Kashmir: Một lịch sử chất chồng oán hận

CHIÊU VĂN 10/03/2019 05:03 GMT+7

TTCT - Ấn Độ và Pakistan đã tiến hành hai cuộc chiến tranh lớn vì vùng lãnh thổ tranh chấp này (diện tích hơn 222.000km2), chưa kể vô số các cuộc đụng độ lẻ tẻ khác. Khác biệt là giờ cả hai đều là những cường quốc hạt nhân.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

Ngay cả trước khi Ấn Độ và Pakistan giành độc lập từ Anh vào tháng 8-1947, Kashmir đã là vùng lãnh thổ tranh chấp gay gắt. Theo kế hoạch phân chia trong Đạo luật độc lập cho Ấn Độ, Kashmir được tự do lựa chọn thuộc về Ấn Độ hoặc Pakistan.

Gia đình cai trị ở địa phương, đứng đầu là maharaja (phiên vương) Hari Singh, đã lựa chọn Ấn Độ, và một cuộc chiến hai năm nổ ra vào năm 1947. Thêm một cuộc chiến nữa nổ ra năm 1965, rồi một cuộc xung đột lớn và ngắn ngủi khác vào năm 1999.

Rất nhiều người sống ở Kashmir không muốn vùng lãnh thổ này thuộc Ấn Độ, mà muốn độc lập hoặc một liên bang với Pakistan. Dân số của vùng Ấn Độ kiểm soát, Jammu và Kashmir, có hơn 60% người Hồi giáo, là bang duy nhất ở Ấn Độ có đa số dân là người Hồi giáo. Tỉ lệ thất nghiệp cao cùng sự có mặt dày đặc của lực lượng an ninh đã khiến mâu thuẫn thêm trầm trọng.

Bạo lực thường xuyên bùng phát ở khu vực này từ năm 1989 và 2018 là một trong những năm tồi tệ nhất: hơn 500 người đã thiệt mạng, bao gồm thường dân, lực lượng an ninh và quân đội, số người chết cao nhất trong một năm suốt một thập kỷ qua.

Ấn Độ và Pakistan đã nhất trí được với nhau một lệnh ngừng bắn vào năm 2003 sau nhiều năm đổ máu dọc theo đường biên giới thực tế (còn được gọi là đường biên kiểm soát). Pakistan sau đó hứa sẽ ngưng chi tiền cho các phần tử nổi dậy trong vùng lãnh thổ này trong khi Ấn Độ tuyên bố ân xá cho họ nếu họ buông vũ khí.

Rồi vào năm 2014, một chính quyền mới lên nhậm chức ở Ấn Độ với lời hứa sẽ có lập trường cứng rắn với Pakistan. Một năm sau, Ấn Độ cáo buộc các nhóm có trụ sở ở Pakistan tiến hành vụ tấn công một căn cứ không quân của Ấn Độ ở Pathankot, bang miền bắc Punjab. Ông Narendra Modi hủy một chuyến thăm đã lên lịch tới Pakistan dự một hội nghị thượng đỉnh vùng vào năm 2017. Kể từ đó, quan hệ song phương đã ngưng trệ gần như hoàn toàn.

Tháng 6-2018, Đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rút ra khỏi chính quyền liên minh tại Kashmir do Đảng Dân chủ nhân dân đứng đầu. Theo luật, Jammu và Kashmir từ đó thuộc quyền chỉ đạo trực tiếp từ Delhi, gây ra thêm căng thẳng trong vùng.

Vụ tấn công khủng bố khiến 47 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng vào ngày 14-2-2019 đã chấm dứt mọi hi vọng đàm phán trong tương lai gần. Ông Modi tuyên bố Ấn Độ sẽ thực hiện “mọi bước đi ngoại giao khả dĩ” để cô lập Pakistan khỏi cộng đồng quốc tế.

Ngày 26-2, Ấn Độ mở các đợt không kích vào lãnh thổ Pakistan mà họ nói nhắm vào các căn cứ quân sự. Pakistan nói các cuộc tấn công không gây ra thiệt hại gì đáng kể cho họ, nhưng khẳng định sẽ đáp trả. Ngày 27-2, Pakistan nói đã bắn rơi hai phản lực chiến đấu của Ấn Độ trên không phận nước mình.■

Cường quốc hạt nhân

Trong cuộc xung đột lớn gần nhất vào năm 1999, Ấn Độ và Pakistan đều trở thành nước sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng lúc đó họ còn chưa có nhiều phương tiện để triển khai. Hiện giờ thì Ấn Độ đã có 140 đầu đạn và Pakistan khoảng gấp 10 số đó. Mỗi bên đều có đủ loại tên lửa có thể mang những đầu đạn đó.

Pakistan cũng đã xây dựng vũ khí hạt nhân chiến thuật, tức loại có tầm bắn tương đương 70km với mục đích ngăn chặn quân Ấn Độ tràn qua biên giới, tức có thể sử dụng ngay trong lãnh thổ Pakistan khi cần. Nguy hiểm hơn, tầm bắn ngắn đồng nghĩa các loại vũ khí này có xu hướng được bố trí ở gần đường biên giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận