22/03/2023 07:00 GMT+7

Đối thoại với Thủ tướng: Làm sao để bạn trẻ mua được nhà ở?

Sáng nay 22-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên Việt Nam với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0".

Đối thoại với Thủ tướng: Làm sao để bạn trẻ mua được nhà ở? - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự buổi đối thoại cùng thanh niên sáng 22-3 - Ảnh: NAM TRẦN

Sáng 22-3, chương trình Thủ tướng đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề: "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0" được tổ chức, kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố và cơ quan Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Thủ tướng mong thanh niên trong khó khăn giữ được bản lĩnh, nêu cao ý chí tự lực tự cường

Đối thoại với Thủ tướng: Làm sao để bạn trẻ mua được nhà ở? - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tâm sự bản thân ông "lúc nào cũng muốn là thanh niên" - Ảnh: NAM TRẦN

Trả lời câu hỏi về những chính sách giúp thanh niên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng nói nước ta thực hiện khát vọng lớn đến năm 2030 là nước có thu nhập trung bình cao. Do đó, đất nước xây dựng ba trụ cột lớn: Một là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng sự khác biệt, huy động trí tuệ, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Hai là xây dựng nhà nước pháp quyền do dân và vì dân, mọi chính sách xuất phát từ người dân. Ba là xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, tôn trọng khách quan, cạnh tranh và quy luật cung cầu. Tuy vậy khi cần thiết cũng có sự can thiệp của Nhà nước.

“Ba trụ cột này là quan trọng, nhưng xuyên suốt thì con người là chủ thể, mục tiêu, động lực cho phát triển, nên cùng với tăng trưởng sẽ phát triển văn hóa, giáo dục tương xứng” - Thủ tướng phân tích.

Nhắc lại các cuộc kháng chiến, đấu tranh của dân tộc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói thế hệ trẻ phát huy truyền thống cha ông, sẵn sàng vượt khó, thì với khí thế của tuổi trẻ sẽ không có gì cản trở được. Do đó, bạn trẻ cần hiểu rõ được trách nhiệm, ý chí tự lực tự cường và không trông chờ, ỷ lại.

Luôn dành cho tuổi trẻ sự quan tâm đặc biệt

Đối thoại với Thủ tướng: Làm sao để bạn trẻ mua được nhà ở? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc - Ảnh: NAM TRẦN

Phát biểu khai mạc, bà Phạm Thị Thanh Trà - bộ trưởng Bộ Nội vụ - cho biết đây là diễn đàn quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của thanh niên trong con đường lập thân, lập nghiệp, khát vọng vươn lên, làm chủ khoa học công nghệ, xây dựng đất nước, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cá nhân Thủ tướng Chính phủ với thanh niên vì sự phát triển của thanh niên, nhằm phát huy hơn nữa tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. 

Bà khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt, mong muốn xây dựng thế hệ thanh niên phát triển toàn diện, có bản lĩnh, trí tuệ, hoài bão lớn, nung nấu và nuôi dưỡng chí lớn, trở thành lực lượng hùng hậu kế tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Năng lực người lao động phải hình thành từ giáo dục phổ thông

Đối thoại với Thủ tướng: Làm sao để bạn trẻ mua được nhà ở? - Ảnh 4.

Sinh viên Vũ Như Quỳnh, chủ tịch Hội sinh viên Trường đại học Thương mại (Hà Nội), đặt câu hỏi về chủ đề giáo dục - Ảnh: NAM TRẦN

Sinh viên Vũ Như Quỳnh, chủ tịch Hội sinh viên Trường đại học Thương mại (Hà Nội), nhận định hiện nay các giải pháp phát triển năng lực sáng tạo, tư duy ứng dụng của sinh viên còn hạn chế. Bạn đặt câu hỏi: thời gian tới, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam sẽ được đổi mới ra sao để sinh viên Việt Nam sánh ngang tầm về năng lực và trí tuệ với sinh viên trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển.

Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thông tin, để thanh niên có thể đáp ứng tốt nhu cầu việc làm trong thời đại 4.0, vấn đề bạn nêu liên quan đến toàn bộ chất lượng giáo dục đại học.

Trong giáo dục phổ thông nhiều năng lực, kỹ năng mới được đưa vào dạy từ rất sớm. Ông khẳng định năng lực của người lao động phải được hình thành từ những năm đầu phổ thông chứ không phải đợi đến đại học. Sau đó đến đại học sẽ tăng cường kiến thức nền, năng lực chuyên môn.

Đối với sinh viên nói chung, trong các chương trình đào tạo mới theo quy định thì tăng cường hướng đến sự kết nối các trường đại học với các doanh nghiệp. Ngoài tăng cường kỹ năng nghề, còn tăng cường kỹ năng mềm, ngoại ngữ, làm việc nhóm... để người lao động thích ứng tốt nhất.

Đối thoại với Thủ tướng: Làm sao để bạn trẻ mua được nhà ở? - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (bìa trái) - Ảnh: NAM TRẦN

Chia sẻ thêm vấn đề này, Thủ tướng khẳng định Đảng ta xác định giáo dục khoa học là quốc sách hàng đầu, có nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục đào tạo, phát triển khoa học công nghệ.

Thủ tướng chia sẻ, đất nước ta đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, có nhiều thứ cần phải làm, nhưng nguồn lực còn khiêm tốn. Do đó, nền giáo dục phải đặt trong hoàn cảnh đất nước, phải luôn luôn sát với tình hình thực tế, trong điều kiện khó khăn nhưng vẫn nâng cao được tiềm lực của các cơ sở đào tạo, năng lực đào tạo, việc biên soạn các chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu thế giới, phù hợp hoàn cảnh đất nước.

Vì vậy, rất cần sự nỗ lực của bản thân mỗi người trong học tập, rèn luyện, đáp ứng yêu cầu phát triển phù hợp với hoàn cảnh đất nước chúng ta là điều quan trọng nhất với học sinh, sinh viên.

Ông chỉ ra hiện nay học sinh, sinh viên còn thiếu là kỹ năng sống và kỹ năng mềm, vì vậy một trong những vấn đề cần cải tiến là làm sao cho bạn trẻ có kỹ năng sống, thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh. Khi có nghề thì có kỹ năng nghề cao, tạo ra sự cạnh tranh.

Do đó đối với thanh niên, ông cho rằng phải tạo ra được phong trào gắn với lợi ích của thanh niên, gắn với lợi ích của quốc gia.

“Phong trào sống được là phải thế. Phong trào mà không hài hòa được lợi ích giữa cá nhân và quốc gia thì khó thực hiện thành công” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Buổi đối thoại của Thủ tướng với thanh niên diễn ra với ba chủ đề: Giáo dục, đào tạo vì mục tiêu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên 4.0; Rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên; Kiến tạo môi trường để thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, sáng tạo.

Đối thoại với Thủ tướng: Làm sao để bạn trẻ mua được nhà ở? - Ảnh 6.

Bạn trẻ trong buổi Thủ tướng đối thoại với tuổi trẻ cả nước ngày 22-3-2023 - Ảnh: NAM TRẦN

Thanh niên Việt Nam đối diện với 4 chuyển đổi, không nâng cao năng lực sẽ tụt hậu

Từ đầu cầu Cà Mau, bạn Nguyễn Văn Tú, bí thư Đoàn cơ sở Công ty Phân bón dầu khí Cà Mau, nêu vấn đề phát triển khoa học công nghệ sẽ làm giảm lao động thủ công, lao động đơn giản. Vì vậy nhiều lao động cần có nhu cầu đào tạo lại, trang bị thêm kỹ năng.

Tú bày tỏ mong Chính phủ có những giải pháp để hỗ trợ lao động trẻ được đào tạo lại nghề và trang bị các kỹ năng cần thiết khi tham gia thị trường lao động hiện nay.

Chia sẻ cảm xúc đã làm việc trong công tác Đoàn 28 năm và là người ký quyết định chọn màu áo xanh tình nguyện là áo của thanh niên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng chưa bao giờ lực lượng thanh niên mạnh như hiện nay.

Song dù dân số trẻ, lao động trẻ, năng lực cạnh tranh quốc gia lại chưa mạnh, năng suất lao động chưa cao, lao động phi chính thức còn nhiều, kỹ năng lao động, kỹ năng sống còn nhiều vấn đề. Tỉ lệ lao động qua đào tạo thì chỉ 26,1% có chứng chỉ, ở mức thấp so với các nước. Dẫn tới có sự phân hóa trong xã hội rất lớn khi ta có 20 triệu thanh niên và dân số trẻ, nhưng cũng đứng trước nguy cơ của dân số già.

Do đó, thanh niên Việt Nam phải đối diện với bốn chuyển đổi, nếu không thay đổi sẽ tụt hậu. Đó là việc chuyển đổi công nghệ làm thay đổi quản trị quốc gia, sẽ làm thay đổi lối sống giới trẻ. Chuyển đổi không gian giúp thúc đẩy đô thị hóa, làm thay đổi cơ cấu việc làm, điều kiện sống và cung cách làm việc. Chuyển đổi xanh làm thay đổi mô hình kinh tế và chuyển đổi mô hình xã hội, từ dân số trẻ bước sang dân số già.

Đối thoại với Thủ tướng: Làm sao để bạn trẻ mua được nhà ở? - Ảnh 7.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (trái) - Ảnh: NAM TRẦN

“Ta cần nắm bắt cơ hội dân số vàng, nếu không sẽ tụt hậu. Chuyển đổi xã hội sẽ làm gia tăng tầng lớp trung lưu có vai trò dẫn dắt nhưng tạo ra sự phân hóa xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh niên” - ông Dung nhìn nhận.

Do đó, với các chủ trương về phát triển nhân lực, ông Dung cho hay mới đây Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, trọng tâm ưu tiên là đột phá nhân lực chất lượng cao với hệ thống trường đại học, trường nghề chất lượng cao.

Bộ trưởng nói, hiện nay Việt Nam thiếu 1 triệu nhân lực khu vực công nghệ, nên muốn đi nhanh phải đào tạo con người. Tập trung kiến tạo chính sách cho ba đối tượng thanh niên gồm trung bình, chậm tiến và đặc thù. Quan tâm hệ thống chính sách phụ cận như xây dựng nhà cho thanh niên, không còn nhà tạm, chăm lo phúc lợi xã hội…

Dọn "rác" trên môi trường số: Có trách nhiệm của "công dân số"

Đối thoại với Thủ tướng: Làm sao để bạn trẻ mua được nhà ở? - Ảnh 8.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: NAM TRẦN

Nhìn nhận sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công nghệ phát triển nhưng không hoàn toàn thay thế con người. Tuổi trẻ luôn có nhiều năng lượng mạnh mẽ với những điều mới mẻ, do đó ông mong muốn giới trẻ thấy mình sinh ra giai đoạn này là may mắn khi ở vào thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ đầu cầu Nghệ An, bạn Nguyễn Nguyệt Anh, Trường đại học Vinh, Nghệ An, nêu trăn trở về những giải pháp quyết liệt để đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời, để làm sạch môi trường mạng phải xử lý “rác”, trước hết phải xử lý người xả “rác”. 

Hiện đã có các nghị định xử lý hành chính các vi phạm này, cao hơn là xử lý hình sự. Tuy nhiên “rác” cũng có người vô tình lan truyền do không biết là thông tin sai sự thật. Do đó, theo bộ trưởng phải đào tạo bằng các quy tắc ứng xử trên không gian mạng, cẩm nang phòng chống tin giả, sai sự thật trên không gian mạng…

Cạnh đó là vấn đề “dọn rác”, trước hết phải phát hiện ra “rác”. Ông cho biết bộ, ngành, địa phương quản lý cái gì trong đời thực thì trên không gian quản lý đúng cái đó. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ, nhất là nền tảng không gian xuyên biên giới.

Ông nhấn mạnh, không gian mạng lành mạnh khi tỉ lệ tin xấu, độc thấp. Nếu đưa được nhiều tin tốt đẹp trong cuộc sống lên không gian mạng thì tỉ lệ tin xấu sẽ giảm đi. “Đây là việc của tất cả chúng ta, trong đó có thanh niên vốn là “công dân số” từ lúc sinh ra” - bộ trưởng nói.

Anh Bùi Quang huy, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn tại buổi đối thoại - Ảnh: NAM TRẦN

Anh Bùi Quang huy, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn tại buổi đối thoại - Ảnh: NAM TRẦN

Giảng viên Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội Chu Đức Hà nêu vấn đề giải pháp cho mục tiêu đến năm 2030 tăng 15% thanh niên ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống; 15% công trình do thanh niên chủ trì; 10% thanh niên làm việc trong các tổ chức khoa học, công nghệ.

Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khích lệ các bạn trẻ chủ động nghiên cứu khoa học. Ông cho hay Quỹ phát triển khoa học công nghệ, các chương trình hỗ trợ nghiên cứu sẽ tiếp sức cho các bạn trẻ đam mê khoa học. Hiện nay, bộ cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Đoàn nhiều hoạt động, trong đó có chương trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có thể giúp các bạn trẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vai trò dẫn dắt của khoa học công nghệ. Ông hứa tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo ra môi trường để các bạn trẻ phát huy sáng tạo, đam mê nghiên cứu.

"Rất mong các bạn trẻ tạo ra phong trào đổi mới sáng tạo nghiên cứu khoa học, là động lực mới trong thời kỳ này. Đảng và Nhà nước sẽ tạo ra môi trường sinh thái, có đầu tư, khuyến khích và động viên kịp thời giúp thế hệ trẻ nuôi nhiệt huyết, động lực", ông nói.

Đối thoại với Thủ tướng: Làm sao để bạn trẻ mua được nhà ở? - Ảnh 9.

Đại diện của tuổi trẻ Việt Nam dự buổi đối thoại trực tiếp - Ảnh: NAM TRẦN

Làm sao để công nhân mua được nhà ở?

Đại diện cho thanh niên công nhân tỉnh Quảng Ninh, bạn Nguyễn Văn Linh cho biết hiện nay công nhân còn gặp nhiều vấn đề khó khăn về nhà ở.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian tới đây sẽ khẩn trương sửa đổi và trình Quốc hội sửa đổi Luật nhà ở thảo luận vào kỳ họp thứ 5, dự kiến thông qua vào tháng 10 và có hiệu lực vào 1-7-2024.

Chính phủ sẽ trình Quốc hội nghị quyết thí điểm đầu tư nhà ở xã hội để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế, trong đó có vấn đề dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, vấn đề ưu đãi, tính tiền sử dụng đất, giao đất...

Tăng đội ngũ cán bộ trẻ tham gia quản lý như thế nào?

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo chụp ảnh cùng các bạn trẻ dự sự kiện - Ảnh: NAM TRẦN

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo chụp ảnh cùng các bạn trẻ dự sự kiện - Ảnh: NAM TRẦN

Nêu vấn đề quy hoạch và sử dụng cán bộ trẻ, TS Nguyễn Lê Trang, nghiên cứu viên Vụ Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học nông nghiệp đặt câu hỏi là làm sao để hiện thực hóa chỉ tiêu tuyển chọn cán bộ trẻ làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Nhắc lại cách đây gần 30 năm đảm nhiệm vị trí bí thư tỉnh đoàn thanh niên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà mong muốn các bạn trẻ hãy sống bằng tuổi trẻ, nhiệt huyết, luôn có khát vọng cống hiến.

“Làm sao để đạt được 15% thanh niên tham gia bộ máy quản lý lãnh đạo của Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, so với mức hiện nay là 7% tham gia cán bộ quản lý cấp phòng, cấp vụ còn thấp?” - bà Trà nêu vấn đề.

Giải pháp thời gian tới là tập trung thực hiện nghiêm công tác cán bộ trẻ, đảm bảo tham gia cấp ủy các cấp là 10% và đến năm 2030 là 15%. Hoàn thiện sớm chiến lược thu hút và trọng dụng nhân tài, xây dựng các nghị định có liên quan, có cơ sở pháp lý để thực hiện toàn diện chiến lược thanh niên.

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn thanh niên rèn luyện bản lĩnh, ý chí, lập thân lập nghiệp phấn đấu, trưởng thành hơn nữa, xứng đáng là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước.

Cùng tham dự chương trình có các bộ trưởng gồm: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan…

Chương trình cũng có sự tham gia của anh Bùi Quang Huy, bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và các thành viên Ban Bí thư Trung ương Đoàn; các lãnh đạo, cán bộ của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cùng hơn 3.000 đoàn viên thanh niên trên cả nước.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng và tặng quà cho 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 10 gương mặt trẻ triển vọng góp mặt tại đối thoại với Thủ tướng sáng nay.

Đây là những điển hình thanh niên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, thể dục, thể thao, văn hóa nghệ thuật, lao động sản xuất, khởi nghiệp sáng tạo, bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó, 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022 gồm: Ngô Quý Đăng, Võ Hoàng Hải, TS Trương Thanh Tùng, Nguyễn Như Thành, Nguyễn Văn Thiên Vũ, thượng úy Lê Hảo, trung úy Thào A Khư, cầu thủ Huỳnh Như, Nguyễn Thị Ngọc Hà, trung úy Dương Hải Anh.

Thành Đoàn TP.HCM Thành Đoàn TP.HCM 'chuyển đổi số': Làm chứ không bàn nữa

Nhiều ý kiến bàn thảo thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của TP.HCM ngày 10-2.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên