10/11/2022 06:47 GMT+7

Tin sáng 10-11: Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức ngân hàng; TP.HCM kiểm soát ô nhiễm

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - 2022 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có thể đạt 700 tỉ USD; Công chức ngân hàng được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học từ 1-1-2023; Sở Tài nguyên - Môi trường siết chặt quản lý xử lý bùn hầm cầu; TP.HCM họp về công tác kiểm soát ô nhiễm không khí.

Tin sáng 10-11: Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức ngân hàng; TP.HCM kiểm soát ô nhiễm - Ảnh 1.

Đại diện Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng - Ảnh: HÀ QUÂN

Trình hai mức quà cho người có công dịp Tết Nguyên đán 2023

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình Chủ tịch nước tặng quà cho người có công với cách mạng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Dự kiến, có hai mức quà 300.000 đồng/suất và 600.000 đồng/suất.

Theo đó, mức quà 600.000 đồng dành tặng người hoạt động cách mạng trước 1-1-1945 đến Cách mạng Tháng 8-1945, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh mất sức từ 81% trở lên. 

Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, người có công giúp đỡ cách mạng, thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất và thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất cũng hưởng mức quà 600.000 đồng.

Mức quà 300.000 đồng dành tặng thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động. 

Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; người có công giúp đỡ cách mạng; đại diện thân nhân liệt sĩ; người thờ cúng liệt sĩ (trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân) cũng hưởng mức quà 300.000 đồng.

Theo tính toán, cả nước có hơn 1,5 triệu người có công thuộc diện tặng quà Tết. Tổng kinh phí hơn 460 tỉ đồng (cao hơn mức trên 435 tỉ đồng của năm 2022), từ ngân sách nhà nước.

Năm 2022 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có thể đạt 700 tỉ USD

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 616,24 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỉ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bao gồm nhóm hàng sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 50,1 tỉ USD. Nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 46,6 tỉ USD.

Xuất khẩu dệt, may ước đạt 31,8 tỉ USD, giày dép ước đạt 20 tỉ USD, xuất khẩu gỗ, các sản phẩm gỗ ước đạt 13,5 tỉ USD.

Tin sáng 10-11: Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức ngân hàng; TP.HCM kiểm soát ô nhiễm - Ảnh 3.

Chế biến và xuất khẩu tôm là thế mạnh của tỉnh Cà Mau

Kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm 2022 ước đạt 303,42 tỉ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 105,28 tỉ USD, tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198,14 tỉ USD, tăng 12%.

Tổng cục Thống kê nhận định với tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu như hiện nay, việc tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam đạt mức 700 tỉ USD vào cuối năm 2022 là hoàn toàn khả thi.

Công chức ngân hàng được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học từ 1-1-2023

Theo quy định hiện hành, công chức ngân hàng phải có chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Đồng thời phải có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Tuy nhiên theo quy định mới tại thông tư 14 có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 của Ngân hàng Nhà nước, các yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã chính thức được bãi bỏ.

Công chức chuyên ngành ngân hàng chỉ cần có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành tài chính, kinh tế, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, công nghệ thông tin, xây dựng, luật.

Với ngạch kiểm soát viên có thêm chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên.

Với ngạch kiểm soát viên chính có thêm chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước với công chức ngạch chuyên viên chính hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính.

Sở Tài nguyên và Môi trường siết chặt quản lý xử lý bùn hầm cầu

Thứ sáu tuần này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng sẽ làm việc với các đơn vị để chấn chỉnh tình trạng xả bùn hầm cầu không đúng quy định theo phản ánh của báo Tuổi Trẻ.

Tin sáng 10-11: Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức ngân hàng; TP.HCM kiểm soát ô nhiễm - Ảnh 4.

Xe hút hầm cầu xả thải ra môi trường tại TP Thủ Đức - Ảnh: Cắt từ clip điều tra

Trước đó báo Tuổi Trẻ đã đăng loạt bài "Từ dán quảng cáo bậy đến lừa đảo hút hầm cầu" phản ánh về tình trạng các công ty hút hầm cầu lấy sứ mệnh "vì môi trường" nhưng phía sau hoạt động của các công ty này là một sự thật khó tin: dán bậy, xả bậy và giở đủ chiêu trò nhẫn tâm lừa đảo moi tiền từ khách hàng.

Loạt bài đã nhận được phản hồi của rất nhiều bạn đọc vì chính họ cũng từng là nạn nhân của các băng nhóm này.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng nhận định thực trạng trên đáng báo động vì đe dọa môi trường và khẳng định "phải có rất nhiều giải pháp mạnh" giải quyết vấn đề này. 

TP.HCM họp về công tác kiểm soát ô nhiễm không khí

Dự kiến tuần này Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ họp với các đơn vị về giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí.

Tin sáng 10-11: Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức ngân hàng; TP.HCM kiểm soát ô nhiễm - Ảnh 6.

TP.HCM có nhiều ngày trời mù, tầm nhìn hạn chế, các chuyên gia đánh giá ô nhiễm không khí tại TP là vấn đề cần giải quyết cấp bách - Ảnh: LÊ PHAN

Theo các chuyên gia, TP.HCM đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường khác nhau do quá trình đô thị hóa như rác thải, ô nhiễm tiếng ồn, biến đổi khí hậu, đặc biệt là ô nhiễm không khí.

Nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí tại TP chủ yếu từ các phương tiện tham gia giao thông, nhất là xe máy. Ngoài ra, các ngành sản xuất công nghiệp cũng là nguồn phát thải cao.

Trước thực trạng này, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức quan trắc thường xuyên chất lượng không khí, đảm bảo liên tục cập nhật thông tin về chất lượng môi trường.

Gần đây, trên trang tin điện tử của sở này cũng đã đăng tải về thông tin quan trắc không khí trong tháng để người dân theo dõi.

Bộ Y tế đưa đậu mùa khỉ vào bệnh truyền nhiễm nhóm B

Ngày 9-11, Bộ Y tế có quyết định bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Cụ thể, các hoạt động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ được thực hiện theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với nhóm B.

Tin sáng 10-11: Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức ngân hàng; TP.HCM kiểm soát ô nhiễm - Ảnh 7.

Người dân đến tiêm vắc xin đậu mùa khỉ ở Arizona, Mỹ - Ảnh: REUTERS

Theo đó, nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm: bệnh do vi rút Zika; vi rút adeno; HIV/AIDS; bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ; bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; sốt xuất huyết Dengue; bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay chân miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn…

Trước đó, Việt Nam đã ghi nhận hai ca bệnh mắc đậu mùa khỉ có yếu tố dịch tễ từ nước ngoài. Hiện cả hai bệnh nhân đều đã khỏi bệnh và xuất viện. Nguy cơ lây lan trong cộng đồng đã được kiểm soát và chưa ghi nhận ổ dịch đậu mùa khỉ tại Việt Nam.

468 ca COVID-19 mới 

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.507.124 ca COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.288 ca).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 307 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.605.315 ca. Số bệnh nhân đang thở oxy là 66 ca. Ngày 8-11 ghi nhận 0 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.166 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Trong ngày 8-11 có 34.232 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 262.425.098 liều.

Tin sáng 10-11: Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức ngân hàng; TP.HCM kiểm soát ô nhiễm - Ảnh 10.
Tin sáng 10-11: Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức ngân hàng; TP.HCM kiểm soát ô nhiễm - Ảnh 11.
Tin sáng 10-11: Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức ngân hàng; TP.HCM kiểm soát ô nhiễm - Ảnh 12.
Tin sáng 9-11: Cảnh báo triều cường ven biển Nam Bộ; Mua bán nhà, căn hộ giảm mạnh Tin sáng 9-11: Cảnh báo triều cường ven biển Nam Bộ; Mua bán nhà, căn hộ giảm mạnh

TTO - Hà Nội mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; Cảnh báo triều cường ven biển Nam Bộ; TP.HCM họp phương án xử lý rác tại bãi rác Gò Cát, Đông Thạnh; Ca mắc COVID-19 và ca nặng đều tăng nhẹ... là những tin tức trong nước đáng chú ý sáng nay.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên