Ấn Độ - Pakistan: Để hạ nhiệt căng thẳng

DU LONG 10/03/2019 07:03 GMT+7

TTCT - 46 cảnh sát Ấn Độ thiệt mạng hôm 14-2-2019, khi đoàn xe chở họ bị một chiếc xe cài bom tự sát đâm vào. Tổ chức khủng bố Hồi giáo Jaish-e-Mohammed (JEM) có căn cứ tại Pakistan bị quy trách nhiệm. Ấn Độ trả đũa và Pakistan kháng cự. Mấu chốt của vấn đề là làm sao chống khủng bố và chống bao che khủng bố, một trong những nguyên nhân lớn của mâu thuẫn Ấn Độ - Pakistan.

Các dự án lớn của hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Ảnh: Council of Foreign Relations
Các dự án lớn của hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Ảnh: Council of Foreign Relations

Vụ khủng bố vào đoàn xe gồm 78 chiếc chở hơn 2.500 nhân viên lực lượng cảnh sát trừ bị trung ương từ Jammu đến Srinagar, trong địa phận huyện Pulwama (bang Jammu và Kashmir) là vụ gây tử vong nhiều nhất tại Kashmir trong ba thập niên qua. Thủ phạm, một thanh niên địa phương 21 tuổi theo Hồi giáo, cũng chết trong vụ đánh bom tự sát này.

Trong mắt Ấn Độ

Vụ khủng bố kinh hoàng này rõ ràng đã được “điều nghiên” và lên kế hoạch kỹ lưỡng, cũng như có được tin tình báo chính xác về kế hoạch di chuyển của cảnh sát Ấn Độ. Ở bang Jammu và Kashmir (vùng Ấn Độ kiểm soát), lực lượng cảnh sát trừ bị gồm đến 61 tiểu đoàn, 48 tiểu đoàn đóng ở Kashmir, 13 ở Ammu, với tổng quân số lên đến 65.000 người.

Do tình trạng bất ổn thường xuyên, nên cứ cách nhật lại có một đoàn xe chở quân từ Jammu đến Srinagar trên một khoảng cách 271km, ngày hôm sau về lại Jammu như một kiểu tuần tra “tăng cường”.

Thủ phạm Adil Ahmad Dar là kẻ tử đạo được giao nhiệm vụ lái một chiếc SUV chất đến 300kg chất nổ RDX đâm vào chiếc xe thứ năm trong đoàn xe cảnh sát, bom nổ sức công phá lan tới chiếc xe thứ sáu, gây thêm thương vong.

Những vụ tấn công kiểu này thường được quy cho JEM và một số tổ chức Hồi giáo cực đoan khác, không mới: Giáng sinh năm 2000, một thanh niên, quốc tịch Anh sống tại Birmingham, tên Asif Sadiq , 24 tuổi, cũng thuộc JEM, đã lái một chiếc xe chất bom ủi vào một đồn lính Ấn Độ khiến 9 binh sĩ thiệt mạng. Và từ đó đến nay, thỉnh thoảng lại có một vụ khủng bố như thế xảy ra.

Sau vụ khủng bố ngày 14-2, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lập tức khẳng định các thủ phạm và những kẻ trợ giúp, tiếp tay đã phạm một sai lầm lớn và sẽ phải trả giá đắt. Ông cũng cho biết lực lượng an ninh Ấn Độ nay được tự do hành động, đồng thời cảnh cáo Pakistan đừng sống trong ảo tưởng rằng có thể gây bất ổn cho Ấn Độ. Phía Pakistan lên tiếng chối bỏ mọi liên quan đến vụ khủng bố, chỉ thừa nhận là có hỗ trợ tinh thần cho dân Hồi giáo bị áp bức trong khu vực này. Pakistan cũng lên án JEM.

Chạm trán trên không

Ba tuần sau, nội dung cáo giác này được đô đốc tư lệnh hải quân Ấn Độ Sunil Lanba nhắc lại trong diễn đàn Đối thoại Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày 5-3 tại New Dehli: “Chúng tôi đã hứng chịu một cuộc tấn công cực đoan ở Jammu và Kashmir khoảng ba tuần trước. Bạo lực là do những kẻ cực đoan được hỗ trợ và cổ võ bởi một quốc gia vốn tìm cách gây bất ổn cho Ấn Độ. Chúng tôi cũng có báo cáo về việc những kẻ khủng bố được huấn luyện để thực hiện các hoạt động dưới nhiều phương thức khác nhau, bao gồm cả đường biển”.

Nói cách khác, Ấn Độ vẫn nhất mực đề quyết rằng Pakistan có can dự, sau khi đã trả đũa bằng cuộc oanh kích Balakot, thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, tức trong lãnh thổ Pakistan, bên ngoài vùng Kashmir tranh chấp - lúc 3g30 sáng 26-2.

Có 12 máy bay Mirage H của không quân Ấn Độ đã vượt qua đường ranh kiểm soát (LOC) để oanh kích một “trại huấn luyện khủng bố” của JEM, theo nhật báo The Indian Express. Tờ báo tường thuật các máy bay Mirage 2000 (mua của Pháp) chở bom Spice (Israel) được dẫn đường chính xác, được hộ tống bởi bốn chiếc Su 30 (Nga) cùng các máy bay cảnh báo sớm và dẫn đường Netra (Ấn Độ tự sản xuất) và Phalcon (Israel), hai chiếc Ilyushin Il-78 (Nga) tiếp liệu trên không, cùng một máy bay không người lái IAI Heron (Israel). Thả bom xong, các máy bay an toàn trở về.

Báo chí Ấn Độ còn cho biết không quân Pakistan đã từng điều một số máy bay F-16 (Mỹ sản xuất) lên, song không đụng độ với máy bay Ấn Độ. Trong khi đó, Thông tấn xã Dawn của Pakistan cho biết máy bay Ấn Độ do thấy máy bay Pakistan bay lên ngênh chiến đã bỏ chạy, thả đại bom và bình xăng phụ xuống đồng trống và rừng, không gây thiệt hại gì cho phía Pakistan.

Ngày hôm sau 27-2, không quân Pakistan trả đũa bằng cách tung ra 12 máy bay chiến đấu bao gồm F-16, Mirage và JF-17 (tức Kiêu Long, Trung Quốc sản xuất). Hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không (AWAC) của Ấn Độ phát hiện vụ xâm nhập và ngay lập tức, các máy bay chiến đấu từ các căn cứ Avantipora, Srinagar và các sân bay khác xuất kích.

Một chiếc MiG-21 (Nga) do trung tá Abhinandan Varthaman điều khiển đã giao chiến với một chiếc F-16 của Pakistan trên bầu trời huyện Rajouri trong bang Jammu và Kashmir. Cuộc không chiến tay đôi kéo dài 90 giây từ lúc chiếc MiG-21, đang bay ở độ cao 4.500m,“khóa” mục tiêu là chiếc F-16 đang bay ở độ cao là 2.700m. Chiếc F-16 liền vọt lên độ cao khoảng 8.000m để tránh đòn.

Phi công chiếc MiG-21 của Ấn Độ đã điều khiển máy bay của mình vọt lên ở góc 60 độ phía sau máy bay chiến đấu của Pakistan và bắn ra một tên lửa Vympel R-73 (Nga sản xuất, NATO định danh là AA-11 Archer). Cùng lúc, phi công chiếc F-16 cũng khai hỏa, phóng ra hai tên lửa AIM-120 AMRAAM (Mỹ). Tên lửa R-73 bắn trúng chiếc F-16 nhưng đổi lại chiếc MiG-21 cũng trúng tên lửa AMRAAM, theo tường thuật của The Hindustan Times 1-3.

Còn ai liên can?

Vấn đề đặt ra trong vụ này không chỉ là máy bay nào hơn máy bay nào, một chủ đề của các tay lái súng, như đã thấy trong sự đa dạng về hạng mục sản phẩm và nhà cung ứng những thứ để giết chóc và hủy diệt liệt kê ở trên. Vấn đề sâu xa hơn là làm sao chấm dứt những thảm kịch khủng bố.

Tất nhiên, khi nói tới cuộc khủng hoảng Kashmir, mấy mươi năm qua dư luận vẫn nguyền rủa sự phân chia khu vực này thành hai miền “râu ông này cắm cằm bà kia” do thực dân Anh đạo diễn. Song, bên cạnh đó còn có những sự can thiệp từ bên ngoài khác.

Kênh Channel News Asia của Singapore là một trong rất nhiều báo chí đăng bài bình luận “Nan đề Trung Quốc của Ấn Độ tại Pakistan” của Shashi Tharoor, cựu trợ lý tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (bài gốc đăng trên Project Syndicate, một hãng tin có tính nghiên cứu tự nhận chuyên cung cấp “các bài bình luận chuyên sâu và trung thực cho hơn 500 tòa soạn thuộc 156 quốc gia”). Ông Tharoor nêu vấn đề: “Vụ tấn công mới nhất ở Jammu và Kashmir... nêu lên những câu hỏi mới về việc Trung Quốc tiếp tục bao che JEM”.

Theo tác giả, mặc dù Pakistan cũng chống khủng bố, song chống “một cách chọn lọc”, nhắm chủ yếu chống vào các tổ chức chống chính phủ, song lại ngầm tài trợ, huấn luyện, trang bị các nhóm khủng bố tấn công các mục tiêu ở Ấn Độ, Afghanistan và Iran, vì các mục tiêu chiến lược của Pakistan (việc trùm khủng bố Osama bin Laden sống yên ổn nhiều năm trời ở Pakistan trước khi bị Mỹ tìm thấy và tiêu diệt cũng từng làm dấy lên những chất vấn tương tự).

Tại Pakistan, Masood Azhar và JEM có trụ sở công khai ở thị trấn Bahawalpur, tỉnh miền trung Punjab, điều hành các cơ sở huấn luyện vũ trang, gồm trại Balakot (mà không quân Ấn Độ đã không kích hôm 26-2). Massood Azhar cũng tự do đi lại và thuyết giảng khắp Pakistan, phô trương các thông tin khủng bố của mình. Tương tự là Hafiz Saeed, thủ lĩnh một tổ chức khủng bố khác, Lashkar-e-Taiba (LET), chủ mưu vụ tấn công trực diện kinh hoàng bằng các tay súng trên đường phố ở Mumbai năm 2008 khiến 166 dân thường thiệt mạng.

“Ấn Độ đã kiên nhẫn đợi Masood Azhar bị trừng phạt theo nghị quyết 1267 của Hội đồng bảo an LHQ - Tharoor viết - Nhưng dù 14/15 thành viên HĐBA đã ủng hộ việc đưa Masood Azhar và JEM vào danh sách khủng bố, Trung Quốc - đồng minh chung thủy của Pakistan - đã ba lần ngăn cản điều đó”.

Tại sao lại như thế? Tác giả giải thích: “Không khó nhận ra những lý do để Trung Quốc không nhượng bộ. Họ tự mô tả mình là một đồng minh “trong mọi thời tiết” của Pakistan, vốn được xem là đối trọng tiện lợi với Ấn Độ.

Mặt khác, Pakistan là nhân tố chính trong sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc (BRI) và hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) sẽ kết nối miền tây Trung Quốc còn chậm phát triển với cảng Gwadar, tỉnh Balochistan, bên bờ Ấn Độ Dương của Pakistan. Dự án CPEC trị giá 66 tỉ USD khi hoàn thành sẽ là dự án phát triển lớn nhất ở nước ngoài của Trung Quốc và sẽ giảm hơn một nửa chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc tới vịnh Ba Tư và ngược lại”.

Sau vụ khủng bố ở Jammu và Kashmir, tác giả viết, “Hoa Kỳ yêu cầu Pakistan “chấm dứt ngay lập tức việc hỗ trợ và là nơi trú ẩn an toàn cho tất cả các nhóm khủng bố”. Anh và Pháp thì vận động đưa ra một “tuyên bố của chủ tịch” trong HĐBA lên án vụ đánh bom tự sát và khủng bố của JEM... Trung Quốc cũng đã tham gia “dàn hợp xướng” toàn cầu lên án vụ đánh bom tự sát ngày 14-2, nhưng chính phủ nước này một lần nữa nói rõ họ không vội vàng với việc trừng phạt Masood Azhar”.

Trước đó vào năm 2016, Trung Quốc đã hai lần phủ quyết việc đặt Masood Azhar trong danh sách khủng bố toàn cầu. Việc HĐBA có thông qua một tuyên bố chủ tịch ở phiên họp ngày 13-3 tới hay không sẽ là một phép thử nữa về thái độ của Trung Quốc ở Nam Á.■

Đồng minh trên mặt trận ngoại giao

Live Mint 7-10-2016 giải thích trong bài viết “Tại sao Masood Azhar lại quan trọng đến thế đối với Trung Quốc?”: “Việc Pakistan ủng hộ Trung Quốc trong Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) và các tổ chức khác như Phong trào không liên kết, nơi Trung Quốc không có đại diện, có thể là một lý do nữa khiến Bắc Kinh mở rộng hỗ trợ cho Pakistan ở HĐBA, nơi mà Trung Quốc là một thành viên có quyền phủ quyết.

Trong quá khứ, Pakistan từng bảo vệ Trung Quốc rất tích cực ở OIC trước những chỉ trích nhắm vào việc Trung Quốc đàn áp cộng đồng Hồi giáo Uyghur tại Tân Cương. Islamabad cũng chống lại những chỉ trích nhắm vào Bắc Kinh tại các hội nghị của Phong trào không liên kết liên quan đến hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận