Méo mó vì bị trích ngoài văn cảnh

NGUYỄN VẠN PHÚ 26/10/2018 02:10 GMT+7

TTCT - Đọc tít một bài báo “Tín dụng đen không thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước”, có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên không biết vì sao Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng lại khẳng định như vậy. Bởi nói như thế khác nào từ bỏ trách nhiệm của NHNN trong việc dẹp bỏ tín dụng đen?

 

Cũng may, đây là một trong những nội dung tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào ngày 1-10-2018; toàn bộ nội dung này được ghi lại chính xác, đầy đủ theo kiểu rã băng ghi âm và đăng tải trên trang web báo điện tử của Chính phủ. Khi được phóng viên hỏi về việc cho vay online nở rộ, nhiều biến tướng, lãi suất cao, NHNN có biện pháp gì để chấn chỉnh, bà Hồng trước tiên cho rằng hoạt động cho vay như phóng viên phản ánh là hình thức “tín dụng đen”. Sau đó bà lần lượt liệt kê các biện pháp NHNN đã làm để hạn chế tín dụng đen như “rà soát, chỉnh sửa và bổ sung những quy định về cho vay”, “ban hành một văn bản riêng đối với tín dụng tiêu dùng của các công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính”…

Sau cùng bà mới nói, nguyên văn: “… tín dụng đen không thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của NHNN nhưng cũng liên quan đến mảng quản lý trật tự an toàn xã hội và vi phạm pháp luật. Do đó, trong thời gian qua, NHNN đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt tình trạng của tín dụng đen và cũng đã có báo cáo Chính phủ, kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung đối với hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng tín dụng đen tràn lan”.

Như vậy tít của bài báo đã không phản ánh chính xác nội dung trả lời của bà Phó Thống đốc mặc dù nó chính xác đến từng từ. Đây là hiện tượng trích “ngoài văn cảnh” khá phổ biến.

Trích ngoài văn cảnh thường có mục tiêu đầu tiên là “câu view” vì đây là nội dung có thể gây tranh cãi, có thể lôi cuốn người ta vào đọc. Vì thế, với người dùng mạng xã hội, trước khi chia sẻ một tin “tức mình” kèm bình luận “sao nói lạ thế”, cách tốt nhất là kiểm chứng xem thử tin ở bên dưới có nội dung đúng như tít hay không. Theo lẽ thường, nếu tít nói “không thuộc trách nhiệm quản lý” thì sau đó phải nói tiếp vì sao không thuộc trách nhiệm quản lý, các biểu hiện của không thuộc trách nhiệm quản lý là gì… Nếu tít một đường mà nội dung bên dưới một nẻo, ta có thể xem đây là loại tin không chính xác.

Cũng nội dung này, một số báo khác mở tin bằng các câu tóm tắt nội dung chính:  Phó Thống đốc NHNN khẳng định hình thức cho vay trực tuyến, online cũng là hình thức “tín dụng đen”. Đây cũng là một câu trích “ngoài văn cảnh” bởi cho vay online có nhiều hình thức; tạm thời chúng ta chưa đề cập đến hình thức cho vay ngang hàng, sẽ nói ở dưới, cứ tìm “cho vay online” trong kết quả thế nào cũng thấy các hình thức cho vay trực tuyến hoàn toàn hợp pháp do các ngân hàng lớn cung cấp dịch vụ, ví dụ dịch vụ đăng ký vay online của Sacombank, của Standard Chartered hay của Techcombank. Nguyên văn câu nói của bà Hồng là “Báo chí phản ánh hiện tượng cho vay trực tuyến, online cũng là hình thức ‘tín dụng đen’, tức ý bà muốn nói các hình thức cho vay mà báo chí phản ánh trong thời gian qua (lãi suất có khi lên đến 700%/năm) mới là ‘tín dụng đen’.

Đưa tin không chính xác như thế gây nguy hại lớn vì giả thử người dân sau này thấy dịch vụ “đăng ký vay vốn ngân hàng trực tuyến” của Techcombank lại hồ nghi không biết nó là tín dụng thật hay tín dụng đen. Cũng như lời khẳng định “tín dụng đen không thuộc trách nhiệm quản lý của NHNN” sẽ gây bức xúc ở các nhà kinh tế, tài chính, làm giới tín dụng đen thở phào nhẹ nhõm, làm các cơ quan điều tra các vụ tín dụng đen sẽ thất vọng vì thiếu sự phối hợp của bên ngân hàng.

Tuy nhiên cái nguy hại nhất là sự hoang mang của một số doanh nghiệp làm trong lãnh vực công nghệ-tài chính (fintech) đến nỗi mấy hôm sau có báo rút tít “Ngân hàng Nhà nước coi P2P là ‘tín dụng đen’” với hàm ý cho vay theo kiểu P2P không còn đất phát triển ở Việt Nam.

Cho vay online mà báo chí nói tức là hình thức cho vay ngang hàng (P2P) đang nở rộ ở nhiều nước và cũng đang biến tướng ở nhiều nước, nhất là ở Trung Quốc. Nó là một sản phẩm của nền kinh tế chia sẻ theo mô hình kiểu như Uber hay Airbnb, tức tạo nên một nền tảng để bên cho vay gặp trực tiếp bên đi vay, bỏ qua trung gian ngân hàng. Nó có tiềm năng nếu được triển khai đúng đắn và có nguy cơ thiêu đốt tiền dành dụm suốt đời của nhiều người nếu lừa đảo chiếm lĩnh nền tảng này.

Các nước đang phải vắt óc suy nghĩ cách quản lý nó trong khi giới đầu tư tìm cách phát triển nó – một cuộc chiến không ai có thể đứng bên ngoài. Tuy nhiên ở đây sự không chính xác, không đầy đủ còn nằm ở bản thân lời phát biểu của người đại diện NHNN.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận