06/10/2022 11:26 GMT+7

Tại sao tệ nạn lạm thu kéo dài nhiều năm không dẹp được?

TR.D tổng hợp
TR.D tổng hợp

TTO - "Mong Bộ GD-ĐT xem xét sao cho trường công cho ra công"; "Tôi khẩn cầu bộ trưởng Bộ Giáo dục vào cuộc để dẹp bớt tình trạng này"; "Thu gì mà ác thế, trường này chắc con em nghèo khỏi vào"... là những bình luận bạn đọc xung quanh việc lạm thu.

Tại sao tệ nạn lạm thu kéo dài nhiều năm không dẹp được? - Ảnh 1.

Bảng dự tính thu chi hỗ trợ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 9/12 Trường THCS Lê Quý Đôn, TP.HCM

Như Tuổi Trẻ thông tin, bước vào năm học mới, hàng chục khoản chi khiến nhiều phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn lại càng chật vật thêm.

Vì vậy, diễn đàn "Làm gì để chấm dứt lạm thu?" thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Không chỉ phản ảnh thực trạng lạm thu, bạn đọc còn đưa ra nhiều giải pháp.

Mới đây nhất, khi Tuổi Trẻ đưa thông tin Bảng dự tính thu chi hỗ trợ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 9/12 Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) hơn 270 triệu đồng, lớp 9/10 hơn 165 triệu đồng, có thêm nhiều ý kiến bạn đọc lên tiếng về vấn nạn này.

"Năm nào cũng thế, phụ huynh cũng có người giàu người khó, kinh tế ngày càng khó khăn. Tôi khẩn cầu bộ trưởng Bộ GD-ĐT vào cuộc để dẹp bớt tình trạng này. Mấy khoản thu chi phi lý thế này ở môi trường giáo dục mà có thì không ổn đâu ạ" - bạn đọc Huyên viết.

Theo một số bạn đọc, cho con học trường công lập là để đỡ tốn kém, nào ngờ với hàng chục khoản chi khiến kinh tế đã khó khăn lại càng eo hẹp hơn.

Về ý này, bạn đọc Vinh viết: "Thật sự ngỡ ngàng, bây giờ cho con học trường công lập cũng không chắc là đỡ tiền. Cứ thế này bảo sao chi phí nuôi một đứa con cao ngất trời và người ta ngại sinh đẻ. Thôi xin các thầy các cô, cái nào bỏ được thì bỏ, ở trường học là chính, cái nào làm màu thì bớt bớt đi".

Với bảng tính thu chi hỗ trợ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 9/12 Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM), bạn đọc Liên viết: "Nhìn bảng giá tiền các thể loại mà phát sốt. Đồng ý là lớp 9 cuối cấp thì cũng có cái gì đó lễ lộc chụp ảnh nọ kia cho các con. Nhưng thu kiểu này thì không thể chịu nổi. Gia đình nào không khá giả, đông con mà học trúng vào lớp này thì ngất mất thôi. Một năm học mà đóng gần cả chục triệu chỉ cho những khoản ngoài việc học".

Bạn đọc Quang Phú đặt câu hỏi: "Tại sao với học sinh cấp 2 mà thu tiền quà ngày 8-3, ngày 20-10, các em đã đến tuổi phụ nữ đâu? Và cho dù là phụ nữ thì có cần quà cáp vậy không? Thật là hình thức".

Chỉ đích danh nạn lạm thu xuất phát từ ban đại diện cha mẹ phụ huynh học sinh, bạn đọc nick name Richky viết: "Tôi đề nghị bỏ ngay các khoản thu linh tinh trong nhà trường... Tất cả các món quà cáp là trên tinh thần tự nguyện, tự tặng, không bắt buộc học sinh, phụ huynh phải chia tiền!".

Cùng ý này, bạn đọc Trac Ngo Duc bổ sung: "Tại sao "tệ nạn lạm thu" từ cái "hội biến tướng" này kéo dài hàng bao nhiêu năm mà không dẹp được?".

Trong khi đó, ở góc độ một phụ huynh học sinh, bạn đọc Hùng Tương hỏi: "Chắc phụ huynh lớp này toàn đại gia? Chứ ở quê tui họp phụ huynh cũng bình thường, có chăng một năm đóng góp 100.000 đồng, nhưng tùy hỉ không bắt buộc. Sao ở Sài thành thu tiền nhiều thế"?.

Từng là "nạn nhân" của quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, bạn đọc Nguyên viết: "Tôi còn nhớ năm ấy tôi học trường chuyên lớp chọn, ba tôi đi họp về phải xin tiền gia đình nội đóng cho tôi vì ba tôi thất nghiệp năm ấy. Số tiền được trưởng hội phụ huynh là một người giàu có áp ra gần vài triệu, trên danh nghĩa là hỗ trợ giáo viên an tâm giảng dạy".

Bạn đọc Nguyên kể thêm: "Sau này ba tôi nói ông đã không dám phản đối vì ai ai trong lớp tôi đều đồng ý giá đó, ba tôi phải ngửa tay đi xin đóng cho tôi để đi học bằng bạn bằng bè. Tôi rất giận khi cái quỹ hội phụ huynh ấy đã bị lạm dụng, nếu trong lớp có người khó khăn kham không nổi phí đóng thì sao?".

Tuy nhiên, cũng theo một số bạn đọc, không phải ban đại diện cha mẹ phụ huynh nào cũng là cánh tay nối dài "tận thu" cho nhà trường, có một số nơi làm việc rất có trách nhiệm và thấu tình đạt lý.

Về ý này, bạn đọc Phan Tấn Phong chia sẻ kinh nghiệm: "Tôi làm trưởng ban đại diện của lớp và của trường cho hai đứa con nếu cộng lại là 22 năm rồi. Đọc bài này mà thấy nể tài họa sĩ của trưởng ban hai lớp này. Xin lỗi, đừng nói giáo viên chủ nhiệm không biết nhé. Bao nhiêu nhà hảo tâm sẵn lòng, bao nhiêu người vì cái sĩ đua theo, còn số đông cắn răng để con em mình không bị phân biệt". 

Cũng theo bạn đọc này, việc chi cho ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn... là chuyện cá nhân, ai thích cứ cho. Chỉ cần 1 đồng của quỹ chi cho nhóm đối tượng này là vi phạm, sẽ bị kỷ luật.

Về trách nhiệm người quản lý, theo rất nhiều bạn đọc, để xảy ra việc lạm thu thì hiệu trưởng các trường học không thể vô can.

"Tất cả những gì sai trái phát sinh trong trường thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Không phải đợi đến khi báo chí vào cuộc mới có ý kiến, nếu không thì làm lơ, đồng tình với những sai phạm để trục lợi" - bạn đọc Cương viết.

Đặt vấn đề rộng hơn, bạn đọc Nguyễn Ngọc Ẩn bổ sung: "Qua dư luận phản ảnh, tôi hình dung hiện có một số nơi đang buông lỏng và tiếp tay cho các trường học các cấp lợi dụng hội phụ huynh học sinh đứng ra thay mặt trường thu các loại quỹ cho trường sai quy định và trái quy định. Tôi mong bộ trưởng Bộ GD-ĐT vào cuộc để dẹp bớt tình trạng này".

Chấm dứt lạm thu trong trường học có khó không? Chấm dứt lạm thu trong trường học có khó không?

TTO - Diễn đàn "Làm gì để chấm dứt lạm thu?" của báo Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của cán bộ quản lý giáo dục và lãnh đạo trường để gợi mở giải pháp cho vấn đề này.

TR.D tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên