07/05/2023 06:09 GMT+7

Làm gì khi con cái 'xa cách' quá sớm ngay trong nhà?

Nhiều cha mẹ than tụi trẻ' ngày nay dễ xa cách với cha mẹ quá! Hầu hết cha mẹ đều mong con cái gần gũi với mình như thuở nào nhưng thực tế lại khác nhiều so với mong muốn.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Làm sao đến lúc con cái bước vào tuổi có người yêu cũng có cảm giác mong được trò chuyện và gần gũi cha mẹ - như thuở mới lọt lòng "da kề da".

Thiếu vắng những cái ôm

"Ngay khi sinh mổ con ra, tôi đã được bác sĩ bế con nằm lên người tôi. Đó là giây phút đầu tiên tôi nhìn thấy con của mình và cũng được tiếp xúc da kề da với con. hạnh phúc đến vô cùng" - chị V.T.T. (36 tuổi, ngụ ở Q.4, TP.HCM) kể lại sự gắn bó đầu tiên giữa chị và con trai.

"Sau đó là những ngày mẹ con bên nhau. Nào là cho con bú, chơi với con, tắm cho con, ngủ cùng con... Ngày nhỏ, cha mẹ ôm ấp con suốt, trẻ ngày nhỏ cũng muốn được cha mẹ ôm. Nhưng khi trẻ lớn, những cái ôm này cứ "mai một" dần theo thời gian, chị T. chia sẻ.

Chị T. rất muốn có cách nào đó để cha mẹ và con cái gần gũi với nhau như thuở nào. Chứ hiện nay, nhìn những người xung quanh, chị thấy trẻ càng lớn càng có một khoảng cách vô hình với cha mẹ.

Chị V.Q.H. (47 tuổi, ngụ quận 1) buồn rầu kể ngày nhỏ đứa trẻ nào cũng gần gũi cha mẹ nhưng không hiểu sao khi lớn con chỉ muốn sống trong thế giới của riêng con. Vợ chồng chị rất đầu tư việc học hành cho con.

Chị cho con học ở trường có mức học phí rất cao, vài trăm triệu một năm. hai vợ chồng chị cũng luôn muốn trò chuyện với con.

Nhưng khi con anh chị học lớp 9, có lần con đã nói thẳng luôn: "Ba mẹ trước khi muốn vào phòng con thì cần nhìn xem con có treo bảng "tránh làm phiền" trước cửa phòng hay không. Còn nếu con không treo bảng này thì phải gõ cửa rồi mới vào phòng con nhé".

Đêm hôm đó chị H. mất ngủ, nước mắt khẽ lăn dài, thấy con của mình mà sao ngày càng xa mình thế! trước đây, đi học về con ùa vào lòng ba hoặc mẹ. Giờ đi học về, con chào một câu rồi vào ngay trong phòng đóng cửa lại.

Có hôm cha mẹ cũng muốn hỏi chuyện con trên trường thế nào nhưng hôm nào vui thì con kể chút, còn không câu trả lời đều là "không có gì để kể ạ".

Chị N.T.H. (52 tuổi, ngụ ở Q. Bình Thạnh) cũng chia sẻ con chị càng lớn chị càng cảm thấy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái lớn dần lên. 

Ngày các con còn nhỏ, chị rất thích ôm các con vào lòng. trước khi đi ngủ lúc nào chị cũng hôn các con vào má để tạm biệt con. Chị vẫn giữ thói quen này đến khi các con học cấp III.

Mới đầu, con trai chị "tránh né", con gái chị nhỏ hơn nên cho chị thêm một thời gian nữa rồi cũng không muốn được mẹ ôm hôn như trước. Con chỉ nhỏ nhẹ nói: "Mẹ ơi, con lớn rồi".

Câu nói của con hôm ấy cũng làm chị suy nghĩ mãi. Sao con lớn thì mình và con lại không được gần gũi như ngày xưa? 

Giờ các con đi học về muốn vào phòng ngay. Cha mẹ muốn rủ đi đâu cùng cha mẹ cũng rất khó.

Con thông báo đã có người yêu

Còn anh N.V.X. (45 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) kể anh có hai cậu con trai, một cậu đang học lớp 10, một cậu học lớp 6 nhưng cả hai đều rất cởi mở với ba mẹ. 

Gia đình anh thường có những buổi trò chuyện rất thoải mái. Các con đều có thể nói ý kiến của mình...

Cậu con trai đầu lúc thích bạn gái hay lúc chia tay bạn gái cũng đều kể với ba. Ở tuổi "ẩm ương" này nhưng con vẫn thi thoảng chủ động ra ôm mẹ.

Theo anh X., muốn con gần gũi với mình thì các bậc cha mẹ cần phải gần gũi trẻ từ nhỏ đến lớn. 

Khi con lớn cần tôn trọng ý nghĩ, hành động cũng như quyết định của con. Con nghĩ nhiều điều khác mình nhưng mình vẫn phải tôn trọng suy nghĩ của con.

Con làm sai, vợ chồng anh không la mắng mà còn nói ai trong quá trình trưởng thành cũng có những lần làm sai, miễn là phải rút được kinh nghiệm sau mỗi lần sai đó.

Anh X. còn nói với con hiện giờ ba lớn tuổi hơn con, là một tiến sĩ nhưng có lúc vẫn có những quyết định sai. 

Anh cũng không ngại ngần kể cho con nghe những chuyện hằng ngày của anh, cả những điều thiếu sót của anh trong công việc, chuyện gì có thể nhờ được con hỗ trợ, anh đều ngỏ lời nhờ con giúp.

TS Ngô Xuân Điệp, trưởng khoa tâm lý trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho rằng muốn trẻ gần gũi cha mẹ thì cha mẹ phải dành thời gian chơi, trò chuyện, lắng nghe trẻ từ lúc nhỏ đến lớn. Hằng ngày cũng chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống của cha mẹ với trẻ.

Các bậc cha mẹ muốn nghe được những điều sâu kín của trẻ thì cũng cần kể những điều sâu kín của mình cho trẻ nghe. Bên cạnh đó, cần tôn trọng suy nghĩ, quyết định của trẻ, cho trẻ tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Ngay cả khi trẻ có những suy nghĩ, hành động rất khác suy nghĩ của cha mẹ, thì vẫn cần thấu hiểu trẻ, tôn trọng trẻ chứ không nên áp đặt trẻ theo suy nghĩ của mình. Cha mẹ cần tin tưởng trẻ, chấp nhận cả chuyện trẻ có thể có những sai sót và để trẻ được sống với đúng con người của trẻ...

Lắng nghe để được chia sẻ

TS Xuân Điệp đưa ra ví dụ để trẻ quyết định có thể kể cho cha mẹ nghe hay không: Một ngày nào đó, con nói với cha mẹ "con đã có người yêu". Lúc đó, cha mẹ sẽ như thế nào, nói với con những gì?

"Theo tâm lý thông thường, con trẻ luôn thích được tâm sự với cha mẹ nhưng biết nếu kể chuyện này cha mẹ khó chịu, con sẽ không kể. Còn khi nghe thông tin này con biết cha mẹ vẫn bình thường, vui vẻ, con sẽ sẵn sàng kể".

Đừng làm "cha mẹ độc hại" gây tổn thương cho conĐừng làm 'cha mẹ độc hại' gây tổn thương cho con

Việc dạy dỗ khiến trẻ 'đau' bằng cách sỉ nhục và tin rằng làm thế sẽ khiến trẻ biết sợ, từ đó không phạm lỗi nữa, cần thay đổi. Cha mẹ dạy con, đừng làm tổn thương con.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên