TTCT - Thành nhà Hồ thuộc huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) từng là một trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của nước ta. Dù chỉ tồn tại trong thời gian bảy năm (1400 - 1407) dưới triều đại nhà Hồ nhưng đây là một công trình kiến trúc độc đáo, một di sản quý báu trong số những công trình thành cổ ở VN. Phóng to Cổng phía nam thành nhà Hồ Đầu thế kỷ 20, nhà nghiên cứu người Pháp L.Bezacier, chuyên nghiên cứu về văn hóa Đông Dương, đã nhận xét về thành nhà Hồ như sau: “Thành cổ này là một mẫu mực độc nhất về việc sử dụng những khối đá vôi to lớn, được đẽo gọt và ghép một cách rất tài tình...”. Công trình kiến trúc độc đáo Thành nhà Hồ được xây bên ngoài bằng đá nguyên khối, bên trong chủ yếu được đắp đất. Thành có bình đồ kiến trúc hơi vuông với hai mặt nam - bắc dài hơn 900m, hai mặt đông - tây dài hơn 700m, độ cao trung bình 7-8m, có nơi như ở cửa phía nam cao tới 10m. Những phiến đá xanh dùng xây tường thành được đẽo vuông vức, công phu, có tấm rất to (ở cửa Tây): dài 5,1m, rộng 1,59m, cao 1,3m. Chúng được xếp chồng lên nhau, không cần chất kết dính mà vẫn bền vững sau hơn 600 năm. Các phiến đá ở bốn cổng thành Đông, Tây, Nam, Bắc được xếp theo hình múi cam, tất cả đều có kích thước rất lớn. Ngày trước cổng thành có hai cánh cửa dày, nặng và chắc, thể hiện qua dấu vết còn lại đến hôm nay là những lỗ đục vào đá và chỗ lắp ngưỡng cửa; cửa được đóng mở nhờ bánh xe lăn, khóa bằng chốt ngang. Điều đáng ngạc nhiên là một công trình kiến trúc đồ sộ, vững chắc như vậy mà theo tương truyền của nhân dân địa phương, thành chỉ được xây trong vòng ba tháng. Trong thành nay vẫn còn nhiều hiện vật: những viên gạch đất nung dùng để xây dựng đoạn tường gạch bên trên tường thành bằng đá xếp, nhằm tạo độ cao để từ trong thành dễ quan sát bên ngoài; các viên bi đá được dùng kết hợp với con lăn để vận chuyển những khối đá lớn khi xây tường thành; những viên ngói đầu đao, đầu rồng với hoa văn tinh xảo dùng để trang trí bộ mái cung điện bên trong thành; cùng nhiều đạn đá, chông sắt bốn cạnh, mũi dao, mũi tên, đinh đóng thuyền... và các đồ gốm gia dụng. Phóng to Cổng phía tây Hướng đến di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1962. Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ, cho biết: “Dù đã trải qua hơn 600 năm tồn tại nhưng di tích này là kinh đô cổ nhất ở nước ta vẫn còn tương đối nguyên vẹn kiến trúc bề mặt, trong khi còn nhiều hiện vật, di vật nằm trong lòng đất chưa được khai quật. Từ năm 2004 đến nay, các nhà khảo cổ học đã khai quật khu vực nền vua (thuộc nội thành), La thành, đàn tế Nam Giao, cửa phía Nam của thành, phát hiện toàn bộ sân trước, sân sau của khu vực Ngọ Môn cùng hàng nghìn di vật, hiện vật rất có giá trị của triều đại nhà Hồ...”. Được sự ủy quyền của Chính phủ, tháng 9-2009 UBND tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất hồ sơ di sản thành nhà Hồ và trình UNESCO. Trong quá trình vận động đề cử thành nhà Hồ trở thành di sản văn hóa thế giới, ngày 22 và 23-1-2011 UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Vụ Văn hóa đối ngoại - UNESCO (Bộ Ngoại giao) đã có buổi làm việc, giới thiệu thành nhà Hồ với đoàn ngoại giao 21 quốc gia thành viên thường trực Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO; qua đó nhiều câu hỏi của đại diện đoàn ngoại giao Indonesia, Myanmar, Trung Quốc... đã được đặt ra với chính quyền tỉnh Thanh Hóa về việc bảo tồn, phát huy giá trị thành nhà Hồ nếu như được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Phát biểu tại buổi làm việc, bà Katherine Muller Marin, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, chia sẻ: “Trong quá trình vận động đề cử, theo tôi, chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần cam kết có trách nhiệm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, phát huy di sản này, đặc biệt là nâng cao đời sống của người dân quanh khu vực. Riêng cá nhân tôi rất có ấn tượng về di sản thành nhà Hồ, nhất là đàn tế Nam Giao, giếng Vua ở quần thể di tích này”. Ông Phạm Sanh Châu, vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại - UNESCO, cho rằng: “Cần phải nêu bật giá trị to lớn của di sản thành nhà Hồ; trong đó tập trung giới thiệu về sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, giữa Nho giáo và Phật giáo ở khu vực này; giới thiệu những cải cách vượt bậc của Hồ Quý Ly trong lĩnh vực kinh tế, kiến trúc. Việc xây dựng hồ sơ thành nhà Hồ, đề cử trở thành di sản văn hóa thế giới là cách chúng ta tri ân triều đại nhà Hồ nói chung và vua Hồ Quý Ly nói riêng...”. Cũng theo ông Phạm Sanh Châu, triển vọng thành nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới trong năm 2011 là rất khả quan. Chúng ta nhiều hi vọng sẽ có được kết quả tốt nhất tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới tổ chức ở Bahrain tháng 6-2011. Trong viễn cảnh ấy, trước mắt thành nhà Hồ cần được giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt như một báu vật quốc gia bởi theo các nhà khoa học, trong lòng đất dưới di sản này còn chứa đựng trong đó một kho hiện vật khổng lồ liên quan đến nhà Hồ - một triều đại còn rất nhiều bí ẩn cần được nghiên cứu trong tương lai. Phóng to Giếng Vua trong thành nhà Hồ - Ảnh: Hà Đồng Phóng to Các hiện vật được trưng bày tại phòng trưng bày thành nhà Hồ, Thanh Hóa - Ảnh: Hà Đồng
168 phường, xã của TP.HCM mới sẽ cùng vận hành thử nghiệm THẢO LÊ 19/06/2025 Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho biết sắp tới TP.HCM sẽ vận hành thử nghiệm lần 2 với 102 phường, xã mới và phối hợp với các địa phương vận hành thử nghiệm luôn 168 phường, xã của TP.HCM mới.
Tái cơ cấu SCB: Nhóm các nhà đầu tư liên danh đang 'có sẵn 2 tỉ USD' HỒNG PHÚC 19/06/2025 Vạn Thịnh Phát vừa đề xuất phương án tái cơ cấu Ngân hàng SCB, cam kết bồi hoàn hơn 700.000 tỉ đồng thiệt hại theo các bản án đã tuyên.
Iran tiếp tục phóng tên lửa, Israel báo động toàn quốc NGHI VŨ 19/06/2025 Báo Times of Israel đưa tin cuộc không kích mới nhất này trong ngày 19-6 của Iran lớn hơn các loạt không kích trước đó.
Tàu vũ trụ Starship của SpaceX phát nổ dữ dội ngay trên bệ phóng HÀ ĐÀO 19/06/2025 Ngày 19-6, tầng trên tàu vũ trụ Starship của Công ty SpaceX do tỉ phú công nghệ Elon Musk điều hành đã phát nổ dữ dội, ngay trước khi tiến hành thử nghiệm động cơ tại cơ sở Starbase (bang Texas, Mỹ).