Cần sớm có luật về kiểm soát ô nhiễm không khí

XUÂN LONG (thực hiện) 02/01/2019 19:01 GMT+7

TTCT - “Chúng ta cần nhiều chiến dịch về không khí sạch để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng với thông điệp: “Không khí sạch, món quà xanh, gia đình khỏe mạnh” - bà NGỤY THỊ KHANH, giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), người được Quỹ môi trường Goldman (Mỹ) vinh danh “Anh hùng môi trường” năm 2018, trò chuyện với TTCT về vấn đề môi trường của năm.

Chỉ số bụi và tiếng ồn tại ngã sáu Gò Vấp, Q.Gò Vấp, TP.HCM ở một số thời điểm vượt mức cho phép. Ảnh: Quang Khải
Chỉ số bụi và tiếng ồn tại ngã sáu Gò Vấp, Q.Gò Vấp, TP.HCM ở một số thời điểm vượt mức cho phép. Ảnh: Quang Khải

Số liệu quan trắc mà Bộ TN&MT công bố trong năm qua cho thấy số ngày có nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội và TP.HCM vượt quy chuẩn quốc gia ngày càng tăng. Chất lượng không khí ở TP.HCM tốt hơn Hà Nội, nhưng ô nhiễm bụi có xu hướng tăng nhẹ. Ô nhiễm bụi mịn PM2.5 được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là rủi ro ô nhiễm môi trường gây nguy hại lớn nhất cho sức khỏe cộng đồng.

Bà nhận thấy đâu là nguyên nhân khiến chất lượng không khí ở các thành phố lớn ngày càng đi xuống?

- Có nhiều nguyên nhân, từ nhiều nguồn phát thải trong nội ô, nhưng chủ yếu từ các hoạt động giao thông, xây dựng, đun nấu bằng bếp than tổ ong và nguồn phát thải từ các khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện... ở bên ngoài theo hướng gió đưa tới.

Chúng tôi đã phân tích 4 đợt ô nhiễm ở Hà Nội (tháng 11, 12-2017) với mức PM2.5 trung bình vượt quá 100 µg/m3. Trong bốn đợt ô nhiễm nghiêm trọng trên, hầu hết các nguồn không khí bị ô nhiễm đều qua Quảng Ninh, nên có thể giả thiết rằng Quảng Ninh - nơi tập trung nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, nhiệt điện - đóng vai trò quan trọng trong các đợt ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ở TP.HCM, phần lớn các lần PM2.5 đạt đỉnh điểm đều liên quan đến những khối khí đi dọc bờ biển, tích tụ ô nhiễm từ tất cả các thành phố, giao thông, nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp trong khu vực.

Công tác quản lý môi trường không khí ở VN vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhiều quy định đặc thù để kiểm soát không khí. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải và chất lượng không khí xung quanh của VN còn “nới lỏng” so với quốc tế. Công tác thực thi pháp luật chưa cao, hệ thống quan trắc mỏng khiến việc đánh giá chất lượng không khí toàn diện còn khó khăn. Dù sự quan tâm của người dân đến chủ đề chất lượng không khí luôn ở mức cao, nhưng họ vẫn chưa tìm hiểu hoặc được trang bị những kiến thức cơ bản về chủ đề này.

Bà khuyến nghị những giải pháp nào với cơ quan chức năng và cộng đồng để thay đổi thực trạng này trong năm 2019?

- Thứ nhất, cần sớm có luật về kiểm soát ô nhiễm không khí; tăng cường thực thi các chính sách về thuế, phí để giảm ô nhiễm không khí, tập trung các nguồn gây ô nhiễm lớn như nhiệt điện, ximăng, thép, hóa chất. Thứ hai, cần thắt chặt tiêu chuẩn phát thải và tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh, kiểm soát khí thải công nghiệp.

Thứ ba, cải thiện công tác quy hoạch đô thị, phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Thứ tư, xây dựng ngay mạng lưới quan trắc và cung cấp thông tin cảnh báo cho cộng đồng chủ động bảo vệ sức khỏe trước rủi ro ô nhiễm không khí; tăng truyền thông để khuyến khích cộng đồng hành động thúc đẩy môi trường sống lành mạnh.

Mới đây, GreenID đã khởi xướng “Chiến dịch không khí sạch VN” và đang cùng các đối tác triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng với thông điệp: “Không khí sạch, món quà xanh, gia đình khỏe mạnh”. Chúng tôi khuyến nghị cộng đồng chủ động tìm hiểu thông tin về chỉ số chất lượng không khí AQI trên các trang thông tin môi trường, hay các ứng dụng trên điện thoại.

Người dân cần nhận thức việc sử dụng khẩu trang là yếu tố sống còn liên quan đến sức khỏe và cần sử dụng đúng khẩu trang có khả năng ngăn ngừa bụi PM2.5, hoặc sử dụng máy lọc khí trong nhà. Chúng tôi rất mong từng người dân chấm dứt các thói quen xấu như tự đốt rác, sử dụng bếp than tổ ong..., thực hiện các thói quen tốt mới như sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tăng cường trồng cây xanh để cải thiện không khí trong gia đình và khu dân cư.■

Theo GS.TS Đặng Kim Chi - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, trong số các nước châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa, VN bị xếp thứ tư sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines. Những năm gần đây, chỉ có khoảng 14% chất thải nhựa được thu hồi để tái chế. Sự lạm dụng vật liệu nhựa trong khi thu gom, tái chế, tái sử dụng không tương thích, khiến rác thải nhựa tràn lan trong môi trường, gây nên điều mà giới khoa học gọi là thảm họa “ô nhiễm trắng” vì nhựa. VN khó tránh khỏi thảm họa này nếu không có biện pháp kịp thời và lâu dài.

Hội nghị “Định hướng hình thành quan hệ đối tác hành động khu vực ASEAN về rác thải nhựa” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 cũng khẳng định ô nhiễm rác thải nhựa là mối quan tâm lớn của khu vực ASEAN nói riêng, thế giới nói chung. “Năm 2018, Bộ TN&MT đã phát động phong trào “chống rác thải nhựa”, ký cam kết chống rác thải nhựa với nhiều tổ chức, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp... nhằm kêu gọi những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi nilông khó phân hủy, ngay hôm nay và ngay bây giờ” - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định.

Bà Ngụy Thị Khanh. Ảnh: Chí Tuệ
Bà Ngụy Thị Khanh. Ảnh: Chí Tuệ

“Chúng ta đang đối mặt khủng hoảng khí hậu, không chỉ là biến đổi khí hậu nữa. Vì thế, cần những hành động quyết liệt để giảm nhẹ mọi tác động. Chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ trong chính sách phát triển năng lượng, vì ngành năng lượng là nhóm phát thải khí nhà kính lớn nhất và tác nhân gây nên ô nhiễm môi trường đất, nước, khí: giảm tối đa sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, không mở rộng phát triển các nhà máy nhiệt điện than mới; đẩy nhanh chuyển dịch sang phát triển năng lượng tái tạo và tăng cường sử dụng hiệu quả năng lượng.

Chính phủ cần hỗ trợ thực hiện chương trình Triệu ngôi nhà xanh với các giải pháp cả về năng lượng, rác thải, thu hồi nước mưa, giảm ngập lụt, tăng cường hợp tác công tư và người dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường huy động và xây dựng cơ chế tài chính xanh để hỗ trợ đầu tư và phát triển xanh; kêu gọi sự tham gia tích cực và hiệu quả của khối doanh nghiệp, các tổ chức khoa học, phi chính phủ, cộng đồng vào vấn đề môi trường” (Bà Ngụy Thị Khanh)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận