27/01/2023 11:10 GMT+7

Mùng 6, sân bay Tân Sơn Nhất ngập khách quốc nội, lo vỡ trận hạ tầng

Tân Sơn Nhất tiếp tục 'căng mình' đón lượng khách kỷ lục trong ngày 27-1 (mùng 6 tháng giêng) khi gần 150.000 lượt người quay trở lại TP.HCM. Hạ tầng ở Tân Sơn Nhất có kham nổi?

Mùng 6, sân bay Tân Sơn Nhất ngập khách quốc nội, lo vỡ trận hạ tầng - Ảnh 1.

Ga đến quốc nội sẽ là "điểm nóng" của Tân Sơn Nhất khi khách ùn ùn trở lại TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết - Ảnh: CÔNG TRUNG

Khách đông, không tránh khỏi chen chúc

Theo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong ngày 27-1 (mùng 6 tháng giêng), sân bay phục vụ  916 lượt cất/hạ cánh. Ước tính khách qua sân bay đạt 149.177 người. Trong đó, khách đi hơn 58.000, khách đến gần 91.000. 

Phân bổ lượng khách quốc nội đạt hơn 110.000 người (chiều đi hơn 39.000, chiều đến hơn 71.000), quốc tế đạt hơn 38.000 người.

Tần suất chuyến bay và lượng khách vào mùng 6 tháng giêng đã vượt hơn mức đỉnh ngày hôm qua, mức tăng thêm so với hôm qua lần lượt là 100 chuyến bay, tăng thêm 5.000 - 6.000 lượt khách. 

Cao điểm phục vụ Tết Quý Mão diễn ra trong 1 tháng (từ ngày 6-1 đến 5-2, tức từ 15 tháng chạp Nhâm Dần đến 15 tháng giêng Quý Mão), sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón hơn 3,8 triệu hành khách với gần 27.000 lượt chuyến bay, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019 khi dịch chưa bùng phát.  

Các dự báo mang tính cơ sở nhưng thực tế Tân Sơn Nhất liên tiếp vượt đỉnh về lượng khách sớm hơn dự kiến. 

Trong khi đó, tầng trệt G nhà ga T1 sảnh đến quốc nội ở Tân Sơn Nhất phủ kín người dân mang theo hàng hóa, hành lý lỉnh kỉnh trở lại TP.HCM. 

Nhìn nhận về lượng khách tiếp tục phá đỉnh trong dịp Tết, một lãnh đạo hàng không nêu ý kiến lo lắng: Khách đông đã biết trước, dự báo và có kế hoạch từ trước để chuẩn bị. Điều lo nhất vẫn là cơ sở hạ tầng như hiện nay có chịu nhiệt nổi không?

"Chắp vá" là từ có thể hình dung được khi sân bay đã nhiều lần tìm cách cơi nới hạ tầng nhưng quá tải vẫn không tránh khỏi. Điều này được lãnh đạo Tân Sơn Nhất thẳng thắn nhìn nhận.

"Thực tế, nhà ga quốc nội Tân Sơn Nhất sau rất nhiều lần sửa chữa, cố gắng cơi nới cũng chỉ đạt năng lực khai thác 15 triệu hành khách, hiện phục vụ lượng khách gấp đôi thì không có một nhà ga nào trên thế giới có thể đạt được hiệu quả khai thác như mong đợi. 

Trong điều kiện chưa thể xây dựng một hạ tầng mới - cụ thể là nhà ga T3 - để san sẻ thì sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề bất cập như người dân và báo chí đã phản ánh. Tân Sơn Nhất không tắc nghẽn mới là lạ", ông Nguyễn Công Hoàn - phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - nhận định.

Mùng 6, sân bay Tân Sơn Nhất ngập khách quốc nội, lo vỡ trận hạ tầng - Ảnh 3.

Taxi được di chuyển ra làn C, hành khách dễ dàng nhận biết. Tuy nhiên vào các khung giờ cao điểm, không tránh khỏi khó gọi được xe taxi lẫn xe công nghệ ở sân bay, nên khách hàng cần chủ động phương tiện đưa đón hoặc sắp xếp thời gian chờ phù hợp - Ảnh: CÔNG TRUNG

Theo ông, các chuyến bay quốc tế vẫn chưa phục hồi như trước dịch nhưng tốc độ tăng trưởng của quốc nội (tức các chuyến bay trong nước) quá mạnh. Điều này khiến áp lực lên hạ tầng ga quốc nội gây quá tải.

Áp lực hiện nay là các chuyến bay đến quốc nội đi "một lối, một cửa" dùng chung các hãng, băng chuyền hành lý chạy hết công suất vẫn không thể nhanh hơn. Quá tải ở khu vực chờ hành lý đang diễn ra, nhiều khách hàng phải chờ đợi rất lâu mới lấy được hành lý. 

"Chi viện" nhân sự cho Tân Sơn Nhất

Đại diện hai đơn vị dịch vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất gồm Công ty dịch vụ Mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) và Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS) cho biết đã huy động tổng lực về nhân sự để phục vụ khách hàng trong dịp Tết. 

Các điểm "nóng" đầu sân bay đông khách đi như Đà Nẵng, Cam Ranh... đã được tăng cường nhân sự để hỗ trợ nhanh chóng các khâu check-in, hướng dẫn khách. 

Ở sân bay đông khách đến sau Tết như Tân Sơn Nhất, các nhân sự ở đầu sân bay khác được huy động "chi viện", trong đó khâu vận chuyển, bốc xếp hành lý... được tăng cường nhiều nhất, đảm bảo hành lý khách hàng được giải phóng trong khoảng thời gian hợp lý. 

"Lượng khách đông vẫn phục vụ được nhưng không tránh khỏi những chật chội khi hạ tầng chỉ có bấy nhiêu. Chúng tôi cố gắng hết sức để phục vụ khách hàng trong những ngày này, dự kiến sau mùng 8 là đỡ vất vả hơn", một lãnh đạo doanh nghiệp phục vụ mặt đất nói. 

Ngoài ra, để phục vụ hành khách đi lại thuận tiện hơn trong mùa cao điểm, sân bay thí điểm thu phí không dùng tiền mặt và thu phí tự động (ETC) cho xe ra vào Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, triển khai hướng dẫn hành khách truy cập thông tin FIDS quốc nội bằng QR-code và bản đồ phương tiện giao thông công cộng tại địa chỉ tia.vietnamairport.vn.

Khó mua vé sát ngày bay sau Tết

Có nhiều khách hàng về Tết chỉ mua vé một chiều nên khi xác định ngày quay trở lại sau Tết mới "tá hỏa" không còn vé máy bay. Chẳng hạn chặng Đà Nẵng, Vinh, Huế đi TP.HCM từ mùng 6 đến mùng 8 tháng giêng hầu hết cháy vé. Thậm chí, đường bay ngắn như Liên Khương - TP.HCM cũng khan vé, khó mua.

Từ mùng 6 đến mùng 8 tháng giêng là những ngày cao điểm người dân ùn ùn sau Tết nên vé máy bay rất căng thẳng. Dù vậy, khách vẫn có thể đăng ký vé chờ bay ở quầy vé hãng bay, trường hợp giờ cuối có khách bỏ vé, theo thứ tự vé chờ khách hàng có thể di chuyển ngay. Đi bằng phương án này có thể tốn thời gian, đợi chờ mệt mỏi ở sân bay.

Ở các đường bay như Hà Nội - TP.HCM vẫn còn vé, song có giá 3,5 - 5 triệu đồng/chiều.

Mua vé máy bay sát Tết: ít chuyến, giá không Mua vé máy bay sát Tết: ít chuyến, giá không 'đột biến'

Ghi nhận hiện vẫn có người chờ sát ngày về mới mua vé về quê ăn Tết, một số chặng bay cạn dần vé, song giá không "đột biến" so với cách đây 2 - 3 tháng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên