Những người xén cỏ

NGỌC KHẢI 15/05/2010 19:05 GMT+7

TTCT - Cỏ mọc um tùm. Đội công nhân cây xanh thuộc Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM bắt đầu xén lại khoảnh cỏ họ vừa cắt chưa đầy một tháng tại trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân). Công việc thoạt nhìn rất điền viên này còn chứa đựng bao nguy hiểm.

Phóng to

Trong lúc giải lao, ông Dũng tâm tư về thân “gà trống” nuôi hai con đang tuổi ăn học - Ảnh: Ngọc Khải

Đeo máy cắt nặng gần 10kg lên vai, ông Danh Hoàng Dũng (36 tuổi, quê Sóc Trăng) có gần ba năm làm nghề giải thích: “Cứ ba tuần là tụi tôi cắt lại thảm cỏ này một lần. Mùa nắng nóng đã vậy, mùa mưa cỏ mọc lẹ lắm, cắt đầu này thì khoảnh cỏ đầu kia đã mọc xanh um, có khi phải mặc áo mưa để cắt cho kịp tiến độ”.

Rủi ro ẩn dưới ngọn cỏ

Cái nắng như đổ lửa của Sài Gòn khiến nhiều thợ xén cỏ phải tranh thủ núp vội dưới bóng râm để châm đầy bình xăng cho máy cắt và nốc một ca nước lạnh cho đã khát. Nhờ có thâm niên hơn mười năm cắt lúa mướn ở miền Tây nên sau ba tháng kiên nhẫn ôm máy cắt, tay nghề của ông Dũng đã thuần thục hơn: có thể cắt 5m2/phút nếu địa hình bằng phẳng.

Những tay máy xén cỏ đều là nam giới từ các tỉnh thành đến Sài Gòn kiếm sống bằng đồng lương tròm trèm 2 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi máy cắt ro ro liên hồi, thi thoảng lưỡi dao chém vào đất đá văng tứ tung. Những nhát cắt vô tình cũng đầy may rủi bởi lẩn khuất đâu đó dưới ngọn cỏ xanh rờn có nhiều đá, đôi khi có cả rắn rết và kim tiêm.

Thái Văn Hậu, 22 tuổi, quê Đồng Tháp, không ít lần bị đá văng vào đầu gối trầy da chảy máu, nói: “Tụi tôi thường xuyên nhắc nhở nhau khi ôm máy cắt phải hết sức cẩn thận. Nhiều khi đá văng vào người nhẹ thì sây sát chân cẳng, xui rủi thì đá văng vào mắt”. Có lần đang cắt thì Hậu gặp rắn độc trong bụi cỏ: “May sao khi con rắn to bằng ngón chân cái đang bổ nhào về phía tôi thì máy cắt đã cuốn phăng đi”.

Cuối năm 2009, ông Dũng bị cục đá văng bể kiếng bảo hộ và bắn thẳng vào con mắt bên phải. Đồng nghiệp tức tốc chở ông đi cấp cứu. “Sau hai tuần, mắt bị thương tuy đã lành nhưng giờ vẫn còn mờ lắm, con mắt còn lại nhiều khi trở trời cũng hay háy khó chịu” - ông nói. Trước đó vào năm 2008, cũng tại trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, ông Lâm Văn Bình, 42 tuổi, quê Bến Tre, phải tạm nghỉ cả tháng để chữa trị con mắt bị đá văng vào.

Mối lo ngại của người làm nghề này còn là kim tiêm do những kẻ hút chích thường xuyên quăng lên cỏ. Dù có người thu gom trước khi cắt, nhưng kim tiêm quá nhiều và bị cỏ che khuất. Ông Dũng kể: “Có lần tôi đang cắt men theo bờ kênh Nước Đen thì kim tiêm văng dính vào ủng”. Nhiều người thấy nghề này cực nhọc và nguy hiểm quá nên tìm kế khác sinh nhai.

Ông Nguyễn Văn Trọng (ngụ KP8, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) là một trường hợp. Ông ngao ngán kể: “Có lần đang làm việc thì tôi bị cục đá văng vào họng đau buốt, về nhà nuốt cơm không nổi”. Tháng 2-2010, ông chuyển qua làm nhân viên vệ sinh cho một cao ốc ở huyện Bình Chánh. “Tiền công không khá hơn cắt cỏ là bao, nhưng công việc đỡ nắng nôi và an toàn hơn nhiều” - ông nói.

Phóng to
Dưới nắng như đổ lửa, nhân viên xén cỏ làm việc tại trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân)

Bám nghề nuôi ước mơ

Tuy cuộc sống thiếu trước hụt sau, các tay xén cỏ thời vụ vẫn bám nghề vì nhiều lý do. Với Hậu, đó là dành dụm tiền gửi về quê nhà thuốc thang cho người mẹ bị bệnh đái tháo đường. Công việc xén cỏ còn là bệ phóng để Nguyễn Văn Dân, 23 tuổi, quê Thanh Hóa, tìm học thêm một nghề mới. Ngày đi xén cỏ, đêm về Dân đi học nghề sửa xe gắn máy trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình) với ý định về quê mở tiệm sửa xe máy nho nhỏ.

Nhiều lần tranh thủ giờ nghỉ trưa, Dân mang sách vở ra ngồi ở gốc cây ôn bài. Học sắp thành nghề thì Dân chuyển qua cắt cỏ tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (H.Bình Chánh). “Đi làm xa chỗ dạy nghề nên việc học của Dân tạm thời gián đoạn. Dù gì tụi tôi đều tin Dân sẽ học thành nghề và không phải ôm máy cắt nữa” - Hậu nói về đồng nghiệp.

Dù ở tuổi 23 nhưng Lê Tuấn Anh vẫn mù chữ đến mức không biết hóa đơn tiền điện viết gì. Ông Nguyễn Hữu Thịnh, một công nhân cây xanh, đồng cảm: “Nhiều kẻ xấu thấy Tuấn Anh có vẻ khờ dại lại mù chữ nên lừa gạt, bọn tôi xúm lại dạy cho Tuấn Anh biết viết tên mình và nhẩm tính những con số”. Ước mơ giản dị của tay xén cỏ chất phác này chỉ là đọc được và viết lưu loát.

Người thì mong muốn được học nghề, người mong biết đọc biết viết, cũng có người mong ước đắp đổi chữ nghĩa cho con. Năm 2007, vợ chồng ông Danh Hoàng Dũng cùng hai đứa con dắt díu nhau từ Sóc Trăng lên Sài Gòn. Hai tháng sau, vợ ông bỏ đi, để lại ông với hai đứa con nhỏ trong căn nhà trọ hơn 10m2 thuộc đường liên khu 8-9, P.Bình Hưng Hòa A. Ngoài xén cỏ, ông còn làm phụ hồ để trang trải chi tiêu.

Ông Dũng tâm sự: “Nhiều khi muốn nghỉ cắt cỏ đi làm thợ hồ với đồng lương khá hơn vài trăm ngàn mỗi tháng, nhưng ngặt cái hai đứa nhỏ đang học ở Trung tâm Chắp cánh, làm thợ hồ nay đây mai đó, ai lo cơm nước cho tụi nó hằng ngày”. Khổ mấy cũng được, ông nhất định không để con đói cơm nghèo chữ. Nhờ Trung tâm Chắp cánh hiểu hoàn cảnh nên con ông được học miễn phí.

“Bà nội sắp nhỏ kêu đưa cả nhà về quê, nhưng nếu về quê tôi khỏe thì tụi nó chỉ có nước thất học. Tụi nhỏ cần được biết chữ, nếu không thì chỉ có thể mần mướn như tụi tôi thôi” - ông khẳng định.

Phảng phất đâu đó sau những mảng cỏ phẳng lì tươi tốt ngày ngày làm đẹp cho các công trình đô thị là khát khao tìm con chữ của những tay xén cỏ. Tranh thủ chủ nhật hoặc ngày lễ, ông Lâm Văn Bình (ngụ P.2, Q.8) chạy xe ôm. Sau tai nạn máy cắt (đá văng vào mắt) được một tháng, ông Bình bị xe tải húc phải khi đang qua cầu chữ Y. Hai tai nạn dồn dập khiến vợ ông phải chạy đôn chạy đáo lo tiền chữa trị, đứa con trai duy nhất suýt nghỉ học. Sau khi bình phục, ông tiếp tục ôm máy cắt chắt chiu đồng lương cho con ăn học.

Nhìn đứa con trai Lâm Minh Quân đang chơi với lũ trẻ ở góc hẻm, ông Bình hóm hỉnh so đo: “Tôi mới học hết lớp 2 trường làng, còn cháu Quân đã học đến lớp 3 Trường Lương Thế Vinh quận 1 rồi đó”.

Phóng to
Hoàng Quý và Thu Huyền - hai con của ông Dũng - ôn bài tại phòng trọ - Ảnh: Ngọc Khải

Hai con của ông Danh Hoàng Dũng ốm bệnh liên miên. Khi con lần lượt đổ bệnh lên cơn sốt nặng và nổi ban đỏ đầy người, ông Dũng mang chiếc xe đạp - phần thưởng của con - đi cầm lấy tiền thang thuốc. “Nhưng họ không nhận cầm, chỉ chịu mua thôi” - ông kể. May sao bà con lối xóm và anh em làm chung giúp ông chạy chữa cho con khỏi bệnh để tiếp tục việc học.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận