Danh thủ Đức và sự nghiệp trí thức

HUY ĐĂNG 21/04/2019 17:04 GMT+7

Mùa hè này, ban lãnh đạo Bayern Munich sẽ chào đón sự tham gia của một cái tên đặc biệt - thủ thành huyền thoại Oliver Kahn.

Tuy chưa được công bố chính thức, nhưng báo chí Đức khẳng định đây là thông tin chắc chắn. Điều băn khoăn duy nhất là liệu Kahn sẽ thay thế ghế chủ tịch của ông Uli Hoeness hay giám đốc điều hành của Karl-Heinz Rummenigge.

Bộ “tam đầu chế” của Bayern đều là những danh thủ lừng lẫy một thời, từ trái sang: Beckenbauer, Rummenigge và Hoeness. Ảnh: weltfussball
Bộ “tam đầu chế” của Bayern đều là những danh thủ lừng lẫy một thời, từ trái sang: Beckenbauer, Rummenigge và Hoeness. Ảnh: weltfussball

Truyền thống chọn người tài

Việc một cựu danh thủ mới giải nghệ được khoảng 10 năm như Kahn trở thành chủ tịch của một CLB hùng mạnh cỡ Bayern thực sự khá lạ lẫm trong thế giới bóng đá nói chung. Nhưng với riêng CĐV Đức hoặc Bayern, họ không ngạc nhiên gì chuyện đó, bởi đây đã là một truyền thống khá lâu đời. Hơn hai thập niên qua, “nội các” của “Hùm xám” gồm toàn những cái tên lừng danh một thời trên sân cỏ.

Bắt đầu vào năm 1994, Bayern bổ nhiệm Franz Beckenbauer (khi đó cũng 49 tuổi) làm chủ tịch đội bóng. Trong vai trò cầu thủ, “Hoàng đế” vốn đã là một huyền thoại độc tôn ở Bayern, và kỷ nguyên ông làm chủ tịch đội bóng lại càng rực rỡ hơn nữa.

Sau khi Beckenbauer từ nhiệm vào năm 2009, người thay thế ông là Hoeness - cũng là một cựu danh thủ Bayern. Tuy không nổi tiếng bằng Beckenbauer, Hoeness cũng từng khoác áo Bayern 9 năm, với hơn 300 lần ra sân, ghi 115 bàn thắng. “Chiếc cầu nối” giữa những thời kỳ của hai cựu danh thủ này là một huyền thoại khác - Rummenigge. Khoác áo Bayern suốt 10 năm, Rummenigge lập tức được CLB chào mời vị trí phó chủ tịch ngay sau khi giải nghệ. Ông đảm nhiệm công việc này giai đoạn 1991-2002, rồi chuyển sang làm giám đốc điều hành sau đó.

Giờ đây, Kahn sẽ thay thế một trong hai người: Hoeness hoặc Rummenigge. Về bề dày danh tiếng, cống hiến với đội bóng, thủ thành có khuôn mặt dữ tợn này không hề thua kém những tiền bối của mình. Sự băn khoăn có chăng chỉ nằm ở trình độ quản lý. Nhưng Kahn đã có bước chuẩn bị rất kỹ cho công việc tương lai của mình. Không lâu sau ngày giải nghệ vào năm 2008, anh theo học ngành quản trị kinh doanh ở Đại học Schloss Seeburg (Áo) và lấy bằng MBA vào năm 2016.

Những năm gần đây, cựu thủ môn 49 tuổi này cũng tham gia giới bình luận viên truyền hình. Mục đích chính của công việc đó không phải là kiếm tiền, mà để Kahn “đánh bóng” cho bản thân trong quan hệ với công chúng. Anh cũng có cơ hội rèn luyện khả năng thuyết phục mọi người qua công việc này.

Không chỉ Bayern, nhiều đội bóng khác ở Đức cũng có xu hướng mời các cựu danh thủ gia nhập ban lãnh đạo. Điển hình như Dortmund, với giám đốc điều hành là cựu tiền vệ Michael Zorc (khoác áo Dortmund 17 năm), rồi lãnh đội Sebastian Kehl (khoác áo Dortmund 13 năm), hay nổi tiếng nhất là Matthias Sammer, người đang giữ chức cố vấn ngoại giao của đội.

Trước khi trở lại CLB cũ Dortmund, Sammer từng có thời gian 4 năm làm giám đốc thể thao ở Bayern, và nhiều người cho rằng ông chính là nhân vật quan trọng nhất làm nên thời kỳ hoàng kim của “Hùm xám” (giành 4 Bundesliga, 1 Champions League) chứ không phải các HLV hay chủ tịch. Từ khi Sammer ra đi, Bayern đã sa sút không phanh.

 Matthias Sammer

Nền tảng là giáo dục

Chủ tịch, giám đốc điều hành hay giám đốc thể thao không giống như làm đại sứ hình ảnh, đó là những công việc đòi hỏi kiến thức, chuyên môn thực thụ. Vì lẽ gì những cầu thủ vốn quen cuộc đời “quần đùi áo số” của Đức có thể tiếp cận các công việc quản trị phức tạp và tầm vóc như thế (Bayern chẳng hạn, có thương hiệu được Forbes định giá tới 1,41 tỉ USD và có tổng doanh thu 376 triệu USD vào mùa giải 2016-2017)? Nền tảng giáo dục là điều quan trọng nhất.

Nhà báo Vũ Công Lập - người đặc biệt am hiểu văn hóa, truyền thống bóng đá Đức - cho biết: “Cần phải thừa nhận là các VĐV của Đức có nền tảng kiến thức rất tốt ở trường học. Điều này khá lạ lẫm bởi chúng ta đều biết các VĐV ngôi sao bước vào con đường tập luyện chuyên nghiệp từ tuổi thiếu niên, rất khó để họ có thời gian đầu tư cho việc học. Khi tìm hiểu chuyện này, tôi phát hiện ra người Đức có một chế độ giáo dục đặc biệt cho các VĐV ưu tú”.

“Các VĐV trẻ của Đức đa phần vẫn bám sát chương trình giáo dục ở trường như mọi bạn học bình thường khác. Hoàn toàn không có một sự miễn giảm, đặc cách gì cho họ. Họ vẫn phải thi những bài thi có độ khó như vậy, tham dự số lượng buổi học như vậy... Nhưng làm sao họ có đủ thời gian?

Chế độ giáo dục đặc biệt cho phép các VĐV kéo dài chương trình học của mình. Người bình thường học hết chừng đó kiến thức trong một năm thì các VĐV sẽ có hai năm, đại khái như vậy. Giáo dục dành cho các VĐV không quan trọng số lượng hay tấm bằng, mà là chất lượng. Ngoài ra, một số VĐV ngôi sao khi tham dự các giải đấu hay tập huấn, họ còn có giáo viên đi kèm để đảm bảo vẫn tiếp nhận đầy đủ chương trình học”.

Ở một số học viện bóng đá, các cầu thủ trẻ của Đức nói chung học cũng nhiều hơn đồng nghiệp nước ngoài. Sebastian Neuf, một giảng viên trong học viện trẻ của CLB Freiburg, kể: “Khi tôi đến Aston Villa, tôi kể với những đồng nghiệp ở đó rằng các cầu thủ U18 của chúng tôi học văn hóa khoảng 34 giờ/tuần (tức khoảng 5 giờ/ngày), họ nghĩ tôi nói dóc. Các cầu thủ trẻ ở Anh chỉ học khoảng 9 giờ/tuần. Ở Freiburg, chúng tôi không thể làm vậy được. Đa phần các học viên này không thể trở thành cầu thủ giỏi, 80% còn không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Họ cần học lên cao hơn để tìm kiếm công việc thích hợp cho mình sau này”.

Chương trình giáo dục mang tính phổ quát, miễn phí, toàn dân, bình đẳng, tính tới các cá nhân, coi trọng nhu cầu học tập và toàn diện bậc nhất thế giới của nước Đức đồng thời đã làm lợi cho nền bóng đá, cụ thể là cho các cựu cầu thủ, của siêu cường túc cầu này. LĐBĐ Đức (DFB) cũng góp công lớn. Theo thống kê của LĐBĐ châu Âu (UEFA), Đức là quốc gia số 1 châu Âu về đào tạo HLV. Năm 2013, họ đã có khoảng 28.400 HLV được cấp bằng B, 5.500 HLV bằng A và 1.070 HLV có bằng cao cấp theo tiêu chuẩn UEFA. Trong khi đó, những con số tương ứng của Anh - nơi có giải Premier League được xưng tụng hấp dẫn nhất hành tinh - chỉ là 1.759, 895 và 115.

Cũng với xu thế này, những huyền thoại của bóng đá Đức luôn có vị thế rất khác so với những đồng nghiệp nổi danh cùng thời, từ Beckenbauer, Rummenigge đến Sammer, và sắp tới sẽ là Kahn và nhiều người nữa.■

Những “trường học ưu tú”

Đầu thập niên 2000, Đức xuất hiện thêm một dạng trường học đào tạo VĐV đặc biệt được gọi là “Trường thể thao ưu tú” (tiếng Đức: Eliteschule des Sports).

Eliteschule des Sports ở Hamburg

Những trường này ráo riết săn tìm các tài năng thể thao và cung cấp cho họ một chương trình giáo dục nghiêm ngặt. Yêu cầu của những trường này rất cao, với một số trường có những thế mạnh khác nhau về công nghệ thông tin, kịch nghệ hay cả âm nhạc. Thống kê của trang German-way.com cho biết có 30-60% VĐV Đức giành được huy chương ở các kỳ Olympic gần đây xuất thân từ những ngôi trường ưu tú này. Có thể kể ra một số tên tuổi đặc biệt như kình ngư Britta Steffen (2 HCV Olympic 2008), VĐV điền kinh Robert Harting (HCV Olympic 2012) hay tay vợt Sabine Lisicki (từng vào chung kết Wimbledon 2013)…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận