ ba là 44%. Nay bỗng dưng cấm bán thì lấy đâu ra thay thế tức thời? Việc sản xuất sẽ bị chậm trễ, ảnh hưởng dây chuyền tới công nghệ điện tử thế giới, ít ra là trong nhất thời. Về lâu dài, càng lâu thì công nghiệp Hàn Quốc trong ngành sẽ mất dần vị trí.

Hàn Quốc bèn kiện Nhật ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhưng Nhật viện lẽ là chất cà cuống có thể dùng làm vũ khí cay mắt nên không nằm trong giao dịch bình thường. Việc buôn bán này giữa hai bên cũng ở tầm đáng kể.

Hàn xuất sang Nhật 27 tỉ và mua của Nhật 54 tỉ USD (2017). Thị trường Hàn chiếm 8% kim ngạch xuất cảng của Nhật và hàng Hàn Quốc là 4% kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản. Về chính trị, họ đều là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ. Cả hai đều có căn cứ quân sự Mỹ: tại Hàn Quốc có gần 30.000 quân nhân Hoa Kỳ, còn Nhật có trên 50.000.

Trước đó, ngày 23-7, một máy bay quân sự Nga vào không phận (hay đúng hơn là khu vực không phận phòng vệ) của Hàn Quốc, sau đó có một máy bay Trung Quốc và Nga cũng vi phạm trong khi tập trận chung.

Chiến đấu cơ Hàn Quốc lên đuổi, bắn hai lượt... chỉ thiên, mất 310 viên đạn 20 ly. Nhật Bản bèn lên tiếng phản đối là phi cơ Hàn nổ súng gần đảo của Nhật Bản! Đảo này Nhật gọi là Takeshima (Trúc đảo), Hàn gọi là Dokdo (Độc đảo), Tây phương gọi là Liancourt.

Hiện Hàn Quốc đang trấn đóng nhưng Nhật cho là của Nhật. 7 tháng trước tại vùng biển này, máy bay thám thính Nhật từng vờn chiến hạm Hàn Quốc. Đại Hàn Dân Quốc ra đời năm 1948, nhưng phải đợi 17 năm sau mới được Nhật công nhận và thiết lập bang giao. Hiềm khích giữa hai quốc gia không phải chỉ tại một hòn đá chơ vơ ngoài biển, hay trong thời Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên, mà đã từ 2.300 năm nay.

Bán đảo Cao Ly - Triều Tiên là chặng dừng - trạm nghỉ bắt buộc của trao đổi văn hóa, hàng hóa giữa châu Á lục địa, ban đầu chủ yếu là Trung Quốc, với quần đảo Nhật Bản. Đạo Phật chẳng hạn, đến Nhật là qua ngả Cao Ly.

Trong những thế kỷ đầu của Công nguyên, Nhật là nơi tối tăm, phải nhờ đèn của hàng xóm là Cao Ly để đọc Tứ Thư, Ngũ Kinh. Đến thế kỷ 8, Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu có quan hệ trực tiếp, không cần qua trung gian Cao Ly.

Nhưng trong những thế kỷ sau, người Nhật gây nạn “Oa khấu” (cướp), cho đến thế kỷ 14-16 tung hoành khắp các vùng biển Đông Bắc Á, tấn công các cảng của cả Cao Ly lẫn Trung Quốc. Cuối thế kỷ 16, Nhật xâm lăng cả hai nước nhưng thất bại trước liên minh nhà Minh và Đại Triều Tiên Quốc.

Năm 1600, tướng quân Tokugawa (Đức Xuyên Mặc Phủ) thống nhất Nhật Bản và đất nước này trở nên hùng mạnh, bắt Cao Ly phải triều cống. Nhật bước vào giai đoạn phát triển, để rồi sang cuối thế kỷ 19 là giai đoạn bành trướng.

Khi nhà Thanh thất thế, Nhật chiếm cảng Phủ Sơn (Busan) ở miền Nam Cao Ly và là thế lực lớn nhất trên bán đảo. Vương triều Cao Ly lúc đó như tấm lụa đào, không dựa vào Trung Quốc được thì dựa vào Nga. Năm 1905, Nhật đánh bại Nga và năm 1910 chính thức sáp nhập Cao Ly vào Nhật Bản.

Trong lịch sử Cao Ly, không kẻ thù nào lớn như Nhật Bản, thậm chí đi vào câu nói của quần chúng để hù dọa trẻ con: “Mày không nín ngay thì bị Oa khấu cắt môi, cắt mũi”. Trong thời cận đại với ký ức gần gũi cuối thế kỷ 19 và thời Minh Trị trở đi, nỗi ám ảnh càng lớn.

Đế quốc Nhật áp nền đô hộ sưu cao thuế nặng, cứ 5-10 hộ mới cho phép giữ một con dao chặt thịt, xích lại trước cửa tổ dân phố, ai cần dùng thì đến đó sắp hàng đợi. Họ bắt đàn ông làm phu làm lính, đàn bà làm “ủy yên phụ” phục vụ các trại binh.

Người gốc Hàn tại Nhật bị kỳ thị, nhập tịch Nhật khó khăn, phải khai tới 10 đời tổ! Cho tới tận năm 1995, người Hàn ngay cả nếu có mẹ là người Nhật và sinh ra tại Nhật vẫn không được nhập quốc tịch. Khi có động đất năm 1923, người gốc Hàn tại Nhật bị giết hại có thể lên tới 10.000 người.

Các chốt gác phố bắt người qua lại nói chữ “B” hay chữ “K” mà ngọng thì giam lại (người Nhật phát âm hai chữ này khác người Cao Ly), có kẻ bị móc mắt, người bị cắt vú hoặc đưa lên bè châm lửa thiêu tập thể. Những chuyện này khó mà quên được trong ký ức tập thể dân tộc.

Lịch sử chưa chịu sang trang

Có bận, tôi chụp được ảnh mấy cô Anh quốc tóc vàng tại một đại học London cải trang thành Nhật Bản. Khi mở máy cho cô bạn người Hàn Quốc xem thì cô ấy “ồ” lên một tiếng và có phản xạ đẩy máy ra xa ngay!

Cho nên, chẳng lạ gì khi chuyện vật liệu bán dẫn hiện nay khiến các trạm xăng tại Hàn Quốc từ chối đổ xăng cho xe nhãn hiệu Nhật và người Hàn tẩy chay hàng Nhật (bao gồm cả phim hoạt hình Butt Detective vừa ra rạp).

Với quần chúng Hàn Quốc, những nỗ lực của họ trong 40 năm qua để đưa quốc gia đến hàng thịnh vượng cập kề Nhật Bản không chỉ là chuyện cơm ăn áo mặc, và đòn vừa rồi của Nhật là một trò xấu chơi.

Chuyện “ủy yên phụ” là một trong rất nhiều khúc mắc lịch sử giữa hai nước. Giai đoạn chiến tranh 1932 - 1945, quân đội Nhật hoàng đã bắt hàng trăm nghìn phụ nữ đưa vào trại lính để mua vui cho binh lính (con số chính xác tới giờ vẫn không thể biết).

Trong đó, số phụ nữ Cao Ly bất hạnh, tuổi 15-25, ước tính là 100.000 - 200.000 người. Họ bị đối xử tàn tệ, bị nhiễm bệnh hoa liễu, có thai vô thừa nhận, bị giết hại khi quân đội Nhật Bản thua trận và triệt thoái.

Năm 2015, tổng thống Park Geun Hye nhận bồi thường 8 triệu USD của Nhật cho những người sống sót và thân nhân. Bà bị phê bình vì Nhật không có lời xin lỗi nghiêm túc. Nay thì bà Park đã ngồi tù vào ngày 5-7 vừa rồi, chính quyền Moon Jae In đã đơn phương đóng quỹ bồi thường, “không thèm nữa”, mặc cho Nhật phản đối.

Tháng 10-2018, Tối cao Pháp viện Hàn Quốc phán quyết Công ty Nippon Steel của Nhật phải bồi thường cho 4 người bị lao động cưỡng bách thời thuộc địa số tiền 84.000 USD mỗi người. Tháng 11-2018, tòa án Hàn Quốc lại phán quyết Công ty Nhật Mitsubishi phải bồi thường cho 10 người từ 67.000 - 126.000 USD.

Nếu các công ty không thi hành, sẽ có biện pháp cưỡng chế tài sản của họ tại Hàn Quốc. Đây là theo đơn thưa kiện cá nhân của những người còn sống.

Trong thời gian Thế chiến thứ hai, có 670.000 công nhân Cao Ly được gởi sang Nhật và các lãnh thổ thuộc Nhật để lao động, hầu hết là lao động khổ sai, khiến 60.000 người thiệt mạng. Nhưng về cơ bản, các động thái của Hàn Quốc cũng chỉ mang tính tượng trưng vì giống các “ủy yên phụ”, số nạn nhân lao động khổ sai còn sống không bao nhiêu.

Bộ Ngoại giao Nhật cho biết khi bang giao với Hàn Quốc năm 1965, họ đã mất 800 triệu USD cho tất cả những chuyện ngày xưa, và giờ nhất định không muốn nhắc nữa. Trong số đó, 300 triệu là tiền viện trợ và 500 triệu là cho vay, một phần nhờ thế mà Hàn Quốc đã xây dựng lại đất nước.

Giờ nếu làm căng thì xin mời ra tòa quốc tế phân giải. Phía Hàn Quốc không chấp nhận để quốc tế trọng tài. Nhật bèn ra chiêu cấm bán hàng, viện lẽ là sợ các hóa chất đó lọt vào tay CHDCND Triều Tiên.

Động thái này, bởi thế, đánh vào chính sách cởi mở với miền Bắc của ông Moon, người đang muốn thông thương với Triều Tiên. Để thực hiện chính sách này, chính quyền Hàn Quốc cần sự ủng hộ của dư luận, và dù Bắc hay Nam, người Cao Ly có thể thuận tình một điểm là cùng ghét Nhật Bản.

Còn chuyện hóa chất đang cần, Samsung và SK Hynix sẽ phải tìm nguồn từ Trung Quốc, Đài Loan, hay Nga trong thời gian sắp tới. Giá thành các thiết bị điện tử có thể sẽ tăng lên một chút trên toàn cầu và mâu thuẫn giữa hai nước, vốn đã 2.300 năm, có lẽ còn lâu mới êm xuôi được.■

Tẩy chay hàng Nhật

Hệ thống siêu thị Lotte và Emart của Hàn Quốc cho biết họ đã ngưng nhập 6 nhãn bia Nhật Bản. Số tồn kho Emart bán hạ giá 50% thì bị người tiêu dùng yêu nước tố cáo là tiếp tay cho địch, bèn phải xin lỗi.

186 cửa hàng quần áo Uniqlo, thương hiệu thời trang hàng đầu của Nhật tại Hàn Quốc, cũng lâm nghịch cảnh. Một công ty du lịch lớn của Hàn Quốc thì cho biết số khách đăng ký tour Nhật giảm 50%, khiến nhiều hãng máy bay phải hủy chuyến.

Năm 2020, Nhật dự tính đón 40 triệu khách du lịch, nhưng sẽ không thể đạt mục tiêu vì số khách Hàn là 7,5 triệu, và họ đang sôi sục đổi ý. Giám đốc một cửa hàng 1.500m2 tại Seoul tuyên bố ông chấp nhận mất 10-15% thu nhập khi quyết không bán hàng Nhật.

Ở ngoài đường, chủ các xe hơi nhãn hiệu Nhật bị trát kim chi khiến họ phải dán giấy xin lỗi và hứa từ nay xin chừa. Ngày 24-7, chủ một chiếc Lexus tại Nhân Xuyên (Incheon) mang chiếc xe 8 tuổi ra đập tan tành để phản đối Nhật Bản (cũng phải nói là số xe Nhật ở Hàn không đáng kể, chỉ chiếm 3% thị trường).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận