Những bài học từ một thảm kịch

CHIÊU VĂN 25/10/2018 22:10 GMT+7

Đảo Sulawesi của Indonesia hứng chịu trận động đất 7,5 độ, rồi sau đó là sóng thần cao hơn 6m vào ngày 28-9. Đến nay, số người thiệt mạng đã hơn 2.000, và nhà chức trách lo sợ có thể vẫn còn hàng nghìn người nữa mắc kẹt dưới những đống đổ nát.

Một vùng rộng lớn của thành phố hơn 300.000 dân Palu đã trở thành bình địa. Ảnh: Getty Images
Một vùng rộng lớn của thành phố hơn 300.000 dân Palu đã trở thành bình địa. Ảnh: Getty Images

 

Indonesia là một trong các nước đã áp dụng hệ thống cảnh báo sóng thần, bao gồm khoảng 150 phao nổi được kết nối với các thiết bị cảm ứng đặt dưới đáy biển. Các thiết bị này phát đi tín hiệu khi cảm nhận được sự thay đổi đột ngột về mực nước do sóng thần. Ở Sulawesi, nhà chức trách đã phát đi lệnh cảnh báo sóng thần ngay sau trận động đất theo quy trình thông thường, nhưng rồi cảnh báo được dỡ bỏ 34 phút sau. Phần còn lại là câu chuyện giờ mọi người đều đã biết.

Trận sóng thần tràn vào bờ ở thành phố Palu đông đúc dân cư và hủy diệt một vùng rộng lớn có người ở. Câu hỏi, dù cay đắng, vẫn phải được đặt ra: Sẽ ra sao nếu cảnh báo sóng thần không bị dỡ bỏ vội vàng? Cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này, Cục Khí tượng, thủy văn và địa chất Indonesia (BMKG) lúc đầu nói đã xảy ra lỗi với hệ thống cảnh báo. Họ cho biết các phao ở vịnh Palu không ghi nhận sự khác thường nào trong mực nước biển, theo Jakarta Post. Nhưng sau khi tin tức rõ ràng hơn, hóa ra cả 22 phao cảnh báo sớm ở Palu đã không hề hoạt động suốt từ năm 2012 (được lắp sau thảm họa sóng thần kinh hoàng năm 2004 tại Ấn Độ Dương khiến gần 230.000 người thiệt mạng). Chúng đã không được bảo trì vì thiếu tiền.

Một bài học nữa là cường độ một trận động đất có thể mạnh hơn nhiều ở cách xa chấn tâm, tùy thuộc vào điều kiện địa chất của nơi trận động đất xảy ra. Chấn tâm không phải là vùng chịu nhiều thiệt hại nhất. Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), chấn tâm trận động đất vừa qua cách Palu tới 100km. Tương tự, cường độ - và sức hủy diệt - có thể vẫn rất lớn ngay cả trong những trận động đất cường độ không quá cao (trận động đất năm 2010 ở Haiti đã giết chết từ 220.000-316.000 người chẳng hạn, là 7 độ). Tức trong những tình huống thiên tai khác thường như động đất, mọi sự đề phòng đều không bao giờ thừa.

Ở Palu, một khách sạn cao tám tầng với 60 khách trú đã bị san phẳng. Trận động đất đã gây ra tình trạng “dịch hóa địa chất” khi áp lực địa chấn chuyển đất cứng thành cát ngay lập tức. Và thiệt hại không chỉ ở Palu. Donggala, một thị trấn cách Palu khoảng 20km về phía bắc, ở gần chấn tâm hơn và cũng thiệt hại nặng nề: hàng trăm căn nhà bị san phẳng. Các nhóm cứu hộ, cả quốc tế và quốc nội, đã mất nhiều ngày mới tới được những vùng xa xôi nhất, nơi tình trạng đường sá rất tệ.

Giới chuyên gia vẫn đang tìm kiếm câu trả lời cho sức mạnh kinh khủng của đợt sóng thần kéo theo, cao 6m và di chuyển với vận tốc có lúc là 800km/h. Một giả thuyết là đã xảy ra tình trạng lở đất dưới đại dương, tạo thêm sức đẩy cho nước, cộng hưởng với trận động đất. Một giả thuyết khác là hình dáng tam giác của vịnh Palu đóng vai trò như một ống nước đẩy nước về phía thành phố.

Một vùng rộng lớn của thành phố hơn 300.000 dân Palu đã trở thành bình địa. Ảnh: The Nation
Một vùng rộng lớn của thành phố hơn 300.000 dân Palu đã trở thành bình địa. Ảnh: The Nation

 

Thật bi thảm, các thảm họa tự nhiên xảy ra ở Indonesia thường xuyên. Trong 200 trận động đất từ 6 độ trở lên xảy ra trên toàn thế giới từ đầu năm 2017, 19 là ở Indonesia, theo USGS. Nhưng lần này thương vong đặc biệt lớn. Một lý do sâu xa và lâu đời hơn là vùng xảy ra thảm họa là một trong những vùng nghèo nhất nước, một tình trạng đã không được cải thiện bao nhiêu trong vài năm qua.

Bi kịch đã đẩy Palu tới những giới hạn cuối cùng về cơ sở hạ tầng: phần lớn thành phố không có điện và nước sạch, các bệnh viện hoàn toàn quá tải, những hàng dài hàng trăm mét xuất hiện ở các trạm xăng, trong khi hư hại đường sá, cầu, bến cảng vì động đất đã ngăn trở hoạt động cứu hộ.

Ưu tiên ngay lúc này của chính quyền là hạn chế thiệt hại nhân mạng, nhưng một bài học nữa cũng tối quan trọng là xử lý hậu thiên tai. Sau trận động đất Lombok tháng 8 vừa rồi, cũng ở Indonesia, khiến 500 người thiệt mạng, dịch sốt xuất huyết bùng phát vì tình trạng vệ sinh kém và quá nhiều người mất nhà cửa phải ngủ ngoài trời. Sóng thần cũng có thể làm nhiễm bẩn hệ thống cung cấp nước ngọt. Thiếu vệ sinh có thể dẫn tới các đợt dịch tả. Dư chấn động đất là một vấn đề khác cần để mắt tới. Những mối đe dọa với người dân Sulawesi, bởi thế, còn lâu nữa mới thực sự qua đi. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận