Nhiều sinh viên Việt Nam coi nhẹ thể thao

T.PHÚC - ĐAN THANH 23/05/2018 18:05 GMT+7

TTCT - Thể thao không chỉ mang đến sự cường tráng cơ thể, giảm stress... mà còn là những bài học trải nghiệm. Nhưng không ít sinh viên VN đang bỏ lỡ những điều tốt này.

Cảnh trong một quán nhậu mà các sinh viên khu vực Thủ Đức thường đến mỗi buổi chiều. Ảnh: Quang Định

Nhiều kiểu lý do

Bùi Công Linh (22 tuổi, sinh viên ngành mỹ thuật tại TP.HCM) cho biết thói quen chơi thể thao của bạn đã mất dần khi lên đại học. “Tôi không chơi thể thao nữa vì thiếu thời gian. Hồi học cấp III, nhóm bóng rổ của tôi ngày nào cũng chơi rất vui vẻ.

Thể thao giúp tôi hòa mình cùng bạn bè. Những năm cuối đại học, lịch học và làm thêm dày đặc nên tôi mất dần thói quen chơi thể thao. Do đặc thù ngành học nên tôi thường xuyên làm việc vào “giờ của cú mèo”, vì vậy mà tôi khá mệt mỏi” - Linh giải thích.

Cũng như Linh, khi được hỏi về mức độ thường xuyên chơi thể thao, Trần Hồng Phi - sinh viên năm 3 ngành du lịch ở TP.HCM - lắc đầu: “Sinh viên trường tôi chỉ học giáo dục thể chất trong 3 học kỳ đầu với môn bóng đá và bóng chuyền. Số tiết học không nhiều nhưng cũng mang đến khoảng thời gian vui vẻ, giải tỏa áp lực học tập. Nhưng sau đó thì không còn giờ học thể dục nữa. Khối lượng học lại tăng lên nên tôi chỉ vùi đầu sách vở “chạy” cho đủ học phần là mừng rồi. Đôi khi cũng cảm thấy nặng nề, đầu óc mất đi sự sáng tạo”.

Ít sự lựa chọn môn chơi hấp dẫn thiếu thốn cơ sở vật chất, số lượng sinh viên đông nên nhiều lớp phải học thể dục giữa trưa nắng... tất cả khiến sinh viên mệt mỏi và thiếu hứng thú thể thao. Thêm vào đó, các bài kiểm tra thể dục, tuy không hẳn có yêu cầu cao, nhưng đánh đồng dù thể trạng sinh viên khác nhau khiến không ít sinh viên “lận đận” mới qua được để đủ điều kiện tốt nghiệp. Và vì vậy, họ càng sợ thể thao.

Nhưng với nhiều sinh viên tại TP.HCM, chơi thể thao duy trì sức khỏe, giảm stress là việc họ phải tự lo. Đam mê thể thao từ nhỏ, Ngô Xuân Đoàn - sinh viên năm cuối khoa báo chí Trường đại học KHXH&NV - chia sẻ: “Chơi thể thao là thói quen không thể thiếu của tôi. Những buổi đá bóng cùng bạn bè giúp tôi giải stress và rèn luyện sức khỏe. Trung bình một tuần tôi có 4 trận bóng, mỗi trận kéo dài 1-2 giờ, kết hợp luyện tập gập bụng, chống đẩy. Nhờ đó mà tôi duy trì được thể trạng của mình, sức khỏe cũng tốt hơn những bạn khác. Nhưng tất cả hoạt động thể thao đều do tôi chơi lúc rảnh rỗi, bằng tiền túi và bên ngoài khuôn viên trường chứ lên trường thì chỉ biết có sách vở”.

Sự khác biệt ở trường quốc tế

Các sinh viên trường quốc tế cũng có cách nhìn riêng về thể thao. Phạm Anh Tuấn,sinh viên năm cuối khoa kinh tế - tài chính ĐH RMIT, nói: “Ở trường tôi, việc chơi thể thao hoàn toàn không dính đến các tín chỉ hay học phần để tốt nghiệp. Nhưng phong trào thể thao sôi động nhờ có các CLB do sinh viên tự lập ra, theo đúng nhu cầu của họ”.

Với khoảng 20 CLB của nhiều môn thể thao khác nhau: bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, quần vợt, các môn võ, bóng bầu dục..., trường phải xếp kín hoạt động cho cả nhà thi đấu tổng hợp hay ngoài trời (sân bóng rổ, sân quần vợt và sân bóng đá) từ sáng đến tối mịt.

Muốn có CLB, sinh viên cùng nhau vạch kế hoạch, phương thức hoạt động để thuyết phục ban giám hiệu nhà trường cho thành lập. Các CLB này về sau tự duy trì hoạt động, nhà trường không hỗ trợ gì nhiều. Dù do sinh viên lập và điều hành nhưng hoạt động các CLB cực kỳ chuyên nghiệp.

Ngoài thông tin trên website, cứ mỗi học kỳ, các CLB dành ra một ngày để tự giới thiệu mình và môn thể thao của mình để thu hút sự quan tâm, gia nhập của sinh viên. Mọi thứ đều rất “mở”, một sinh viên có thể chơi nhiều môn cùng lúc nhưng cũng có thể chỉ chơi một môn suốt cả quá trình đại học.

Có những môn sinh viên không cần đóng tiền nếu cơ sở vật chất trường đảm bảo được. Nhưng nhiều CLB quy định phí tham gia để duy trì hoạt động, tổ chức giải và thuê HLV giỏi. Nhiều môn như futsal, bóng rổ của trường đã thuê được HLV chuyên nghiệp đẳng cấp. Và khi có sân bãi tốt, thầy giỏi thì tình trạng chấn thương khi luyện tập cũng được hạn chế nhiều.

Đây cũng chính là những bài học trải nghiệm về cách tổ chức, hoạch định rất có lợi trong cuộc sống mà sinh viên có thể học từ thể thao, ngay khi còn ngồi ở giảng đường đại học.

“Thể thao để vui chơi nhưng sinh viên trường tôi luôn háo hức tham gia để có những bài học thực tế đầy thú vị. Không chỉ vì sức khỏe, kết nối với những người bạn, chúng tôi còn học cách thành lập và duy trì hoạt động rồi chạy tài trợ để có kinh phí đi thi đấu hay tổ chức giải. Sinh viên tự viết lời mời gọi, đi tạo quan hệ và thuyết phục doanh nghiệp hỗ trợ cho mình. Đó là những bài học giá trị có thể áp dụng cho cuộc sống, công việc sau này” - anh Tuấn, phó chủ tịch CLB bóng đá, cho biết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận