Cuộc cạnh tranh với nhân sự nước ngoài 

MAI HƯƠNG (ghi) 18/01/2019 05:01 GMT+7

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, trưởng phòng Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động TP.HCM (Tập đoàn ManpowerGroup VN), thị trường lao động năm 2019 sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh mạnh mẽ hơn với nhân sự nước ngoài.

 

Thời gian tới, thị trường lao động tại khu vực miền Nam vẫn sẽ hút nhiều lao động, nhất là lao động phổ thông trong các lĩnh vực sản xuất, may mặc, tài chính và dịch vụ. Trong quý 1-2019, các công việc thời vụ vẫn sẽ đứng đầu về nhu cầu tuyển dụng do các công ty tung ra chương trình khuyến mãi Tết, điển hình là các hệ thống siêu thị, ngành bán lẻ, ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Thị trường lao động cũng sẽ rất sôi động và các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh trong việc thu hút lao động trong thời gian này. Tình hình này sẽ diễn ra suốt thời gian trước Tết âm lịch và sau Tết, kéo dài đến tháng 4-2019. Sau đó, thị trường sẽ quay trở lại trạng thái ổn định hơn.

Năm 2019, mức lương cơ bản tiếp tục tăng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sẽ phải thận trọng hơn trong việc điều chỉnh lương của mình. Sẽ không có sự tăng đột biến về lương do áp lực về mặt kiểm soát chi phí cũng như lợi nhuận. Các ngành nghề “hot” vẫn sẽ là nhân viên kinh doanh - bán hàng (23,09%), dịch vụ - phục vụ (9,59%), vận tải - kho bãi - xuất nhập khẩu (6,50%), kế toán - kiểm toán (6,01%), kinh doanh tài sản - bất động sản (5,88%), dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn (4,96%) và công nghệ thông tin (4,83%).

Trên mặt bằng chung, TP.HCM vẫn là miền đất mà nhiều lao động hướng tới do ưu thế về cơ sở vật chất, hạ tầng, vui chơi giải trí, cơ hội nghề nghiệp vẫn còn nhiều. Mặc dù các khu chế xuất, khu công nghiệp tại những khu vực lân cận (thuộc Bình Dương, Đồng Nai...) đang có nhiều chính sách thu hút lao động quay trở về quê hay di cư đến đó để làm việc, nhưng do bất lợi về mặt vị trí địa lý, cơ sở vật chất còn hạn chế, mức độ hút nhân lực vẫn sẽ chưa bắt kịp TP.HCM.

Điều TP.HCM cần làm là duy trì các chế độ phúc lợi tốt, tạo môi trường làm việc lành mạnh, an toàn cho nhân viên để giữ chân người lao động, cũng như chuẩn bị tốt hơn về nguồn lao động khi nhu cầu tăng cao.

Việc chịu cạnh tranh với nhân sự nước ngoài là yếu tố tất nhiên của việc VN tham gia các hiệp định thương mại quốc tế như CPTPP, FTA... Ngay cả các nước trong khu vực cũng phải chịu tác động này. Vấn đề đặt ra không còn là “nhân lực nước ta đang bị cạnh tranh” nữa, mà là “làm thế nào để cạnh tranh thành công”.

Theo khảo sát về vấn đề “Thiếu hụt nhân tài năm 2018” của ManpowerGroup, trung bình 45% nhà tuyển dụng toàn cầu đang gặp khó khăn trong việc tìm người phù hợp với doanh nghiệp của mình. Nghiên cứu “Cuộc cách mạng kỹ năng 2.0” của ManpowerGroup còn cho thấy có đến bảy kỹ năng được nhà tuyển dụng đánh giá là có giá trị nhất và cũng khó tìm kiếm nhất, bao gồm giao tiếp, phối hợp (làm việc nhóm), giải quyết vấn đề, tổ chức, dịch vụ khách hàng, lãnh đạo và quản lý.

Đây cũng là những kỹ năng cần thiết giúp người lao động không phải cạnh tranh với robot và máy móc, công nghệ nói chung trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Với sự phối hợp tốt nhất giữa kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn, người lao động sẽ bổ trợ máy móc và không bị máy móc thay thế.

Bên cạnh đó, nghiên cứu “Văn hóa đổi mới” cũng cho thấy các lãnh đạo ngày nay cần giúp nhân viên mình phát triển kỹ năng, trao quyền cho họ và sẵn sàng đổi mới, cải tiến cách làm việc phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để lấp đầy khoảng trống kỹ năng của người lao động hiện nay, các tổ chức đào tạo và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nhau. Nghĩa là nhà trường cần tích cực làm việc với doanh nghiệp để liên tục cải thiện và cập nhật chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, họ cũng cần chú ý hỗ trợ các trường trong đào tạo, cung cấp cơ hội thực tập, việc làm và hỗ trợ học bổng cho sinh viên để cùng phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho tương lai.■

Dự đoán nhu cầu nhân lực ở phần lớn các ngành nghề đều tăng trong năm 2019. Ảnh: VŨ THỦY
Dự đoán nhu cầu nhân lực ở phần lớn các ngành nghề đều tăng trong năm 2019. Ảnh: VŨ THỦY

Chuyên viên lập trình một công ty công nghệ thông tin Singapore, trụ sở tại Q.1, TP.HCM:

Mức lương 4.500 USD/tháng vẫn khó tuyển người

Hiện nay, riêng về ngành công nghệ thông tin có rất nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ với mức lương cao, đãi ngộ tốt. Với vị trí chuyên viên lập trình, các công ty sẵn sàng trả cho một bạn trẻ mới ra trường mức lương 10-15 triệu đồng/ tháng. Sau 1-2 năm, lương có thể tăng lên trên 20 triệu đồng. Một số tập đoàn, công ty nước ngoài còn sẵn sàng trả lương từ 2.000 - 3.000 USD, thậm chí lên đến 4.500 USD/tháng cho những lập trình viên giỏi nhưng vẫn khó tuyển được người đáp ứng yêu cầu.

Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc tại các tập đoàn nước ngoài cho thấy họ tuyển dụng đầu vào rất khắt khe. Phỏng vấn thường chia làm nhiều vòng và không chỉ hỏi qua về kinh nghiệm, bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ như những công ty thông thường mà đi sâu vào khả năng chuyên môn. Ngay tại buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể ra ngay cho bạn một đầu bài và bạn phải vận dụng những logic lập trình, thuật toán để giải ngay lập tức bằng phương án tối ưu.

Đã qua rồi cái thời sinh viên công nghệ thông tin hễ ra trường, vô công ty là kiểu gì cũng làm việc được. Yêu cầu công việc theo xu hướng mới là người xin việc phải có sự sáng tạo, bứt phá, tạo ra giá trị mới chứ không chỉ là sao chép, đi theo lối mòn. Muốn được lựa chọn và không bị đào thải, nhân viên phải có khả năng tư duy độc lập, kỹ năng tự học không ngừng.

Từ thực tế làm việc, tôi cho rằng các bạn trẻ VN hiện nay về khả năng chuyên môn nếu được đào tạo bài bản thì không có nhiều khoảng cách so với các ứng viên nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thua sút về khả năng sử dụng lưu loát ngoại ngữ. Ngoài ra, chất lượng đào tạo của chúng ta còn chưa đồng đều.

Bây giờ rất nhiều trường đại học, trung cấp, trường nghề có đào tạo ngành công nghệ thông tin, nhưng khi ra làm việc thì hầu như chỉ có sinh viên tốt nghiệp từ những trường đại học hàng đầu của TP.HCM và Hà Nội - những nơi đào tạo nghiêm túc, bài bản - mới có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu công việc của nhà tuyển dụng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận