16/01/2023 10:26 GMT+7

Khởi nghiệp: Chọn đường dài hay đi lối tắt? - Khởi nghiệp ở nước ngoài càng cần nỗ lực

Với người Việt ở nước ngoài, khởi nghiệp đòi hỏi nhiều công sức và phải rất nỗ lực do những khác biệt về thị trường, quy định của pháp luật, kể cả nhu cầu và sở thích của khách hàng.

Khởi nghiệp: Chọn đường dài hay đi lối tắt? - Khởi nghiệp ở nước ngoài càng cần nỗ lực - Ảnh 1.

Chị Lương Hà cùng chồng và mẹ chồng tự tin với hướng khởi nghiệp hiện tại - Ảnh: NVCC

Chị Lương Hà (Phần Lan) và Lê Quỳnh Anh Thư (Úc) chia sẻ cùng diễn đàn kinh nghiệm của mình bắt nguồn từ những thất bại, khó khăn của quá trình khởi nghiệp trước đó.

Đừng bỏ sót điều gì vì khi đã có "vết đen", công ty sẽ rất khó quay lại thị trường. Cả khi có cơ hội làm lại, dấu vết ấy vẫn vĩnh viễn ở đó trong hồ sơ của bạn.

Chị LƯƠNG HÀ

Biết nhu cầu khách hàng 

Gia đình chị Lương Hà bắt đầu kinh doanh từ năm 1998, lúc đó còn rất ít người Việt Nam sinh sống tại Phần Lan. Bắt đầu từ chiếc xe đẩy với sản phẩm chủ đạo là chả giò. Thời điểm quyết định khởi nghiệp, mong muốn lớn nhất của mẹ chồng chị Hà là làm chủ được tài chính khi đặt chân sang đất khách.

"Khi ấy Phần Lan chưa có văn hóa ẩm thực đường phố như Việt Nam nhưng mẹ nói dưới thời tiết âm 5-7 độ C mà thưởng thức món chả giò chiên nóng giòn sẽ là trải nghiệm ẩm thực thú vị", chị Hà kể.

Bà kiên nhẫn mời từng người ăn thử sản phẩm, dần dà lấy được lòng tin của thực khách địa phương. 

Nỗ lực không ngừng, đến nay khoảng 98% lượng khách hàng quen thuộc của cửa hàng gia đình chị Hà là người Phần Lan. Với họ, thưởng thức chả giò chiên nóng trong những ngày tiết trời lạnh giá là trải nghiệm khá lạ.

Trong khi đó, tại Sydney, Lê Quỳnh Anh Thư cùng chồng khởi nghiệp từ cuối năm 2021 với một trung tâm dạy thêm cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12. Thư kể ở Úc, người bản địa không nghĩ đến việc phải gửi con đi học thêm. 

Nhưng với người Việt và Ấn Độ tại đây, họ luôn muốn tìm cho con một trung tâm dạy thêm giúp trẻ học tốt hơn, tăng sức cạnh tranh và luyện thi vào các trường có tiếng, mà nhu cầu này rất lớn.

Nhiều phụ huynh bắt đầu tìm đến trung tâm và chia sẻ thông tin cho nhau. Ban đầu, gần như chỉ có khách hàng người Việt. Nhưng sau đó, các khách hàng người Úc tìm đến và hiện có khoảng 20% khách là người bản xứ gửi con đến học. 

"Văn hóa học thêm không phổ biến tại Úc dù có những trẻ không có khả năng tự học hoặc gặp vấn đề trong học tập. Khi ở vào những giai đoạn quyết định của việc học, phụ huynh thấy lo lắng và nhận ra việc đưa trẻ đến những môi trường để học tập cùng nhau, có giáo viên hỗ trợ sẽ là lựa chọn phù hợp", Thư nói thêm.

Tìm hiểu kỹ khi bắt tay khởi nghiệp

Anh Thư từng khởi nghiệp trong nước với một công ty cung cấp các mặt hàng rau sạch và sản phẩm thân thiện môi trường năm 2017. Ý tưởng đó nhanh chóng thất bại mà như cô tự nhận do thiếu kinh nghiệm, và thị trường cũng chưa sẵn sàng đón nhận các sản phẩm này.

Thất bại ấy khiến bạn quyết định khởi nghiệp lại một cách cẩn trọng hơn. Bạn tìm hiểu luật, thuế, dành nhiều thời gian nghiên cứu thị trường. Có nhiều khác biệt mà không thể áp dụng như phương thức quen thuộc tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, các thông tin khá rõ ràng, minh bạch, cả quy định của luật, trong khi hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh, nguồn vốn hỗ trợ cũng đa dạng. Cạnh đó, cần thái độ giao tiếp chuyên nghiệp, thông điệp đưa ra phải chính xác, không thể hứa mà không làm.

Còn chị Hà cho biết thời gian đầu mẹ chị từng sử dụng nấm mèo trong nhân chả giò. Nhưng loại nấm này là nguyên liệu đặc trưng của châu Á nên khá khó tìm, giá thành cao, chưa kể màu đen của nấm khiến thực khách Phần Lan hơi ái ngại. 

Từng có một khách hàng nhí ăn trúng nấm mèo trong chả giò và nói món ăn có giun. Vậy là gia đình quyết định loại nấm mèo ra khỏi nguyên liệu. Và cả tinh chỉnh hương vị cho phù hợp khẩu vị khách địa phương dù thay đổi chút ít trong món ăn thuần túy Việt Nam.

Mẹ chồng chị Hà khá am hiểu môi trường và văn hóa ẩm thực Phần Lan, họ ăn rất nhạt, ít chiên với dầu mỡ nên bà có điều chỉnh riêng và chính điều này giúp việc kinh doanh thuận lợi hơn. Họ thường rất trung thành với lựa chọn của mình, không dễ thay đổi. 

"Người Phần Lan khá dè dặt khi thử nghiệm điều mới, đặc biệt là món ăn. Hiểu như vậy, nhà mình tiếp cận thị trường từ từ, trong đó vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí hàng đầu phải đảm bảo", chị Hà nhấn mạnh.

Đồng ý với Anh Thư, chị Hà cho rằng điều quan trọng khi khởi nghiệp ở những thị trường quốc gia có tiêu chuẩn cao, việc tìm hiểu kỹ quy định, luật pháp là vấn đề then chốt. 

"Đương nhiên là tuân thủ quy định và luật pháp nước sở tại. Doanh nghiệp sẽ không bị phạt quá nặng với lỗi mà họ không biết. Nhưng với lỗi đã hiểu mà cố tình làm sai sẽ bị phạt rất nặng vì đó là sự chính trực và trung thực", chị Hà nói.

Khởi nghiệp: Chọn đường dài hay đi lối tắt? - Con đường không trải hoa hồngKhởi nghiệp: Chọn đường dài hay đi lối tắt? - Con đường không trải hoa hồng

Để đi đến đoạn đường tạm gọi là thành công, không ít gương mặt khởi nghiệp trẻ đã bầm giập, "lên bờ xuống ruộng".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên