THẬT- GIẢ: Vòng xoáy khó thoát

NGUYỄN VẠN PHÚ 26/10/2018 01:10 GMT+7

Sự tự do của cá nhân đối chọi với viễn cảnh bị biến thành con rối... trong thế giới công nghệ bủa vây.

 

Các công nghệ mới đã xóa bỏ các công nghệ cũ ngày càng nhanh chóng và không thương tiếc (Ảnh: Pinterest)

 

Thiện-ác, chính-tà, thật-giả… cứ tưởng các cặp đối lập này chỉ xuất hiện trong huyền thoại để lý giải cho sự thăng trầm nhiều lúc khó hiểu của nền văn minh nhân loại, nhưng dường như cho đến thiên niên kỷ hiện đại, con người vẫn cứ tiến lên một bước lại nảy sinh các lực cản níu chân thụt lùi một bước. Như một định mệnh khó lòng biến cải.

Các tiến bộ công nghệ đã mở ra biết bao viễn cảnh, biết bao cơ hội để rồi con người lại đau đầu giải quyết các vấn đề mới do chính các tiến bộ công nghệ này đặt ra. Mạng Internet tạo cơ hội cho một người ngồi ở Ấn Độ mà vẫn nhận việc dịch thuật hay thiết kế ở Mỹ. Cứ nghĩ nhờ thế công ăn việc làm sẽ san sẻ đều hết cho mọi người. Nhưng những người dịch thuật hay thiết kế ở Mỹ để cạnh tranh phải giảm giá dịch vụ xuống đáy, cuối cùng không trụ được phải bỏ nghề. Người ngồi ở Ấn Độ có việc làm nhưng sẽ mắc kẹt trong mức giá rẻ mạt, khó lòng thoát thân.

Các nền tảng trao đổi trực tiếp qua Internet có thể kết nối mọi người với nhau, từ cho vay, đi chung xe, ở chung nhà đến hẹn hò, mua bán, kết thân. Nhưng nền tảng mới chưa định hình bền vững thì đã bị lợi dụng để lừa đảo, bắt chẹt… Ngay cả nếu không xấu đi nữa thì chúng cũng phá vỡ các nền tảng cũ một cách không thương tiếc.

Nói cách khác, hàng hóa dịch vụ trong thế giới cũ mang tính loại trừ, tờ báo giấy người này cầm lên đọc thì người khác không thể đọc được; đĩa nhạc người này mua về nghe, người khác không thể nghe nếu không mua đĩa. Công nghệ số hóa các hàng hóa hay dịch vụ như thế mới nhìn là một bước tiến to lớn vì nay hàng hóa không còn mang tính loại trừ. Một bài báo viết xong, đưa lên mạng, hàng triệu người đọc cũng không làm cho nó mòn đi. Một bộ phim tải lên một diễn đàn nào đó, ai lấy xuống đều có thể xem mà không ảnh hưởng đến người khác. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, mọi người sẽ thấy chưa chắc đó là điều hay. Báo chí miễn phí đã phá vỡ một định chế lâu đời, là khoảng không phải lấp đầy bằng thứ khác – chưa định hình. Nhạc, phim digital khuyến khích sao chép lậu.

Đó chỉ là một khía cạnh. Cái khía cạnh ít ai nói hơn của sự giằng co các cặp đối lập còn là sự tự do của cá nhân đối chọi với viễn cảnh bị biến thành con rối. Ai cũng nói về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, về kết nối vạn vật để con người có thể điều khiển hết mọi thứ quanh mình. Ước mơ kiểm soát được mọi thứ là ước mơ lâu đời của nhân loại nhưng cứ nghĩ khác một chút thôi cũng thấy viễn cảnh này đáng sợ dường nào. Giả thử các tay tin tặc hack được mọi thứ kết nối đó để hại người thì sao? Chúng quay phim, ghi âm, mở cửa nhà, hun khói, chạy chiếc lò viba, tắt hết đèn, cho mọi loa phát hết công suất thì sao?

Ai cũng mơ ước về ngày trí tuệ thông minh nhân tạo sẽ hết lòng phục vụ con người, giải hết mọi bài toán khó; ro-bot thay người làm hết mọi việc nhưng cứ tưởng tượng nhất cử nhất động của chúng ta bị lũ ro-bot điều khiển bằng trí tuệ thông minh nhân tạo kiểm soát, đánh giá và điều chỉnh thì sao. Con người có xu hướng dùng tình cảm chứ không phải lý trí để hành xử , nay cái lý trí đó dưới hiện thân của một chú ro-bot thông minh xuất hiện thì con người còn bất hạnh hơn sống với bà vợ hay ông chồng khó tính.

Đó không phải là chuyện khoa học viễn tưởng. Trung Quốc đang thí điểm theo dõi công dân để chấm điểm bằng camera, bằng drone, bằng phần mềm nhận dạng. Nhiều trường học ở Mỹ đang thuê công ty bên ngoài theo dõi nội dung học sinh chia sẻ trên mạng xã hội, trước mắt là để ngăn chận các vụ thảm sát bằng súng. Nhiều doanh nghiệp đang thuê bên ngoài lắng nghe mạng xã hội đang nói gì về mình; có nơi còn thuê để bất kỳ tiếng nói nào trái ý không thể xuất hiện.

Báo chí vừa đưa tin hãng Amazon mới xin bằng sáng chế cho một công nghệ cho phép các thiết bị thông minh của họ có thể đọc được xúc cảm cũng như trạng thái thể chất của người dùng để từ đó bán quảng cáo trúng đích hơn. Bằng sáng chế đưa ra ví dụ: bạn bảo chiếc loa thông minh Alexa trong nhà rằng bạn đói bụng. Alexa nghe ngóng và phát hiện có vẻ bạn bị cảm, thế là loa sẽ hỏi bạn có muốn nghe công thức nấu cháo hành hay nghe giới thiệu một thứ thuốc cảm cúm mới.

Và như thế, chúng ta đang bị biến thành tấm bia cho các sản phẩm dội bom, hết trên Gmail đến trên Facebook. Nói đâu cho xa, bạn cứ thử vào các trang tin phổ biến hiện nay để đọc – bạn sẽ bị bủa vây bởi quảng cáo, không chỉ bên cạnh bài mà còn nhảy chồm ra từ góc màn hình, bung hết cỡ che hết bài viết. Bạn sẽ vất vả tìm cách tắt chúng đi, lòng thầm ước ao quay về thời cũ, cầm tờ báo lên, vất tập quảng cáo sang một bên rồi thong thả vừa nhấp cà phê vừa đọc.

                 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận