07/12/2022 15:00 GMT+7

Học sinh, phụ huynh toát mồ hôi với phần mềm K12Online

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, nhiều phụ huynh có con học Trường THCS Trần Huy Liệu thắc mắc vì sao học sinh học trên phần mềm K12Online mà không khác gì cách học cũ, thậm chí còn phiền hơn?

Học sinh, phụ huynh toát mồ hôi với phần mềm K12Online - Ảnh 1.

Học sinh TP.HCM học bài trên K12Online - Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

"Các thầy cô giáo nói là thực hiện chuyển đổi số nhưng thực tế tôi thấy việc chuyển đổi chưa được thực hiện triệt để, tốn công sức và tiền bạc của phụ huynh. Như con tôi, đi học bình thường ở trường, tối về phải mở máy tính để học trên K12Online.

Tôi có xem qua thì thấy các bài giảng trên K12Online không có gì đặc biệt, chỉ là file bài giảng được chụp hình rồi tải lên. Nhưng không sao, cho học sinh xem lại bài để củng cố kiến thức cũng tốt. Điều đáng nói ở đây là học sinh phải tải tài liệu trên K12Online, in ra rồi làm bài tập trên giấy in, thật không hiểu nổi" - một phụ huynh nêu.

Một phụ huynh khác thì than thở: "Gia đình tôi không có máy in, nhiều phụ huynh khác cũng cho biết như vậy. Thế nên chúng tôi phải đi ra tiệm in ấn. Bữa nào tiệm nghỉ thì phải chạy vòng vòng kiếm chỗ in. Có ngày phải in đến mấy chục tờ cho các môn, quá tốn kém (chưa kể hằng tháng chúng tôi phải đóng phí thì con mình mới được sử dụng phần mềm K12Online).

Không những thế, có hôm giáo viên thông báo vào buổi tối "phụ huynh in bài ra cho học sinh làm bài tập để mai nộp", thế là chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo đi tìm chỗ in để con kịp làm bài".

Nhiều phụ huynh Trường THCS Trần Huy Liệu còn phản ánh phần mềm K12Online thường hay bị lỗi, lúc mở được lúc không, có học sinh còn bị lỗi tài khoản khiến học sinh lẫn phụ huynh vật vã...

"Chúng tôi mong Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM xem xét, điều chỉnh tình trạng trên, chứ học hành như thế này quá mệt mỏi và áp lực” - một phụ huynh bày tỏ.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết xuất phát từ đề án chuyển đổi số của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ nay đến năm 2025 các trường trung học sẽ dành 10% chương trình để giảng dạy theo hình thức e-learning.

TP.HCM có đặc thù riêng, sự tiếp cận với công nghệ của giáo viên, học sinh khá nhanh nên Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã nâng tỉ lệ này lên 35%, tức là các trường trung học sẽ dành 35% chương trình để giảng dạy theo hình thức e-learning trong năm học 2022-2023.

"Tuy nhiên, tôi xin nói rõ rằng không phải các trường cắt 35% số tiết của các môn học để dạy online, mà là 35% bài giảng sử dụng các giải pháp của hệ thống LMS (K12Online là một trong các giải pháp của hệ thống LMS). Tức là các giáo viên vẫn lên lớp giảng dạy bình thường nhưng dành ít nhất 35% khối lượng bài giảng giao qua LMS để cho học sinh tự học.

Cụ thể là học sinh học trên LMS và làm bài tập trên LMS, hệ thống LMS không chỉ lưu giữ các yêu cầu chuẩn bị học tập trên lớp, bài giảng mà còn lưu giữ bài tập, bài làm của học sinh, kể cả các trao đổi của học sinh khi các em làm việc nhóm. Các giáo viên bộ môn đăng nhập vào hệ thống LMS sẽ nắm được tất cả quá trình học và làm bài tập của từng học sinh.

Tôi giải thích cặn kẽ như vậy để khẳng định rằng: việc yêu cầu học sinh phải in bài tập từ hệ thống LMS để làm là không cần thiết, gây tốn kém công sức, tiền bạc của phụ huynh. Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ có nhắc nhở và chấn chỉnh tình trạng này" - ông Quốc nói.

Đô thị đại học Phố Hiến thành bãi chăn bò, vì đâu nên nỗi? Đô thị đại học Phố Hiến thành bãi chăn bò, vì đâu nên nỗi?

TTO - Đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến (TP Hưng Yên và huyện Tiên Lữ) có 10 trường đại học được xây dựng tại đây. Sau 13 năm xây dựng, nhiều mảnh đất ở khu đại học này bị bỏ hoang, thành bãi chăn bò.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên