Lặn hang động: 'Sợ chết thì sẽ chết'

BÌNH MINH 10/04/2019 17:04 GMT+7

TTCT - Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện cùng các chuyên gia lặn hang động Anh Martin Holroyd, Rick Stanton, Jason Mallinson và Chris Jewell về công việc đầy lý thú nhưng cũng nhiều rủi ro này.

9h sáng 1-4, chuyến xe cuối cùng chở 25 người khuân vác, thực phẩm và các thiết bị của nhóm chuyên gia lặn hang động trong chuyến thám hiểm hang Sơn Đoòng bắt đầu lăn bánh. 

Trước đó, hơn 500kg thiết bị chuyên dụng phục vụ quá trình lặn cũng được vận chuyển trực tiếp từ Anh sang Việt Nam và được những người khuân vác chuyên nghiệp đưa vào khu vực hang Sơn Đoòng trong 2 ngày liên tục.

Lặn hang động đòi hỏi sự trầm tĩnh phi thường. Ảnh: Ryan Deboodt
Lặn hang động đòi hỏi sự trầm tĩnh phi thường. Ảnh: Ryan Deboodt

Những yếu tố nào trong hang động có thể ảnh hưởng đến quá trình lặn? Các yếu tố này là như nhau ở tất cả các hang hay khác nhau, thưa ông?

- Rick Stanton: Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình lặn gồm nhiệt độ và tầm nhìn dưới nước, bán kính lòng hang, độ sâu của hang và sức chảy của dòng nước. Những yếu tố này thay đổi tùy điều kiện khí hậu và vị trí địa lý mỗi quốc gia. Chúng tôi chưa biết tầm nhìn ở hang Sơn Đoòng ra sao, vì trước đây chúng tôi chủ yếu lặn ở Anh và các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, vì Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ dưới nước sẽ ấm hơn, ở mức khoảng 23 độ C, điều này sẽ dễ dàng cho các thợ lặn hơn rất nhiều so với làn nước quanh năm lạnh cóng ở Anh.

Sự thuận lợi trong quá trình lặn còn tùy thuộc không gian trong hang động. Nếu bạn hoàn toàn không thấy gì trước mặt, nhưng lòng hang hẹp thì vẫn có thể sờ và cảm nhận được các vách đá. Nếu bạn có tầm nhìn 5m nhưng lại ở trong một không gian rộng 50m thì rất khó để lần mò theo các vách đá. Chúng tôi chưa biết gì về nơi mình sắp thám hiểm vì chưa từng có ai đặt chân đến, nhưng dự đoán là nó sẽ rất rộng vì nằm trong Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới.

Lặn dưới hang động có những điểm giống và khác thế nào so với lặn biển?

- Rick Stanton: Trước khi tham gia chuyến lặn, bất cứ thợ lặn nào dù là ở biển hay ở hang động đều phải đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể. Đây là điều quan trọng nhất mà mọi thợ lặn phải nhớ, vì nó giúp giảm rủi ro mắc chứng giảm áp (decompression sickness - PV) - hiện tượng xảy ra khi thợ lặn trồi lên quá nhanh từ dưới nước, có nguy cơ dẫn đến tử vong. Ngoài ra, cung cấp đủ nước còn giúp máu lưu thông tốt hơn. Đây cũng là một trong các yếu tố cần thiết cho một cuộc lặn an toàn.

Tuy nhiên, trong môi trường hang động, chúng tôi phải dùng các thiết bị chuyên dụng vì trong hang thường tối, luôn đội mũ bảo hiểm vì xung quanh là các cạnh đá. Một điểm mấu chốt chính là ở ngoài biển bạn chỉ cần trồi lên mặt nước nếu đột ngột có trục trặc. Trong khi đó, lặn hang động luôn đòi hỏi thợ lặn phải chuẩn bị phương án dự phòng rất kỹ, vì bạn không thể thoát ra khỏi một không gian kín như vậy trong thời gian ngắn được, thậm chí phải quay ngược lại đường cũ tìm lối thoát.

Những rủi ro nào có thể xảy ra trong quá trình lặn hang động?

- Jason Mallinson: Nguy cơ lớn nhất nằm ở việc thiết bị hỏng hóc. Vì vậy, chúng tôi luôn phải chuẩn bị phương án dự phòng sao cho đủ thời gian quay lại, hoặc hoàn thành nhiệm vụ chỉ với một thiết bị còn lại. Yếu tố thứ hai có thể khiến các thợ lặn hang động rơi vào tình huống nguy hiểm là mất ánh sáng, mất tầm nhìn. Lúc này, thợ lặn phải cực kỳ bình tĩnh để tìm lại ánh sáng. May mắn là hiện nay có nhiều thiết bị chuyên dụng sử dụng công nghệ hiện đại, cho phép giảm thiểu tối đa các rủi ro này và cung cấp cho thợ lặn nhiều nguồn sáng và oxy dưới nước.

Thám hiểm hang động không chỉ là tận hưởng và phấn khích, mà còn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Ảnh: Ryan Deboodt
Thám hiểm hang động không chỉ là tận hưởng và phấn khích, mà còn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Ảnh: Ryan Deboodt

Lặn trong một hang động tối tăm, lạnh lẽo và có thể gặp rủi ro bất cứ lúc nào, các thợ lặn cần rèn một tinh thần thép?

- Rick Stanton: Để trở thành thợ lặn hang động, điều cần thiết nhất là bạn phải học được cách bình tĩnh trước áp lực. Tinh thần bạn phải “tĩnh” và không bao giờ được phép để nỗi sợ xâm chiếm bản thân. Bạn phải luôn rèn khả năng suy nghĩ thấu đáo trong mọi tình huống, luôn thực tế và hiểu rõ tất cả các thiết bị chuyên dụng để có phương án ứng phó phù hợp, nhanh chóng nhất nếu có rủi ro xảy ra.

Bản thân tôi luôn là người điềm tĩnh, nên tôi thấy không mấy khó khăn trong việc làm chủ cảm xúc khi lặn. Tuy nhiên, một số người cần phải dành rất nhiều thời gian tập lặn, rèn luyện và thậm chí là đối mặt với cái chết. Từ đó, họ học được cách làm thế nào để sống sót và biết rằng lần tới họ sẽ xử lý tình huống tốt hơn.

Chúng tôi luôn tự nhắc nhở trong quá trình lặn dưới hang động là “nếu sợ chết thì sẽ chết”, vì vậy luôn cố gắng tập trung vào chiến lược, giải pháp. Không phải ai sinh ra cũng phù hợp để đi lặn hang động, vì có những người rèn luyện cách mấy cũng không thành thạo được. Bản thân tôi lại cảm thấy rất dễ chịu và thư giãn khi ở trong môi trường hang động. Có lẽ vì tôi đã quen với nó rồi.

- Chris Jewell: Thái độ là yếu tố quan trọng hàng đầu trong lặn hang động. Bạn có thể có kỹ thuật lặn tốt, nhưng thái độ mới là điều giúp bạn an toàn và theo đuổi công việc được lâu dài. Thợ lặn hang động không được đặt bản thân mình và các thành viên trong nhóm vào những tình huống quá rủi ro, phải luôn học cách sử dụng thành thạo thiết bị chuyên dụng. Bất kể họ có bao nhiêu năm kinh nghiệm hay thành thạo đến đâu, phải làm mọi thứ cẩn thận và đặc biệt nhất là không nên cho rằng lặn hang động chỉ là thứ mang lại sự phấn khích, giải trí.

Thợ lặn cần biết khả năng của bản thân mình, đồng thời luôn rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm theo thời gian để có thể lặn ở các hang động với thử thách khó hơn. Bạn phải hiểu chính mình có thể làm gì, giới hạn là gì và biết tự đánh giá khi nào thì mình sẵn sàng hoặc ngược lại. Bạn cần phải học cách đi những bước nhỏ.

Từ trái sang: Laura Jewell (điều phối viên thiết bị lặn), Jason Mallinson, Martin Holroyd, Chris Jewell và Rick Stanton - các thành viên tham gia chuyến lặn thám hiểm dòng sông ngầm trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Oxalis cung cấp
Từ trái sang: Laura Jewell (điều phối viên thiết bị lặn), Jason Mallinson, Martin Holroyd, Chris Jewell và Rick Stanton - các thành viên tham gia chuyến lặn thám hiểm dòng sông ngầm trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Oxalis cung cấp

Đâu là những tiêu chí để các ông chọn những thành viên sẽ tham gia một chuyến lặn của mình?

- Rick Stanton: Lặn hang động là công việc đòi hỏi sự tham gia của nhiều người, vì vậy chúng tôi luôn tìm kiếm những người có khả năng hợp tác, đáng tin cậy và sẵn sàng giúp đỡ đồng đội trong nguy cấp. Cả nhóm lặn phải tin tưởng lẫn nhau để cùng đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Đó là những người có sự quyết tâm cao độ, nhưng đôi khi cũng nên có một chút hài hước để mang lại những giây phút thoải mái ở một nơi tối tăm và lạnh lẽo.

Các thành viên trong đội cũng phải biết cả những điểm mạnh và yếu của nhau để phân công trách nhiệm phù hợp, đặc biệt trong lúc rủi ro xảy ra. Tôi có những người bạn lặn cùng rất lâu năm, chúng tôi xây dựng tình cảm, sự tin tưởng lẫn nhau theo thời gian, để từ đó đồng hành cùng nhau trong những chuyến thám hiểm lớn hơn, thử thách hơn với sự an tâm tuyệt đối.

Hầu hết thợ lặn đều phải tự chi trả các thiết bị phục vụ cho chuyến thám hiểm của mình?

- Rick Stanton: Đúng. Trước khi vào bất cứ hang nào, chúng tôi đều phải vẽ bản đồ, đo khoảng cách giữa hai điểm, dùng la bàn để đo đạc các góc, chiều sâu của hang... Có rất nhiều thông số cần phải xác định. Đôi lúc chúng tôi được các công ty tài trợ những thiết bị này, nhưng phần lớn các thợ lặn đều phải tự mua. 

Ví dụ chiếc máy tính dưới dạng đồng hồ đeo tay mà tôi đang sử dụng có giá hơn 1.000 USD. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, lặn hang động không phải là một công việc, mà là đam mê, vì vậy chúng tôi cảm thấy thoải mái khi đầu tư vào các thiết bị. Một trong các khoản chi phí nặng nhất mà thợ lặn hang động thường chi trả là tiền vé máy bay đến những khu vực có hang động muốn khám phá.

Jason Mallison: Chúng tôi hầu như tự rèn luyện mọi thứ. Lần đầu tiên lặn xuống hang động, tôi nhớ mình đã rất nỗ lực để tập trung vào các thiết bị, kiểm soát bản thân và làm chủ tầm nhìn. Tôi học từng chút một, từ cách tập trung vào sự an toàn và mục tiêu, rồi khi quen dần với môi trường hang động mới bắt đầu trải nghiệm cảm giác thích thú khi khám phá lòng hang. Phải luôn ưu tiên sự an toàn hàng đầu và chú ý đến từng chi tiết rất nhỏ như mình đã sử dụng bao nhiêu oxy trong bình lặn, hay lần theo sợi dây đánh dấu ra sao. 

Chính cảm giác “sợ chết” lại giúp chúng tôi có sự tập trung cao độ để luôn chuẩn bị đối phó các tình huống bất trắc. Tôi xem đây là một cảm xúc tích cực thay vì tiêu cực.

Ngoài việc lặn hang động để khám phá, các ông từng lặn để giải cứu các nạn nhân mắc kẹt. Cảm giác giữa hai tình huống lặn này khác nhau ra sao?

- Rick Stanton: Nếu như lặn hang động là một đam mê, thì lặn giải cứu nạn nhân lại đòi hỏi những kinh nghiệm để cứu mạng người. 40 năm qua, tôi đã nỗ lực hết mình để theo đuổi việc lặn hang động, có rất nhiều chuyến đi phải tự mình chi trả, nhưng đổi lại tôi tích lũy được đủ kinh nghiệm để có thể tình nguyện cứu hộ các nạn nhân mắc kẹt trong hang động. Mọi người tin tưởng chúng tôi, vì họ hiểu rằng nếu không phải là chúng tôi thì sẽ không là ai khác.■

 Đối với loại công việc này, sự thấu hiểu và hỗ trợ của người thân trong gia đình sẽ là động lực rất lớn cho các thợ lặn. Chị Laura Jewell - vợ anh Chris Jewell, đồng thời là điều phối viên các thiết bị chuyên dụng trong chuyến lặn thám hiểm hang Sơn Đoòng - chia sẻ: “Hầu hết thợ lặn đều tình nguyện làm công việc này, vì vậy sẽ rất may mắn nếu chúng tôi tìm được những người đồng hành biết lắng nghe, biết thấu hiểu. Tôi cũng có đam mê dành cho lặn hang động, vì vậy tôi hiểu được những thử thách và vấn đề mà Chris đang gặp. Chúng tôi chia sẻ nhau và đồng hành đến giờ này trong các chuyến đi. Cũng như Chris, tôi chưa từng thấy sợ hãi hay nguy hiểm khi nghĩ về công việc này”.

Thám hiểm hang động đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng. Ảnh: Stephen Dang & Kevin Lee
Thám hiểm hang động đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng. Ảnh: Stephen Dang & Kevin Lee

Việc ăn uống của đội thám hiểm

Theo chị Nguyễn Thị Như Ngọc - nhân viên điều hành tour Sơn Đoòng, khẩu phần ăn cho nhóm các chuyên gia lặn hang Sơn Đoòng được thiết kế khá kỹ lưỡng để phù hợp với nhu cầu hoạt động. Mỗi bữa có 12 - 13 món để đảm bảo khẩu vị và cho phép các chuyên gia có nhiều sự lựa chọn về món ăn. Ngoài các món chủ yếu trong thực đơn bao gồm thịt và cơm được dùng kèm với các món mặn như gà chiên, thịt bò cuốn lá lốt, cá viên xốt cà chua…, hầu hết các bữa ăn luôn kèm khoai tây chiên và bánh pancake, món khoái khẩu của nhiều người nước ngoài. Thực đơn dành cho các chuyên gia hiện không có món thịt lợn vì lý do dịch bệnh và được thay thế bằng các món cá.

Ngoài các bữa chính, nhóm phục vụ của Công ty Oxalis cũng tăng cường nhiều loại bánh kẹo trong bữa ăn phụ để giúp các chuyên gia kịp thời bổ sung năng lượng, hoặc các món như cơm chiên. Hiện nay, thời gian làm việc cụ thể chưa được xác định vì còn tùy thuộc vào tình hình thực tế trong hang động. Cách 2 ngày, Công ty Oxalis sẽ tiếp tế thực phẩm mới để đảm bảo độ tươi sống.

Không giống như thói quen chú trọng vào bữa ăn sáng của người Anh, trong chuyến thám hiểm lần này, các chuyên gia sẽ ăn vừa đủ vào buổi sáng để di chuyển nhẹ nhàng nhưng vẫn đủ năng lượng làm việc. Buổi tối, các món ăn sẽ nhiều hơn vì đây được xem như một đêm “liên hoan” sau những nỗ lực của cả ngày. Khẩu phần ăn được tính theo calo và không có các chất bia, rượu, chỉ có nước ngọt và nước lọc được lọc thẳng từ nguồn nước trong hang.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận