Lớp học của những bà giáo làng

TRẦN MAI 21/11/2018 04:11 GMT+7

Sáu bà giáo về hưu (áo xanh) cùng với lớp học đầy bất hạnh nhưng tràn ngập yêu thương của mình. Ảnh: TRẦN MAI
Sáu bà giáo về hưu (áo xanh) cùng với lớp học đầy bất hạnh nhưng tràn ngập yêu thương của mình. Ảnh: TRẦN MAI

Sáng đầu tuần, Nhà văn hóa thôn An Kim (xã Tịnh Giang, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) vang tiếng trẻ ê a đọc bài với thanh âm sấp ngửa, chẳng được tròn vành rõ chữ. “Con đọc theo cô nào, O, Ư” - cô Phạm Thị Kim Tuyến, chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Tịnh Giang, hô vang. 

Hai học trò Trần Hoàng Bảo Quyên (29 tuổi) và Nguyễn Trung Thiên (20 tuổi) nhìn theo khẩu hình của cô Tuyến, chật vật nhưng vui vẻ đọc theo “Ó, Ứ”. Được cô xoa đầu khen “giỏi lắm”, dù không nghe được nhưng cả hai vẫn cười rạng rỡ, đưa ngón tay cái lên ra hiệu.

Ngập tràn yêu thương

Quyên và Thiên bị câm điếc bẩm sinh, chưa một lần đến lớp. Đến khi những bà cựu giáo chức xã Tịnh Giang tìm đến nhà thuyết phục cha mẹ, các em mới được đi học. “Chúng tôi cả một đời làm nghề giáo, về hưu rồi nhưng nhiệt huyết của nghề vẫn còn - cô giáo Tuyến kể lại ngày đầu họp bàn mở lớp - Khi biết được chị em Nguyễn Thị Châu (23 tuổi) và Nguyễn Thị Chung (16 tuổi), cùng bị nhiễm chất độc da cam, chưa một lần đến lớp, thậm chí còn không biết chào hỏi, thương lắm. Tôi mang câu chuyện chia sẻ và được sự đồng tình của hội”.

Nhưng hành trình trao yêu thương không đơn giản. Họ chia nhau đi khắp xã tìm hiểu , kiếm những số phận im lặng vì khuyết tật. 15 học trò họ tìm được đều có số phận bi thương, người bị câm điếc, mắc hội chứng Down, bại não, co cơ tiến triển, nhiễm chất độc da cam...

Cuộc sống khó khăn, cha mẹ các em kiếm cái ăn hằng ngày, ai cũng từ chối đưa con ra lớp vì không có thời gian. Bằng nhiệt tâm, những cô giáo đã lấy được cái gật đầu của bậc sinh thành. Lớp học được mở như thế.

Khổ sở nhất trong lớp học có lẽ là hai em Phạm Nhất Duy (6 tuổi) bị bại não và Nguyễn Hoài Linh (15 tuổi) bị bệnh co cơ tủy. Các em muốn đọc nhưng mọi chuyện chẳng dễ dàng, cố gắng không được thì bật khóc đòi về nhà. Tình thương khiến các cô thêm quyết tâm. Học trò không học chữ được thì dạy sự lễ phép, gặp người lớn phải “vâng, dạ, ạ, thưa”.

Lần đầu tiếp xúc các em, nhận được những lời chào thiếu âm hụt tiếng, chứng kiến cảnh cả lớp cùng hát bài Đi học về, tiếng vỗ tay, tiếng hát xô tới, kéo lui vất vả... và những nụ cười rạng rỡ của các em khi được học bên nhau, tôi biết những người phụ nữ ấy đã trải qua một hành trình nỗ lực bền bỉ đến nhường nào.

Những kỹ năng giao tiếp chậm rãi hình thành ở các em, dần mở ra một cánh cửa mới. Cô Tuyến nói họ cố gắng tìm ra năng lực của từng em để dạy cho phù hợp, hi vọng những cải thiện dù nhỏ bé ấy sẽ giúp tạo nên những điều tốt đẹp mới.

“Chúng tôi quan sát các em mỗi ngày để tìm ra một điểm sáng về năng lực và giúp các em thử phát huy năng lực đó bằng những bài học phù hợp. Tiếp đến sẽ tìm trường nghề phù hợp cho từng em. Biết đâu các em có thể tìm cho mình một cuộc sống mới tốt đẹp hơn” - cô Tuyến nói.

Quyên và Thiên, hai học trò bị câm, là hai người đầu tiên của lớp học thể hiện được năng lực của mình. Nhờ những người mẹ đặc biệt động viên và yêu thương, đến năm 29 tuổi Quyên mới biết mình yêu cái gì. Cô thích hội họa và đan những vật dụng nhỏ, thể hiện khá tốt điều ấy thông qua nét phác họa hình những chiếc rổ rá và đan được những vật dụng đơn giản.

Thiên đã nhìn thấy tuổi 20 của mình khi tự viết được tên và ú ớ nói rằng em thích máy tính. “Tôi tin dù không lành lặn nhưng tụi nhỏ không vô dụng. Khi được kích thích năng lực, chúng sẽ tạo ra được những điều kỳ diệu” - cô giáo Nguyễn Thị Liên Minh nói.

Hạnh phúc của bậc sinh thành

Nhờ vào tình yêu thương của những bà giáo về hưu mà lớp học vui nhộn, các em không còn sợ người lạ và đã biết lễ phép. Ảnh: TRẦN MAI
Nhờ vào tình yêu thương của những bà giáo về hưu mà lớp học vui nhộn, các em không còn sợ người lạ và đã biết lễ phép. Ảnh: TRẦN MAI

Sự lam lũ mưu sinh đã khiến những bậc cha mẹ không đủ thời gian và điều kiện để biết và khơi dậy khả năng của con mình. Những người phụ nữ đầy yêu thương và kiên nhẫn trong lớp học đặc biệt đã thay cha mẹ các em tìm kiếm một trang đời mới cho 15 số phận từng lất lây vô định.

Từ chỗ từ chối lớp học, giờ cha mẹ các em đều đặn đưa con đến lớp vào mỗi sáng thứ hai, tư, sáu. Ông Thành, cha của Thiên, bảo sau mỗi lần đến lớp thấy con trai thay đổi rõ rệt, ông vui đến mức không còn cảm giác đau đớn của bệnh thoái hóa cột sống nữa.

“Trước kia, mỗi sáng tôi rất khó khăn để rời khỏi giường. Chẳng hiểu sao từ lúc chở con đi học, tôi ngồi dậy, đi đứng và làm việc bình thường. Chắc tôi vui quá nên bệnh nó sợ” - ông Thành tâm sự.

Với ông Nguyễn Thống, cha của Châu và Chung, mỗi lần chở hai người con cong vẹo vì chất độc da cam dọc bờ sông Giang đến lớp học là niềm hạnh phúc. Ông càng vui khi thấy hai con mình lễ phép chào cô giáo mỗi lần đến lớp và về nhà. “Với tôi, nhìn thấy hai con như bây giờ là đủ” - ông mỉm cười.■

Sáu cô giáo đang đứng lớp thì bốn cô không có lương hưu. Cô Huỳnh Thị Vân (59 tuổi) sau khi nghỉ hưu trở lại với công việc của nông dân, cùng chồng nuôi người anh bại liệt và người con bị câm điếc bẩm sinh. Lớp học mở hơn hai tháng qua, mọi thứ đều thiếu thốn. Các cô hi vọng sẽ có những nhà hảo tâm giúp đỡ thêm các vật dụng, sách vở phù hợp với những học trò đặc biệt này. Ông Huỳnh Văn Quyết, chủ tịch UBND xã Tịnh Giang, cho biết xã đang tìm cách vận động, tạo nguồn quỹ để lớp học ổn định hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận