09/03/2023 10:34 GMT+7

Để người giỏi vào cơ quan công quyền

Bộ Chính trị vừa có thông báo số 50 về tiếp tục thực hiện nghị quyết 18 của trung ương "một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Người dân làm thủ tục hành chính tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người dân làm thủ tục hành chính tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong đó yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong cơ quan nhà nước. Thời gian qua đã có hàng chục cuộc hội thảo, hàng chục đề tài nghiên cứu nhưng tình hình chưa được cải thiện bao nhiêu.

Bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương được coi là bộ khung của nền công vụ quốc gia, do vậy các công chức làm ở đó phải là những người giỏi, thậm chí ở một số bộ phận như tham mưu, nghiên cứu, đứng đầu các cơ quan công quyền theo ngành dọc từ bộ đến sở là những người giỏi.

Nếu không có người giỏi, chỉ có những người gọi dạ bảo vâng hay đi lên bằng đầu gối thì bộ máy đó chỉ có thể yếu kém. Nguyên lý này đúng ở mọi thời đại và mọi chế độ.

Tuy nhiên, trong những năm qua, dù đã nỗ lực nhưng hệ thống công quyền chưa thu hút được những người tài năng, thậm chí số người tài ra khỏi hệ thống không ít. Hiện tượng này xảy ra ở các bộ, ngành và các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Một ví dụ mới nhất là từ năm 2018 đến nay, cơ quan hành chính ở TP.HCM chưa tuyển dụng được một cử nhân, kỹ sư nào tốt nghiệp xuất sắc từ các trường đại học, học viện ở TP.HCM.

Ai cũng biết để thu hút người có năng lực làm công chức thì phải đảm bảo cho họ thu nhập tốt, điều kiện hành nghề, môi trường làm việc thân thiện và cơ hội thụ hưởng tương xứng với cống hiến (thăng tiến, thưởng, học lên, các kỳ nghỉ...).

Trong số đó thu nhập (chủ yếu bằng lương, không phải là bổng lộc hay tham nhũng) là quan trọng nhất, với đồng lương đó người công chức có chất lượng sống tốt, đủ nuôi các con ăn học, mua nhà và tích lũy. Ở các nước phát triển công chức được xếp trong nhóm trung lưu.

Một trong các giải pháp được thực thi là giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách quốc gia. Khi bộ máy tinh gọn lại, số biên chế giảm xuống thì cũng đồng nghĩa với việc mức lương được tăng lên, kéo theo đó là các cơ hội nhiều hơn cho người trong bộ máy của hệ thống chính trị và từ đó thu hút được nhiều người giỏi vào hệ thống chính trị hơn.

Sau năm năm triển khai nghị quyết 18, 19, cả nước đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 557 đơn vị hành chính cấp xã, giảm được 27.500 biên chế công chức, 243.000 biên chế viên chức. Riêng năm 2019 giảm 0,85% tỉ trọng chi thường xuyên so với năm 2017, tương đương 10.000 tỉ đồng.

Đó là thành tích đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa đủ để làm thay đổi chất lượng của bộ máy công chức, bởi đó mới chỉ là giảm biên chế dôi dư sau khi sáp nhập cơ học các đơn vị hành chính, chưa kể giảm bộ phận này thì bộ phận khác lại phình to ra.

Đã đến lúc cần phải xem xét lại chức năng của toàn bộ hệ thống và của từng bộ phận. Có một thực tế là các tổ chức nằm trong hệ thống công quyền từ phường xã đến ban, sở, bộ ngành đảm nhiệm quá nhiều chức năng, càng nhiều chức năng càng cồng kềnh.

Những chức năng nào mà các tổ chức xã hội, các hội đoàn, đoàn thể, các tổ chức nhân dân đảm nhiệm được thì mạnh dạn chuyển giao; các bộ và cơ quan ngang bộ chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, không cần thiết ôm các tập đoàn, công ty kinh tế thuộc bộ.

Đồng thời thúc đẩy nhanh hơn việc tự chủ tài chính của các trường đại học, cao đẳng, các bệnh viện, cũng như các hội chính trị, hội nghề nghiệp mà Nhà nước đang phải bao cấp về lương, cơ sở vật chất và chi phí hành chính sự nghiệp thường xuyên. Nếu làm được điều đó thì tiền đề tiên quyết cho cơ hội và điều kiện thu hút người có năng lực cho bộ máy công quyền không còn là thách thức lớn nữa.

Cuối cùng là Nhà nước cần chủ động tạo nguồn cho bộ máy công quyền ngay từ khi còn là sinh viên chứ không trông chờ vào việc hái quả thụ động từ các nguồn khác nhau. Ở tất cả các nước đều có hai trường (hoặc hai trong một) đào tạo và cung ứng nhân lực cho nhà nước là trường hành chính công và trường quản lý công.

Tôi đã từng tiếp xúc với sinh viên trường chính sách công mang tên Lý Quang Diệu của Singapore và hiểu tại sao họ giỏi và tại sao họ được đào tạo như thế. Ngay khi bước chân vào trường này, họ đã là công chức dự bị và khi ra trường họ chắc chắn có việc làm trong nhà nước, được mua căn hộ trả góp 20 năm và mức lương sống tốt để yên tâm phục vụ nhân dân lâu dài.

TP.HCM đề xuất có chính sách lương phù hợp để giữ chân nhân tàiTP.HCM đề xuất có chính sách lương phù hợp để giữ chân nhân tài

Cho rằng chính sách tiền lương hiện tại khó giữ chân nhân tài, TP.HCM đề xuất trung ương ban hành chính sách cải cách tiền lương phù hợp, đảm bảo mức lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên