03/02/2023 15:43 GMT+7

Hãng bay chật vật đống nợ, đại gia sân bay vẫn lãi ngàn tỉ

Các doanh nghiệp hàng không đồng loạt công bố kết quả kinh doanh năm 2022, nơi lãi "khủng" nhưng có nơi chìm đắm trong nợ nần, chưa thoát được khoản lỗ dù lượng khách đi lại đông. Nhiều hãng bay chờ đợi mùa kinh doanh sôi động sắp tới 30-4 và dịp hè.

Hãng bay chật vật đống nợ, đại gia sân bay vẫn lãi ngàn tỉ - Ảnh 1.

Khách quốc nội tăng trưởng mạnh là điểm tựa để các hãng bay phục hồi sau dịch - Ảnh: CÔNG TRUNG

Hai hãng bay có thị phần lớn là Vietnam Airlines và Vietjet gặp khó khăn trong năm 2022 do gánh nặng tài chính đè nặng với lãi suất cao và tỉ giá có lúc tăng vọt. Hệ quả, Vietnam Airlines nguy cơ hủy niêm yết, Vietjet lần đầu báo lỗ.

Chưa qua cơn bĩ cực

Nhanh chóng tăng tần suất và kết nối lại các đường bay sau khi mở cửa, Hãng Vietjet ghi nhận doanh thu quý 4-2022 tăng mạnh, đạt 11.800 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 2.700 tỉ đồng. Nhờ vậy, cả năm 2022 Vietjet có doanh thu 39.342 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ cao hơn nhiều khiến hãng này vẫn lỗ gộp gần 2.167 tỉ đồng.

Tương tự, Vietnam Airlines có doanh thu tăng mạnh nhờ hoạt động vận chuyển khách nội địa và quốc tế hồi phục sau đại dịch. Tuy nhiên, hãng gặp khó khăn do giá nhiên liệu cao, lãi suất tăng mạnh và tỉ giá ở mức cao.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm 10.453 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31-12-2022 âm 34.200 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỉ đồng.

Do đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) thêm lần nữa gửi văn bản đến Vietnam Airlines về khả năng bị hủy niêm yết cổ phiếu (mã chứng khoán: HVN). Cổ phiếu HVN đã thuộc diện kiểm soát từ 3-11-2021.

Với kết quả kinh doanh ba năm thua lỗ liên tiếp, hơn 2,2 tỉ cổ phiếu HVN sẽ bị hủy niêm yết theo luật định. Phiên giao dịch chiều ngày 3-2, cổ phiếu HVN "đỏ lửa", giảm 5,3%, giá chỉ còn 12.400 đồng/cổ phiếu.

Đại gia sân bay lãi đậm, dịch vụ hàng không "bội thu"

Trong khi hãng bay ngập trong nợ, cố gắng xoay chuyển tình thế kinh doanh, thậm chí sử dụng dòng tiền tương lai để bù đắp chi phí hiện tại vẫn còn rất nhiều khó khăn, những doanh nghiệp như cảng hàng không, dịch vụ "ăn theo" hãng bay... lại lãi đậm.

Hãng bay chật vật đống nợ, đại gia sân bay vẫn lãi ngàn tỉ - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp ở sân bay, dịch vụ sân bay "ăn nên làm ra" khi lượng khách bật tăng trở lại. Trong ảnh: khách hàng mua sắm tại sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết - Ảnh: CÔNG TRUNG

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (đơn vị quản lý, khai thác 22 sân bay) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2022. Theo đó, ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.109 tỉ đồng. Sau khi trừ đi các loại thuế và chi phí, ACV lãi ròng 1.284 tỉ đồng trong quý cuối cùng của năm 2022, gấp 4,3 lần nền thấp cùng kỳ năm trước. Lũy kế năm 2022, ACV ghi nhận doanh thu 13.834 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.833 tỉ đồng.

Trong khi đó, doanh nghiệp sở hữu nhiều vị trí kinh doanh dịch vụ hàng không như bán lẻ, phòng chờ, nhà hàng, xe buýt trong sân đỗ... ăn nên làm ra khi lượng khách đi lại tăng cao. Doanh thu phục hồi ấn tượng. Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) trong quý 4-2022 thu về khoản lợi nhuận trước thuế đạt 105 tỉ đồng, cao gấp 38 lần cùng kỳ. Lũy kế cả năm qua doanh thu thuần của Sasco đạt 1.400 tỉ đồng, tăng 4,4 lần so với năm liền trước. Lợi nhuận gộp theo đó cũng tăng mạnh, đạt 666 tỉ đồng, cao gấp gần 4 lần.

Chờ đón mùa du lịch sôi động

Dù kinh doanh vẫn còn khó khăn nhưng các hãng bay vẫn kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2023 doanh thu nhờ vào việc mở cửa của thị trường Trung Quốc và đẩy mạnh khai thác các thị trường quốc tế tiềm năng như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc…

Các hãng bay đã có mùa Tết sôi động, sắp tới là dịp lễ dài ngày 30-4 và mùa hè, kỳ vọng lượng khách quốc nội và quốc tế "bùng nổ".

Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương - phó tổng giám đốc Vietjet, Vietjet kiến nghị Chính phủ xem xét tháo dỡ giá trần và cho phép phụ thu xăng dầu là rất cần thiết nhằm giúp tăng cường nội lực và cạnh tranh cho các hãng hàng không nội địa trong bối cảnh sự hiện diện của các hãng hàng không quốc tế tới điểm đến ở Việt Nam dự kiến tăng mạnh trong năm nay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo của Vietnam Airlines thừa nhận hãng đang cố gắng giảm lỗ sau hai năm ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Cũng như các hãng bay trên thế giới, hãng bay Việt Nam cũng gánh chịu biến động tỉ giá, nhiên liệu tăng cao, xung đột chính trị, khó khăn khi bay trở lại các quốc gia do chính sách phòng chống dịch, dù thị trường nội địa là cứu cánh để giảm lỗ.

Hiện hãng đang đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất… Dự báo lượng khách quốc tế sẽ tăng mạnh nhờ việc Trung Quốc mở cửa, lợi nhuận ngành hàng không sẽ hồi phục.

Đường bay Việt - Ấn cạnh tranh khốc liệtĐường bay Việt - Ấn cạnh tranh khốc liệt

TTO - Không chỉ hàng không Việt Nam mà ngay cả hàng không Ấn Độ cũng tham gia khai thác các đường bay thẳng Việt - Ấn, khiến cuộc cạnh tranh thêm sôi động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên