Truyện ngắn: Một người đã biến mất!

KHÔI VŨ 19/03/2019 04:03 GMT+7

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

Mư Sa chỉ là em ruột của chủ nhân cái bàn viết gỗ thấp ấy, anh Nguyễn Thâm. Sao anh ấy lại họ Nguyễn khi em mình họ Điểu? Sẽ có lúc giải thích chuyện này.

- Mỗi buổi sáng anh Thâm thường dậy sớm khoảng lúc ba giờ. Anh ấy mở đèn phòng ngay khi đứng lên rời giường ngủ - Cái phin cà phê nói với Mư Sa - Rồi sau ít phút vệ sinh cá nhân, anh ấy trở lại phòng. Anh ấy thong thả ngồi lên cái nệm sau bàn viết...

- Việc đầu tiên là anh Thâm nhấn nút khởi động tôi - Cái laptop kể tiếp - Tôi có pin nhưng anh ấy thường cắm điện. Tuần lễ, mươi ngày anh ấy mới tháo điện cho pin hoạt động một, hai tiếng.

- Rồi anh ấy pha cà phê - Cái phin cà phê tiếp - Pha rất đúng cách. Múc ba muỗng đầy cho vào phin rồi chế vào một ít nước sôi. Đợi khoảng năm phút sau cho cà phê nở, anh ấy mới chế thêm nước. Nắp phin bao giờ cũng đậy hở một chút cho cà phê chảy xuống dễ dàng hơn...

- Anh ấy chỉ cho một muỗng đường thôi, không hơn không kém - Lọ đường kể - Tôi nghĩ là cà phê chưa đủ độ ngọt bình thường. Chắc anh ấy thích uống đắng một chút.

Mư Sa nghe câu chuyện từ những vật dụng quen thuộc trên bàn viết của anh mình đã nhiều lần. Nội dung lần nào cũng tương tự thế. Và cô chỉ nghe được vào lúc ba giờ sáng, đến ngồi trên cái ghế mây sau bàn. Vào giờ này, không gian còn im lặng lắm. Nhà của người Chơ-ro ngoài xã Lịch tất cả đã giống nhà người Kinh, nền thấp, lát gạch, mái ngói. Nhà trong ấp thì chỉ còn cái nhà sàn duy nhất của gia đình Mư Sa nằm sát bìa rừng. Xung quanh nhà là một vườn cây ăn trái và phía sau là một nương rẫy trồng luân phiên bắp, mì... Có một cái chòi cao để chứa thóc. Có một cái chuồng nhỏ để bầy gà về ngủ sau một ngày tung tăng kiếm ăn trong vườn, rẫy. Sớm, yên tĩnh, lắng hồn, có thế Mư Sa mới nghe được tiếng nói của những đồ vật. Trước đây mấy lần anh Thâm ngỏ ý với ông Điểu Ư rằng mình muốn bỏ nhà sàn để xây nhà gạch nền thấp. Cha Mư Sa từng nói với cô: “Người và đất phải ở cách nhau. Người cần bầu trời trên đầu mình để thở. Đất cũng cần khoảng trời bên trên nó để thở”.

- Tôi thích ngắm anh Thâm khi anh ấy ngồi suy nghĩ - Cái laptop mỉm cười - Anh ấy có gương mặt đẹp trai, làn da nâu mạnh mẽ, đôi mắt sáng như sao. Ngồi xếp bằng, đôi khi hai mắt nhắm lại, anh ấy nhìn giống một đạo sĩ hay một thiền sư. Còn khi mở mắt ra chăm chú làm việc, anh ấy đúng là một trí thức.

- Anh Thâm viết bằng máy nhưng thỉnh thoảng vẫn ghi ra giấy mấy câu ngắn - Cây bút kể.

- Anh ấy cũng hay đọc tôi - Quyển sách kể thêm.

Laptop nhìn thẳng mặt Mư Sa khi cô mở nắp máy, hỏi:

- Từ đâu mà những ngón tay của anh Thâm gõ lên phím chữ trên người tôi để ra những câu chữ? Chữ đầy trang này qua trang khác. Chữ ở đâu ra vậy Mư Sa? Mà những trang chữ ấy có nghĩa gì?

- Chữ ở cuộc sống và ở trái tim mà ra. Chữ của anh Thâm là những nghiên cứu của anh ấy về người Chơ-ro... - Mư Sa trả lời.

Radio nói chen ngang:

- Tôi biết rồi. Thỉnh thoảng người ta đọc bài của anh ấy phát qua máy của tôi.

Mư Sa phục anh Thâm lắm. Laptop nói đúng. Nước da ngăm đen của anh càng làm cho gương mặt vuông vức của anh nam tính hơn. Đôi mắt sáng thì vừa nhìn soi thấu bóng đêm, vừa để xuyên qua quá khứ của dân tộc mình mà ghi chép lại. Anh là một trong không nhiều người của cộng đồng hơn hai vạn người dân tộc Chơ-ro có học vị thạc sĩ. Anh học một mạch từ khi cắp sách đến trường, vào trường phổ thông dân tộc nội trú rồi đậu đại học, rồi đậu cao học, bảo vệ luận văn thạc sĩ về phong tục dân tộc mình. Với tấm bằng trong tay, anh chọn làm giảng viên thỉnh giảng để có thời gian làm nghiên cứu sinh. Mỗi tuần anh chỉ đi dạy ba ngày và ở lại trường, thời gian còn lại anh về quê hoặc đi điền dã.

Mư Sa thương anh Thâm lắm. Khi Mư Sa mười lăm tuổi, cha mẹ đã nhắc cô chuẩn bị tinh thần để cưới chồng. Con gái Chơ-ro là như thế. Hồi ấy ông Điểu Ư còn sống, nhà còn dựng trong rừng sâu, còn là nhà sàn dài. Một đêm Mư Sa đã mở hẳn cửa sổ để báo hiệu sẵn sàng đón trai Chơ-ro đến với mình khi thấy cây gậy thò vào cánh cửa sổ để hé. Rồi chàng trai khẽ khàng leo lên nhà sàn, khéo léo đi trên cây gỗ dọc nhà để không gây ra tiếng động, đến chỗ ngủ của cô.

Cô tình cờ quen chàng trai này và bị hấp dẫn ngay với vóc dáng cao lớn và nụ cười tươi của anh ta. Anh ta giới thiệu tên, nói mình họ Điểu trên giấy tờ - như những người Chơ-ro ở vùng Định Quán - còn họ Chơ-ro truyền thống của anh là họ Bô Glao, nhà đang ở xã Hiệp. Họ truyền thống không giống nhau là có thể lấy nhau rồi, luật tổ tục dạy thế. Chàng trai họ Bô Glao do có việc qua xã Lịch ở bên này sông, nhiều lần gặp Mư Sa nên đã đem lòng thầm yêu.

Tối hôm ấy anh ta đã qua đây và ở lại để đến gặp Mư Sa. Mư Sa cảm thấy thích thú khi ngồi đối diện và thầm thì nói chuyện với anh ta. Nhưng khi anh ta qua ngồi sát bên cô rồi ôm lấy người cô thì cô chợt thấy buồn nôn khủng khiếp. Cô đã được mẹ dạy từ hai năm trước rằng khi người con trai bắt đầu ôm người con gái thì sau đó anh ta sẽ còn làm nhiều điều hơn nữa. Khi ấy cứ để mặc anh ta, hưởng ứng cùng anh ta vì đó là chuyện bình thường và được phép. Nhiều lúc cô đã tưởng tượng và mong chờ xem đó là những việc gì. Cả lúc ngồi thì thầm với chàng trai, cô cũng rất mong chờ. Vậy mà không hiểu sao ngay phút giây thần tiên đầu tiên cô lại thấy mình như bị ném lên không trung. Cô thấy mình như một thiên thần còn chàng trai kia như một con ác quỷ. Cô buồn nôn và không thể cưỡng lại nhu cầu của cơ thể, chạy xuống nhà sàn rồi ra một góc vườn mà nôn thốc nôn tháo.

Chàng trai đi theo Mư Sa, chăm sóc cho cô. Khi trở lên nhà sàn, cô không cho anh ta đi theo mình nữa. Rồi cô đuổi anh ta đi trong sự ngạc nhiên tột độ của anh ta. Sau lần ấy, chàng trai họ Bô Glao còn trở lại mấy lần nữa, đưa gậy dài qua cửa sổ mở hé nhưng cô không mở nắp cửa sổ đồng ý cho lên chỗ mình ngủ. Mẹ Mư Sa mắng cô: “Ngủ với nó thì có gì mà không cho”. Ông Điểu Ư không nói gì. Chỉ riêng anh Thâm bảo cô từ nay đừng mở cửa sổ nữa, coi như không đón trai vào. Anh còn nói: “Mày lo học hành thôi. Học theo tao. Chuyện cưới chồng để sau. Thời đại bây giờ khác ngày xưa rồi”.

Mư Sa nhớ anh Thâm lắm. Bây giờ cô học hành đến nơi đến chốn rồi, làm một cô giáo dạy học trò hát rồi. Mỗi chiều thứ bảy từ trường nghệ thuật ngồi xe buýt vượt hàng trăm cây số về nhà nghỉ, sáng sớm chủ nhật là Mư Sa ra bàn viết của anh Thâm ngồi. Cái bàn gỗ thấp và cái nệm ngồi trở thành quen thuộc và đầy ắp kỷ niệm với cô. Nhớ anh lắm. Vì anh không còn cơ hội về thăm nhà như trước nữa. Một năm rồi...

********

- Bài viết cuối cùng của anh Thâm là viết về cái gì? - Cái laptop hỏi Mư Sa - Tôi nhớ hôm ấy khi đóng máy, anh ấy còn vui vẻ lắm. Anh ấy huýt sáo bài “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi...”. Tôi muốn hỏi sao anh không huýt sáo bài “Theo mẹ lên nương” của dân tộc mình. Nhưng anh ấy đâu nghe được tiếng nói của tôi...

Mư Sa biết ngày cuối tuần ấy. Ngày mà cái laptop kể là sáng chủ nhật. Sau đó suốt ngày này anh Thâm nói chuyện điện thoại với ai đó, cứ khoảng hai tiếng lại nói một cuộc dài mươi mười lăm phút. Mư Sa nghe thì biết hai bên đang thương lượng việc gì đó và có thể đi đến thỏa thuận.

- Mư Sa trả lời tôi đi chứ - Laptop nóng lòng - Anh Thâm đã viết gì trong bài cuối trên máy tôi?

Mư Sa mở máy:

- Đây rồi... là bài viết về nguồn gốc của họ Chơ-ro nhà ta... Họ Chrau Lun, họ “Cá sấu” ấy mà...

- Đọc cho tôi nghe đi. Nhanh lên!

- Không cần đọc đâu - Mư Sa nói - Chuyện này tôi cũng biết. Hồi còn sống, cha tôi đã kể cho cả nhà nghe nhiều lần. Tôi kể lại thôi... Ngày xưa ông bà tổ họ nhà tôi được cá sấu cứu nên họ kết bạn với nhau. Cá sấu bảo từ đó người Chơ-ro họ nhà tôi không được ăn thịt cá sấu nữa. Nhưng trong một lần vô tình, ông bà tổ đã ăn thịt cá sấu mà không biết. Họ bị hóa thành hai cột đá bên sông, gọi là đá Cậu và đá Mợ. Những người Chơ-ro họ nhà tôi sau đó đã ghép chữ Lun là cá sấu với chữ Chrau là người, thành họ Chrau Lun...

- Chuyện hay quá... - Cái laptop reo lên - Còn hai cột đá Cậu, đá Mợ thì bây giờ ở đâu?

- Nó bị chìm vào lòng hồ Trị An khi người ta làm đập thủy điện rồi...

*********

Trong nhà, anh Thâm sợ cha hơn mẹ, dù mẹ mới là chủ gia đình. Mư Sa nghe anh tâm sự về chuyện anh muốn đổi qua họ Nguyễn cho giống người Kinh để khi giao tiếp, làm việc sẽ thuận lợi hơn. Anh biết chắc là không bao giờ ông Điểu Ư đồng ý. Anh chỉ tâm sự với Mư Sa lúc ấy vừa vào học trường cao đẳng sư phạm: “Họ của người Chơ-ro các nơi ghi trên giấy tờ bây giờ đều do người Pháp và triều đình nhà Nguyễn đặt ra căn cứ nơi sinh sống để họ dễ quản lý. Ở đây tất cả người dân tộc mình đều mang họ Điểu, ở Xuân Lộc thì họ Thổ, họ Đào, ở Long Thành thì họ Dương, ở Xuyên Mộc có họ Tòng... Tao muốn đổi qua họ khác thì có gì lạ. Họ Nguyễn lại cũng là một họ được đặt của người Chơ-ro mình. Tao nghĩ quan trọng là mình biết họ truyền thống của mình để không lấy nhầm người cùng họ”.

Mư Sa nghe thì thấy cũng có lý - anh Thâm giỏi lý luận lắm - nhưng cô vẫn không sao thông được cái lý do “để làm ăn, giao tiếp thuận lợi hơn”. Dù sao thì cô cũng không dám nói suy nghĩ của mình ra trước người anh mà kiến thức cao hơn cô hàng trăm cuốn sách.

Ông Điểu Ư qua đời. Chẳng bao lâu anh Điểu Thâm trở thành Nguyễn Thâm, bằng cách nào đó không biết. Mà cũng chẳng cần biết. Ít lâu sau nữa anh cưới vợ ở Sài Gòn chứ không phải là một cô gái nào cưới anh làm chồng như tập tục của người Chơ-ro. Đám cưới làm ở Sài Gòn, anh thuyết phục được mẹ ở nhà không dự. Mà mẹ có muốn dự thì cũng không biết đường đi, không biết đi xe cộ thế nào. Mư Sa cũng chỉ được biết mặt chị dâu khi cô gái người Sài Gòn ẵm con trai về thăm nhà. Khi ấy cả mẹ và Mư Sa cùng tự nhiên hết giận. Đứa cháu trai của họ đẹp như một thiên thần...

Riêng anh Thâm, dù đã cưới vợ, có con, anh vẫn về nhà hàng tuần, tuy ít hơn trước. Nhiều lần anh thở dài nói với Mư Sa: “Chỉ khi nào về nhà, ngồi nơi cái bàn viết gỗ của mình, tao mới viết được về người Chơ-ro. Ở Sài Gòn, tao viết bài nào cũng hỏng hay phải bỏ dở dang...”.

Luyến tiếc tận thâm tâm. Cố gắng đến vô vọng. Cuối cùng, anh Thâm đã không về nhà nữa. Đi theo tiếng gọi cuộc sống mới, anh bỏ quê, bỏ công việc của một nghiên cứu sinh. Ngày về thăm mẹ và em gái rồi từ giã ra đi, anh kể rằng mình được một công ty ở nước Anh nhận vào làm việc, họ trả lương, cấp nhà ở tạm và tài trợ nuôi vợ con trong ba năm. Anh không nói ra, Mư Sa vẫn biết tất cả là nhờ gia đình bên vợ.

Mẹ đã khóc hết nước mắt. Mư Sa thì khóc tự trong lòng. Và lúc anh Thâm lên xe cho người bạn chở đi, cô thấy anh cũng chảy nước mắt. Ai cũng có quyền lựa chọn cuộc sống cho mình. Một người Chơ-ro đã chọn cuộc sống hiện đại. Một người họ Chrau Lun từ nay có ăn thịt cá sấu cũng không bị hóa đá nữa rồi.

*********

- Nói đi nào Mư Sa! Anh Thâm đâu rồi mà lâu quá chúng tôi không thấy nữa?

Cái laptop, cái bình đun nước nóng, cái phin pha cà phê, lọ đường, cái radio, xấp giấy nháp, cây bút bi... đều lên tiếng hỏi.

Ba giờ sáng. Giờ linh thiêng của rừng. Cây không được phép rung. Gió không được phép bay. Suối phải chảy thật chậm. Giờ của thánh nữ Mư Sa! Cô đã là thánh nữ! Kể từ khi những chàng trai Chơ-ro gặp cô, không ai dám nghĩ đến cô như một người con gái bình thường mà là một mẫu thánh thiện, chỉ để chiêm ngưỡng.

- Anh Thâm đã biến mất khỏi thế gian này rồi!

Câu trả lời của Mư Sa cất lên. Tiếng nói của cô là âm thanh duy nhất trong không gian đang im lặng tuyệt đối ở xã Lịch. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận