16/08/2022 05:45 GMT+7

Tin sáng 16-8: Thêm nhiều đoàn tàu hỏa dịp 2-9; Bắc Bộ giảm mưa hửng nắng, Nam Bộ tăng mưa

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Gần 70.000 tỉ đồng vốn chưa phân bổ, kiến nghị dành cho đường cao tốc, gồm cả vành đai 3 TP.HCM; Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cải cách hành chính; Vì sao đơn vị thu phí đậu ôtô lòng đường đề xuất dừng thu?... là những tin tức đáng chú ý.

Tin sáng 16-8: Thêm nhiều đoàn tàu hỏa dịp 2-9; Bắc Bộ giảm mưa hửng nắng, Nam Bộ tăng mưa - Ảnh 1.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Lần đầu tiên Việt Nam có 4 nữ bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thuộc Chính phủ

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến tháng 7-2022, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 14/30, đạt 46,6%. Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt là 12/22, đạt 54,5%; các cơ quan thuộc Chính phủ có nữ lãnh đạo chủ chốt là 2/8, đạt 25%. 

Có 4 nữ bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gồm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang), 11 nữ thứ trưởng và tương đương. Đây là giai đoạn đầu tiên từ năm 1945 đến nay Việt Nam có 4 nữ bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Về tỉ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, số liệu đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025 theo báo cáo ngày 1-9-2021 của Chính phủ thì cấp tỉnh có 37,70%; cấp huyện 31,77%; cấp xã là 24,94%.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025 đạt 60% và năm 2030 đạt 75% cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

6 tháng năm 2022, tiếp nhận 42 người là nạn nhân bị mua bán trở về

Báo cáo của Chính phủ tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương cho thấy tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái, mua bán người trong năm 2021 vẫn diễn ra khá phức tạp tại một số địa phương. 

Trong đó trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tiếp nhận 136 vụ bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, trong đó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là 80 vụ. 

Sơn La có 12 vụ bạo lực, trong đó 10 nạn nhân là nữ. Hòa Bình có 116 vụ bạo lực gia đình (trong đó 88 nạn nhân là nữ). 

Tuyên Quang đã phát hiện, ghi nhận và điều tra, xử lý 83 vụ/76 đối tượng có 83 nạn nhân, trong đó bạo lực trong phạm vi gia đình 62 vụ; bạo lực trong phạm vi cộng đồng 1 vụ mại dâm (có 2 trẻ em bị lôi kéo, sử dụng vào việc bán dâm); 3 vụ hiếp dâm; 1 vụ giết người (nạn nhân là nữ giới) và 16 vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. 

Hải Dương xác minh và xử lý được 17 vụ việc xâm hại tình dục đối với người dưới 18 tuổi, 13 vụ bạo lực gia đình. Khánh Hòa có 24 vụ bạo lực (20 nạn nhân là nữ, 4 nạn nhân là nam). Bà Rịa - Vũng Tàu 32 vụ bạo lực gia đình và 53 vụ/54 trẻ bị xâm hại. Vĩnh Long có 13 trường hợp phụ nữ bị bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại tình dục.

Cũng trong năm 2021, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác định 110 người là nạn nhân bị mua bán trở về. 6 tháng đầu năm 2022 tiếp nhận và xác định 42 người là nạn nhân bị mua bán trở về.

Gần 70.000 tỉ đồng vốn chưa phân bổ, kiến nghị dành cho đường cao tốc, gồm đường vành đai 3 TP.HCM

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại chưa phân bổ.

Theo đó, tổng mức vốn cho cả giai đoạn đã được Quốc hội phê duyệt là 2,87 triệu tỉ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương là 1,5 triệu tỉ đồng và vốn ngân sách địa phương là 1,37 triệu tỉ đồng.

Đến nay, số vốn đã phân bổ cho các bộ ngành và địa phương là 2,3 triệu tỉ đồng; vốn phân bổ cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 92.057 tỉ đồng. Còn lại 296.719 tỉ đồng chưa phân bổ, trong số này có 159.719 tỉ đồng vốn ngân sách trung ương, riêng vốn ngân sách trung ương trong nước chưa phân bổ là 69.643 tỉ đồng.

Tin sáng 16-8: Thêm nhiều đoàn tàu hỏa dịp 2-9; Bắc Bộ giảm mưa hửng nắng, Nam Bộ tăng mưa - Ảnh 2.

Đường vành đai 3 dài hơn 90km mới có một đoạn qua tỉnh Bình Dương đưa vào khai thác - Ảnh: Q.ĐỊNH

Chính phủ cho rằng, với số vốn ngân sách trung ương trong nước chưa phân bổ, thứ tự ưu tiên sẽ theo đúng nguyên tắc, định mức phân bổ vốn tại quy định của Luật đầu tư công, tập trung cho các dự án quan trọng, cấp thiết, dự án có tác động nhanh đến phát triển kinh tế ngành, lĩnh vực và địa bàn động lực tăng trưởng, góp phần nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, các ngành…

Với thứ tự ưu tiên như vậy, số vốn còn lại dự kiến sẽ được phân bổ cho các dự án, chương trình đã được báo cáo trước đó như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; các dự án ODA do trung ương quản lý đang làm thủ tục phê duyệt; các dự án đường vành đai 3 TP.HCM và đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, một số đường bộ cao tốc do địa phương làm chủ quản dự án đã được bố trí vốn nhưng còn thiếu, có nhu cầu bổ sung để cơ bản hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025…

Với số vốn nước ngoài từ nguồn ngân sách trung ương còn lại là 82.133 tỉ đồng, Chính phủ kiến nghị bố trí cho các dự án như Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án ODA chưa phân bổ; các dự án hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2040, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam tương đương ngưỡng thu nhập cao

Tại dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia đang được lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra 2 kịch bản cho tốc độ tăng GDP bình quân đầu người của Việt Nam giai đoạn 2030 - 2050.

Tin sáng 16-8: Thêm nhiều đoàn tàu hỏa dịp 2-9; Bắc Bộ giảm mưa hửng nắng, Nam Bộ tăng mưa - Ảnh 3.

Kịch bản 1 (Kịch bản thấp), thu nhập bình quân đầu người dự báo đến năm 2030 đạt hơn 7.000 USD/người, đến năm 2040 đạt khoảng 13.000 USD/người và năm 2050 đạt khoảng 25.000 USD/người.

Bộ đánh giá các điều kiện bên ngoài là ít thuận lợi, khả năng tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào việc cải thiện các yếu tố nội tại của nền kinh tế. Kịch bản này có khả năng xuất hiện cao hơn do đòi hỏi đẩy mạnh cải cách không nhiều, cơ bản theo xu hướng đã diễn ra trong giai đoạn 2011 - 2020.

Kịch bản 2 (Kịch bản phấn đấu), tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt bình quân 6,63%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; đạt bình quân 7,48%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 7,05%/năm. Giai đoạn 2031 - 2050, tốc độ tăng trưởng có khả năng đạt 7,16%/năm.

Bộ đánh giá khả năng đạt được các yêu cầu này là tương đối cao về tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), tăng trưởng năng suất lao động. Môi trường kinh tế quốc tế cũng cần có nhiều yếu tố thuận lợi. Trên cơ sở phân tích các yếu tố bối cảnh thế giới và nội tại nền kinh tế, khả năng xảy ra kịch bản 2 cũng khá cao.

Về thu nhập bình quân đầu người, dự báo đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD, đến năm 2040 đạt hơn 14.500 USD và năm 2050 đạt khoảng 32.000 USD. Như vậy, ở kịch bản này, theo chuẩn hiện nay của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm 2040 sẽ tương đương ngưỡng thu nhập cao.

Hàng loạt gói du lịch hấp dẫn, vé máy bay khuyến mãi sắp được tung ra tại hội chợ du lịch

Hôm nay, TP.HCM tổ chức họp báo giới thiệu Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 16 - ITE HCMC 2022. Sự kiện du lịch thường niên năm nay sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10-9 tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7.

Tin sáng 16-8: Thêm nhiều đoàn tàu hỏa dịp 2-9; Bắc Bộ giảm mưa hửng nắng, Nam Bộ tăng mưa - Ảnh 4.

Tà áo dài hoa sen được hoa hậu Việt Nam Trần Tiểu Vy diện trong đêm khai mạc ITE 2019 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Với chủ đề "Cùng vững bước, cùng đi lên", ITE HCMC lần thứ 16 dự kiến thu hút hơn 200 đơn vị triển lãm là các hãng hàng không, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, các công ty lữ hành, các tập đoàn lớn và đại diện cơ quan xúc tiến du lịch nhiều quốc gia, cùng sự tham gia của các doanh nghiệp từ trên 45 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết trong bối cảnh mở cửa du lịch hậu COVID-19, hội chợ ITE HCMC 2022 là một trong những hoạt động quan trọng để đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra nước ngoài. Sẽ có hàng loạt chương trình ưu đãi, giảm giá dành cho khách hàng được tung ra trong dịp này.

Đường sắt chạy thêm nhiều đoàn tàu dịp 2-9

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại vào dịp lễ 2-9, ngoài các chuyến tàu đang chạy hằng ngày, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn tổ chức chạy thêm các tàu từ ga Sài Gòn đến Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Hà Nội và ngược lại.

Cụ thể, tuyến TP.HCM - Hà Nội: tàu SE11/12 chạy từ ngày 30-8 đến ngày 6-9. Tuyến TP.HCM - Quy Nhơn: tàu SQN2 Sài Gòn đi Quy Nhơn chạy các ngày 31-8, ngày 1 và 2-9. Tàu SQN1 Quy Nhơn đi Sài Gòn chạy các ngày 1, 3 và 4-9.

Tin sáng 16-8: Thêm nhiều đoàn tàu hỏa dịp 2-9; Bắc Bộ giảm mưa hửng nắng, Nam Bộ tăng mưa - Ảnh 5.

Tàu hỏa chạy qua TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuyến TP.HCM - Nha Trang: tàu SNT4/SNT6/SNT8 xuất phát tại ga Sài Gòn các ngày 31-8 và 1-9. Tàu SNT10 xuất phát Sài Gòn ngày 31-8. Còn chiều Nha Trang - TP.HCM: tàu SNT3/SNT5/SNT7 xuất phát Nha Trang các ngày 3 và 4-9.

Với tuyến TP.HCM - Phan Thiết: tàu SPT4 Sài Gòn đi Phan Thiết các ngày 1 và 2-9; tàu SPT3 Phan Thiết đi Sài Gòn các ngày 1, 4-9.

Nếu hành khách tăng cao, công ty sẽ tổ chức chạy thêm tàu để đáp ứng nhu cầu đi lại trong dịp lễ. Trong dịp lễ, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn vẫn duy trì các chính sách giảm giá vé khứ hồi lượt về từ 5 - 7% và giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội.

Vì sao đơn vị thu phí đậu ôtô lòng đường đề xuất tạm dừng thu?

Theo Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM, trong quá trình triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu ôtô ở khu vực trung tâm có những tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, hiện ứng dụng thu tiền đậu xe (My Parking) hoạt động chưa ổn định, xảy ra nhiều lỗi, chưa nâng cấp thường xuyên. Công ty đã nhiều lần chủ động mời Viettel TP.HCM xử lý các lỗi ứng dụng, cung cấp các thiết bị hỗ trợ. Tuy nhiên, phía đơn vị cung cấp dịch vụ đến nay vẫn không phản hồi, không liên hệ làm việc, cũng như chưa lắp đặt các cảm biến sensor theo như thỏa thuận trong hợp đồng.

Tin sáng 16-8: Thêm nhiều đoàn tàu hỏa dịp 2-9; Bắc Bộ giảm mưa hửng nắng, Nam Bộ tăng mưa - Ảnh 6.

Đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1) là một trong nhiều tuyến đường tổ chức thu phí ôtô - Ảnh: VĂN BÌNH

Công ty cũng đã xây dựng phương án phối hợp xử lý các xe vi phạm tại hiện trường theo yêu cầu Sở Giao thông vận tải TP, nhưng các đơn vị liên quan về công tác thu phí còn chậm ký phương án. Đến nay, phương án chưa hoàn thành để triển khai.

Trong khi, nhân viên công ty không có thẩm quyền xử phạt hay biện pháp chế tài, xử lý các lỗi vi phạm các lái xe. Việc này dẫn đến tình trạng cãi cọ, đôi co giữa nhân viên thu phí với các lái xe không hợp tác, với các doanh nghiệp chiếm mặt tiền lòng đường để kinh doanh, thậm chí những người dân lâu năm thu tiền đậu ôtô trên khu vực...

Xuất phát từ các tồn đọng, hạn chế nêu trên, Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM đề xuất sẽ tạm ngưng thực hiện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ôtô kể từ ngày 15-8. Công ty đề nghị Sở Giao thông vận tải TP hoàn thiện ứng dụng công nghệ phù hợp, công tác phối hợp xử lý hiện trường... hoặc thực hiện phương án đấu thầu nhằm đạt hiệu quả cao.

Tin sáng 16-8: Thêm nhiều đoàn tàu hỏa dịp 2-9; Bắc Bộ giảm mưa hửng nắng, Nam Bộ tăng mưa - Ảnh 7.
Tin sáng 16-8: Thêm nhiều đoàn tàu hỏa dịp 2-9; Bắc Bộ giảm mưa hửng nắng, Nam Bộ tăng mưa - Ảnh 8.
Tin sáng 16-8: Thêm nhiều đoàn tàu hỏa dịp 2-9; Bắc Bộ giảm mưa hửng nắng, Nam Bộ tăng mưa - Ảnh 9.
Tin sáng 15-8: Vé máy bay dịp lễ 2-9 giá gấp đôi ngày thường; Xử cựu bí thư Bình Dương bán đất vàng Tin sáng 15-8: Vé máy bay dịp lễ 2-9 giá gấp đôi ngày thường; Xử cựu bí thư Bình Dương bán đất vàng

TTO - Giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 2-9 dễ thở hơn nhưng vẫn cao gấp đôi ngày thường; Hôm nay xét xử cựu bí thư Bình Dương và nhiều cựu lãnh đạo vụ bán rẻ 'đất vàng'; Doanh nghiệp tư nhân cần trợ lực để phục hồi sau dịch... là tin đáng chú ý sáng nay.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên