Nỗi ám ảnh "thu đúng, thu đủ"

HỮU NGHỊ 09/06/2018 21:06 GMT+7

Chuyện hết Bộ GTVT rồi tới lượt Bộ GD-ĐT đung đưa chơi chữ “thu giá” làm công luận mích lòng, còn khiến người ta tự hỏi liệu đây có phải là một “làn sóng” tự giũ bỏ trách nhiệm nơi một số cơ quan công quyền? Nếu có thì do lý do nào đó trọng đại, nhất định không do ngẫu hứng của từng bộ.

Ngọn roi thị trường tự do và nhóm lợi ích sẽ còn quật xuống lưng người dân đến bao giờ? Ảnh: 6sqft.com
Ngọn roi thị trường tự do và nhóm lợi ích sẽ còn quật xuống lưng người dân đến bao giờ? Ảnh: 6sqft.com

 

Rõ ràng, các bộ này đã quên hoặc không buồn nhớ rằng họ đã chạm đến những tâm tư “kinh hoàng” từ mấy năm gần đây của các công dân đã và đang đóng thuế, phí ngày càng cao hơn, nhiều hơn. Ít nhất đây cũng là lần thứ ba mà các bộ đặt vấn đề “tính đúng, tính đủ”. Nơi đầu tiên đề cập chuyện “tính đúng, tính đủ” là Bộ Y tế, song bộ này dường như có chút thận trọng, thừa hiểu rằng tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh... đã là sát muối vào bệnh cảnh của thiên hạ lắm rồi, nên không tìm cách thay thế cụm từ “thu viện phí” bằng cụm từ “thu giá điều trị” vừa vô nghĩa và phi nghĩa.

Và đây là nguồn cơn của tất cả: “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm: Bộ trưởng giải thích... gọi là giá dịch vụ để trong quá trình các tổ chức hoạt động đào tạo hay khoản tiền mà đơn vị được thu và tính trong các định mức thì cũng phải xây dựng thang tính đúng, tính đủ. Khi đó, giá dịch vụ phải được hiểu là những chi phí tính đúng, tính đủ mà một cơ sở đào tạo cần phải có để cung cấp dịch vụ giáo dục đại học... Những chi phí này áp dụng theo Luật giá thì mới tính được giá. Bộ GD-ĐT đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tính theo khung giá để áp dụng chứ không phải tính tùy tiện. Ngay cả lệ phí thi, giờ không gọi là lệ phí nữa mà giá dịch vụ đó cũng phải được xem xét và Bộ Tài chính đồng ý thì mới được ban hành”. (Nguồn: website của Quốc hội, 30-5-2018).

CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUYẾT TÂM “THU GIÁ”

“Quái từ” “thu giá” năm nay mới xuất hiện, song nền tảng của “thu giá”, tức chủ trương “thu đúng, thu đủ” thì đã có từ lâu, như có thể thấy qua việc Bộ Y tế tiên phong đòi thu đúng, thu đủ. Chẳng qua, xã hội này ngày càng “kinh tế thị trường”, càng thôi bao cấp, thôi cả “Nhà nước cung cấp tất cả” (Etat - Providence) như có thể thấy ở lục địa “già” châu Âu. Bằng cớ là trong khi các hội thảo du học Mỹ, Úc... đều nhắc đến số tiền học phí phải chuẩn bị là mấy chục ngàn đôla, thì các hội thảo du học các nước EU lại nhấn mạnh đến tính miễn phí đại học như là một... lợi thế so sánh.

Chuyện thu đúng, thu đủ học phí đã được xây dựng nền tảng lý luận từ cuối thập kỷ trước. Vào thời điểm năm 2007, giáo dục đại học vẫn còn bao cấp. Năm học 2007 bắt đầu với một số thay đổi: tăng học phí, và để bù lại, cho vay học phí... Để tạo nền tảng lý luận cho xu thế thu, tăng học phí, hội thảo “Phát triển giáo dục so sánh tại VN” đã được tổ chức ở TP.HCM vào tháng 5-2007, nơi mà hầu hết tham luận tập trung nêu bật tính ưu việt của mô hình giáo dục Hoa Kỳ, các nền giáo dục của thế giới còn lại chỉ được nhắc đến trong vị trí “kẻ vắng mặt”, hầu hết là với những khuyết điểm để minh họa những ưu điểm của mô hình kia.

Có diễn giả dày công giải thích rằng ở Hoa Kỳ, nhờ đóng học phí và cho vay tín dụng mà số sinh viên đại học đông hơn ở châu Âu vốn cứ bao cấp giáo dục, rồi nêu vấn đề: “Hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành quả. Vậy VN có thể học tập được gì từ hệ thống này?”. Có dịch giả cất công dịch hết bài này tới bài khác đề cao tính tất yếu của xu thế này. Để quảng bá thêm, có tác giả cho rằng VN đang ở trong một “giả thị trường” (quasi-market), nói cách khác là một “nền kinh - tế - hầu - như - là - kinh - tế - thị - trường”.

Do đó, Nhà nước, vốn đã thôi bao cấp tất cả rồi, cũng cần thôi bao cấp giáo dục đại học, đồng thời các trường cũng không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà còn dựa vào các nguồn lực khác có thể huy động được. “Trong điều kiện hạn hẹp về nguồn lực tài chính, ưu tiên của ngân sách phải tập trung dành cho giáo dục phổ cập và giáo dục thuộc các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn... Vì vậy, để hướng tới xây dựng và phát triển giáo dục đại học tư thục VN thực sự khỏe, hùng hậu và vững mạnh, cần có sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ để các bộ, ngành, địa phương có định hướng đúng về chính sách và giải pháp trong việc phát triển các trường đại học tư thục”.

Một tác giả khác góp phần giải thích nhu cầu của xu thế “chia sẻ chi phí” tức đóng học phí: “Giáo dục đại học không hoàn toàn là một lợi ích công mà có phần là lợi ích tư. Theo lập luận này, các chính phủ phải có chính sách quy định mức độ chia sẻ tài chính cho giáo dục đại học giữa Nhà nước, phụ huynh người học và bản thân họ, cũng như các doanh nghiệp hoặc cộng đồng nói chung. Quan niệm về chia sẻ chi phí sẽ tất yếu dẫn đến chính sách thu học phí, một chính sách được mọi nước quan tâm”...

Tháng 10-2007, Tuổi Trẻ Cuối Tuần đặt dấu hỏi: “Giáo dục VN đang trên con đường nào?”. Chục năm sau, nay đã rõ “con đường nào?”: Con đường được thể hiện rất tự tin qua tuyên bố “Giá dịch vụ phải được hiểu là những chi phí tính đúng, tính đủ mà một cơ sở đào tạo cần phải có để cung cấp dịch vụ giáo dục đại học” và đề xuất “thu giá” trong một thực tế mà có tác giả mô tả như sau: Giáo dục đại học ngoài công lập ở VN cũng có những bước phát triển đáng kể với sự thành lập của trường đại học ngoài công lập đầu tiên vào năm 1995. Đến cuối năm 2016, có 84 trường đại học và cao đẳng ngoài công lập tại VN (60 trường đại học và 24 trường cao đẳng).

CHI 20% NGÂN SÁCH CHO GIÁO DỤC?

Cho đến nay, đâu đâu cũng quả quyết rằng: “Lĩnh vực GD-ĐT được ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước (NSNN). Tỉ lệ chi ngân sách cho giáo dục hằng năm của VN ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. Đây là mức rất cao so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn VN rất nhiều”, với số liệu dẫn chứng: “Năm 2015, tổng nguồn NSNN dành cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo là 224.826 tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng chi NSNN”.

Đó là con số của năm 2015. Hai năm sau, tình hình có khác. Phần II Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017 của Bộ Tài chính, công bố ngày 5-5-2017, ghi như sau trong đoạn II về dự toán NSNN năm 2017:

1. Mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN

... dự kiến tổng chi NSNN (theo quy định của Luật NSNN 2015) là 1.390,48 nghìn tỉ đồng,

... dự toán chi sự nghiệp GD-ĐT: 215,167 nghìn tỉ đồng.

Vị chi, NSNN dự toán chi cho GD-ĐT vào khoảng 15,46% chi cho tất cả các hạng mục sau:

“Tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, tiếp tục triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; ưu tiên phát triển giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn, nâng cao hiệu quả giáo dục tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho đối tượng học sinh, sinh viên là con em các hộ nghèo, học sinh diện chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; bố trí kinh phí tăng thêm thực hiện các chính sách ưu đãi giáo dục theo chuẩn nghèo mới...”.

Thế Bộ GD-ĐT - người trong cuộc - nhìn nhận câu chuyện 20% NSNN dành cho GD-ĐT như thế nào?

VietNamNet 25-8-2017 đăng bài: “20% ngân sách chi cho giáo dục đã đi đâu?”, mở đầu như sau: “NSNN chi cho ngành giáo dục theo nghị quyết của Quốc hội là 20% đã được phân bổ như thế nào, có hợp lý không và ở những nơi chưa hợp lý thì vướng ở đâu, cần có giải pháp thế nào để giải quyết? Đó là “đặt bài” của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đối với nhóm nghiên cứu đăng ký thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc chương trình Khoa học giáo dục cấp quốc gia 2016-2020 “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi NSNN cho giáo dục ở VN 2011-2017”.

Báo này trích lời PGS.TS Phạm Xuân Hoan, Ban kế hoạch - tài chính Đại học Quốc gia Hà Nội: “Để làm rõ chi NSNN cho giáo dục đã đủ 20% chưa và phân bổ thế nào thì phải thực hiện thống kê chứ không phải khảo sát phỏng vấn là được. Tuy nhiên, đây là điều khó khả thi vì ngay cả hệ thống Tổng cục Thống kê còn phải “đầu hàng” và nếu có làm cũng sẽ rất tốn kém”.

Trong khi chờ đợi tìm thấy 20% NSNN dành cho GD-ĐT “chạy đi đâu”, có thực là 20% không, chi bằng “thu đúng và đủ GIÁ các dịch vụ GD-ĐT”? Như Sở GD-ĐT Hà Nội vừa loan báo phương án tăng học phí phổ thông năm học 2018-2019 để cải cách tiền lương và chi cho sự nghiệp giáo dục hằng năm, mức học phí này sẽ tác động đến 1,8 triệu học sinh trên địa bàn. Cụ thể, học phí năm học 2018-2019 đối với học sinh ở địa bàn thành thị là 155.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 45.000 đồng với với năm học trước), học sinh nông thôn 75.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 20.000 đồng) và học sinh miền núi 19.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 5.000 đồng).

Nhưng không ai biết, mức tăng 29% học phí ở địa bàn thành thị, tăng 26,6% học phí ở vùng nông thôn, tăng 26,3% ở vùng núi kiểu như vậy, là nhiều hay ít, đã “thu đúng và đủ giá” chưa? Và liệu sau này còn phải thêm bao nhiêu nữa cho vừa lòng nhau?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận