11/02/2023 18:09 GMT+7

Tìm hiểu nhiều nhưng vẫn không biết chọn ngành nào, làm sao?

Hiện rất nhiều học sinh chưa xác định rõ sở thích và năng lực bản thân nên lúng túng trong chọn ngành học trước mùa tuyển sinh đại học.

Tìm hiểu nhiều nhưng vẫn không biết chọn ngành nào, làm sao? - Ảnh 1.

Bạn Quỳnh Anh có nhiều lựa chọn ngành nghề nên nhờ các thầy cô tư vấn chọn nghề theo thế mạnh của bản thân - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chiều 11-2, nhiều đoàn học sinh tìm đến Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) dự Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức. Nhiều bạn băn khoăn trong chọn ngành nên nhờ ban tư vấn cho lời khuyên.

Tính hướng ngoại nên chọn ngành nào?

Nguyễn Đỗ Quỳnh Anh (học sinh lớp 12A2, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thị xã Buôn Hồ) cho hay bạn đã tìm hiểu rất nhiều ngành nghề nhưng không biết chọn ngành nào phù hợp với bản thân. 

"Tính cách của em khá hướng ngoại, giao tiếp tốt và thích đi đây đi đó. Vậy em nên chọn ngành nào?", Quỳnh Anh băn khoăn.

Trong khi đó, nữ sinh Nguyễn Thị Quỳnh Như cũng bối rối khi nhận thấy mình có tính hướng ngoại, thích đi đây đó và quan tâm đến nhóm ngành khoa học tự nhiên nhưng chưa biết chọn ngành nào.

Chia sẻ với các học sinh, thạc sĩ Phùng Quán - Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết hiện có nhiều ngành lĩnh vực khoa học tự nhiên phù hợp với các bạn có sở thích đi đây đi đó như sinh học, hải dương học, địa chất, môi trường…

"Những bạn có tính hướng ngoại không thể làm công việc nghiên cứu chuyên sâu trong các phòng thí nghiệm. Với những người thích đi đây đó nhiều có thể chọn các ngành du lịch, báo chí, marketing… Ngành nào cũng có vẻ hào nhoáng bên ngoài và điểm lặng bên trong. Do đó cần tìm hiểu thật kỹ để hiểu rõ ngành nghề mình quan tâm để chọn cho đúng", thầy Quán khuyên.

Cũng theo thầy Quán, nếu học sinh chọn ngành không đúng sẽ rất chán nản, không học được. Hằng năm tỉ lệ sinh viên bỏ học từ 10-15%, trong đó phần lớn trường hợp này do không tìm hiểu rõ ngành học.

Tìm hiểu nhiều nhưng vẫn không biết chọn ngành nào, làm sao? - Ảnh 2.

Nhiều bạn nữ tìm hiểu các thông tin liên quan đến ngành quân đội - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo thạc sĩ Nguyễn Thái Châu - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Tài chính - Marketing, thực tế hiện nay học sinh khó xác định mình thật sự yêu thích ngành nghề nào. Do đó, các bạn trẻ đừng quá lo lắng khi đến 18 tuổi mà vẫn chưa biết mình phải làm gì, thích gì.

"Các bạn cần phải trải nghiệm, tự khám phá bản thân, xác định được đam mê để có thể có quyết định tốt hơn cho tương lai của mình.

Hãy tự tìm hiểu thông tin về tất cả các ngành mà bạn biết, đọc thật nhiều về chúng và thử làm một công việc nào đó có liên quan đến nó xem bạn có cảm thấy thích nó không, nếu mỗi ngày đều làm công việc ấy thì sẽ như thế nào... Với niềm yêu thích công việc thì mọi khó khăn cũng trở nên dễ dàng với bạn" - thầy Châu khuyên.

Tìm hiểu nhiều nhưng vẫn không biết chọn ngành nào, làm sao? - Ảnh 3.

Đông đảo học sinh tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) chiểu nay - Ảnh: DUYÊN PHAN

Học ngành nông nghiệp cũng có thể làm việc ở các ngân hàng

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TP.HCM - tư vấn thêm hiện nay rất nhiều học sinh nghĩ rằng muốn làm việc trong một lĩnh vực ngành nghề nào đó thì phải chọn học ngành đó.

Thầy Hùng nêu ví dụ nhiều người nghĩ muốn làm việc trong ngân hàng bắt buộc phải học ngành ngân hàng. Ông cho rằng đây là cách hiểu chưa đầy đủ vì những người làm việc trong ngân hàng tốt nghiệp từ rất nhiều ngành khác nhau: quản trị kinh doanh, nhân sự, văn phòng, kế toán, công nghệ thông tin…

Thậm chí học nông nghiệp cũng có thể làm việc ở các ngân hàng. Cụ thể khi các ngân hàng cần thẩm định hồ sơ cho vay những dự án về nông nghiệp thì đương nhiên các chuyên gia nông nghiệp đánh giá; để lắp đặt và vận hành các máy ATM phải cần các kỹ sư điện tử…

"Do đó, không nên nghĩ rằng muốn làm việc ở ngân hàng là bắt buộc phải học ngành tài chính ngân hàng. Tương tự nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác không nhất thiết phải học một ngành nào đó mới làm việc được", thầy Hùng khẳng định.

TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết: "Trong sự dịch chuyển của xã hội hiện nay, các ngành nghề cũng dịch chuyển nhiều và rất nhanh. Do vậy những người có khả năng thích nghi tốt với sự dịch chuyển này sẽ dễ thành công. Hiện nay rất nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường kỹ thuật, kinh tế học bằng 2 tại trường chúng tôi và ngược lại".

Tìm hiểu nhiều nhưng vẫn không biết chọn ngành nào, làm sao? - Ảnh 4.

TS Phạm Tấn Hạ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk và Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Đăng ký xét tuyển đại học vào tháng 7-2023Đăng ký xét tuyển đại học vào tháng 7-2023

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện kế hoạch xét tuyển đại học và cao đẳng ngành mầm non năm 2023 để chính thức công bố trong thời gian tới.

Tìm hiểu nhiều nhưng vẫn không biết chọn ngành nào, làm sao? - Ảnh 7.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên